Một ngày và một đêm

Người ta đã chia xong ruộng đất đâu đấy rồi Điền mới được sinh ra nên về lý, anh chàng chẳng có tấc đất cắm dùi, phải bám vào ba cái sào ruộng tiêu chuẩn được chia của cha mẹ. Cha mẹ đặt cái tên Điền cho con cũng là mong đứa con sau này có cái sức dẻo dai, bền chặt, no ấm vĩnh cửu như đất đai, đồng ruộng. Tuy nhiên, mong muốn của con người là thế mà cuộc đời thực tế lại phũ phàng. Lên năm tuổi cha chết vì mắc bệnh hiểm nghèo. Lớn thêm vài tuổi nữa, nhà có cái vườn cây cỏn con, bà mẹ hưởng ứng cuộc vận động của địa phương, cắt nhường hai phần ba nhập vào làm sân chơi cho trẻ trường học cơ sở, không lấy một xu một cắc. Ba sào ruộng thuộc diện bờ xôi ruộng mật thì hai sào nằm trong diện tích quy hoạch lấy đất làm khu công nghiệp. Người ta trả cho một nắm tiền và hứa khi nhà máy mọc lên sẽ tuyển con trai bà vào làm công nhân, có công ăn việc làm tử tế, lại không phải quanh năm bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Giá bán đất rẻ như bèo nhưng dân vẫn phải nhận. Cầm cục tiền không đủ xây ngôi nhà vững chãi, sợ tiêu hết, mẹ Điền gửi vào ngân hàng nông nghiệp lấy lãi. Tưởng sau vài năm sẽ có một món kha khá, nào ngờ tiền cứ mất giá, hóa ra lãi chẳng nhìn thấy đâu, chỉ thấy lỗ. Ba năm sau, một sào ruộng còn lại cũng chui tọt vào trong hàng rào quy hoạch treo. Tiền của hai sào đất này đòi mãi không được. Nhìn cỏ mọc cao lút đầu người trên mảnh ruộng trước kia lúa tốt bời bời, trong khi bụng đói dài đói rạc, lòng mẹ Điền xót xa, đứt từng khúc ruột. Điền cũng như bao đứa trẻ thôn quê khác, nhà nghèo, không thể theo học đến cùng. Không còn ruộng đất canh tác. Mẹ cưới vợ cho Điền cũng là để lấy thêm nhân khẩu cho cái công việc ngày ngày ba mẹ con lăn lội đi làm thuê cho người khác. Những người này may mắn còn ruộng nhưng lại thiếu nhân công. Như con cò con vạc, họ lặn lội từ sớm tinh mơ đếm mờ mịt tối mới về. Ngày ba tháng tám hết thời vụ, nông nhàn, mẹ con Điền ở nhà cào bới mảnh vườn còn bằng hai cái chiếu trước cửa nhà, rau cháo cầm hơi. Mà suy ra, ở cái tỉnh này, đâu phải chỉ có gia đình nhà Điền hoàn cảnh thế. Hầu hết nông dân đã không còn ruộng đất lại bị một số người lãnh đạo biến chất thành lớp cường hào mới nổi lên chèn ép, áp bức, đẩy con người ta đến bước đường cùng. Hàng nghìn nông dân đã tập hợp lại, kéo nhau lên xã, xã không được, kéo nhau lên huyện rồi lên tỉnh biểu tình, đòi ruộng đất, đòi tiền, đòi quyền lợi chính đáng. Họ tố cáo những tham quan hống hách, tham nhũng, đàn áp, ăn không nói có, cướp giật của dân …Thế nhưng, mọi chuyện như nước đổ đầu vịt, đâu hoàn đấy. Con giun xéo lắm phải quằn, Thế là những người nông dân chân lấm tay bùn xưa nay hiền lành như đất, giờ, đứng lên chống lại. Kết quả là, người trong song sắt, kẻ ngồi nhà cải tạo, nhà giáo dục… đủ cả. Điền cùng mẹ và vợ cũng nhiều lần có mặt trong những sự kiện nóng bỏng ấy của nông thôn, đã chẳng đạt được quyền lợi gì, trên thân thể mỗi người còn mang nhiều dấu tích do kẻ côn đồ xã hội đen trà trộn đánh cho chí tử. Làng trên xóm dưới quê Điền giờ tan hoang, vắng lặng. Người người bỏ nhà cửa đất đai ngược xuôi khắp nơi kiếm sống. Nhiều nhất vẫn là tụ về các thành phố lớn về Thủ Đô. Họ làm đủ nghề mạt hạng của tầng lớp dưới đáy xã hội. Một trong những cái nghề hiện nay có thể kiếm ăn được là nghề chăm sóc người bệnh ở các bệnh viện. Vì nhiều lý do người mắc bệnh bây giờ nhiều lắm. Đời sống càng khấm khá, quan chức càng giầu nhanh, càng lắm người vào viện. Cái nghề phục vụ này không phải học hành gì. Chỉ cần có sức, không sợ bẩn, sợ khó, thức khuya dậy sớm là được. Đã là nông dân, ai chẳng có sức? Mà không có sức cũng phải gắng sức. Nông dân, ai chẳng sẵn những đức tính này. Người thành thị, người có tiền, chẳng ai muốn làm việc nặng nhọc, bẩn thỉu. Vì thế, giá công một ngày thường, phải không dưới hai trăm năm mươi đồng, một ngày một đêm. Vào những ngày tết giá bẩy hay tám trăm nghìn đồng họ mới làm. Nếu không trả công được như thế thì đấy, các vị người nhà ưa sạch sẽ, quen lười nhác cứ việc tự phục vụ cho người thân của mình!

Nhìn thấy tương lai mù mịt, và cuộc đấu tranh giành lại đất đai chẳng đi đến kết quả gì, mẹ Điền bàn với các con hay là để mình bà ở lại trông nom nhà cửa, đào bới thẻo đất cỏn con còn sót lại quanh nhà, hai đứa theo người làng lên thành phố tìm công ăn việc làm. Điền đồng ý ngay.

Ngày ấy đã đến. Điền nhận được lời nhắn của cô bạn người xóm dưới: Nếu anh muốn làm người chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện thì lên ngay Hà Nội. Người ta, tức gia chủ, cần một thanh niên khỏe mạnh, phụ giúp cho em. Sức em, một mình không nổi. Cả nhà chỉ mừng vui được trong chốc lát. Sau đó Điền và vợ buồn ngay. Mới lấy nhau được mấy tháng. Vợ chồng trẻ tràn trề sức lực, chuyện chăn gối cứ rừng rực lên như lửa, ngày đêm bện chặt lấy nhau, xa, làm sao chịu được…Cuối cùng, Điền nghĩ ra cách nài nỉ mẹ bớt ra lấy hơn hai triệu đồng trong số tiền bán đất trước đây, mua hai cái điện thoại di động. Điền mang đi một cái, để nhà vợ giữ một cái bắc cầu thông tin giữa Thủ Đô và quê nhà. Chẳng cần phải nói, có phương tiện này, thuận lợi đủ đường.

Ngày đi, vợ Điền tiễn ra xe mà cứ như tiễn chồng nộp mạng cho Chằn Tinh không bằng. Nàng khóc ghê lắm. Cuộc mất dần đất đai thời gian vừa qua làm teo tóp miếng ăn của cả nhà cũng không làm thị khóc đến mức vậy. Xe nổ máy, vợ Điền véo một nhát thật mạnh vào gần “chỗ ấy” của anh chàng, nghiêm mặt nói:

-        Cứ liều liệu đấy, gọi điện linh tinh cho các cô khác là chết với tôi. Muốn gì thì cứ nhắn tin chứ nói trực tiếp, tốn tiền lắm. Nhớ không?

Đau điếng người nhưng Điền cũng cười tươi roi rói:

-        Bố khỉ, chưa đi đã ghen tuông lồng lộn! Làm mọi người trên xe cùng cười vang vì sự hồn nhiên của đôi trẻ.

 

Xuống xe, đường đến bệnh viện cũng phải hơn hai cây số, Điền đi bộ khỏi mất tiền xe ôm. Cô bạn cùng quê đón ở cửa phòng điều trị, lôi tuột Điền đến trước chiếc giường i-nox, trải ga trắng tinh. Bệnh nhân đang nằm trên ấy. Thoáng nhìn người bệnh nằm ngửa, đắp trên người tấm chăn len sặc sỡ, Điền đã thấy lạnh đến tận sống lưng. Anh chàng lực điền vạm vỡ với những bắp thịt cuồn cuộn của tuổi bẻ gẫy sừng trâu, tự lượng sức mình rồi nháy mắt, lè lưỡi tỏ ý quá sức tưởng tượng. Cô bạn cùng quê hiểu ý, ghé sát vào tai Điền: Có thế mới gọi anh lên! Điền đoán, cái người đang nằm trên giường này chỉ cao khoảng mét sáu nhưng nặng dễ đến trên tám chục cân. Bụng ông ta to hơn cả bà bầu sắp đến ngày sinh cháu, nhô hẳn lên như trái núi. Miệng khò khè tranh nhau hít thở cùng cái mũi. Bọt và nhớt nhãi chảy tràn ra đường miệng. Ở hõm vai phải, người ta phải mở một đường thông với phổi, đặt ống nhựa liên tục hút dịch chảy ra bằng một chiếc máy bơm do người phục vụ điều khiển. Những ống dẫn bằng dây nhựa nhằng nhịt trên người bệnh nhân. Nào là ống dẫn nước tiểu từ bộ phận sinh dục, ống đổ thức ăn nghiền từ ngoài qua lỗ mũi, vào thực quản. Nào ống hút dịch phổi, ống truyền nước dinh dưỡng vào mạch máu…

Không để cho Điền nghỉ giây phút nào, cô bạn bảo đã đến giờ ăn, yêu cầu Điền nâng phần đầu chiếc giường cho nửa phần trên người bệnh cao lên. Điền làm theo chỉ dẫn. Anh chàng lực điền gồng mình dồn sức vào đôi cánh tay, chân choãi ra theo thế đứng tấn, giống kiểu vần những tảng đá ở quê nhà. Xong đâu đấy là lau miệng, đổ nước vào thực quản, thuốc cũng nghiền nhỏ thành dung dịch, đổ vào đấy, bật máy hút dịch, vần nghiêng người sang hai bên, cởi quần áo lau chùi khắp người bằng nước ấm…Lại đến thụt rửa hậu môn, đổ bô, đổ nước tiểu, rửa chim cò…mặc quần áo tươm tất. Điền như một cái máy vạn năng, cực khỏe phụ giúp cô bạn hữu hiệu đến chẳng ngờ. Phải mất hơn hai tiếng đồng hồ như thế, trời rét đậm mà hai người toát mồ hôi hột. Cô bạn bảo Điền canh chừng, ra phố mua cơm về hai người cùng ăn.

Cùng ngồi ngoài hành lang, vừa ăn cơm trưa, cô bạn vừa kể cho Điền về người bệnh: Ông này nghe nói, còn đương chức, làm đến cấp gì to lắm ở huyện, do bị tai biến mạch máu não nên phải lên bệnh viện Trung ương. Ngày mới nhập, bệnh còn nhẹ, người nhà, nhất là đại diện các ban ngành, đoàn thể, nơi ông công tác lên thăm đông lắm. Người cứ nườm nợp. Cùng với người, là những chiếc phong bì dầy cộp đi theo. Chẳng biết có bao nhiêu trong đó, nhìn to và nặng lắm. Có lần không hiểu, ông ta ngủ, xoay trở thế nào mà phong bì rơi cả xuống đất. Cô nhặt lên, trong có ba tờ một trăm đô la xanh. Cô đưa cả lại cho người nhà. Mình là người nghèo nhưng đói cho sạch rách cho thơm, chứ em có giấu đi cũng chẳng ai biết, người ta nhiều tiền như thế, bõ bèn gì, cô nói. Anh cứ chịu khó làm, ở đây không làm cho người này thì làm cho người khác, thiếu gì việc. À mà có lần em nhặt lên cả chiếc phong bì chẳng có đồng nào, chỉ một mẩu giấy vẻn vẹn mấy chữ như gà mái ghẹ: Chết đi, đồ quan tham, gian ác! Cái phong bì này, em giấu biệt, đốt đi, không đưa gia đình họ… Có điều không hiểu tại sao, ông ta đã được các bác sĩ giỏi nhất, chữa bằng những cái máy và thuốc thang tốt nhất…mà bệnh tình không giảm, lại có triệu chứng tăng dần như anh đã thấy đấy. Mới xấp xỉ sáu mươi, tóc ngày mới lên đen là thế, nay bạc trắng đầu. Giờ thì vắng tanh vắng ngắt, chẳng ai thăm hỏi. Đến người nhà và họ hàng cũng thưa dần. Vợ con chăm sóc mãi kiểu này, tuy không nói ra nhưng cũng mệt mỏi lắm. họ lấy tiền mà rẫy vì thế mà anh em mình mới có việc làm. Lại trả công cao nữa…Nghe cô bạn nói, bất giác Điền bỏ đũa giơ tay lên sờ vào vết sẹo trên mí mắt mình. Đấy là vết tích một thằng côn đồ xã hội đen đã đạp vào mặt Điền khi cậu ta tham gia cuộc đấu tranh cùng dân làng giành giật đất đai vào năm ngoái. Cứ nghĩ đến bọn cường hào mới nổi lên ở khắp thôn xã bây giờ, lòng Điền lại cuộn lên sôi sục. Chúng không chỉ ỷ thế, cậy quyền tham nhũng, đục khoét tiền của, tài nguyên, đất đai của nhân dân mà còn không từ một thủ đoạn nào đàn áp, ức hiếp nhân dân, những người đang ngày đêm làm quần quật đóng thuế nuôi chúng. Không hiếm những kẻ nhân dân đặt chúng lên nấc thang quyền lực, chúng đã không phục vụ nhân dân ngược lại, chúng dùng ngay cỗ máy ấy quay ra đàn áp nhân dân. Điền nghĩ, cái thằng bệnh nhân này không trực tiếp nhưng cũng là một trong số bọn người gian ác ấy ở nông thôn hiện nay. Vì những kẻ thoái hóa biến chất như chúng mà thôn quê tan đàn sẻ nghé. Ruộng đất mất dần, người nông dân hiền lành, chất phác ly tán khắp nơi kiếm sống. Vì nó mà hôm nay, Điền cùng cô bạn làng quê ở đây và lại phải một lần nữa hầu hạ nó. Điền cứ nghĩ miên man trong đầu. Nghĩ đến mẹ Điền cùng biết bao bà con chòm xóm, bụng lép kẹp bởi quanh năm ăn đói, mặc rách . Nghĩ đến những cô bé thơ ngây, có cô chưa đến tuổi vị thanh niên, đói ăn, thất học, không việc làm phải bán trinh tiết cho bọn người giầu có nuôi thân và nuôi gia đình. Nghĩ đến những người đã mất ruộng, mất nhà còn bị đánh đập, tù đầy…Càng nghĩ, biết bao cảm xúc lẫn lộn càng trào dâng trong lòng Điền. Căm ghét, ghê tởm, muốn báo thù, đồng thời cũng thương hại, khinh miệt kẻ quyền thế biến chất, giờ thoi thóp thảm hại…Lẫn lộn cả. Hộp cơm ăn nửa chừng bỗng nhiên thấy nhạt miệng, chán không sao nuốt được nữa. Cô bạn hỏi vì sao. Điền nói dối no rồi! Bỗng dưng, tiếng ống dẫn dịch bật sôi sì sì, cô bạn quẳng lại bữa ăn đứng lên. Điền bảo để anh vào bật máy hút dịch. Cứ thế, hai người luôn chân tay chăm sóc bệnh nhân đến tận tối mịt mới được nghỉ ngơi, đi mua cơm ăn uống.

Cô bạn Điền lấy làm ngạc nhiên khi thấy buổi sáng, Điền phấn khởi, hăm hở làm việc thế, chiều, tuy sự sốc vác không hề giảm sút nhưng sao nét mặt lại ỉu sìu sìu. Cô cười vẻ từng trải và thông cảm hỏi Điền:

-        Mệt, lại không quen với công việc bẩn thỉu hả?

-        Không!

-        Thế tại sao?

-        Tại…, Điền nói nhỏ vào tai cô, tại cái thằng quan này với bọn chức sắc biến chất cướp đất, đàn áp dân mình ở quê có khác gì nhau, đều là đồng bọn thoái hóa chúng cả. Chẳng hiểu nó đã cướp bao nhiêu ruộng đất, gây ra bao nhiêu tai họa cho bà con nông dân ở nơi nó công tác, thế mà, ở đây, mình phải cúi mình phục vụ nó, cứu chữa nó, cho nó con đường sống. Thế có tức không. Mình chỉ muốn nó “ngủ” luôn để trả thù cho bà con.

Cô bạn trợn tròn con mắt, vội vàng bịt miệng Điền lại:

-        Đừng có nghĩ ngợi vớ vẩn rồi làm liều. Những đứa nào có tội với nhân dân thì đã có pháp luật trừng trị. Đâu đến lượt ta phải ra tay lén lút. Ngay như nó ốm đau cũng là trời có mắt, trời đã trừng phạt nó rồi. Luật nhân quả mà lại. Mình làm việc cho nó thì nó đã trả tiền công sòng phẳng. Như đọc được tâm trạng của Điền, cô bạn phóng cái nhìn nghiêm khắc và ranh mãnh vào sâu mắt Điền nói giọng đanh lại, vẻ răn đe, đề phòng, nhưng chỉ đủ để Điền nghe được: Anh cứ liều liệu đấy, muốn làm ăn lâu dài thì phải tử tế. Liều lĩnh dại dột là không xong với em đâu!

Đêm. Cô bạn nói để cô ngủ trước. Hai giờ sẽ thay ca cho Điền ngủ đến sáu giờ sáng. Hai người, mỗi người một manh chiếu trải ngay dưới đất, một chiếc chăn len mỏng khoác lên người ngồi tựa hai chiếc chân giường inox của bện nhân, kẻ thức, người ngủ. Cũng còn may, đây là phòng VIP nên chỉ có ba giường, ba bệnh nhân điều trị, người chăm sóc còn có nền nhà để giải chiếu ngồi hoặc nằm cho đỡ mỏi mệt. Các phòng bệnh thường dân khác, có giường nằm ba. Có bệnh nhân không còn giường, phải nằm dưới gầm, chen chúc chật chội hơn cả trại tị nạn.

Đối với Điền, đây là lần đầu tiên làm cái công việc lạ lùng và cũng hao công tốn sức chẳng kém nghề nông ở quê nhà nên vừa tựa lưng vào thành giường là đã chìm ngay vào giấc ngủ ngon lành. Trong mơ, Điền đang cùng vợ trần như nhộng, quấn lấy nhau, lăn lộn trên giường. Hai đứa cùng cười rả rích, đùa bỡn, giành giật mảnh chăn chiều nào cũng hụt, trong cái lạnh giá của tiết trời mùa đông. Bỗng dưng, cô vợ giựt phắt một nhát, cái chăn tuột khỏi người Điền làm anh chàng lạnh quá. Điền giật mình choàng tỉnh, mở mắt ra. Không phải thật, một giấc mơ ngon lành của đêm đầu tiên xa vợ. Đấy là cô bạn giật chăn gọi Điền dậy thay ca. Điền ra hiệu cho bạn cứ ngủ đi, anh chàng sẽ thức trực thay.

Đêm chìm sâu vào hơi lạnh mùa đông. Để dễ quan sát, Điền xoay nghiêng người tựa vào tường lấy tư thế thoải mái. Anh chàng trân trân nhìn vào cái hình người đẫy đà nằm trên giường. Đầu ông ta ngoẹo sang một bên. Miệng thở khò khè, đứt quãng nặng nhọc. Chốc chốc đôi môi lại rung bật lên như cái nắp ấm nước đang sôi bị đẩy mạnh do áp xuất đột ngột tăng vọt. Ống dẫn hút dịch từ phổi qua đường mở hõm vai chốc chốc lại ré lên như tiếng rít thuốc lào của người nghiện nặng. Năm phút một lần Điền lại phải cầm giấy thấm, chấm và lau sạch rớt dãi cùng bọt chảy ra từ miệng người bệnh. Mỗi lần như thế, Điền phải nén chặt cảm giác ghê tởm trong lòng. Cứ nghĩ đến cũng cái mồm này, chỉ cách đây vài tháng thôi, khi còn khỏe mạnh, nó từng hét ra lửa bất chấp chân lý, trên cả pháp luật. Cái miệng có gang có thép ấy có thể làm cho thuộc hạ, kẻ được thưởng, người bị phạt, người bị tù đày đánh đập … Cũng mươi phút một lần, Điền phải đứng dậy bật công tắc chiếc máy hút dịch phổi và lẽo đẽo bê đi đổ cái chất lầy nhầy máu cá, hôi thối ấy ở nhà vệ sinh rồi chỉnh lại cánh tay phải người bệnh đã bị liệt cứ thõng ra, rơi khỏi giường, lắc lư chìa ra bên ngoài. Mỗi lần như thế, Điền lại gồng mình lên, dồn nén mọi cảm xúc xuống tận sâu đáy lòng để khỏi bùng lên một cử chỉ bột phát là trả thù cho bõ tức. Nó đấy, cũng bàn tay này thôi, khi còn ngồi trên cái ghế công quyền, còn cầm được bút, cầm con dấu do nhân dân giao cho, chẳng biết nó đã kí bao nhiêu quyết định, san bằng bao nhiêu nhà cửa, cướp bao nhiêu ruộng đất, biến bao nhiêu chuyện không thành có, có thành không tày trời làm khổ bao nhiêu lương dân hiền lành vô tội? Và đây nữa, cái gọi là “của quý” bây giờ trông bẩn thỉu,  thảm hại, dơ dáy, lòng thòng những dây cùng dợ đã hãm hại bao nhiêu cô gái trinh nguyên và cả những cô có chồng con đã yên bề gia thất?...Càng trông, càng phục dịch, càng ngẫm nghĩ, máu trong người Điền có bao nhiêu như dồn hết lên mặt. Cái đầu của Điền cũng nóng bỏng, sôi lên bởi những thôi thúc khó lòng kìm hãm:  Trả thù! Và thế là, giống như người đã nhập đồng, vô thức, Điền lảo đảo đứng lên, từ từ ngó nghiêng vào cái mớ hỗn độn dây dợ, ống nhựa trên mình người bệnh… Đang trong tư thế ấy, đột nhiên, từ túi quần, chiếc điện thọai di động rung lên bần bật làm chàng ta giật mình, chết đứng. Mới sử dụng điện thoại, Điền chưa quen với cái cách nó báo hiệu như thế trên thân thể mình. Cứ mỗi lần có tin nhắn là Điền lại giật thót người kiểu như người ta giật mình khi ngủ. Điền tỉnh lại, tĩnh trí, quờ tay vào túi quần lôi điện thoại ra. Một tin nhắn từ vợ. Vợ hỏi: Ngủ chưa? Có nhớ “người ta” không? Điền hí hoáy đánh chữ trả lời: Đồ điên. Nửa đêm còn điện thoại! Thế là diễn ra một cuộc hội thoại tin nhắn như sau: Thế có nhớ “người ta” không? Nhớ chứ lại không à! Nhớ gì nhất? Nhớ “cái ấy”! Nhớ nhiều lắm không? Nhớ phát điên lên đây này, Chỉ muốn…Muốn giờ cũng chẳng làm gì được. Hay tìm chỗ nào có khe hở hoặc cái lỗ nào đó mà xả nó ra kẻo để mãi, bí bách lại làm bậy! Ở đây làm chó gì có những thứ ấy. Giường chẳng đủ cho bệnh nhân nằm, lấy đâu ra lạch giường. Lỗ cũng chẳng có, nền nhà toàn xi măng, rắn như đá! Thế thì cứ liệu hồn đấy, bí quá mà tí táu, tí mẻ với cô bạn cùng làng là mình chết với em. Em là em cứ xẻo! À này, thôi, đừng đùa nữa! Chỉ còn vài ngày là đến tết. Có đi thế này mới biết ở các bệnh viện Thủ Đô bây giờ người ta cần nhiều người chăm sóc bệnh nhân lắm. Anh đã nhận lời chăm sóc người bệnh cho một gia đình. Họ bảo sẽ trả công những ngày tết, mỗi ngày tám trăm nghìn đồng. Sau tết nếu muốn tiếp tục làm, họ sẽ trả hai trăm rưỡi một ngày. Mình có đồng ý không? Ôi, thế thì thích quá. Thôi, vợ chồng mình chịu khó vậy. Em sẽ động viên mẹ ở nhà ăn tết một mình. Chắc bà đồng ý thôi vì lâu nay mẹ vẫn muốn chúng mình rời xa cái bọn tha hóa biến chất ở quê kẻo đầu chẳng phải lại phải tai. Cái điện thoại này để lại cho mẹ dùng, chúng mình tiện đường liên hệ. Có thế chứ! Sắp được “giải tỏa” rồi! Này, đừng có mà mơ. Em lên đấy, chỗ đông người là không được “làm nhiều” như ở nhà đâu đấy!

Tiếng cái ống dẫn dịch phổi trên người bệnh lại rít lên như tiếng rít của chiếc điếu cày. Điền vội vã đóng điện thoại lại, cúi xuống bật công tắc máy hút. Hút xong, Anh chàng tắt máy, bê cái bô toàn những nước lầy nhầy máu cá và hôi thối đi đổ. Vừa đi, chàng lực điền vừa nghĩ ra được một giải pháp sáng suốt: pháp luật chưa với tới bọn người tham nhũng và độc ác này thì hãy để cho lương tâm và chúa trời phán xét. Bệnh đã nặng rồi, chỉ có tích cực chữa mới mong khỏi được, nếu không, quy luật tự nhiên sẽ đào thải không thương tiếc.

Trên giường bệnh đối diện, bà già hơn sáu mươi tuổi, cũng tai biến mạch máu não, liệt nửa thân nhưng miệng còn nói được, thõng cái chân tê dại chạm đất, giọng méo mó thều thào, có ý gọi Điền: Ối ông đầu đen ơi! Thấy Điền chưa tỏ dấu hiệu gì, lại cố gọi to hơn: Ối ông đầu đen chăm ông đầu bạc ơi. Ối giời đất ơi, cứu tôi với! Tôi mất tiền thuê nó chăm nom mà gọi chẳng được. Điền trông lên. Cô gái người Thái Bình được thuê chăm non bà lão, đang ngủ say như chết. Ở phòng điều trị này cả ba bệnh nhân đều đầu bạc, chỉ mình Điền là “ông đầu đen”. Chàng hiểu ý, đứng lên cẩn thận giúp nhấc cái chân bà để lại lên giường, dưới chăn như cũ, xong đâu đấy lại trở về chỗ mình ngồi. Phòng điều trị mờ ảo trong ánh đèn ngủ huỳnh quang.

Cô bạn Điền thở nhè nhẹ, vô tư, chẳng hay biết gì.

Một ngày và gần hết một đêm trong cái nghề mới của chàng nông dân Điền sắp trôi qua như thế ở đất khách quê người. Ngày tiếp lại đang bắt đầu.

 

Hà Nội, những ngày đầu tháng 3 năm 2012

Đoàn Nhất Trí