GIÓ XANH - Truyện ngắn của Phạm Khắc Mã

Ông Thái nheo mắt đọc tấm bia 60 liệt sĩ hy sinh... Ông lặng đi hồi lâu. Những ký ức bất chợt ùa về. Mắt ông nhòa lệ…

* * *

Tháng Tám năm 1972  Thái cùng đoàn sinh viên được lệnh đi vận chuyển kho lương thực tại ga Lưu Xá B. Cả đoàn ngồi trên thùng chiếc xe Zin130, chiều tối thì tới địa điểm tập kết. Tiết trời đầu thu nhưng vẫn còn nóng nực. Kho lương thực là căn nhà xây rất rộng nằm bên cạnh đường sắt (tuyến Thái Nguyên – Hà Nội). Không khí oi nồng, bụi bậm, thi thoảng mùi than kôc của lò cao khu gang thép phả vào mặt khét lẹt rất khó chịu. Khi đoàn sinh viên đến bãi tập kết thì ca trước vừa kết thúc buổi làm việc. Đó là một đội Thanh niên xung phong hầu hết là nữ. Trong lúc chờ xe chuyển quân, các nữ đội viên cởi bỏ áo ngoài để phủi bụi và tận hưởng không khí thiên nhiên sau một ca làm việc vất vả. Các em còn rất trẻ, tuổi tầm 16 đến 18. Bộ quần áo xanh lá mạ thô ráp không giảm đi vẻ đẹp của tuổi xuân thì.

Thái mon men đến gần một em đang ngồi vắt vẻo trên thanh ray cong queo do bom Mỹ bắn phá đường sắt. Thấy Thái đến, chẳng những em không khoác áo ngoài vào mà còn tỏ vẻ thân thiện như đã từng quen biết. Em nhoẻn một nụ cười nụ cười ranh mãnh:

- Các anh sinh viên cũng tham gia công việc của thanh niên xung phong à? Hôm nào ta cùng thi đua xem năng suất của các đấng nam nhi có bằng bọn em không nhé.

Thái tiến lại gần ngồi cạnh em làm quen và cũng không chịu kém lời:

- Đừng coi thường tụi lưng dài này nhé, bọn anh cũng thường xuyên dọa chúa sơn lâm, chặt gỗ, tre về dựng trường rồi em ạ.

Em lại cười. Hàm răng trắng rạng rỡ trên khuôn mặt còn vương bụi cám.

Đâu đó, bỗng một cơn gió mát rượi thổi về. Khuôn mặt em càng trở nên rạng rỡ. Em khẽ thầm thì:

- Mát quá anh nhỉ. Cơn gió thật quý hiếm.

Thái nói theo lối “vơ vào”:

- Ừ, nó cũng giống như anh đến với em. Đó là gió xanh đấy em biết không? - Không hiểu sao lúc ấy Thái lại nghĩ ra một cái tên gió hay đến vậy.

Em khẽ reo lên:

- Gió xanh! Hay quá. Em chưa nghe thấy cái tên gió ấy bao giờ.

Thái thấy vui, xen một chút bồi hồi:

- Người ta bảo, chỉ những người yêu nhau thì mới nhìn thấy gió xanh. Khi xa nhau, gió xanh như nối lại đường dài xa cách.

Hình như em không mấy để ý đến đoạn “tả cảnh, tả tình” của Thái mà vô tư reo to:

- Thật không anh? Thích thế! Nhưng anh có bịa không đấy?

Phía ngoài đường lớn đã vọng lại tiếng còi ô tô đến đón các đội viên thanh niên xung phong. Thời gian không nhiều để Thái và cô gái dốc bầu tâm sự nhưng cũng đủ để Thái biết em tên là Thanh, có nguyên quán là đồng hương xã Quỳnh Hương, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình theo tiếng gọi của Đảng lên xây dựng quê hương mới ở tỉnh Bắc Kạn.

Thái cũng ghi vội cho Thanh lên mảnh giấy vỏ bao xi măng hàng chữ: Trần Quang Thái, địa chỉ lớp K4M… Cuộc gặp chỉ vẻn vẹn chừng mười phút. Khi chia tay, Tuyết không quên cầm nắm búp sắn gói bằng tờ báo cũ, em bảo đó là thành quả của phút giải lao em hái trong bãi sắn hoang trên sườn đồi, Thanh giơ cao nắm lá sắn cho Thái xem và nói:

- Ngon lắm đấy anh. Tặng anh có thêm sức để học anh nhé.

Thái mạnh dặn nắm lấy bàn tay bé nhỏ của Thanh, hẹn viết thư, rồi họ bùi ngùi chia tay.

Sau ca vận chuyển hàng hôm đó, Thái cùng bạn bè còn tham gia một số buổi lao động tương tự nhưng Thái không nhìn thấy Thanh. Có lẽ Thanh được phân công làm việc ở nơi khác. Thanh đóng quân ở xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, chỉ cách trường Thái khoảng 5km đường chim bay nhưng do đặc thù công việc thời chiến nên từ đó Thái không được gặp lại Thanh nữa.

Đêm 24/12/1972 - đêm Noel, với suy nghĩ dù chiến tranh khốc liệt nhường nào thì ngày Lễ giáng sinh, các tín dồ Thiên chúa giáo cũng phải kiêng kị việc sát nhân, Thái cũng như bao người cầu mong một đêm bình yên. Vậy mà, đó lại chính là đêm Thái Nhận tin dữ. Khoảng bảy giờ tối tiếng bom đã nổ rền, vệt bom B.52 rải từ xóm Cầu Thông (xã Tích Lương) qua địa bàn các đơn vị Xí nghiệp cơ khí 19/5, khu tập thể Công ty Xây lắp, khu tập thể Bệnh viện Gang thép đến Nhà máy Cán thép Gia Sàng. Bom rơi trúng cả hai hầm trú ẩn của thanh niên xung phong, làm 60 đội viên thuộc Đại đội 915 TNXP, đội 91 hi sinh, trong đó có Thanh.

Sáng ngày 25 một bầu không khí ảm đạm khắp không gian. Thái rời trường cuốc bộ quanh khu vực bị đánh phá. Đường từ ký túc xá men theo đường mòn từ xóm Gò Dứa ra Quốc lộ 3, tới khu ga Lưu Xá, bị bom cày sới tan hoang, đất đá ngổn ngang, cây cối nghiêng ngả, nát bươm. Do không có nhiệm vụ nên Thái không được tới nơi Thanh cùng đồng đội hy sinh.

Năm ngày sau, cùng một lúc, Thái nhận được cả hai bức thư của Thanh.

Bức thứ nhất:

Linh Sơn, ngày 23/12/1972

Anh Quang Thái thân yêu!

… Sau khi tắm và gội đầu bằng nước gội cỏ mần trầu em nhổ bên đường, nước cỏ đã làm em thư thái và lại càng nhớ anh nhiều.

Anh biết không? Mặc dù những bao hàng cứ lần lượt qua vai, tấm tạp dề lót vai đã thay nhiều lần nhưng không thể mờ đi cảm giác tay anh đặt lên vai em hôm đó. Những lúc sức lực mệt mỏi, chân tay rã rời, nghĩ đến lời động viên của anh, rồi nghĩ đến ngày không xa hai bóng chúng mình cùng sánh đôi dưới ánh sáng đèn khu Gang Thép không còn phải ngụy trang, không còn phải sơ tán, trú ẩn… em lại đủ nghị lực cùng đồng đội hoàn thành công việc.

Anh ơi! Trời đã cho ta mười phút gặp nhau, mười phút ấy làm trái tim em đập mạnh, mười phút ấy làm ngọn lửa trong em bùng cháy trong tất cả những gì mà tuổi trẻ đã được ấp ủ từ lâu… và anh ơi, đúng như anh nói, em đã nhìn thấy gió xanh. Không phải chỉ là gió của trời đất đâu, mà là những ngọn gió thổi trong lòng em anh ạ. Những ngọn gió xanh dịu mát và êm ái vô cùng.

Bức thứ hai.

Ga Lưu Xá, ngày 24/12/1972

Anh Quang Thái thân yêu!

Vừa mới viết thư cho anh hôm qua thôi, nhưng nhớ anh đến cồn cào. Nhìn Hoàng hôn đang xuống, trái tim thúc dục, em gửi vội mấy dòng này cho anh.

Đơn vị vừa tập trung lực lượng giải phóng hàng hóa với tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao. Hôm nay bọn em sẽ chuyển hàng từ toa tàu hoả xuống xe ô tô để vận chuyển đến nơi an toàn.

Tình hình chiến sự đang diễn ra khốc liệt, với sự bắn phá tàn khốc này càng đòi hỏi sự quyết tâm cao của chúng em anh ạ. Và điều làm em vui nhất là trong sự khốc liệt của đạn bom, tâm hồn em luôn nhận được những ngọn gió xanh từ phương anh thổi về.

Nhớ anh nhiều…

Mắt Thái nhòa đi. Trong lòng Thái hiện lên dáng dấp Thanh sau buổi làm việc vất vả vẫn dành tình cảm cho anh qua dòng thư cháy bỏng tình yêu thương mong đợi. Ngay lúc đang viết bức thư này, Thanh có biết đâu chỉ vài tiếng đồng hồ sau, ngay lúc em và đồng đội chưa kịp ăn cơm tối, thì 34 máy bay B52 và 40 máy bay chiến thuật của đế quốc Mỹ đã ồ ạt lao vào ném hơn 700 quả bom phá các loại xuống khu Nam thành phố Thái Nguyên. Một trong những trái bom oan nghiệt từ máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném xuống đã trúng căn hầm trú ẩn của Đại đội của em.

Gần năm mươi năm trôi qua, Thái tốt nghiệp, trải qua các vị trí công tác, trải qua bao nỗi buồn vui. Nhưng với Thái, trong hành trình thời gian một nửa thế kỷ ấy, mười phút được ở bên Thanh đã trở nên một ký ức không thể phai mờ. Mười phút đinh mệnh ấy luôn trở đi trở lại trong tâm hồn anh không dứt, anh đã mang theo nó suốt một đời người.

* * *

Trong không gian trầm mặc của khu tưởng niệm, ông Thái kính cẩn thắp nén tâm nhang. Ông cầu nguyện cho hương hồn người phụ nữ đã để lại trong trái tim ông một tình yêu trong trẻo cùng nỗi đau đớn khôn nguôi. Ông thành tâm cầu nguyện cho các hương linh siêu thoát nơi ngàn thu yên ấm.

Từ phương xa, ông bỗng cảm nhận được những ngọn gió xanh từ gần năm mươi năm trước thổi về.

Thái Nguyên 2022

Phạm Khắc Mã