Con tàu than đi trong ký ức

Mỗi lần đến Tp. Hạ Long, nhìn những ngôi nhà nguy nga và tinh khôi, tôi lại nhớ đến bài thơ “Con tàu đi trong ô vuông than” của Nhà thơ Trần Nhuận Minh. Đó là những con tàu chở than, đi trong ga than của Nhà máy tuyển than Hòn Gai. Ngày trước, ga than, nhà máy tuyển than, cảng than đều nằm ngay ở trung tâm thị xã Hòn Gai, nay là TP. Hạ Long. Nơi đây đã ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của thợ mỏ Công ty Tuyển than Hòn Gai.

Nhân kỉ niệm 58 năm, chiến thắng trận đầu của quân và dân ta, đã bắn rơi máy bay của giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc (5/8/1964), tacphammoi online giới thiệu bài viết về di tích lịch sử oanh liệt này.


Một góc thị xã Hòn Gai năm xưa. (ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh).

Thông qua hình ảnh con tàu than, tác giả bài thơ liên tưởng đến truyền thống của thợ mỏ: “Con tàu đi trong ô vuông than/ Tảng kíp lê chợt ánh lên lóa mắt/ Tiếng than đập mênh mang đường sắt/ Giữa đất trời ngân nga/ Con tàu gần nối với tàu xa/ Dòng máu thợ chảy qua đây không ngớt/ Những người thợ vượt lên cho Tổ quốc/ Những tháng ngày gian nan…”. Có lẽ, thế hệ sau ít người biết rằng, Nhà máy tuyển than Hòn Gai và Cảng Hòn Gai có từ thời Pháp. Nơi đây, từ năm 1965 - 12/1972, máy bay Mỹ bắn phá 38 lần, ném gần 1.000 quả bom các loại. Khi đó, đơn vị quản lí Cảng, Nhà máy sàng, quản lí hệ thống vận tải đường sắt v.v. là Xí nghiệp Bến Hòn Gai, nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai. Trước sự bắn phá khốc liệt của máy bay giặc Mỹ, lực lượng tự vệ và CNCB Xí nghiệp đã dũng cảm bám trụ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đánh trả địch quyết liệt, lập được nhiều chiến công. Trong đó, đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc đó, Lực lượng Tự vệ Xí nghiệp và Liệt sỹ Đặng Bá Hát được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.

… Lại nói về hình ảnh “Con tàu đi trong ô vuông than”. Tác giả bài thơ trên giải thích, những ô vuông than thực ra là hệ thống đường sắt trong sân ga giao cắt nhau theo hình chéo, nhưng từ xa nhìn vào trông như những ô bàn cờ. Từ “ô vuông” có xuất xứ từ chữ “caro” trong tiếng Pháp. Ngày ấy, than khai thác từ các mỏ Hà Lầm, Hà Tu được vận chuyển bằng đường sắt, tới Nhà máy sàng ở chân núi Ba Đèo, sau đó rót xuống tàu thủy cập ở Cảng Hòn Gai. Hệ thống ga than từ Văn phòng Công ty Tuyển than ngày nay, kéo dài tới chân Ba Đèo. “Con tàu than đi trong ô vuông than” ngày ấy là đi giữa lòng thị xã Hòn Gai.

Sau khi thành lập (1994), lãnh đạo Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là TKV) đã nỗ lực giải quyết vấn đề môi trường mới phát sinh và tồn đọng qua hơn 100 năm khai thác than. Đến năm 2001, TKV đã thực hiện xong việc di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật sản xuất than ra khỏi trung tâm thành phố Hạ Long, bao gồm nhà sàng, các kho than, đường sắt, cảng than Hòn Gai, bàn giao mặt bằng cho thành phố Hạ Long.

Bây giờ, hình ảnh con tàu than ở TP. Hạ Long chỉ còn lại trong thơ và trong ký ức thợ mỏ.

Cao Thâm