Bi kịch của người phụ nữ trong tiểu thuyết Sóng bên ngày nắng* của Phan Thái

“Sóng bên ngày nắng” là tiểu thuyết thứ hai của Phan Thái viết về đề tài công nghiệp. Tác phẩm thể hiện mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến doanh nghiệp và những hệ lụy, mâu thuẫn lợi ích trong quản lý doanh nghiệp. Một trong những biểu hiện của mặt trái đó là sự xuống cấp đạo đức, tham nhũng, lãng phí. Vì tiền, không chỉ có người đàn ông - những người được giao đại diện vốn nhà nước mà ngay cả người phụ nữ cũng không tránh khỏi bi kịch cuộc đời.

1. Bi kịch ôm giấc mộng đổi đời

Cũng sinh ra trong một gia đình có cha có mẹ như bạn bè cùng trang lứa, nhưng điều không may cứ dồn dập lên cuộc đời Thảo. Nhà bị lốc cuốn trôi, bố Thảo phải lầm lũi đi đãi vàng còn mẹ con Thảo bíu ríu nhau đi ở trọ. Chưa dừng lại ở đó, cơn lũ quét hung tợn lại ập đến rồi cướp đi sinh mạng của bố Thảo. Mẹ Thảo bỏ con cho bà nội rồi vượt biên ra nước ngoài biền biệt. Bà nội già yếu đau ốm liệt giường, Thảo đành bỏ học lên thành phố kiếm tiền phụ giúp bà khi mới 15 tuổi. Hoàn cảnh gia đình thiếu may mắn ấy đã khiến cuộc đời Thảo rẽ sang trang với nhiều sóng gió.

Hình ảnh cô bé Thảo nhà quê nồng nã không son phấn đã lọt vào “mắt xanh” của Nguyễn Thấn, Tổng Giám đốc Công ty Đông Á - nhà tài trợ chính trong một cuộc thi người đẹp mà Thảo tham gia. Nguyễn Thấn coi Thảo như người đẹp “khuôn vàng thước ngọc” và thường xuyên đưa đón săn sóc, chu cấp cho Thảo “rủng rỉnh”. Những xa hoa phú quý trong khách sạn năm sao với những căn phòng lộng lẫy đã làm mờ mắt Thảo.

Học hết cấp III, Thảo được Nguyễn Thấn đưa vào công ty Đông Á làm hợp đồng trong vai trò nhân viên tạp vụ kiêm tình nhân và hứa hẹn tạo cho cô một tương lai như mơ. Nhưng cô bé trẻ người non dạ ấy không thể tưởng tượng ra những ý đồ sâu sa của “ông chú đích thực” này. Vì việc “cỏn con” ở công ty và bị nghi có quan hệ mờ ám với Hoán – đối tác làm ăn của Thấn, Thảo bị Nguyễn Thấn chửi mắng và đuổi khỏi công ty. Thảo đã nghỉ làm và quyết định cắt mọi liên hệ với Nguyễn Thấn. Đó là một quyết định đúng đắn khi cô cảm thấy bị xúc phạm đến lòng tự trọng.

Sau khi nghỉ làm ở công ty, Thảo vẫn nghĩ tới chuyện học hành tử tế, hướng tới tương lai bằng việc ôn đại học và thi vào trường kinh tế. Nhưng trong cơn cay đắng khi bị đuổi khỏi công ty ấy, Thảo lại tan chảy trong những lời đường mật và ngã vào vòng tay với những mưu kế của Hoán. Với một cô gái non nớt chưa hiểu sự đời như Thảo thì đó là điều dễ hiểu. Hoán còn nịnh nọt để Thảo lấy Bảo - con trai độc nhất của Nguyễn Thấn. Nói là bày mưu cho Thảo “cuỗm được” thằng chồng tử tế nhưng thực chất Bảo là thằng “từ bé đã nhiễm tính cách đua đòi phá gia chi tử”. Trong điệu cười “hé hé” của Hoán, Thảo đâu có biết hắn đến với mình chỉ như cuộc tình “bóc bánh trả tiền”. Rõ ràng, Thảo chỉ như quân cờ trong đường đi nước bước của Hoán, là bàn đạp để hắn nẫng tay trên mấy hợp đồng béo bở của Đông Á. Thảo phục tùng và làm theo sự chỉ đạo của Hoán trong cái mác “sinh viên” trong vai diễn gái non nhà quê ngây ngô “chưa biết mùi phố, mùi đời”. Có thể thấy, Nguyễn Thấn và Hoán đã lợi dụng Thảo. Chúng đã cướp được “cơ hội và tận dụng tối đa cơ hội để mặc sức tận hưởng của giời cho.

Thiếu chính kiến của bản thân, trước lời dụ dỗ của Hoán và lại luôn có phần thưởng là “tập tiền xanh lét vứt toạch trước mặt”. Tiền tài đã làm cô mờ mắt. Cứ vậy, Thảo lại càng dấn sâu vào hố đen của vật chất. Rõ ràng, giấc mộng đổi đời nơi đất khách đã làm Thảo ngã vào vòng tay của Nguyễn Thấn và Hoán. Sức hút mãnh liệt của đồng tiền, Thảo đã không làm chủ được mình. Lòng tham đồng tiền đã đẩy cô đến bi kịch lớn hơn, trái với luân thường đạo lý.

2. Bi kịch phải cam phận bán rẻ thân xác

Mặc dù đuổi Thảo khỏi công ty nhưng thời gian sau đó Nguyễn Thấn chủ động tìm đến nhà cô. Với thủ đoạn đã trở thành điệu nghệ, mở cặp đặt lên tay Thảo tập tiền dày cộm và Nguyễn Thấn nói như van lơn ngụy biện: “Mọi chuyện đều do lỗi của chú, chú xin chịu trách nhiệm và gửi cháu ít tiền trang trải học hành. Chú xin lỗi và xin hứa trọn đời làm tất cả để cháu có một cuộc sống tốt đẹp” [tr.114]. Cái mạnh mẽ nhất thời của Thảo như bong bóng chiều mưa khi nghe những lời của Nguyễn Thấn. Con tim non nớt của Thảo không còn nghe lý trí. Cô đã mù quáng chạy theo đồng tiền và lại rơi vào vòng tay của Nguyễn Thấn.

Dưới sự dẫn dắt với độ rảo hoạt với nhiều thao tác đầy mưu lược của Hoán, Bảo cũng đã “cắn câu” khi nói lời bày tỏ tình cảm với Thảo. Mặc dù Nguyễn Thấn hoàn toàn ủng hộ thậm chí bày mưu Thảo lấy Bảo nhưng trong lòng Thảo vẫn lo sợ: “Nhưng mình với nhau thế này em sợ lắm!” [tr.152]. Thảo đâu có lường trước được kế sách nham hiểm cho cuộc tình dài lâu với cô bồ “non tơ mơn mởn” qua câu nói cuả Nguyễn Thấn. Thảo đã phải nghĩ cách đối phó với cơn dâm dật của bố chồng. Nhưng Thảo không còn cách nào khác. Đã mấy tháng kể từ ngày cưới. Thảo vẫn Bị Hoán chiếm hữu.

Đi mắc núi mà ở lại mắc sông, cô vừa phải cam phận thực hiện “nhiệm vụ” với Nguyễn Thấn, vừa phải phục vụ tên Hoán khi hắn nắm đằng chuôi: “Tất cả các tư thế của nhiều trận mây mưa được máy quay ghi hình cận cảnh”. [tr.154]. Thảo như chết lặng. Thảo bần thần trong mớ cảm xúc lẫn lộn. “Nhiều lúc Thảo chợt thấy mình khốn nạn, nhục nhã quá. Cũng là con người mà mình chẳng khác gì con vật khi phải cam phận bán rẻ thân xác” [tr.155].

Như vậy, Thảo dễ đánh mất bản thân trong cái phồn hoa huyên náo của xã hội đồng tiền và đáng nói hơn, cô không thể bứt phá thoát ra khỏi số phận mà càng lún sâu vào hố đen của vật chất và phải cam chịu cảnh cuộc tình “tay tư”. Có thể nói, đây là bi kịch của cuộc đời người người phụ nữ.

3. Bi kịch cảm thấy tội lỗi trước sinh linh bé nhỏ

Ngày trước, Thảo nghĩ cái nhan sắc trời cho không phải là thứ có thể lợi dụng để kiếm sống. Trong nhiều năm, Thảo cũng cố gắng học hành, mơ ước sau này có việc làm ổn định để lấy chồng và sinh con đẻ cái. Nhưng giờ đây, Thảo đã dùng chính cái nhan sắc “lồ lộ” của mình để được ở trong ngôi biệt thự từng mơ ước. Nhìn cơ ngơi và tiền đồ nhà Bảo trong cơn túng quẫn, mơ ước duy nhất của Thảo là chiếm được ngôi biệt thự đó để làm cuộc đổi đời. Nhưng khi đã trở thành chủ nhân căn biệt thự, Thảo lại thấy sợ. Thảo hãi hùng mỗi lần ra ngoài rồi trở về căn biệt thự đó.

Đáng nói hơn, đứa con “không rõ nguồn gốc” là kết quả bi kịch phải cam chịu bán rẻ thân xác của Thảo: “..giọt máu không rõ của Bảo hay của ông Bố chồng cứ lớn dần..” [tr.186]. Tỉnh táo nhìn lại những được mất của Thảo, có tiền nhưng Thảo đâu hạnh phúc. Thậm chí cô đâu khổ, lo sợ khi có nhiều tiền. Việc học của Thảo không đến nơi đến chốn, không việc làm, không hạnh phúc. Thảo có chồng nhưng dường như cuộc hôn nhân ấy không vững chắc. Thảo có được đứa con nhưng “không biết của ai”. Nước mắt cô đã rơi cho cuộc đời mình. Giọt nước mắt của Thảo lúc này không phải là sự yếu đuối mà là đã thức tỉnh cô đứng dậy. “Trên đời này có hai thứ là người ta dễ thèm muốn và gục ngã, đó là tình và tiền. Chỉ có tiền là nhìn thấy, sờ thấy, hiện hữu trong tận hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống, nó làm cho con người ta luôn bị ám ảnh và khi có nhiều tiền, việc thay đổi số phận là điều tất nhiên.” [tr.86].

Thảo đã nông nổi và bị mờ mắt bởi đồng tiền. Sự mang nặng đẻ đau đâu còn giá trị khi nó là kết quả của những dung tục bệnh hoạn. Khi nhìn ra lỗi lầm của đời mình, Thảo ân hận, giằng xé bản thân vì sự tủi nhục cay đắng. Thảo vẫn có niềm vui từ đứa con. Chính đứa con trong bụng như một động lực mãnh liệt thôi thúc cô có thái độ dứt khoát, phải dừng lại trước khi quá muộn. Thảo mạnh mẽ đứng lên làm lại cuộc đời. Cô quyết định “..về bên ngoại sinh con và chuẩn bị điều kiện đi học khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán ngắn hạn” [tr.223].

Sóng bên ngày nắng đã ra mắt công chúng 5 năm, nhưng thông điệp của tác phẩm mang lại đến nay vẫn chưa vơi “sức nóng”. Nhà văn cảnh tỉnh con người nhất là giới trẻ về tình trạng “vật chất hóa” đang diễn ra phổ biến. Con người dường như đang bị các giá trị vật chất lấn át khiến họ đánh mất mình mà không hề hay biết.Con người sống cần có tiền, nhưng không phải chỉ có tiền, con người mới tồn tại được. Tiền là điều kiện của cuộc sống, nhưng không phải là thứ duy nhất của cuộc sống. Đồng tiền không làm nên nhân cách con người. Tiền bạc không thể làm cho con người ta hạnh phúc, nếu làm được điều ấy thì thứ hạnh phúc đó chỉ là dục vọng được thỏa mãn về vật chất một cách ích kỷ, tầm thường. Hạnh phúc không cần miệt mài đuổi theo, hạnh phúc không cần đao to búa lớn. Hạnh phúc chính là trân trọng từ những gì mình đang có./

(*) Tiểu thuyết của Phan Thái, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2015.

Vi Thị Phương