Tình thương ở lại - Truyện ngắn của Đặng Huỳnh Thái
TÌNH THƯƠNG Ở LẠI
Truyện ngắn của Đặng Huỳnh Thái
Khuya lắm rồi, Bệnh viện đóng cửa, tất cả bệnh nhân đã yên giấc, chỉ còn phòng cấp cứu là sáng đèn. Hôm nay, phiên trực của bác sĩ Trang và hai điều dưỡng viên. Kể từ ngày đại dịch Covid 19 đến nay, tất cả các bác sĩ và nhân viên ở bệnh viện chưa một lần được về thăm nhà. Người con gái có mái tóc dài đẹp nhất cũng phải cắt đi cho gọn gàng để mặc bộ đồ bảo hộ nặng chịch như áo giáp. Bữa cơm ăn vội vã, gặp đâu ngủ đấy, gục xuống bàn, tựa lưng trên ghế, hy sinh tất cả vì người bệnh. Bác sĩ Trang trưởng khoa nội tổng hợp, nhớ nhà, nhớ con nhưng vẫn cố nén trong lòng để khỏi ảnh hưởng đến tinh thần của đồng nghiệp. Hôm đi, cháu Thùy Dương sốt cao bốn mươi độ, nôn mửa, con kêu mệt, thương lắm nhưng chỉ biết để trong lòng. Chị gửi bà ngoại chăm sóc, bố nó sang đón kiên quyết không cho, để gần bố ngày nào, con gái hư ngày ấy, mặc thây lão. Mong sao bệnh dịch sớm đẩy lùi để được về với con,. Mấy hôm nay bận túi bụi, chị không có thời gian nhắn tin cho con, cái tin cuối cùng đên qua đến giờ vẫn chưa trả lời: “Mẹ, con ghét nghề bác sỹ của mẹ”. Nghĩ lại, nó nói cũng đúng, ngày xưa còn bé, Trang cũng nói với mẹ y hệt thế, đang đêm phải vào viện, đang trong kỳ nghỉ phải bỏ dở chạy về và khi con muốn được ôm hôn sau những ngày trực, mẹ luôn lùi lại và ngăn cản, sợ lây bệnh. Thế rồi chả biết thế nào lại đỗ vào Đại học Y, ban đầu Trang thích làm bác sĩ nội trú, chuyên khoa nội tiết. Song với kinh nghiệm nhiều năm mẹ Trang nói: “Trong nghề y, để cứu được một người bệnh, chuyên khoa nào cũng quan trọng, nhưng bác sĩ truyền nhiễm nếu làm tốt có thể cứu cả cộng đồng”. Nghe có vẻ trên tầm vĩ mô, Trang đã chọn và theo học, mặc cho bạn bè chê bai: “Mày điên à! Bác sĩ truyền nhiễm vừa nguy hiểm, vừa nghèo, phải giỏi chuyên môn thì mới cứu được người bệnh, an toàn cho mình và an toàn cho người khác”. Nghề y là vậy, cứu người đó nhưng có khi vô tình gây chết người cũng ở đó. Cái vòng luẩn quẩn sinh tử mà mình được trao quyền trong tay nhưng đôi khi không thể nào định đoạt hết được. Đam mê qua các bài giảng, được truyền nhiệt huyết của các thầy, Trang tốt nghiệp loại giỏi. Ra trường được hai năm thì đi lấy chồng…
Đang mải suy nghĩ, định lấy điện thoại nhắn tin cho con gái Thùy Dương thì chuông cấp cứu réo vang, tất cả ca trực khoác nhanh bộ quần áo bảo hộ nặng nề, uà ra đón bệnh nhân. Mỗi người một việc, bác sĩ Trang nhìn bệnh nhân ngờ ngợ, hồ sơ bệnh án, Nguyễn Văn Quốc, dương tính với Covid-19, đúng là chồng rồi. Tim Trang loạn nhịp, tập hồ sơ rơi xuống ngực bệnh nhân. Lấy lại bình tĩnh Trang ra lệnh: “Chuẩn bị máy thở”. Mọi việc cấp cứu Trang và các đồng nghiệp thao tác nhanh gọn, nhịp nhàng và chuẩn xác. Bệnh tình có chiều hướng xấu, khó thở, chân tay bất động và mắt nhắm nghiền. Điện thoại réo, đầu giây bên kia giọng ai đó như vừa ra lệnh, vừa cầu khẩn: “Ông Quốc là cán bộ chủ chốt của tỉnh, diện quy hoạch chiến lược, Bệnh viện cần phải tập trung mọi nhân lực, tài lực để chữa, không được chậm trễ, nếu cần thì chuyển ngay lên tuyến trên…”. Bỏ máy, Trang hơi mệt, nhiều ngày đeo khẩu trang và kính bảo hộ liên tục, khuôn mặt hằn đỏ, áp lực dồn nén, trong lòng rối bời…
Trước đại dịch, Thùy Dương nhận được tin nhắn của bố: “Mai bố đi công tác nước ngoài, thứ bẩy không đón con đi chơi được. Lần này đi lâu, bao giờ về, bố sẽ đón con đi Đảo Ngọc”. Con gái khoe vậy, nhưng Trang không thèm để ý, chỉ ừ à cho qua chuyện, bây giờ biết chuyện bố bị dương tính là nó lao vào ngay, đành im lặng âm thầm chịu đựng. Chị biết tính con gái, lâu nay nó cứ hỏi: “Tại sao bố không ở với mẹ con mình, lại đi thuê nhà vậy mẹ?. Con sẽ tìm bố về ”. Chị nói dối là đi thuê, chứ thực ra đó là căn hộ, anh và con bồ “tiểu tam” đang ở. Chuyện này chị biết rõ mười mươi, nhưng vẫn cứ phải im lặng để báo vệ con đường thăng quan tiến chức cho chồng. Những lúc Thùy Dung hỏi, chị phải mắng át đi: “Bố muốn yên tĩnh để học và làm việc, không bị con quấy”. Nó đối đáp luôn: “Con có nghịch, hay phá rối gì đâu?”. “Thôi được lớn lên con sẽ hiểu”. “Chuyện người lớn sao rắc rối vậy”. Đúng là rắc rối thật. Trước khi cưới hai người đã hẹn ước, ba năm sau hãy có con để còn theo học tiếp, chị hiểu muốn trở thành người làm y không chỉ có kiến thức giỏi, mà còn có một trái tim biết yêu thương, thấu hiểu và biết đau. Chị muốn đi tìm những người thầy và tiếp cận những kiến thức y khoa tiên tiến để nâng cao nghề nghiệp và nhận bằng cao học. Anh tiếp tục ra nước ngoài bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học. Không ngờ kế hoạch ấy không thực hiện được, chị có bầu và sinh con gái Thùy Dương. Thế là mọi công việc ùn đến, tất cả dồn lên đôi vai, chăm mẹ chồng ốm yếu, nuôi con dại, trực đêm, trực ngày với mọi loại dịch bệnh. Dăm bữa nửa tháng anh lại điện về xin tiền, anh đi học theo diện quy hoạch nên mọi chi phí không phải trả, tiền lương có bao nhiêu chị lĩnh gửi sang tất, chá được tiêu đồng nào. Quần quật ngần ấy năm, chị gầy rộc, tiết kiệm hết mức mới đủ chi tiêu hàng ngày, không dám đi du lịch hay đưa con đi dạo chơi công viên, nhà hàng. Cũng may được ông trời thương, chị phấn đấu lên được phó khoa, rồi trưởng khoa…
Chuông điện thoại lại réo, Trang nghe vội; “Sức khỏe ông Quốc thế nào?”. “Báo cáo đồng chí chúng tôi đang khẩn trương”. “Thế tốt, không được chậm trễ”. Buông máy, người nào vào việc ấy. Nhờ có máy thở mà giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh nhân đã qua, Quốc thở đều, nhịp tim đang nhích dần lên, mắt hé mở. Bây giờ mới nhận ra Trang, sắc mặt Quốc biến dạng nhanh, quay ngoắt sang phải làm trệch ống dẫn khí, mồn mấp máy. Trang, nghiêm mặt nói trong khẩu trang, ồm ồm nhưng nghe rõ: “Anh nằm im.” Quốc đặt hai bàn tay lên bụng lắc lắc, có thể hiểu đó là sự van xin cầu cứu, hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống mớ tóc mai…
Hai ngày trước Quốc từ Anh về. Chuyến đi công tác phải bỏ dở vì cả đoàn đi vào vùng có dịch Covid - 19. Trong tờ khai báo y tế điện tử, Quốc chỉ khai cho qua chuyện, sai lệch với những người khác trong đoàn. Do đó bắt buộc Quốc phải khai lại, cụ thể đã đi đâu, ở đâu và gặp gỡ tiếp xúc với ai để có biện pháp chữa trị, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Thì ra không phải chỉ về đến nhà mới phát bệnh, mà ngay khi còn ở bên đất nước Anh, đã lây nhiễm trong Hotel với “của lạ” người bản địa. Sau đó đi rất nhiều nơi và tiếp xúc với rất nhiều người. Triệu chứng, sốt, ho khó thở đã có từ ngày ấy nhưng không vào bệnh viện xét nghiệm và điều trị, đến khi nặng cả đoàn mới vội vàng về nước. Cầm trên tay tấm phim chụp vi tính cắt lớp, Trang khẽ lắc đầu nói với đồng nghiệp: "Nguy rồi, đã qua giai đoạn ủ bệnh, virus xâm nhập lan tỏa tại biểu mô đường hô hấp, dẫn đến viêm hoại tử các tiểu phế quản và tổn thương phế nang lan tỏa, đông đặc nhu mô phổi...". Ngay lập tức, các bác sĩ hội chẩn lên phác đồ điều trị, Quốc được chuyển vào phòng cách ly đặc biệt. Bác sĩ, y tá túc trực hai bốn, trên hai bốn giờ. Trang không yên tâm, có mặt nhiều hơn, theo dõi hơi thở, nhiệt độ, huyết áp và trực tiếp cho ăn, cho uống thuốc. Tất bật suốt ngày phải đóng bỉm trong bộ quần áo bảo hộ nặng trịch, mỗi lần thay phải có đồng nghiệp giúp sức. Mệt mỏi, vất vả, cộng thêm những cơn căm tức lâu nay kéo đến dằn vặt, tại sao lại phải chăm sóc cho người chồng bội bạc này?. không biết trả lời thế nào, Trang gục xuống bàn, nước mắt chảy dài ướt đẫm khẩu trang...
Những ngày còn đang đi học, tranh thủ gặp nhau thật là quyến luyến, không rời nhau nửa bước, trao cho nhau những nụ hôn nồng thắm đến nghẹt thở. Quốc cuống cuồng lần sờ, tìm kiếm khắp thân thể và đòi hỏi, nhưng đều bị từ chối với câu nói muôn thuở mẹ dạy cho người con gái: "Hãy đợi ngày đẹp nhất đã anh". Thế rồi ngày ấy cũng đến, đêm tân hôn, Quốc thỏa mãn tất cả và vui sướng, tự hào cầm tấm khăn trắng đầy vết đỏ, nâng niu gìn giữ như báu vật của đời người. Hạnh phúc trào dâng trong trái tim hai người. Sau đó là một chuỗi ngày đêm mệt mỏi vì ham muốn, quên mất lời hẹn ước, ba năm sau mới có con để còn theo học tiếp, tham vọng càng lớn thì hạnh phúc càng nhanh lụi tàn. Quốc chỉ biết nhận phần hơn về mình mà quên mất người đứng sau đang chịu bao đau khổ...
Tiếng chuông điện thoại lại réo lên, Trang bừng tỉnh khỏi giấc mơ. Lại cấp trên gọi, nhưng không, con gái Thùy Dung. Cầm máy, Trang vẫn giọng ngái ngủ: "Alô mẹ đây". Đầu dây bên kia, giọng Thùy Dung hoảng hốt: "Mẹ, bố con bị dương tính, sao mẹ không nói cho con biết". Lấy lại bình tĩnh Trang nhẹ nhàng: "Không sao đâu, bố con khỏe rồi". "Mẹ nói dối, trên mạng người ta nói ầm lên về bố, con sợ quá". "Vững vàng lên con gái, việc của bố đã có mẹ lo, dù bố có đối xử với mẹ thế nào đi chăng nữa, thì bố cũng là một bệnh nhân. Con nhìn vào ánh mắt của bố, con sẽ thấy, bố cầu cứu mẹ để trao niềm tin và sự khát khao sống. Mẹ cũng căn ghét lắm, nhưng mẹ biết sự nguy hiểm trong công việc này, mẹ cảm nhận được nỗi đau và sự tra tấn của dịch bệnh. Mong muốn cả đời của mẹ là loại bỏ những điều đó. Lỗi khổ của mẹ sẽ là tiếng cười của hàng triệu gia đình con à. Đây là điều mà những người bác sĩ như mẹ phải làm". Thùy Dung không biết phải nói gì hơn: "Vâng ạ, con tin mẹ".
Trên giường, hình như Quốc nghe được lõm bõm câu chuyện của hai mẹ con Trang, anh dơ tay lên chới với. Trang hiểu, lắc đầu đặt bàn tay anh xuống. Cơn ho kéo đến, mệt thở dốc, hai tròng mắt mở to dữ tợn. Từ ngày có bằng Tiến sĩ nước ngoài về, Quốc được lên chức phó Giám đốc rồi Giám đốc sở nọ sở kia. Mọi sự trong người anh đều thay đổi từ thể chất đến tinh thần, to cao, bụng phệ, chân đi khệnh khạng, giọng nói oang oang, "Miệng nhà quan có gang có thép" ca dao từ xa xưa đã nói đúng thật. Vừa nhìn thấy hai tròng mắt của Quốc, Trang rùng mình nhớ lại cái tát nẩy lửa, in vết bàn tay to bè, thâm tím trên má. Vết thâm nay đã phai nhạt, nhưng vết thương lòng vẫn còn đó...
Đêm ấy đang trực ở bệnh viện, điện thoại réo, giọng người con gái lạ ở đầu giây bên kia nói như ra lệnh: "Chị đến ngay khách sạn Hoa Hồng mà đưa chồng về, lão ấy sắp chết đấy". Hốt hoảng, không biết đầu đuôi câu chuyện thế nào, Trang lên xe cấp cứu phi thẳng đến khách sạn. Trời ơi! thật đáng sợ, Quốc nằm xõng xoài dưới nền nhà, máu me đầy người, đồ đạc lung tung, mảnh vỡ bình hoa lăn lóc. Công an bảo vệ hiện tường và làm biên bản, đối tượng gây tội biến mất. Trang và đồng nghiệp nhanh chóng đưa Quốc về bệnh viện điều trị. Mấy ngày sau bắt được kẻ gây án, nó là "con tiểu tam" chen vào cuộc sống hạnh phúc của gia đình Trang. Hai người yêu nhau từ lâu nhưng Trang im lặng. Bận công việc gia đình, bệnh viện tối ngày còn thời gian đâu mà để ý đến con quỷ cái này. Quốc đã mua cho cô ta một căn hộ ở cuối thành phố rồi bỏ nhà đến đấy ở. Nhưng vẫn chưa thỏa mãn, “tiểu tam” đòi phải sang tên sổ đỏ chính chủ. Lần khân mãi Quốc chưa làm xong, tức tối cô ta tìm cách ép buộc, đưa ra khách sạn Hoa Hồng để tránh sự việc xẩy ra ở chính ngôi nhà của mình. Hai người cãi nhau rồi xô đẩy Quốc ngã đập đầu vào bình hoa ngất xỉu. Để đảm bảo uy tín cho cán bộ nguồn, mọi việc cấp trên cho "chìm xuồng" thu xếp ổn thỏa. Quốc thôi giữ chức Giám đốc sở, lên làm Phó Chủ tịch thành phố. Ngặt một nỗi Trang không thể chấp nhận người chồng như vậy, Quốc đã cho một cái tát nẩy lửa. Trang viết đơn ly hôn. Lãnh đạo cấp trên cho Trang hai lựa chọn: Một là ly hôn, hai là im lặng để giữ chức trưởng khoa. Bài toán ấy tưởng khó nhưng đối với Trang nhẹ như lông hồng - Giầu sang chức tước mà không hạnh phúc thì để làm gì. Đúng là thứ nhiều mặt nhất vẫn là con người...
Đang suy nghĩ, Trang bừng tỉnh, có tiếng đập mạnh vào vai, Người đồng nghiệp xòe bàn tay ra hiệu "Mời trưởng khoa lên Hội chẩn". Những động tác như thế này, rất quen thuộc với các bác sĩ chống dịch vì họ đeo khẩu trang, che mặt nạ, mặc quần áo kín mít ai cũng như ai, do vậy chỉ có thể nhận dáng hoặc viết chữ to tướng sau lưng để tìm nhau. Các chuyên gia y tế Tuyến trên và các bác sĩ bệnh viện hội chẩn kết luận rằng: Bệnh nhân Quốc đã ba lần xét nghiệm vẫn dương tính, suy hô hấp, suy tuần hoàn cần phải đặt nội khí quản và thở máy. Giám đốc Bệnh viện quyết định thay bác sĩ trực để Trang nghỉ ngơi và tránh được bất trắc sau này cho Trang và cho bệnh viện, nhưng Trang đã phát biểu:
- .Kính thưa các anh, tôi là một bác sĩ, chứ không phải vợ của bệnh nhân Quốc. Mỗi bệnh nhân là cả một con người với toàn vẹn những quá khứ, vui buồn, mong mỏi của họ. Tôi biết, tôi phải làm gì để mang lại niềm tin cho họ, không vì chuyện riêng tư mà đánh mất lương tri của người thầy thuốc. Xin các anh yêm tâm và chờ đợi.
Cả phòng họp im lặng nhìn nhau - tin tưởng.
Những ngày sau, thực hiện phác đồ điều trị của Hội đồng khoa học bệnh viện, sức khỏe Quốc chuyển biến tốt hơn. Bệnh nhân ăn được cơm, ho ít đi, vẫn phải thở máy nhưng ít dần, nhịp tim tăng lên. Quốc khỏe bao nhiêu thì Trang yếu dần, sức đề kháng không chịu được nữa, Virus Crona (COVID-19) lây truyền từ bệnh nhân sang các bác sĩ và những người phục vụ. Cả bệnh viện bàng hoàng, tin sét đánh ngang tai, lệnh khẩn cấp, đưa Trang vào phòng cách ly đặc biệt, tập trung mọi điều kiện để điều trị. Con gái Thùy Dung và gia đình lo lắng, liên tục gọi điện, liên tục nhận được câu trả lời "quý khách vui lòng gọi lại sau". Ngoài cổng bệnh viện, mặc kệ lệnh "nội bất xuất ngoại bất nhập" người dân mang đồ tiếp tế đến và cùng nhau hô lớn: "Bác sĩ ơi, cố lên!...cố lên". Sốt ruột thấy điện thoại của Trang réo nhiều, một bác sĩ bạn của Trang đã ra sân, đứng cách một khoảng xa nói chuyện trực tiếp với Thùy Dung:
- Con yên tâm, bố Quốc, mẹ Trang con sắp khỏi rồi.
- Không đâu, cô nói dối, cháu muốn gặp mẹ cháu cơ. Thùy Dung gào to từ ngoài hàng rào cách ly.
- Con về học bài đi, bố mẹ con ở đây đã có các cô chú mà.
- Bố ơi!...mẹ ơi!...
"Bác sĩ ơi, cố lên!...cố lên" tiếng mọi người ngoài hàng rào đồng thanh hô, át đi những tiếng gọi trong nước mắt của hai bà cháu Thùy Dung.
Ngày tháng trôi đi, mọi cố gắng của các bác sĩ ở bệnh viện, bệnh tình của Quốc đã thuyên giảm, xét nghiệm lần một âm tính. Ban ngày thì ngủ li bì, ban đêm thì mê sảng, luôn mồm gọi tên vợ và con gái Thùy Dung...
Trong mơ Quốc nhớ rất rõ, hôm ấy cầm trên tay đơn ly hôn, lòng sôi lên sùng sục, trái tim nóng, cái đầu cũng nóng đổ dồn về đôi tay, không chần chừ, xéo toạc tờ giấy nát vụn rồi xông vào nắm cổ áo Trang, răng kèn kẹt phát ra từng âm thanh: "Cô có biết, ly hôn sẽ như thế nào không?" Thở hổn hển một lúc rồi lại kèn kẹt phát ra, nghe rờn rợn hơn: "Bốn ngôi biệt thự, ba miếng đất, công danh chức tước của tôi từ trước đến nay sẽ biến mất - vì cô!" Hai bàn tay to bè của Quốc xèo rộng như con bạch tuộc ôm chặt lấy vòng cổ Trang. Khó thở, mặt tím bầm, Trang lấy hết sức vùng vẫy đạp mạnh, Quốc mất đà ngã ngửa xuống sàn. Giật tung cửa, Trang thoát ra ngoài...
La hét, giẫy dụa, Quốc làm tung cả giây ống thở đặt hờ ở hai mũi, các bác sĩ trực vội vàng giữ hai chân và nói nhỏ với nhau: "Ông ta bị bóng đè".
Hai tuần sau, xét nghiệm, Bác sĩ Trang vẫn còn dương tính nhưng bớt ho, virus Corona đã được ngăn chặn không tiến sâu vào phế quản. Nói chuyện được, Trang hỏi người bạn đồng nghiệp đang ngồi trực ngoài bàn:
- Sức khỏe của anh Quốc thế nào rồi?
- Âm tính lần hai rồi chị ạ. Bác sĩ trực vui vẻ nói.
- Tốt rồi, nhờ mọi người chăm sóc anh ấy hộ chị nhé. Em gọi Shiper Grab mang đến cho anh một bát phở bò tái lăn, món ấy là thích nhất. Chị đoảng quá, lại lâm bệnh vào lúc này.
- Tội gì chị phải thế, hãy lo cho mình ý.
- Chị hiểu mà, không gì bằng cứu được một con người
- Chị ơi tổ chức cấp trên đã xuống gặp anh ấy rồi - Bác sĩ trực ngập ngừng nói tiếp - Ông ấy xem tờ khai y tế, rồi nói với Giám đốc Bệnh viện "Thế này là Fo, người gieo rắc dịch bệnh cho cộng đồng địa phương mình. Thiếu trách nhiệm không thể chấp nhận được”. Kỳ này bị kỷ luật là cái chắc.
Trang giật mình hỏi lại:
- Thật thế không? Em cho chị gặp Giám đốc.
- Không được đâu chị ơi, chị em mình chỉ biết lo về bệnh tật cho cộng đồng, chứ còn việc trọng đại đã có các ông ấy chứ.
Bác sĩ trực sợ mình quá lời, liền lại gần nhắc:
- Chị nghỉ đi, huyết áp tăng rồi đó.
Huyết áp tăng thật, tim đập mạnh, khó thở, Trang lấy bàn tay phải nắm chặt ngón tay giữa của bàn tay trái để mọi bực tức nhanh chóng tiêu tan và tim đập trở lại bình thường. Đó là cách mà lâu nay Trang thường điều chỉnh cho mình mỗi khi hai vợ chồng cãi nhau. Nhiều cái muốn quên đi, nhưng nó cứ bám dai dẳng, Trang đành phải buông bỏ. Sau lần xé tờ ly hôn ấy, Trang lại viết tờ khác, rồi tờ khác nữa, cuối cùng mang ra tòa, đơn phương một chữ ký theo pháp luật là hợp lệ và được bảo vệ. Con gái Thùy Dung theo mẹ lên tòa, đứng chắn cửa và gào to: “Con không muốn thế đâu, mẹ tha thứ cho bố đi, con phải có bố. Về đi mẹ ơi!”. Trang đành theo con về, hai hàng nước mắt dàn dụa. Tưởng rằng mọi thứ cố cho qua, nhưng càng ngày Quốc càng hung hăng, tàn ác hơn. Không chịu được nữa, Trang đành trốn Thùy Dung mang đơn ra tòa…
Có ai đó đến gần, giật mình, mở mắt ra thấy Quốc đứng sừng sững cách đầu giường theo quy định, Trang vội quay ngoắt vào trong.
- Em đỡ chưa?. Quốc hỏi nhỏ.
Bác sĩ trực đứng cạnh thấy vậy nói dùm:
- Chị Trang ơi, anh Quốc nay ra viện đấy, anh đến chào chị.
Quốc tiếp lời luôn:
- Anh cám ơn em rất nhiều. Đã vì cứu sống anh mà em lâm bệnh – nghẹn ngào, hai giòng nước mắt chảy dài trong khẩu trang – Trong những ngày qua anh đã nhận ra tất cả. Trang ơi, em hãy tha thứ cho anh…
Chưa nói được hết lời, Quốc quỳ xuống năn nỉ. Bác sĩ trực vội đỡ dậy và kéo lùi lại. Trang hơi nhổm đầu lên xua bàn tay run rẩy nói:
- Anh hãy ra cám ơn tất cả các bác sĩ ở Bệnh viện, chứ không phải là tôi.
- Chị ơi, ngoài kia các bác sĩ đang đợi để tiễn các bệnh nhân ra viện đấy.
Bác sĩ trực nói thay. Quốc gằm mặt, lần này thì khóc nấc lên thành tiếng. Trang nhẹ nhàng lấy chùm chìa khóa ở trong ví đặt dưới gối:
- Anh cầm lấy, về nhà mà ở, con “tiểu tam” kia chắc gì nó còn bám lấy anh, mấy ngày qua nó có ngó ngàng gì. Thịt, cá, hoa quả và đồ ăn hãy còn trong tủ lạnh. Nếu muốn ăn phở bò tái lăn, Anh gọi điện cho họ mang đến, sổ điện thoại trên bàn ý. Thôi về đi, nhớ ăn nhiều hoa quả và uống nước cam đấy.
Trang nấc lên vì nghẹn giọng, các bác sĩ vội vàng xoa ngực, động viên và giúp Trang xoay người vào trong để hai người chia tay trong giây phút khó khăn này…
Mấy ngày sau, sức khỏe của Trang khá hơn. Nhận được tin nhắn của Quốc. “Em yêu, anh đang ở nhà cùng bà ngoại và con Thùy Dung, ngôi nhà kia con “tiểu tam” đã bán và cầm tiền biến mất. Em đã cứu anh một lần nữa, anh mang ơn suốt đời. Cơ quan tạm đình chỉ công tác để làm kiểm điểm, Anh sẽ nói hết, khai hết, nhận lỗi tất cả những gì đã gây ra đau khổ cho em và gia đình. Nếu như em không cứu anh thì anh đã chết cũng không mang theo được một nhành cây ngọn cỏ và danh dự hão huyền nào. Tiền nhiều không thể sưởi ấm được ngôi nhà lạnh. Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương là ở lại. Em hãy mau khỏe để về giữ lửa cho ngôi nhà hạnh phúc của chúng mình”.
Bác sĩ trực giơ cao tờ xét nghiệm nói lớn “Âm tính rồi”. “Bác sĩ Trang âm tính rồi”. Họ ôm chầm lấy nhau nhẩy quanh giường bệnh của Trang, tiếng cười, nước mắt hòa quyện trên những khuôn mặt của đồng nghiệp.
Tháng 8 năm 2020
Đặng Huỳnh Thái