“Mẹ ơi, Tết này con không về”

TS. Vũ Thị Minh Huyền - Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam (tác giả bài viết này) thân tặng bạn Đỗ Hồng Hạnh - Bắc Kinh, Trung Quốc và những người không thể về quê đón Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Sáng nay tiết trời bàng bạc thổi từng cơn gió lạnh, kèm theo mưa lắc rắc từng hạt như rải mừng đón xuân về. Mọi thứ lại bắt đầu như vốn dĩ. Chỉ còn 8 ngày nữa là đón năm mới…Vậy mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid - 19 lại bùng phát, thành phố phong tỏa khiến con phải ở lại Trung Quốc và chưa biết đến bao giờ sẽ được về Hà Nội. Con lại thêm một cái Tết ở xa nhà, chỉ mong đến ngày được quây quần cùng gia đình bên mâm cơm tất niên, được đặt chân lên quê mình để sống trong cái mùi hương rất xuân, rất Tết ấy...

Con nhớ những cái Tết trước, năm nào cũng đi chọn đào và quất cùng bố. Những cành đào hồng thắm cả một góc trời, rồi bao nhiêu thứ hoa, cây cảnh khác cũng không ngừng khoe sắc. Hai bố con đi khắp mấy chợ hoa ở Hà Đông để mua cành đào đẹp nhất chơi Tết.

Con nhớ những buổi chiều hai mẹ con xách làn ra chợ sắm đồ; những lúc mẹ tất bật muối dưa hành, làm mứt dừa, nấu thịt đông; những đêm cả nhà quây quần trong phòng khách để cùng gói bánh chưng; những ngày bố thay bốn mẹ con dọn dẹp nhà cửa, thổi vào trong căn phòng bao nhiêu hơi ấm yêu thương.

Con nhớ những bữa cơm tất niên được quây quần với cả nhà. Những câu chuyện hàn huyên, tâm sự về những buồn vui của năm qua, những mong ước của một năm lại tới...rồi cả nhà cùng ngồi xem chương trình: “Gặp nhau cuối năm” trên đài truyền hình kênh VTV3, ngày cuối năm thật ý nghĩa biết bao.

Cho dù cuộc sống nơi đất khách quê người vẫn ổn nhưng con lại ước được trở về sống vài ngày ở quê như cái thời còn học tiểu học mà mỗi lần nghỉ hè mẹ thường gửi con về quê nội. Nhớ những buổi sớm ban mai được đánh thức bởi tiếng gà gáy, con ra hiên ngồi ngắm những khoảng vườn rộng lớn, có hoa hồng, hoa thược dược, hoa cúc, hoa nhài, hoa đỗ quyên, có cây táo, có cây ổi, có cây mít, có cây nhãn sững đứng trước sân. Có tiếng gà lép nhép, có tiếng gọi nhau của những người đi chợ buổi ban mai...

Con nhớ cả những ngày ngồi bên bếp lửa, nấu cơm bằng củi khô. Con nhớ khói lam chiều, nhớ mùi mắm tôm, mắm tép. Nhớ cả những món ăn thấm đẫm chất quê, nhớ mùi xôi gấc, nhớ món lạc rang, ruốc thịt, thịt chứng mắm tép do chính tay mẹ làm để con ăn, đơn giản thế thôi mà sao con vẫn thấy ngon đến vô cùng.

Con nhớ nhớ những ngày mẹ nấu cho nồi nước bồ kết để gội đầu, nhớ những buổi trưa nắng cùng em gái và mấy đứa bạn đi bắt bươm bướm, chuồn chuồn, hái trộm xoài xanh của nhà hàng xóm... nhớ, nhớ nhiều lắm đi thôi.

Ước gì con có thể chạm tay vào cái Tết ở quê. Ước gì có thể về nhà để hòa mình vào cái Tết với mọi người.

Tết này với con, vẫn là tuyết trắng... Là những người bạn Việt Nam đang sống và làm việc tại Bắc Kinh cũng gặp mặt nhau đêm tất niên để vơi đi phần nào nỗi nhớ... Cũng bánh chưng xanh, mứt tết, mâm ngũ quả, cũng đào, cũng quất… rồi câu đối đỏ. Một cái Tết mang đậm hồn Việt nơi đất khách, quê người. Nhưng với con, vẫn là chưa đủ, vẫn còn điều gì đó chưa trọn vẹn, hoàn mỹ. Không phải. Hơn hết, đó là nỗi nhớ, là tình yêu quê hương, đất nước. Những người tha hương như con luôn mong mỏi được đoàn viên trên đất mẹ trong những ngày tết đến, xuân về.... Là tự an ủi mình, không về tết này thì còn tết khác nhưng dịch không dập lúc này thì không còn lúc khác, chẳng mấy mà bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được kiểm soát hiệu quả, triệt để để dập dịch không để bùng phát trong cộng đồng.

Nhiều người bạn vẫn nói con có cuộc sống thật hạnh phúc giữa Bắc Kinh, nhưng có mấy ai hiểu được rằng để có được cái mà mọi người đang gọi là "hạnh phúc" này, con đã phải đánh đổi nỗi nhớ của mình như thế nào.

Làm sao họ có thể hiểu được con đã biết bao đêm tỉnh giấc, thèm một giọng nói tiếng Việt ở xung quanh mình. Làm sao họ có thể biết được đôi khi con nhớ quay quắt đến thế nào một bữa cơm với một bát nước mắm, một món canh cá nấu dưa hay canh mồng tơi ăn với cà muối và nem rán đến thế nào. Làm sao họ có thể biết được những trống trải trong lòng con dài và rộng đến thế nào trong những năm đầu đằng đẵng ở Bắc Kinh. Nhưng rồi dần dần, con đã tập bắt nhịp với cuộc sống mới và trôi theo dòng chảy đó, quê hương bỗng trở thành một nỗi nhớ, một cái gì đó mà con chỉ có thể nuôi dưỡng ở trong ký ức chứ không thể chạm tay tới được khi con muốn. Và nỗi nhớ đó theo thời gian cũng lặng hơn, nó không còn quay quắt và đớn đau như cái thời hai mươi hai tuổi mà con cất bước ra đi theo tiếng gọi của tình yêu nữa... Nhưng điều đó không có nghĩa là tình yêu trong con đã bớt đi.

Xuân trỗi dậy xôn xao dòng nhựa sống. Trong lòng con chợt bừng lên niềm hy vọng hân hoan. Con nghĩ, chỉ cần mình chân thành nghĩ về quê hương thì quê hương sẽ mãi vẹn nguyên bên ngực trái.

Con không biết mọi người mong đợi điều gì ở những ngày Tết. Còn con, con chỉ ước giá như mình có thể gắn vào đôi bờ vai bé nhỏ của mình một đôi cánh để có thể bay về sà vào lòng của những yêu thương. Tết đối với con, có lẽ chỉ cần được xích lại những người mình yêu thương, thế là đã đủ lắm rồi.

Làm sao không nhớ mỗi khi xuân về? Làm sao không hoài niệm khi trời đất đang chuyển giao, quê nhà đang vui mừng đón tết? Nhớ lắm những phiên chợ tết ngày cuối năm, nhớ lắm những lời chúc tết, những phong bao lì xì làm đứa trẻ nào cũng háo hức chờ đợi. Bất giác nghĩ đến mấy câu thơ của Chế Lan Viên:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

Với những người con xa quê, mảnh đất quê hương chính là tâm hồn của họ. Chính vì thế, một cái Tết cho dù có đủ đầy về vật chất nơi đất khách cũng vẫn là chưa đủ. Cái tình quê vẫn luôn đau đáu trong lòng những người con tha hương nơi đất khách. Bởi vậy:

“Ở nơi đó, tuổi thơ tôi đã sống

Tôi yêu thương bằng tất cả tâm hồn

Dẫu lưu lạc khắp chân trời góc bể

Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương”

(Bài thơ Tổ quốc của Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng)

Mẹ ơi, Tết này con không về... nhưng nhà mình vẫn luôn ở bên nhau, mẹ nhé!

 

Hà Nội, ngày 17 tháng 2 năm 2021

TS. Vũ Thị Minh Huyền

Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam