Mùa trút lá-Truyện ngắn của Trần Thị Nhung (Thái Nguyên)
Tôi đã từng rất thích mùa lá tre rụng, đó là khoảng tháng hai âm lịch, mưa phùn và lá trút xuống đỏ ối. Tôi thích bởi cái sự nhẹ tênh khi đặt mình trên bờ cỏ xanh của lá, khiến tôi luôn có cảm giác yên bình, thư thái. Ngày ấy, có mỗi thím Sỹ cùng suy nghĩ giống tôi. Chiều nào cũng thế, dù phải quét hết những nhẹ tênh đó của hai thím cháu, cho vào sọt và gánh về nhà đun bếp nhưng thím vẫn nhớ để dành một vạt lá mỏng gần bờ sông cho tôi ngồi mơ mộng:
- Không có lá để ngắm, khéo cháu tôi lại giận lây sang tôi, lại chảy xịu cái mặt suốt cả ngày mất.
Khi ấy, tôi cười thật tươi với thím, để lộ hai cái răng cửa hàm trên to tướng, còn thím sẽ khen tôi xinh xắn và đáng yêu lắm. Không biết thím thích mùa lá tre thật, hay chỉ nói để lấy lòng nhưng tôi vẫn cứ thấy vui đến lạ. Thím mến tôi, hay vuốt tóc tôi và kể chuyện. Thế nên, tôi hay bám lấy thím ngoài những giờ chơi với bọn trẻ con trong làng.
Thím Sỹ lấy chú ruột tôi đã được một năm. Năm đó, tôi mười ba tuổi. Mẹ bảo chú Chỉnh cứ đi làm xa mãi tít tận Nghệ An cùng với người đàn bà trong mộng nên thím chẳng thể có con. Tôi chẳng hiểu lắm chuyện người lớn nên không mấy để tâm. Những chiều đi học về, tôi cứ hồn nhiên chạy sang nhà, ăn khoai mật thím nướng. Mỗi lần sang, tôi thấy thím hay ngồi bên thềm khâu nón lá. Thím sẽ nháy mắt để tôi lủi xuống bếp. Hôm nào thím phải đi làm ngoài cánh đồng thì ông bảo đã có khoai để dành ở dưới chạn cho tôi. Tay thím chẳng đẹp mà nướng khoai lại ngon thế. Lâu rồi, thành quen, tôi cứ ngồi chén ngon lành, mặc chân tay, mồm mép nhọ nhem vì tro bếp, cũng chẳng để lọt tai những lời bà nội kèo nhèo trong suốt thời gian ăn khoai: “Con cái nhà…chỉ được nết tham ăn, tục uống; về nhà mày mà nấu; ai phải còng lưng ra trồng khoai cho mày ăn không mãi thế”.v.v. Nhưng kệ! Mai tôi lại sang.
Biết tin chú Chỉnh về thăm thím Sỹ, trưa hôm ấy, tôi ăn cơm thật nhanh. Tôi không ngủ mà chạy vù sang bên đó, leo lên bức tường đất đã nghiêng nghiêng, nưn nứt, vàng sậm, nhưng tôi chắc chắn nó chưa có khả năng đổ vì người tôi nhẹ. Tôi định nhảy xuống vườn chuối để đi tắt vào nhà cho nhanh, nhưng chợt, có tiếng chú Chỉnh trong nhà vọng ra, găn gắt:
- Tôi chưa từng yêu cô.
- Vậy tại sao anh lại lấy em về? Thím Sỹ nhẹ nhàng.
- Tôi lấy vì bố mẹ bắt lấy?
- Sao… anh không nói sớm với em?
- Nói sớm làm sao lấy cô về được. Về nhà này, cô có trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ chồng. Còn tôi, cô lo cũng được, không lo cũng được, tôi tự lo được cho tôi.
- Không…Không…Thím Sỹ nức nở.
- Vài hôm nữa, tôi đi, hãy tha lỗi cho tôi. Không phải chờ thư tôi đâu, sẽ lâu lắm đấy. Chú dịu giọng.
- Tôi…có lỗi gì?
- Lỗi do ông trời, chúng ta không có duyên…Chú đáp lời thản nhiên như thể mặc kệ mọi chuyện ra sao thì ra.
- Chúng mày lại cãi nhau cái gì thế? Con cái Sỹ, là vợ mà cứ chồng nói một câu, vợ cãi một câu như chém chả thế. Phải biết nín nhịn chứ? Một vừa hai phải thôi. Lấy chồng an phận nhà chồng. Rõ chưa?...Tiếng bà nội réo lên làm tôi dựng hết tóc gáy. Tiếng bà vẫn hay to như thế.
Tại chú mà thím bị bà mắng. Chưa bao giờ tôi lại thấy ghét chú đến thế. Tôi ghét người làm thím Sỹ của tôi buồn. Thím chẳng khi nào làm tôi buồn cả, ví như việc để dành lá tre cho tôi mà không quét hết. Chú không nên đối xử tệ với một người tốt theo cái cách như vậy. Tôi vắt chân sang phía tường nhà mình, run rẩy nhảy xuống, đau lòng chạy về nhà. Hình như, tôi bắt đầu biết để tâm…
Chiều hôm ấy, mưa bụi mềm xốp trên đường đất làng, mưa ướt nhoẹt bờ tre. Mưa nên thím không đi quét lá, cũng không đi làm đồng. Chắc thím ở nhà khâu nón. Mà cũng chẳng biết được. Nếu là tôi, có khi tôi nằm trên giường khóc nức. Vì mỗi lần tự ái hay có chuyện gì với mẹ, là tôi hay làm thế.
***
Trưa hôm sau, tôi lững thững ra bờ tre. Có vài đứa bé đi theo nhưng bọn chúng chỉ mải chơi nhảy dây, bắt chuồn chuồn nên chẳng đứa nào ngồi cạnh tôi cả. Chợt, tôi thấy một đồ vật vuông vắn gói trong cái túi mỏng, nằm vụi vọ dưới bụi tre. Tôi thò tay lôi ra được một cuốn nhật kí nhỏ: “Của thím Sỹ”. Sao thím lại để ở đây? Hay là, thím muốn vứt nó đi? Hình như, thím không nỡ vứt xuống sông? Nó cũng đã ngấm một ít nước mưa, để lâu nữa thì hỏng hết. Tôi lủi kín vào trong bụi tre, hí húi đọc.
Ngày 26/01. Mình là một cô gái bình thường, không có nhiều tài lẻ như những cô gái khác. Thế nên, mình cũng chỉ ao ước có một tình yêu đầu đời, thật giản dị thôi nhưng hạnh phúc. Mình sẽ chỉ yêu một người và lấy người đó làm chồng.
Ngày 28/01. Ước gì sau này lấy chồng, mình sẽ có một ngôi nhà nhỏ, một mảnh vườn nhỏ, một vài thước ruộng trồng lúa. Mình sẽ có ba đứa con, nghèo nghèo một chút cũng được, nhưng ấm áp tiếng cười. Cuộc sống của mình, mong là cũng êm đềm như mặt sông đón những chiếc lá rụng, trôi đến những miền dù xa nhưng hạnh phúc.
Ngày 02/02. Mẹ bảo mình không xinh, mắt một mí, mũi hơi to, người thì thấp, chỉ được cái trắng, mà trắng thì không mài ra ăn được nên phải học hỏi và rèn luyện cho cái nết đẹp. Mẹ bảo về bên nhà ấy làm dâu thì phải biết chăm lo sớm tối, thì người ta mới quý. Còn cái khung khâu nón, mình thích, mình sẽ mang theo, kiếm đồng ra đồng vào.
Ngày 12/02. Mình không phải đi tìm hạnh phúc đâu xa, hạnh phúc đây rồi, ở rất gần. Tình yêu đầu như mình mong ước, với một anh chàng làng bên, kém mình hai tuổi. Không sao. Miễn yêu thương nhau là được. Ngày mai mình cưới.
Ngày 22/02. Chẳng có thư anh. Nhớ!
Ngày 02/03. Ngày mai anh về.
Ngày 03/03…
Chẳng có gì để đọc nữa. Tôi thất thểu bước về nhà, lén lút giấu quyển sổ vào trong cặp sách. Tối đó, tôi giở sổ của thím ra, định viết gì đó, nhưng lại thôi. Lòng tôi rối bời, bứt rứt đến khó chịu. Tôi ngó ra ngoài cửa sổ, trăng mờ lắm, cứ lùng bùng trong mây. Bố đang chẻ tăm dưới bếp, mẹ thì đang nấu nước:
- Đàn ông thay đổi theo hoàn cảnh, còn đàn bà, rơi vào hoàn cảnh này, sẽ không biết thay đổi như thế nào? Bố mẹ mình lấy vợ gần cho chú để giữ chân chú lại. Nhưng, không giữ được. Thôi thì mặc xác, chú muốn yêu ai thì yêu, hạnh phúc hay không tự do chú quyết định, có ép cũng không được. Chỉ tội cho thím Sỹ, ngoan, hiền, được nết mà chú không thương... Mẹ tôi thở dài.
- Biết làm thế nào được. Bố chép miệng rồi lại lặng yên.
Tôi ngồi thụp xuống bàn học, không nhét nổi chữ nào vào đầu. Rồi, tôi trèo lên giường trùm chăn, ôm cuốn nhật kí của thím. Hình ảnh thím ngồi khâu nón bên hiên nhà, tóc dài chạm xuống bậc thềm, mượt óng, và nụ cười dịu dàng nhìn tôi cứ hiển hiện trước mắt. Tôi chẳng muốn nụ cười xinh đẹp ấy phải tắt, chẳng muốn nhìn thím phải khổ mà không biết làm thế nào?
Có tiếng dép loẹt quẹt, vội vã ngoài sân. Chỉ có thể là thím Sỹ. Hình như, tôi còn thuộc cả nhịp chân của thím nữa. Đúng là thím sang nhà tôi nói chuyện với bố mẹ. Bố mẹ tôi biết thím khó xử, nhưng vẫn khuyên thím nên chịu đựng một thời gian, biết đâu tình cảm chân thành sẽ dần cảm hoá được chú. Chú bị người đàn bà làng chơi bám riết lấy, chưa thể dứt được. Tôi bật dậy chào thím và thấy thím cố không để rớt nước mắt trên đôi mi đã sưng mọng: “Anh ấy nói sẽ đi bộ đội. Mới cưới nhau chưa được bao lâu đã nhiều khục khoặc quá. Em phải chờ đến khi nào?”. Bố mẹ tôi ngồi buồn. Thím cắp nón ra về.
Tôi chạy theo, đưa cho thím quyển sổ nhật kí: “Thím viết văn hay thế ạ? Sao thím không đi làm cô giáo?”. Thím dúi vào tay tôi: “Nếu cháu muốn cứ giữ lấy, thím bỏ nó đi rồi. Nhà thím nghèo. Không được học cao. Trẻ con nghĩ nhiều làm gì chuyện người lớn”. Tôi cầm tay thím: “Cháu thương thím lắm!”. Thím xoa đầu tôi, xúc động: “Giá thím có một đứa con như cháu thì tốt biết mấy.”.
Đêm xơ xác dưới mưa bụi như là khuôn mặt của thím đã bắt đầu cúi xuống, héo úa, xấu xí vì sắp phải về nhà, đối diện với một người quyết tâm ra đi. Tôi nâng niu cuốn nhật kí và muốn thím hiểu rằng, dù là trẻ con nhưng tôi có thể thương thím nhiều hơn là chú.
***
Khi tôi lớn hơn một chút thì thím Sỹ vẫn ở lại nhà chăm sóc ông bà, kiên trì, nhẫn nại. Cái lí do: “Lấy chồng an phận nhà chồng” của bà trói chân thím. Tôi hiểu hơn về sự nhàm chán trong cuộc sống của thím, nhưng ở lâu sẽ thành thói quen. Tôi bắt đầu biết yêu, đã có những tư tưởng giống y như những gì thím viết trong nhật kí ngày xưa vậy. Sau này, tôi cũng chỉ yêu một người và lấy người đó làm chồng. Chồng tôi sẽ là mối tình đầu của tôi. Nhưng tôi rút kinh nghiệm từ thím. Tôi phải yêu trong thời gian lâu hơn, phải có kỉ niệm rồi mới cưới. Yêu ít như thím thiệt thòi lắm. Thím nói với tôi: “Người đầu tiên thím yêu và lấy là chú. Thím không có nổi một mối tình đầu để mà tìm về dưỡng thương. Thím không có những kỉ niệm để an ủi mình. Thím sống và chỉ có quyền ghen trong tuyệt vọng. Còn chú Chỉnh, nào là thư tình, nào là khăn tay có thêu tên người yêu, nào là chiếc lược có khắc trái tim, sổ nhật kí viết chung. Còn thím, chỉ ôm những cô đơn, tủi hờn làm kỉ niệm đầu đời. Đôi khi, cuộc đời trêu đùa mình quá, không để chúng ta có được mọi thứ như ý mình. Thím có thể chấp nhận, nhưng cũng có giới hạn của mình…”.
Tôi lờ mờ nhận ra, thím không còn muốn để những đợi chờ, những hy vọng về một tình yêu không thực cứ ngày ngày tháng tháng gấp thêm nếp nhăn trên trán mình nữa. Đến lúc, thím phải tự giãn chúng vì mệt mỏi quá đỗi chăng? Sức chịu đựng làm úa thân xác thím. Chẳng nhẽ, không có cách nào khác? Lá tre đến mùa sẽ làm đỏ mình, nhưng rồi đón mùa mới lại chồi những xanh non. Thím đã chờ, nhưng mùa chưa trổ tươi, khi người đàn ông không muốn vì thím mà đón nhận. Tôi rủ rỉ: “Hay thím lấy chồng khác đi. Là cháu, cháu sẽ ăn mặc thật đẹp, cười thật nhiều, yêu đời và yêu người khác. Cháu thấy làng bên có chú Phú hay để ý đến thím lắm đấy. Mỗi lần thím đi bán nón, chú ấy thả bò sang bên mình, ngồi ở bờ đê cứ nhìn theo mãi”. Tôi cười giòn tan. Thím kéo tai tôi: “Thôi chết! Con bé này. Để ai nghe tiếng thì lại lắm chuyện đấy. Vớ vẩn!”. Thím đỏ mặt. Cảm giác khi trêu được ai đó, khiến tôi cười đến không mở nổi mắt. Lúc mở được ra thì thím đã bỏ đi nhặt mo tre khâu nón, tít đằng búi gần nhà bà Chấn. Khi ấy là khoảng mùa hè tháng sáu, gió hè thổi mát rượi trên bờ đê. Trưa ấy, mặt nước sông êm đềm đến lạ. Tôi soi bóng mình, rồi lại thôi vì thấy bọn trẻ con đang tiến lại gần. Chúng hò reo ầm ĩ. Chợt, tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi thím: “Có thư, có thư thím Sỹ ơi.”. Thím thả hết tập mo tre xuống đường, chạy vội. Từ xa, nhưng tôi cũng cảm nhận được cơ mặt của thím giãn ra và cặp môi nhoẻn cười. Tôi lấy những viên đá, ném ùm xuống mặt sông, trêu những đứa trẻ đang ném thia lia những viên ngói nhỏ, dẹt và cười vang. Mải vui, tôi chẳng hề biết việc đột ngột xảy ra tiếp theo: mẹ dìu thím Sỹ mềm như bún về nhà.
***
Thư khẩn báo về gia đình tôi, giấy báo tử của chú Chỉnh, gửi về từ chiến trường biên giới phía Bắc. Nụ cười chưa từng ngự trị lâu trên môi thím. Thím Sỹ của tôi lại phải khổ vì từ giờ, thím không phải đợi chú nữa, không phải ghen với người đàn bà của chú nữa, cũng không phải hy vọng một ngày chú sẽ thương yêu thím thật nhiều nữa. Tháng năm chờ đợi đã đền đáp cho thím hình hài một người đàn bà goá chồng. Thím không soi gương nên sẽ chẳng biết mình héo úa hơn cả lá tre ngoài sông, vàng quạch và tàn tạ như lá cuối mùa rơi rụng. Những ngày đội khăn thờ chồng, không con, dài như lối mòn trên bờ sông, khiến cho người ta chẳng biết mở lời thế nào để động viên thím nữa. Người phụ nữ xứ Nghệ mang đứa con ba tuổi và chứng bệnh tim bẩm sinh đến gửi ông bà, gửi thím và cúi lạy ra đi. Ngôi nhà níu chân thím lại. Đứa bé ốm quặt quẹo nằm ấm áp trong lòng thím. Tôi chưa từng hiểu hết cảm giác đó. Chỉ tự hỏi, người phụ nữ ấy lấy gì, nuôi gì trong tim mà có thể quên bản thân mình, quên tuổi xuân của mình, và hy sinh nhiều đến thế? Người phụ nữ ấy đã mắc nợ gì chú từ kiếp trước, mà kiếp này phải chịu cô đơn đến thế? Thím có đứa bé trong tay, thím gọi nó là con, xưng mẹ. Nhưng, hạnh phúc ấy ngắn ngủi làm sao? Căn bệnh đã sớm đưa thằng bé đi theo bố nó sang thế giới bên kia. Tôi thương thím. Làng quê này cũng thương thím mà nhuốm nhiều lắm vào cỏ cây, cảnh vật những nỗi buồn. Con đường đến bãi tha ma dài lê thê và ngày tháng ấy như xuyên thẳng nhức nhối vào lòng tôi, đau đớn cho đến tận bây giờ. Triền sông đầy nắng chiều hôm như ám vào tôi cái nôn nao đến ngây ngấy người. Những bờ tre quên cả êm đềm, mát rượi, nay đứng dựa vào nhau bơ phờ, tiều tụy. Cây cầu bắc qua sông, bỗng trở nên xa lạ, như chưa từng quen. Thím đã đưa chồng, giờ đưa con chồng sang bên kia cầu, như sang một thế giới khác và khi đặt chân quay về, thím sẽ làm gì tiếp theo cho cuộc đời lỡ dở này? Tôi nghe tiếng ông nội lẩm bẩm: “Nơi này làm khổ mẹ nó, hay để cho nó đi”. Tôi biết, bà cũng thương thím, nhưng vẫn dủng dẳng: “Nó đi rồi, có sướng hơn không. Đã khổ, chỗ nào chả khổ’.
Thím từ biệt bố mẹ, dời làng đi làm ăn xa, ngoài Hà Nội, rồi từ đó không về. Tôi lấy chồng. Vợ chồng tôi theo ông bác vào miền Nam lập nghiệp. Ngày dọn đồ, tôi mang theo quyển sổ nhật kí làm mối liên hệ với thím. Tôi gài một lá tre khô, xếp nó vào đáy vali, gìn giữ.
***
Thời gian trôi nhanh và công việc cứ cuốn tôi đi không ngừng nghỉ. Dường như, tôi cũng dần lãng quên và cũng vì không có cách nào liên lạc được với thím Sỹ. Chỉ có những bờ tre ở bất cứ đâu cũng hay nhắc tôi về những tháng ngày tuổi thơ bên thím. Khi người ta không ở gần nhau nữa, sao người ta dễ xa nhau đến thế? Cuối năm, tôi về làng cùng chồng. Tôi hỏi thăm thím qua mẹ. Mẹ bảo thím lấy chồng ngoài Hà Nội được mười bốn năm. Rồi, hai vợ chồng bỏ nhau. Thím lấy thêm một người nữa, nhưng ông ấy mất rồi. Bây giờ, thím về làng ở.
- Trời ơi! Thế còn con thím? Tôi hỏi gấp.
- Thím không có con. Trước cũng có xin thằng con nuôi đấy, nhưng rồi nó cũng lại bỏ đi. Mẹ tôi nhỏ giọng.
Tôi nheo mắt lại, thấy trĩu nặng trong lòng:
- Thím giờ chắc cũng gần sáu mươi mẹ nhỉ?
- Ừ. Thím gần sáu mươi rồi, bước sang tuổi năm chín. Thỉnh thoảng, thím vẫn về đây qua lại với gia đình mình. Nhưng, đau ốm thường xuyên. Đến khổ! Nhà ngoại xây cho thím căn nhà cuối làng. Ông anh cả của bà cũng ở gần đó, dựa dẫm anh em, con cháu bên ngoại lúc tuổi già.
- Ông bà nội mà còn thì chắc sẽ lại than: “Số khổ, có đi đâu cũng khổ. Mẹ nhỉ?”.
Mẹ tôi bảo: “Con về thì qua thăm thím”.
Chợt chú Út ra, nói liến thắng ngay từ ngoài sân với bố mẹ:
- Em nghĩ, mình không phải xác nhận cho thím Sỹ hưởng chế độ là vợ liệt sỹ nữa. Thím đã đi lấy mấy lần chồng rồi. Giờ thì thôi. Chứ xác nhận rồi về đây, gia đình mình lại phải lo tất cho thím. Em không đồng ý.
- Đã đành là thế. Nhưng giờ thím đâu còn chỗ dựa. Chứng nhận cho thím có chút an ủi khi về già. Cuộc đời người ta đã đủ khổ rồi. Lấy mấy lần chồng, nhưng có dựa được vào chồng nào đâu.
- Bên ngoại người ta đầy ra đấy. Chị cứ lo bò trắng răng.
Nói rồi, chú ngúng nguẩy đi về. Dáng dấp của chú làm tôi nhớ tới bà nội.
Tôi sang nhà thím, căn nhà giản dị, đơn sơ nhưng sạch sẽ. Tôi giật mình. Thím của tôi ngày nào, giờ sao đã già đến thế, mái tóc đen dày ngày xưa, giờ đã bạc phơ. Khu vườn đầy những cây ăn quả, nào ổi, nào khế. Lũ trẻ con ríu rít một góc vườn. Thím bị còng sớm vì bệnh tật. Đáng ra, ở tuổi thím, chưa đến mức như thế. Tôi cầm tay thím để tìm những vết kim châm khâu nón ngày xưa nhưng tay thím đã già nua, nhăn nheo, run rẩy.
- Thím đau nhiều không?
- Thím đau gần chục năm nay rồi, xương cốt chẳng ra gì nữa. Con ở trong đó làm ăn tốt không?
- Dạ. Tốt ạ. Thím ở một mình thế này, đêm hôm biết làm sao?
- Thím vẫn khoẻ chán. Người ta đau ốm nữa vẫn còn chịu được. Mình mới thế này, đã ăn thua gì.
Tôi rớm nước mắt:
- Hay là, tối nay con sang ngủ với thím?
- Thôi con. Dân làng dị nghị. Thím đã đi mấy bước nữa rồi.
- Nhưng đâu phải thím muốn thế.
- Con sang chơi là thím vui lắm rồi.
Tôi gửi thím chút đồng ăn quà rồi chào thím ra về. Lần gặp đó, cũng là lần cuối cùng. Vài tháng sau, mẹ gọi cho tôi về đưa thím ra đồng Mo yên nghỉ. Tôi đặt vé máy bay mà chân tay cứ rối lên. Mẹ tôi bảo không dám đưa cho gia đình thím tờ giấy chứng nhận vợ liệt sĩ tái giá nữa. Muộn rồi! Gia đình mình có lỗi với thím nhiều.
Tôi nán lại trước mộ thím. Cuốn sổ nhật kí từ ngày quen thím tôi đã kịp thả xuống trong mộ cùng một chiếc lá tre xanh làm bạn. Tôi đã viết tiếp trong cuốn sổ của thím trong nhiều ngày tháng sau này: “Con yêu thím như yêu mẹ của mình!”. Không biết tấm lòng nhỏ bé của tôi có bù đắp được phần nào những thiệt thòi, hi sinh của thím hay không? Mùa lá tre ngoài kia, cứ úa vàng, rụng xuống, rồi lại tái sinh. Thím của tôi, khô héo vì trần gian như một chiếc lá tre nhỏ. Nay thím về thế giới bên kia rồi, nhưng tôi vẫn mong cuộc đời thím sẽ tái sinh trong một hình hài khác, như những chiếc lá kia, sẽ xanh lại khi đến mùa và tươi non đón gió bên triền sông phủ đầy nắng ấm. Tôi thương thím nhiều!
Trần Thị Nhung
Trường trung học cơ sở Thanh Ninh
Phú Bình – Thái Nguyên.