HÀ NỘI DẠY TÔI BIẾT YÊU
Sinh ra tôi là cha mẹ.
Nuôi tôi lớn lên là quê hương.
Giáo dục tôi nên người là cả cha mẹ, quê hương và các thầy, cô giáo.
Nhưng, dạy tôi biết yêu lại là những gốc cây, những bờ đường, những phố hè Hà Nội, với bao con người dù xa lạ hay quen thân.
Lần ấy, lâu lắm rồi, cách nay đã gần nửa thế kỷ, cậu học sinh trung học là tôi lần đầu rời xa quê hương Xứ Nghệ để thấy mình rơi ngay vào giữa một dòng thác quay cuồng của người xe, của nhà cửa và cây xanh ngút ngát. Bị nuốt chửng bởi một biển âm thanh và thiêu cháy bởi một rừng ánh mắt, tôi ngại ngần dấu kín cái vẻ quê mùa nhút nhát của mình và thứ thổ âm nghe như chim hót của quê hương để chỉ biết tha thẩn trò chuyện với lũ chim trời và những hàng cây mọc miên man trên suốt những chặng đường tới lớp. Những cuộc trò chuyện không cần phiên dịch ấy đã cho tôi cơ may hiểu được tâm hồn sâu thẳm của Hà Nội trước khi tôi làm quen với thứ tiếng nói thanh lịch và kiêu sa của Người.
Có một lần lang thang như thế, tôi bắt gặp một cô bé cũng chạc “già trẻ con non người lớn” như tôi, cái tuổi mà bây giờ ta vẫn gọi là tuổi “teen”. Cô đứng tần ngần trước một cái cây gì tôi không biết tên, hai bím tóc vắt vẻo, mắt thì mải nhìn lên bông hoa lấp ló trên ngọn cây. Không biết do bị đôi mắt đang mở to của cô gái hút hồn hay do bản chất đa tình muôn thuở của tất cả lũ con trai ở tuổi mới lớn mà trong phút chốc tôi quên phắt ngượng ngùng, đánh bạo hỏi cô:
- Bạn có thích bông hoa ấy không?
- Có.
Cô đáp lời tôi vẻn vẹn một tiếng thôi, nhưng như ta vẫn thường nói, đó là một thứ tiếng có cánh, nó thánh thót như tiếng nhạc. Đó cũng là tiếng Hà Nội đầu tiên trong đời tôi nghe từ miệng một cô gái Hà Nội. Tôi đã mang cái tiếng “có” này đi qua gần cả cuộc đời và mãi kinh ngạc vì vẻ du dương không bút nào tả xiết của nó. Cái dấu sắc trong tiếng “có” của cô gái Hà Nội không chỉ có một chiều cao vút lên chói gắt, riết róng, như ý nghĩa khẳng định mà nó mang. Nó cũng không biến thành tiếng “cò” như lối phát âm “cà có cuống cá có đuôi” của quê tôi, hay khê nồng nửa thanh “huyền” nửa thanh “bằng” như kiểu mấy anh mấy chị ở xứ Hà Tây quê lụa, nay là thuộc “Hà Nội 2”. Chao ôi là cái dấu sắc của người Hà Nội gốc, thoạt tiên nó hơi chìm xuống một chút, võng xuống một chút, rồi mới thong dong, thong thả uốn dần lên – co…ỏ…ọ…o…ó…ó…ó…Cái tiếng “có” mà cô gái ấy buông ra nếu ghi lại bằng ký âm pháp có lẽ đã dài đến mấy ô nhịp, dài và ngân nga như một tiếng chuông réo rắt bên tai tôi. Tất cả chỉ có vậy, nhưng cũng đủ cho tôi mất ăn mất ngủ. Bạn có thể cười tôi đã quá lời, nhưng thực lòng tôi chưa thấy ở đâu những âm thanh mà con người thốt lên lại ẩn đầy ma lực như thế. Tôi đã từng chứng kiến những cô gái Hà Nội vừa nói vừa như tự thưởng thức giọng nói của chính mình. Họ nhấn nhá và đẩy đưa. Họ nhẩn nha và nhấm nháp. Ngỡ như không phải họ đang nói, mà họ đang tìm cách vuốt ve và ru ngủ cả thế giới quanh mình bằng những chuỗi âm thanh mềm và ấm như trái tim của họ, thanh mảnh và dịu dàng như tiếng suối tuôn róc rách đầu nguồn. Chính là họ đang cố dấu vào trong tấm lưới mỏng manh và bền chắc của thanh âm tất cả tình yêu sâu thẳm, nỗi hy vọng không cùng, để sau hết làm nên vẻ tự tin điềm đạm mà những cơn đau nhân thế, những kiếp nạn của con người, cho đến cả cái chết cũng không làm cho nao núng.
Đó là thứ tiếng nói của tình yêu, thứ thanh âm không chỉ thoát ra từ thanh quản mà từ đâu đó tận trong tim. Tôi còn nhớ, trong một lần giận dỗi vô cớ với cô bạn gái đầu đời vốn sinh ra ở Hà Nội, với thói hợm hĩnh của một đứa con quen được nuông chiều, tôi hùng hổ bỏ lại em một mình và quay lưng đi thẳng. Cơn thịnh nộ vô lối ấy rất có thể sẽ khiến tôi một đi không trở lại, và tôi chợt cay đắng nhận ra rằng sẽ chẳng còn một ai, một sức mạnh nào có thể níu được bước chân mình. Đúng lúc ấy, bạn biết không, từ đâu đó sau lưng mình, nơi tôi vừa rời đi ấy, một tiếng gì mơ hồ như hơi thở chợt vang lên thảng thốt : Anh!... Một tiếng thôi, nhưng dường như đấy không phải là tiếng gọi theo nghĩa thông thường của con người - đấy là thứ âm thanh nức nở vẫn âm thầm nén lại, tiếng thổn thức của lặng câm hay tiếng run rẩy của một nỗi buồn bát ngát… Và chỉ đến lúc ấy, trái tim kiêu ngạo của tôi mới chịu kéo cờ trắng lai hàng. Nó đã bị thúc thủ bởi một sợi dây vô hình vô ảnh và mỏng manh hơn một sợi tơ trời, sợi dây làm bằng âm thanh.
Khởi thủy là lời – bài học đầu tiên về tình yêu mà cô gái Hà Nội ấy đã dạy tôi cũng chỉ gồm trong một chữ. Tôi đã đi suốt dọc dài đất nước, nghe rưng rưng vì tiếng mạ tiếng miềng chân chất như hạt lúa củ khoai của những bà mẹ Miền Trung, lại cười nghiêng cười ngả bên chiếu nhậu lai rai với những qua những bậu anh hùng hảo hớn trên sông nước Miền Tây, để cuối cùng kịp nhận ra rằng chỗ neo đậu trái tim mình, cái bến tịnh đậu con thuyền trôi nổi như cách nói của thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, rốt cuộc chỉ là một gốc cây già nua cũng ở một góc phố già nua của cái Kinh Thành đã có ngàn năm tuổi.
Với tôi, Hà Nội chính là cái gốc cây ấy đấy.
Đó là nơi em đã chờ tôi trong lần đầu gặp gỡ. Đó là nơi hò hẹn của một ít hân hoan và rất nhiều đau đớn – Anh điên mà em cũng điên, mười đêm gặp chín đêm liền giận nhau. Đó cũng là nơi em đã khai sinh ra tôi lần nữa bằng cách đặt vào trước cái tên cúng cơm cha mẹ đã cho tôi từ thuở lọt lòng thêm một cái đại từ Anh vốn gồm hết mọi yêu thương, giận hờn và trách móc, đủ sức làm mềm đi trái tim tôi dù nó cằn cỗi và ngạo mạn đến đâu. Và lần ấy, để ghi dấu thêm một phen thoát chết của tình yêu, em còn nhớ không, em đã dùng chiếc cặp tóc, thứ cặp nhọn như đinh của những cô gái ở thập kỷ 60 thế kỷ 20, để vạch tên tôi và tên em lên lớp vỏ xù xì của thân cây cổ thụ của chúng ta như một lời nhắc nhở. Dưới vết khắc của em, vỏ cây già dường như rớm máu, và trái tim của chúng ta cũng vậy. Lại thêm một bài học không lời về cách cư xử với tình yêu mà em đã kín đáo trao lại cho tôi. Tiếc thay, tôi, đứa học trò cứng đầu và không chịu thuộc bài – khi tôi nhận ra tất cả thì tất cả đã muộn rồi, không phương cứu chữa.
Tôi lên đường khi bom đạn đã ngút trời Hà Nội. Sân ga Vọng quạnh hiu, hoa bìm tím um tùm trên đổ nát. Những chàng lính mới tổng động viên quân phục Tô Châu còn thơm phức, dơ mũ cối vẫy chào người Hà Nội với lời hẹn một ngày gặp lại.
Tôi ra đi không người đưa tiễn, chỉ mang theo những kỷ niệm tái tê về Hà Nội như một vết thương thường trực ở trong lòng, cái vết thương qua năm tháng ai ngờ lại kết thành một bông hoa đẹp hơn nước mắt.
Đấy là một lần giữa mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Quảng Trị, khi tôi có nhiệm vụ phải vượt Đường Chín tìm vào Làng Cùa ở bên kia Cam Lộ. Bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, mảnh đất này từ lâu đã không một bóng người, đã thành vương quốc tự do của thú rừng, chim muông và rắn rết. Đang một thân một mình lặn lội giữa đồng không mông quạnh, bất chợt tôi ngước nhìn lên và không tin ở mắt mình: trước mắt tôi sừng sững một cây hoa sữa! Bạn hãy tin tôi đi: với tôi, đó còn hơn cả một giấc mơ giữa ban ngày. Bởi vì hoa sữa không chỉ là một loài cây – hoa sữa, đó là tất cả Hà Nội của tôi, Hà Nội của những đêm mùa thu nồng nàn ngây ngất, của yên bình và thanh vắng, thanh vắng đến nao lòng, đến nghe được cả tiếng xạc xào của cây lá, tiếng rỉ rả của côn trùng, đó là những mái ngói rêu phong, những ngõ sâu hun hút, là những quán cóc liêu xiêu, những lá bàng mùa thu vàng sẫm… là tất cả những gì từng ùa vào trong thơ, ca, nhạc, họa…, từng làm nên hồn vía bất tử của Hà Nội của tôi…, và trên hết, và mãi mãi không quên, đó là mùi hương vẫn đọng trên mái tóc của em, vẫn bủa vây em hằng đêm để biến toàn thân em thành một khối hương thầm di động của mùa thu… Vậy mà ai, ai đã đem Hà Nội đặt vào giữa mảnh đất hoang vu của bom đạn và chết chóc này? Thêm một lần nữa, xin bạn hãy tin tôi, rằng trong cái buổi chiều tháng 5 năm 1972 máu lửa ấy, giữa cánh đồng ven chân núi ở cái Làng Cùa, Quảng Trị toàn cây rừng cỏ dại, dây thép gai và bãi mìn chằng chịt, có một chàng lính lạ, áo quần lấm lem bùn đất, không biết từ đâu đến, chàng đã đứng như trời trồng suốt cả tiếng đồng hồ trước một cái cây vô danh mà không biết để làm gì.
Cũng như thế, Hà Nội còn theo tôi dài dài theo những ngả đường chiến trận. Tôi ngẫm ra rằng, càng đi xa, Hà Nội càng thấm vào tôi âm thầm và len lỏi, đến nỗi, ở những nơi heo hút nhất, tôi bỗng dưng trở thành một mảnh của Hà Nội từ bao giờ không biết nữa. Chẳng hạn, mỗi lần nghe tôi cất cái giọng “già Khu Bốn non Khu Ba” lên, thì lập tức các bọ Quảng Bình liền ban cho một lời khen đủ hả lòng hả dạ: Các chú Khu Ba nói rành hay!
Cho đến buổi hoàng hôn của ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi vừa đặt bàn chân lên cái đích cuối cùng của cuộc trường kỳ kháng chiến, thì không biết có ai như tôi không – khi giữa không khí say người của thành phố Sài Gòn vừa giải phóng, đứng ngây ngất trước dòng người xe trôi đi nườm nượp, trong bóng chiều của một ngày sắp tắt, nhìn những ánh đèn nê ông sáng xanh sau vòm lá me xanh…, tôi như lẫn giữa hai bề thực và ảo. Dường như sau bao ngày tháng rời xa Hà Nội để sống với núi non sông suối của Trường Sơn, chiều nay tôi đã về đến Hà Nội. Tất cả đều quen thuộc lạ lùng, quen thuộc đến bồi hồi và nhức nhối tận tâm can. Có phải hòa bình và phố xá của Sài Gòn đã thức dậy trong tôi những ký ức quen thuộc xa xôi mà tôi tưởng đã quên đi, để tôi lại được gặp em trong tiếng dương cầm đang thánh thót buông xuống từ một khung cửa sổ khuất sau vòm lá. Tôi cứ ngỡ chỉ cần gõ khẽ vào cánh cửa đang khép hờ kia là sẽ gặp ngay gương mặt em sáng bừng đang đợi sẵn, như ngày nào tôi liều lĩnh đến tìm em để làm lành sau mấy ngày giận dỗi.
Tôi đã đi qua cả cuộc chiến tranh và mấy ngàn cây số để gặp lại giữa Sài Gòn chiều nay một Hà Nội thanh bình và một em vẹn nguyên như chưa hề có cuộc chia ly.
Tôi cũng đã đi qua Sài Gòn để trở về Hà Nội như một hành trình không sao khác được – cái hành trình gan góc và đau thương mà cả dân tộc chúng ta vừa tự nguyện vừa buộc lòng phải chọn lựa để đi theo trong suốt thế kỷ hai mươi.
Tôi ngồi viết những dòng này giữa lúc cả Hà Nội đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tôi, một giọt nước bé nhỏ trong biển cả mênh mông của triệu triệu con người đời nối đời đã làm nên một Thăng Long – Hà Nội ngoan cường, thanh lịch và hào hoa, những con người đã dạy tôi biết sống để yêu thương vì chỉ có yêu thương mới làm nên tất cả. Tôi chẳng có gì để góp vào pho lịch sử truyền kỳ vĩ đại của Thăng Long – Hà Nội 1000 năm, tôi chỉ có vài mẩu ký ức buồn vui lẫn lộn, mấy câu chuyện nhỏ bé đơn sơ chẳng cần cho ai cả, nhưng với tôi, đó chính là chút máu thịt của hồn mình để lại mảnh đất này, chút hơi thở nồng nàn gửi vào giữa trời cao đất rộng để minh chứng cho một cuộc đời bình dị của một con người bình thường đã một lần đến đây, đã sống và đã yêu mảnh đất này bằng tất cả trái tim.
Với một đời người, một ngàn năm là khoảng cách quá mênh mông, nhưng với một Kinh Thành, một ngàn năm chưa phải là dài, bởi trước mặt của Thăng Long – Hà Nội là lớp lớp những ngàn năm đang đón đợi. Không phải đến bây giờ, mà đã lâu lắm rồi, chính trong những tháng ngày bom đạn ngút trời, tôi đã hình dung về Thăng Long – Hà Nội như không sao khác được. Đó là vào một đêm tháng Giêng cách nay đã 43 năm, chính xác là đêm 21-1-1967, từ một nơi rất xa Hà Nội, trong nỗi nhớ quắt quay, tôi đã ngồi viết những dòng này mà tôi xin trích ra đây để khép lại bài viết của mình, với ý nghĩ vui vui là hình như chúng được viết ra chính là để dành sẵn cho phút này đây và cho chỗ này đây:
Hà Nội ơi!
Em ở khắp nơi nơi
Trang sách mở, hay em là biển lớn
Là vô biên, em cũng là vô hạn
Trong đạn bom ta đã hiểu em
Ta có em rồi - Ta vẫn hãy đi tìm…
Rồi trên đống tro tàn của thời gian mục nát
Em vẫn đứng và hiên ngang ca hát!
19-1-2010