Bến tượng nghiêng trôi-Truyện ngắn của Nguyễn Đức Hạnh (Thái Nguyên)

Bến Tượng là một bến sông nổi tiếng của Thái Nguyên, nghe đồn từng là nơi voi tắm từ triều Trần, triều Lý. Bởi thế, các cụ già ở ven sông Cầu từng lim dim kể lại: Có những đêm trăng vẫn thấy thấp thoáng bóng voi đi và có những tiếng voi gầm thăm thẳm buồn, như nhớ tiếc một thời oanh liệt nay còn đâu. Nhà tôi bên bến Tượng, thầy Tử vi bảo một linh hồn chú voi con lạc mẹ đã đầu thai chuyển kiếp thành tôi bây giờ, đã ngoài 30 tuổi, học hành dở dang, nghề nghiệp không có, sống một mình và mưu sinh bằng câu cá bán, lén lút làm thơ đọc cho sông Cầu nghe, rồi giao thừa mỗi năm đốt những bài thơ ấy trên bờ sông. Hình như lũ cá dưới sông mê thơ tôi nên quanh năm buông cần là có cá ăn không hết, đem bán ở chợ Đồng Quang đắt hơn tôm tươi. Nhưng có một điều kì lạ mà tôi không dám kể với ai, chính tôi còn nghĩ mình bị điên khi nhìn thấy và trò chuyện được với các hồn ma. Ban đầu tôi kinh sợ, tưởng mình đã hóa tâm thần, rồi cũng quen dần, và rồi thích thú vì ma thật thà hơn người, ma không diễn kịch, không “đeo mặt nạ” như bao người đang sống quanh tôi.

Tôi thân với hồn ma một cô gái trẻ tự tử vì tình ở bến Tượng, nhiều buổi tối tôi ngồi câu cá, em ma ấy ngồi bên cạnh, lúc tinh nghịch đùa giỡn, lúc trầm tư thơ mộng, lúc cáu gắt inh ỏi. Trời ạ! Đúng là phụ nữ! à quên, đúng là ma nữ. Em ma bảo tôi:

- Cây cối, nhà cửa, chó mèo đều có linh hồn đấy, ngốc ạ.

Tôi nghi ngờ:

- Động vật thì có thể chứ cây cỏ, nhà cửa làm gì có linh hồn? xạo…

Em ma cười khanh khách, ghé sát vào tôi thì thầm:

- Đồ ngốc! À mà ai làm thơ đều ngốc thì phải! Anh có biết ngôi nhà của anh rất đa tình không? Đêm nào nó cũng qua sông tình tự với ngôi nhà bên kia. Gần sáng mới trở về. Chỉ có em nhìn thấy, hihi, nhưng em không nói, sợ nó xấu hổ, giờ em tin anh lắm mới kể ra đấy.

Tôi ngơ ngác trước câu chuyện kì quái này, rồi để tâm theo dõi. Quả nhiên cứ đêm nào tối trời, căn nhà của tôi nhẹ nhàng rẽ sóng qua sông, chạm sát vào ngôi nhà ở bờ bên kia. Chúng nói chuyện hay không, nói bằng ngôn ngữ nào, tôi không biết. Chỉ có điều ngôi nhà cứ run lên bần bật. Hình như kiếp người cũng thế! Bao giờ cũng có một dòng sông ngăn cách, rồi cứ vượt qua những cách ngăn, éo le để đi tìm ước mơ của mình, dù hạnh phúc bao giờ cũng có hai mặt là sung sướng và đau khổ?

Bến Tượng đã vào mùa trăng. Có mấy cây Vả bên sông cứ vẫy cành vẫy lá như gọi, như chờ rồi rụng quả chín xuống cho cá ăn. Dạo này em ma bạn tôi buồn lắm, cứ ôm mặt mà nức nở, đôi vai gầy rung rẩy, hỏi thế nào cũng không nói. Mãi rồi, khi tôi đã dỗ dành em mỏi cả mồm, lại mua cho em mấy cái Oản và một đĩa hoa Ngọc Lan, em ăn xong mới bảo:

- Anh người yêu cũ của em đã lấy vợ lần thứ hai. Đêm hôm nọ em lên đình màn xem họ tân hôn. Anh ấy vẫn nói những câu khi làm tình với em. Sao đàn ông lại ác và hay lừa dối phụ nữ như thế?

- Em có hận anh ta không?

- Không, khi sống thì em hận, nhưng giờ thành ma rồi, em chỉ buồn thôi. Em biết trước những gì anh ấy sẽ gặp sau này mà không sao ngăn được, hậu quả sẽ khủng khiếp lắm. Tôi chạy đi mua cho em ma nữ một cốc chè, em chỉ ăn hương ăn hoa thôi, nhưng sau đó cốc chè rất nhạt và bị vữa ra, đúng là “vữa như bị ma vầy”. Em quay lại, cười dìu dịu biết ơn rồi bảo:

- Em sẽ đền ơn anh. Rằm tháng Bảy này xá tội vong nhân, ngôi nhà anh sẽ trôi ra giữa sông rồi dừng lại, sẽ có một cuộc gặp kì quái giữa hai hồn ma và một người sống, cả ba đều có liên quan mật thiết với Thái Nguyên, mà chỉ của Thái Nguyên thôi nhé - một người đang làm nổi phong ba trên văn đàn Việt Nam và thế giới. Anh cố rình và gặp họ đi, họ mà quý anh, cho anh ít lộc rơi lộc vãi anh thành nhà thơ cấp tỉnh chứ chẳng chơi. Lúc ấy sang trọng rồi chẳng thèm chơi với em nữa cũng nên. HiHi…

Tôi chẳng mơ mong làm nhà thơ dù ở cấp nào, tỉnh tôi có hai loại nhà thơ: một loại là nhà thơ nghèo, dở điên dở tỉnh, đọc thơ như lên đồng, bỏ mặc vợ con đói khổ để say mê nàng thơ, để thương trẻ mồ côi và nạn nhân chất độc màu da cam ở xa tít tắp; Một loại là nhà thơ giàu có giấu sự tỉnh táo, lạnh lùng trong vỏ bọc mộng mơ, đa cảm, diễn vai thi sĩ ở những hoàn cảnh thích hợp và những đối tượng thích hợp. Dù tôi mới chỉ viết văn vần, nhưng với hai loại nhà thơ ấy, tôi chẳng thèm tơ màng, thà làm người bình thường còn hơn.

Nhưng sự tò mò nổi lên: - một cuộc gặp chưa từng có giữa hai hồn ma và một người còn sống đều là những thi nhân, văn nhân nổi tiếng, lại còn diễn ra trong ngôi nhà lá rách nát của mình? Làm sao mà không hiếu kì cho được? Chỉ được chứng kiến thôi đã thích thú lắm rồi.

Rồi cái đêm mong chờ ấy cũng đã tới, nửa đêm ngôi nhà sàn sạt qua sông, đến giữa dòng thì dừng lại. Tôi nấp trong tủ sách, nín thở nhìn qua khe cửa, chẳng biết bằng cách nào hai hồn ma và một người sống đã ngồi trên chiếu trải giữa nhà, giữa chiếu đặt một mâm đồng, trên ấy có một đĩa gạo, một đĩa muối và một bát đựng cái gì vàng rượi, phập phồng, lung linh (mãi sau nghe họ nói tôi mới biết đó là ánh trăng). Rồi một be rượu khổng lồ đặt bên mâm. Họ lặng lẽ uống rượu, thi thoảng trộn tí gạo, tí muối, tí ánh trăng, hâm lên trên bếp lửa rực hồng, rót rượu vào mà uống. Hồn ma già nhất tự giới thiệu là Bính Nguyễn - một thi sĩ nổi tiếng với những vần thơ lục bát, đẹp như ca dao, nhà thơ thủ thỉ:

- Năm 1939, tôi đã viết ở bến Tượng này những câu thơ:

“Anh đi đó, anh về đâu

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”

Hồn ma thi sĩ thứ hai giới thiệu tên là Vũ Nguyễn, nhà viết kịch nổi tiếng một thời, cười khà khà rồi bảo Bính Nguyễn:

- Lãng mạn, hay có hay nhưng có giúp được gì cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc? phải là tiền tuyến gọi chúng ta lên đường: Qua xuân 1967 rồi, nhanh chân lên anh em ơi!

Thấy hai hồn ma bắt đầu cãi nhau, người thứ ba là một nhà văn trẻ nổi tiếng có tên Phương Bình khẽ khàng nói:

- Các bậc tiền bối đừng cãi nhau làm gì?

Mỗi thời đại lại có một kiểu văn chương của mình. Đa số văn chương chỉ là sản phẩm hợp thời nên nhất thời. Còn thứ văn chương hay cho muôn đời, hiếm lắm, mỗi dân tộc có được một hai người đã là may mắn lắm.

Tay Phương Bình này kiệm lời lắm, cả buổi chỉ nói có một câu này, còn lại toàn dùng đôi bàn tay làm các kí hiệu để trả lời. Bính Nguyễn hỏi Vũ Nguyễn:

- Tác phẩm của ông là nhất thời hay của muôn đời?

Vũ Nguyễn lắc đầu, xua tay rồi ôm mặt khóc, nước mắt là những hạt muối rơi lốp đốp xuống mâm đồng. Bính Nguyễn lại hỏi Phương Bình:

- Văn của cậu có đạt tới mức của muôn đời không?

Phương Bình nhún vai, lắc đầu, hai tay chỉ lên trời, chắc muốn nói: Điều ấy thì phải hỏi trời!

Bính Nguyễn đứng dậy, lướt vùn vụt quanh nhà mà không va chạm vào bất cứ vật gì, tôi nhìn xuống và thất kinh: - Ông ta không có chân. Ông ta lẩm bẩm: - Vậy thì chỉ còn thơ của ta thôi. Đấy, hai người con của Thái Nguyên thì chịu rồi, còn ta gắn bó, coi Thái Nguyên là quê hương thứ hai, thơ ta là của muôn đời chứ sao không:

- Đèo cao cho suối ngập ngừng

Nắng thoai thoải nắng chiều lưng lửng chiều

Hay! Hay quá phải không? Bỗng một tiếng nói trong veo vọng xuống từ mái nhà:

- Hay, nhưng cũ lắm rồi. Bọn trẻ chúng cháu không thích nữa, bây giờ cháu chỉ thích loại thơ như là:

“Khỏa thân trong chăm thèm chồng”

Em ma bay xuống, hâm nóng rồi rót rượu cho ba quái nhân này, còn chấm ngon tay vào bát mà mút mút tí ánh trăng cứ dập dềnh như nổi sóng trong bát. Vũ Nguyễn hét lớn:

- Bậy bạ, thơ phải cao đẹp. Làm sao tả cái thú dâm tục ấy mà thành thơ được. Bính Nguyễn trầm ngâm:

- Tả cái gì cũng được, nhưng sau cùng phải hướng người ta tới cái đẹp, cái thiện. Phải không Phương Bình văn sĩ?

Phương Bình vẫn lặng lẽ cười mỉm rất khó hiểu, đứng dậy, rút trong túi ra một cái đinh và cây búa ra cột nhà, cứ đóng đinh, nhổ đinh nhanh như máy,  2042 cái thì dừng lại, vứt cả đinh và búa xuống sông, ngửa mặt cười lớn 3 tiếng rồi nằm vật xuống chiếu mà ngủ như chết.

Tôi thầm nghĩ: ông này, chắc chắn sẽ còn đi xa. Sự kiên trì, nghị lực ấy và tài năng nữa (chắc phải tài năng thì hai con ma kia mới chịu ngồi cùng chiếu) nhất định sẽ tỏa sáng, nhưng sao lại đóng đinh 2042 cái thì dừng rồi đi ngủ? Chịu bố, ai mà hiểu nổi mấy cụ văn nghệ sĩ nửa người, nửa ma này.

Vũ Nguyễn phờ phạc quay lại hỏi Bính nguyễn:

- Theo cậu, nếu có thể ví von thì quá trình sáng tác của một tài năng lớn giống như hiện tượng nào trong đời sống?

Bính Nguyễn tư lự mãi, uống 3 chén rượu rồi chậm rãi trả lời:

- Giống như hiện tượng làm tình của đàn ông. Nhưng ở mỗi người đàn ông - mỗi người nghệ sĩ làm tình vừa giống lại vừa khác với người khác.

Em ma kêu lên: - Khiếp. Các bác nói bậy quá. Rồi lấy tay che mặt, hai má đỏ hồng, mắt đen láy ti hí nhìn trộm qua kẽ ngón tay.

Bính Nguyễn tháo trên lưng ra một cái chum nhỏ, giống như chum đựng nước mưa của bà con nông dân, rồi điềm nhiên cởi quần thò dương vật nhỏ xíu vào chum đâm liên tục. Đến lúc cực khoái, ông ta rút dương vật ra, một dòng nước mưa trong veo thoang thoảng hương hoa cau phun thành hình cầu vồng, rồi chắp lại trên không trung thành những câu lục bát chuyển động liên tục rồi tan vỡ thành mưa bụi bay giăng mờ mặt sông.

Vũ Nguyễn đứng phắt dậy, tháo trên lưng xuống một cái nòng súng B40, thò dương vật còn nhỏ xíu hơn đâm liên tục vào nòng súng, lúc xuất tinh thì chao ôi, một dòng máu đỏ tươi phun ra, đặc quánh lại, rồi khi ấy, vỡ lả tả bay như bụi đá xuống sông. Cả hai quay lại lay đập vào vai Phương Bình, anh ta ngồi dậy, tỉnh như sáo, mang ra một cái Laptop màn hình đời mới nhất làm bằng chất dẻo, rồi đưa dương vật khổng lồ của mình đâm liên tục  vào màn hình. Lúc xuất tinh anh ta cho phun ra một dòng thủy ngân sôi sùng sục màu trắng bạc phóng lên không trung tụ lại thành hình một con rồng đang buồn bã, hai hồn ma sững sờ ngắm nhìn, rồi thì thầm trao đổi.

- Độc nhất vô nhị ở thế kỉ này, đẹp nhưng độc lắm. Với người này thì đó là thứ cứu người, với người khác thì đó là thứ giết người.

- Hay và lạ! Nhưng mới chỉ là bạc. Được vài thế kỉ, nhưng nếu phun ra là vàng thì bất tử.

Thế rồi hai hồn ma ôm nhau khóc nức nở, nước mắt hóa mưa rào có màu xanh pha chút làn tinh nhấp nháy sau đó bay lên trời đi mất. Trước khi chia tay họ uống với nhau chén rượu li biệt: Bính Nguyễn uống bằng một cái chén cổ, dừng quạt che mặt mà uống. Vũ Nguyễn uống bằng catut của đạn súng AK, còn Phương Bình uống bằng một chiếc bồ đài xanh mượt, tết bằng những lá chè Tân Cương của cây chè cổ thụ đã hóa mộc tinh mọc ngoài nghĩa địa. Phương Bình đứng dậy, vái một vái dài tiễn hai hồn ma rồi thoắt biến mất, không biết đi đâu.

Căn nhà bỗng rung đảo dữ dội rồi chìm xuống sông Cầu. Tôi bơi được vào bờ, em ma đến ngồi bên cạnh lặng lẽ. Một lúc tư lự, em bỗng hỏi:

- Sao anh không xin ba vị ấy chút lộc văn chương?

Thôi thôi, tôi hãi món văn chương này rồi, từ nay cũng không làm thơ nữa, chỉ chuyên về câu cá thôi. Trước khi bay đi, em ma thở dài bảo:

- Em ngắm anh kĩ rồi, tạng anh chỉ làm nhà phê bình văn học là hợp. Đỡ điên điên như bọn sáng tác. Sáng tác mà như làm tình kiểu ấy có mà phải vào bệnh viện cấp cứu.

Tôi tự ái, nổi điên, muốn tát em một cái mà không kịp. Tôi nhảy xuống sông bơi một vài vòng cho đỡ tức. Bỗng giọng em ma trong vắt từ trên bờ ném xuống một câu hò, câu hò biến thành thừng, thành chão cuốn lấy tôi lôi vào bờ:

- Bến Tượng nghiêng, nước sông trôi

Thi nhân, văn nhân trôi

Vậy cái gì ở lại

Cứu lầm than cõi người, Hò…ơ!./.

Nguồn:  Văn nghệ số 17+18/2019