Con chồng - Truyện của Hoa Đỗ

Chị kể:

Làng tôi ven sông đất mía, phù xa bồi đắp hai bờ. Con gái làng ăn mía, ăn ngô ỏm chan mật mía da đỏ hây hây. Bầm tôi thuộc diện đẹp trong gái đẹp của làng. Lấy bố tôi trai con nhà nghèo nhưng cũng sánh đôi như Loan Phương trên trời. Năm 45 sinh chị tôi .

Năm ấy đói mòn đói mỏi. Rồi kháng chiến bùng nổ. Cha đi ra sông ngược bè về hướng Tây theo cách mạng.Bầm ngày ngóng hướng Đông chờ chồng . Khi sinh con bèn đổi tên chị Bãi ( cha dặn đẻ con gái đặt tên là Bãi, kỉ niệm ngày gặp nhau trên bãi nổi sông Hồng) thành Đông.

Cảnh đợi chồng vô vọng ngày xưa không tin tức, quê trong vùng tạm chiến bao gian nan. Bỗng một hôm cha về! Khỏi nói bầm vui thế nào. Sáu tháng sau không giấu nổi. Cường hào ác bá, tay sai giặc Pháp bắt bầm thay nhau đánh đập, tra hỏi về chồng theo kháng chiến. Không chịu nổi lại sợ mất con bầm khai liều con của thằng theo Pháp.

Thoát. Quả tội sinh ra anh có mũi cao như Tây. Đẹp. Lại bị dân làng dị nghị. Ôi có nỗi khổ nào bằng!!! Bầm vẫn cắn răng chịu đựng. Hòa bình lập lại, trong niềm vui độc lập, bầm đợi mong cha về. Một sáng mai ra sông cắt cỏ bò. Ngồi dưới gốc phi lao nghỉ mát, dừng tay quạt, đưa chiếc nón nghiêng che nắng, nheo mắt nhìn. Ba người to dần từ bến sông đi lên. Bầm lẩm bẩm. Cha thằng Bắc về. Lần ấy cha bảo cha đi bộ đội lên Tây Bắc nên bầm đặt tên anh là Bắc cho vơi nỗi nhớ cha.

Quẩy gánh cỏ chưa đầy theo chồng về, đứa trẻ tầm hai tuổi nắm tay cha lon ton chạy vấp ngã lên ngã xuống. Về nhà bầm vỡ nhẽ, người phụ nữ trắng trẻo xinh đẹp kém cha khoảng hơn chục tuổi đi cùng là vợ của cha. Chuyện gì đã xảy ra đêm ấy chỉ có trời mới biết.

Không thấy chị kể nữa. Nhưng rồi cứ mỗi năm mẹ và bầm sinh một người tổng được mười người con. Chị là con thứ tư của mẹ hai. Cha, mẹ đi công tác, bầm ở quê làm ruộng sinh và nuôi con. Cầm lòng nhìn chồng bảnh bao thỉnh thoảng về rồi đi cùng người vợ bé xinh đẹp.

Bỗng một năm cha và mẹ về mang tiền và cả bè gỗ, tre, nứa lá về xây cất căn nhà khá to chỉ kém nhà địa chủ tí. Dân làng bảo:

- Có chồng làm cán bộ bõ thời má hồng xa cách! Chẳng biết bầm nghĩ gì? Rồi một năm tất cả chúng tôi theo cha về quê ở với bầm và đi học. Tôi vào vỡ lòng. Sáng dạ nên học không đủ năm vẫn lên lớp một. Bé chả hiểu chuyện gì đã xảy ra trong ngôi nhà xinh đẹp đầy tiếng cười con trẻ, chúng tôi lớn lên trong tiếng hò đối đồng của bầm, dưới lũy tre xanh quanh làng, với những cầu ao tổ, đội.

Ngoài những cân gạo của nhà nước, chúng tôi ấm bụng hơn nhờ những bắp ngô, củ khoai, bông lúa đi mót. Con tôm cất vó, con tép tát vét mương rãnh mỗi khi nước sông tráng qua, mang cá tôm từ sông vào.

Lớn chút nữa tôi bắt đầu biết nhớ mẹ, nhớ cha. Mỗi lần về thăm con rồi bố mẹ đi. Chị tôi khóc đòi theo, còn tôi mở tròn đôi mắt dõi theo cái xe đạp Liên Xô của bố chở mẹ đi đến khi chỉ còn chấm đen nơi cuối đường tôi mới quay lại thấy chị tôi mắt đỏ hoe dắt tôi về.

Chẳng biết trước cảnh ấy bầm tôi nghĩ gì! Chúng tôi ở cùng bầm đi học trường làng. Sáng nào mùa đông cũng như mùa hạ bầm dậy rất sớm, thật ra khi bầm dậy chúng tôi còn ngủ, lúc về bầm khua dậy đi học mới biết là bầm không gọi thì hôm nào cũng muộn học. Đến giờ tiếng bầm gọi dậy đi học vẫn vẳng bên tai. Bầm kể với thầy giáo tôi:

- Thầy ạ sáng nào tôi cũng phải gọi chúng nó như hò đò sông cái nó mới dậy đi học đấy.

Thầy bảo :

- Cảm ơn bà trò tôi cũng dạy đến nơi đến chốn nhưng trò còn nhỏ lại xa bố mẹ nên có bà trò tôi không bị muộn hay bỏ học.

Chúng tôi ở quê những tháng năm dữ dội tuổi thơ được năm năm thì tôi thấy bố về đón anh, chị, em tôi đi lên thành phố vào một mùa hè. Còn mình tôi ở lại với bầm. Lúc ấy con cả của bầm đã lấy chồng, anh Bắc đi bộ đội.

Bầm sinh được năm con sau mỗi lần cha về. Nhưng hai người đã mất lúc được vài bốn tuổi. Khi ấy chỉ còn tôi, bầm và một anh hơn tôi một tuổi. Ba bầm con sống trong trống vắng cha, mẹ, các anh chị và em. Đổi lại bầm rất thương tôi vì tôi bé, còi, sài, chấy, phải cạo trọc khi mới mười tuổi.

Khi xưa bài thượng sách nhất trị sài đầu chấy cắn là cạo trọc. Bầm bảo:

- Để con vộc ở nhà, nó ngoan ngoãn, chịu khó nhất. Nhưng gần hết mùa hè cha tôi về đón tôi đi, tôi không đi, bảo:

- Con không đi, con ở nhà với bầm, ở quê vui lắm. Sáng khi trống làng giục giã là bầm gọi đi lên sân kho tập thể dục, tối trăng lên đi tập nghi thức đội. Thật ra tôi có biết nơi ở mới thế nào, chỉ là thích và quen thôi cảnh quê thôi. Nhưng khi lên thành phố thì buồn thật, nhà nào biết nhà ấy, không có thể dục cả làng, không có tập nghi thức đội. Năm ấy là năm 1968, 1969. Bầm dõi theo cha con tôi lai nhau đi đến khuất hàng dâu thưa, tôi ngoái lại bảo:

- Con đi chơi với mẹ ít ngày con về với bầm. Mỗi lần nghĩ tới bầm tôi như thấy mình có lỗi với câu hứa đó. Cha dối cho tôi đi chơi nên tôi không mang quần áo ở quê đi. Lên thành phố mẹ sắm cho quần áo mới là áo Hồng Công quần bổ đũng chứ không như quần áo nhà quê, quần chân què và áo bà ba. Tôi không chịu mặc cứ đòi về quê với bầm vì bé nhưng tôi cảm nhận bầm rất vui khi cha lai tôi về.

Thật ra nhớ bầm nhưng mỗi khi về chơi được lúc là bầm cho vài hào đi chơi bạn cũ. Giờ tôi mới hiểu! Giá tôi hiểu sớm thì tôi đã đi chơi cả ngày để dành cho bầm khoảng thời gian quý giá bên cha sau những tháng ngày trống vắng, mà không dưng bầm phải thành người trở mình đêm “góa phụ”. Khi tôi thành góa phụ tôi cảm nhận và hiểu nỗi lòng bầm tôi cả đời xa chồng, nuôi con một mình lại trông nom những đứa con chồng trọn vẹn không đứa nào đui, què, sứt, mẻ. Học hành tử tế mỗi năm mỗi lớp.

Ngày xưa ấy học hành không chăm chỉ là đúp ngay chứ không như sau này xin đúp không được. Để “bàn giao” cho mẹ hai. Tôi đi mãi tận hè năm sau nữa sắp được về quê thì năm ấy lụt! 1971 con nước lịch sử. Cái bè gỗ trong nhà nổi mãi không thôi. Bầm và anh ngồi trên bè với những dụng cụ, đồ dùng tối giản đủ sống trong vài ngày nước lên. Khi bè chạm mái nhà, bầm và anh phải chặt rui, dỡ ngói leo lên nóc nhà.

Kể tới đây chị dừng lại nghẹn ngào rút chiếc khăn thêu lau nước mắt.

Tôi thương bầm lắm. Sau này mới biết cảnh ấy. Cha nói định về với bầm nhưng không kịp. Ngồi trên mái nhà gần một ngày lương ăn và nước uống đã cạn thì ca nô của chính phủ đến đón vào đê trung ương. Bầm được ăn chế độ cứu tế. Nước rút bầm và anh về, sau nạn giặc nước cảnh làng quê tiêu điều xơ xác. Cây cối ngập úng gặp nắng chết rũ, cóc nhái, vật nuôi chết thối cả vùng trời.

May đổi lại phù sa chải lụa một lớp dày ngập ống chân, mùa sau năng suất cao gấp bội mà chẳng mất hạt phân nào. Bấy giờ cha đưa tôi về. Lòng bầm héo rũ. Bầm mát mẻ:

- Giờ mới về còn gì nữa? Tôi và thằng bé có chết trôi thì cũng nổi xác lâu rồi. Tôi nghe thấy lòng xót xa. Bầm hay đọc câu thơ:

“Mặt mũi nào còn chào nhau nữa

Thẹn thùng này rửa mấy khúc sông!

Hay câu: “Cùng trong một tiếng tơ đồng,

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.”

(Kiều- Nguyễn Du)

Tôi không hiểu lắm, khi hiểu rồi thấy đau tận tâm can.

Bầm! Con thương bầm! Dù bầm không sinh ra chị em con. Nhưng con cảm nhận tấm lòng bầm. Một đời thiếu phụ chồng chung! Thiếu vắng! Con hiểu khi ấy bầm thèm cả cái bạt tai, câu mắng mỏ cáu bẳn vô lí của cha. Để sau đó có thể nằm gọn trong vòng tay cha mà kể này, kể nọ, cho hả cái nỗi chồng chung! Khi con bỗng dưng trở thành góa phụ con hiểu và càng thương bầm hơn. Bởi con là con chồng của bầm. Khi con nhớ lại ánh mắt bầm tiễn con đi về với mẹ trên thành phố. Câu nói :

- Mình nhớ năng đưa con vộc về với em! Còn vẳng bên tai như lời năn nỉ cha năng về. Tôi hiểu tại sao sáng nào bầm cũng dậy rất sớm đi uống chè cùng các ông trong làng….và về đúng giờ gọi chúng tôi đi học. Năm năm quy luật ấy bất biến trong con người bầm.

Ôi câu chuyện của bầm, của lịch sử, của phụ nữ ngày xưa còn in dấu đức hạnh của phụ nữ Việt Nam.

Những người con chồng như tôi mãi biết ơn bầm, ơn lịch sử và ơn quy tắc đạo đức xã hội để bầm của tôi sống thủy chung với chồng, trọn nghĩa với chồng và nuôi con chồng trong những tháng năm khốn khó.

Dừng lời chị đã khóc. Đọc lại lời kể của chị tôi cũng rưng rưng lệ. Là người viết tôi gặp nhiều cảnh đời éo le nhưng chuyện của chị tôi vẫn cảm thấy như có một không hai. Cảm thông dòng nước mắt muộn mằn của chị.

Nếu không viết thành truyện thì tôi thật có lỗi. Văn học thật có lỗi với nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình bị con người và lịch sử lãng quên về một người chiến sĩ cách mạng đã che giấu cán bộ cách mạng, nuôi con một cán bộ cách mạng. Im lặng không khai trước đòn roi tra tấn của kẻ thù. Để ngày nay cha, người cán bộ ấy đang sống và được hưởng chế độ lão thành cách mạng. Một lần nữa nghiêng mình cảm tạ tấm lòng cao cả của bà bầm của chị con chồng tôi may mắn được gặp.

Hà Nội, ngày: 16.12.2019 .

Hoa Đỗ