Chuyện tình mùa dịch Covy19

Truyện ngắn của Đoàn Nhất Trí

1-     Chiếc xe ta xi chở khách từ sân bay Nội Bài về Hà Nội vừa xịch đỗ. Cửa xe mở, một cô gái trẻ bước xuống. Cảnh tượng này không qua được mắt chàng lái xe ôm đang dựng xe trên vỉa hè gần đấy. Anh chàng vội dắt xe xuống đường, tiến đến gần:

-        Chị về đâu, mời lên xe, Tôi chở?

Một thoáng trấn tĩnh, như để đắn đo, lựa chọn phương tiện, cô gái đáp lời:

-        Chú…cứ đưa tôi về phố Tôn Đản!

Lúc này chàng lái xe ôm mới chú ý đến gương mặt cô gái. Đó là một gương mặt cực kỳ xinh đẹp. Tuy thế,  cách ăn mặc của cô lại giản dị nhưng không kém phần sang trọng. Đơn giản, chỉ một cái áo hoa màu tím nhạt với chiếc quần bò hơi cũ làm nổi bật một khuôn hình lý tưởng của một người con gái trẻ trung, đầy sức sống mà bất cứ một chàng trai hay cô gái nào nhìn vào cũng thèm thuồng, mơ ước. Cô có nước da trắng hồng và đôi mắt thăm thẳm. Cả cái đầu trác tuyệt đặt trên một cái cổ cao ba ngấn như tượng một  nữ thần Hi lạp biết di động.Chiếc khăn voan cũng màu phớt tím hờ hững nửa chùm hết gáy, nửa quấn quanh cổ khiến cô thật mà như hư ảo trước những đôi mắt ngầm trầm trồ ngợi khen của mấy người đứng quanh đấy.

Chàng lái xe ôm chợt bừng tỉnh bởi một mùi hương thơm nhẹ từ cô gái thoảng trong gió phảng phất bay tới mũi anh. Cái mùi nước hoa sang trọng trộn lẫn mùi thân thể trẻ trung toát ra ấy, chỉ có ở những tầng lớp giàu có trong xã hội. Không cần mời gọi đến lần thứ hai, cô gái nhanh nhẹn ngồi lên phía sau rồi đưa hai tay bám lấy lưng áo người đằng trước, giục: Đi chú! Những cử chỉ, lời nói, phong cách của cô gái mà Kiên cho là giàu sang ấy anh chưa từng gặp bao giờ trong suốt quãng thời gian ba bốn năm làm nghề lái xe ôm ở đất Hà Thành này.

Xe Kiên dừng bánh trước cổng ngôi biệt thự sang trọng ở một ngã tư đường phố san sát những căn nhà sang trọng như nó. Trả lại hơn một trăm nghìn tiền thừa, cô gái bảo:“thôi mà, chú…à anh… cứa giữ lấy. Hẹn gặp lại!”  Sau cái nhìn lướt qua mặt Kiên, cô gái đã đổi cách xưng hô từ Chú sang anh. Đấy cũng là chuyến xe ôm cuối cùng trong ngày. Kiên quay đầu xe chạy về hướng bờ sông, nơi có người mẹ già đang chờ anh trong ngôi nhà trọ.

2- Hai ngày sau khi chở cô gái ấy, đang ngồi vừa ăn cơm trưa, vừa xem ti vi, Kiên chợt nghe cô dẫn chương trình thông báo cả nước đang đi tìm gấp một cô gái trẻ đi chuyến máy bay từ nước Ý về Nội Bài cùng những ai là hành khách đi trên chuyến bay ấy. Mục đích là để cách ly vì họ phát hiện đã có một hành khách trong chuyến bay ấy nhiễm vi rút Covid-19. Nhà nước kêu gọi những ai đi trên chuyến bay ấy tự nguyện đến ngay những cơ sở y tế gần nhất khai báo và  cách ly 14 ngày. Không đưa hình ảnh, cô gái được miêu tả là mặc một chiếc áo hoa màu tím, quần bò và quàng chiếc khăn voan cũng màu tím nhạt. Cao một mét bẩy mươi, cô khoảng hai mươi hai tuổi. Kiên giật mình. Trong trí nhớ của anh, hình ảnh cô gái mình đã chở cách đây hai hôm về phố Tôn Đản hiện lên rõ mồn một. Cũng áo hoa màu tím, cũng quần bò khăn voan tím nhạt. Kiên và mẹ cũng biết cái vụ dịch chết người này từ Vũ Hán đang lan mạnh ở nước ta. Nhân dân đang xôn xao lo lắng. Bộ Y tế đã thông báo cả nước phải chống dịch.Ai không khai báo, ai từ vùng dịch về không chịu cách ly sẽ bị xử phạt hành chính. Rõ ràng, Kiên thuộc diện phải khai báo, phải cách ly rồi. Anh vô cùng sợ hãi, chưa dám nói với mẹ. Mẹ con Kiên rời bỏ quê hương lên Hà Nội làm ăn đã vài năm nay. Nhà cửa , ruộng vườn , như bao gia đình khác cùng cảnh ngộ,  khóa để đấy nhờ hàng xóm trông non giúp, năm về qua một hai lần rồi lại tất tả ra đi. Thuê một chỗ ở nghèo nàn ngoài xóm bờ sông cho rẻ, Kiên ngày lại ngày chạy xe ôm, mẹ anh ngồi vỉa hè cùng với chiếc phích nước , vài cái cốc, cùng dăm ba chiếc ghế cóc phục vụ người qua đường dịu bớt cơn khát. Mẹ con Kiên chừng ấy năm tằn tiện cũng tích lũy được đến dăn chục triệu đồng, hi vọng ngày nào đó lưng vốn kha khá sẽ về quê mở ra một cái gì đó cho đỡ khổ. Nào ngờ…

Chiều hôm ấy, không chạy xe nữa, Kiên vạch nhanh trong đầu một kế hoạch rồi mau chóng thực hiện. Gần ba giờ chiều trước khi ngồi lên xe, anh ngoái lại dặn mẹ nấu cơm để bữa tối ăn sớm. Kiên lượn ra ngân hàng rút hai mươi triệu đồng rồi rẽ vào siêu thị ôm về một thùng mì ăn liền, một thùng bún khô, bánh đa khô, và một ít đồ khô như cá , lạc vừng, đỗ bột gia vị, hành tỏi… Những thực phẩm này có thể dùng dần trong dài ngày được. Kiên đã quyết định đến trung tâm điều trị gần nhất để cách ly và điều trị căn bệnh nếu mắc phải. Kiên còn sợ hơn thế vì thực tế anh đã ở nhà với mẹ đã hai ngày. Vì thế, anh lo cho mẹ. Nhưng đồng thời Kiên cũng lại nghĩ, như cách nói hiện tại, nếu mắc dịch thì cô gái kia là F2, hoặc F3. Anh sẽ là F4 hoặc F5… Đến mẹ anh còn xa lắm. Nghĩ thế, Kiên lại tạm thời yên tâm.

Trên đường về nhà anh lo lắng không biết nói thế nào đây cho mẹ anh hiểu, để mẹ yên lòng cho Kiên đến trung tâm khai báo…

Khác với những bữa tối mọi ngày, dù có muộn thế nào mẹ cũng đợi anh đi làm về mới cùng ăn cơm. Bữa cơm hôm nay có phần khác lạ, bằng linh cảm của người mẹ từng trải, mẹ Kiên cũng cảm nhận được. Đợi Kiên ăn đến cuối bữa, mẹ mới ngập ngừng hỏi:

-        Sao hôm nay con nghỉ sớm, lại khuân về bao nhiêu thực phẩm làm gì?

-        Dạ! Mấy ngày nay có dịch, con thấy nhiều người mua hàng dự phòng, con sợ… cũng vào mua.

-        Dưng mà, mẹ cũng nghe nói rồi mọi người đang xôn xao vì một bệnh dịch nguy hiểm chết người đang lan rộng nhưng ông nhà nước vẫn lên ti vi nói tất cả hãy tuân thủ mọi chỉ đạo , hướng dẫn của ngành y tế, không được hoang mang lo sợ, thể nào ta cũng vượt qua. Không ai được đầu cơ tích trữ lương thực, nhà nước sẽ lo đầy đủ cả. Kiên ấp úng:

-        Thì con thấy mọi người ào vào mua, con cũng làm theo. Mà nào con có mua gì nhiều đâu. Cũng chỉ đủ dùng cho hai mẹ con vài ngày…

Rửa xong bát đũa, Kiên lấy hết can đảm, đến gần rồi ngồi xuống cạnh mẹ, anh ấp úng:

-        Mẹ à, trưa nay mẹ có xem ti vi không?

-        Có! Ti vi bây giờ suốt ngày người ta chỉ nói đến bệnh dịch chết người gì đó . Thì mẹ chả cùng ngồi ăn cơm với mày đấy còn gì. Sao lại hỏi thế?

-        Con xem trên mạng thấy nói người ta đã tìm ra cô gái đi trên chiếc máy bay có người nhiễm vi rút rồi đấy mẹ ạ. Cô tự nguyện khai báo… Con, chính con là người chở cô ấy về nhà ở phố Tôn Đản. Như thế là con cũng thuộc diện cần phải … khai báo …

Kiên chưa nói hết câu, mẹ đã sửng sốt. Kiên đỡ mẹ, đưa mẹ cốc nước, đợi bà trấn tĩnh lại. Chưa đầy hai phút sau, với bản lĩnh kiên cường của người nông dân quen lao động cực khổ, quen với những biến cố và sóng gió cuộc đời, mẹ Kiên nuốt ực miếng nước như nuốt một cục nghẹn xuống sâu đáy ngực mình, bà điềm tĩnh nói:

-        Thế thì …con cũng phải đi khai báo thôi, không được chần chừ gì nữa.

-        Vâng! Con cũng nghĩ thế mẹ ạ. Nhưng con chỉ lo mẹ ở nhà…

-        Không phải lo cho mẹ. Xung quanh đây còn có hàng xóm láng giềng. Xóm đây toàn người nghèo nhưng ai cũng tốt, Tắt lửa tối đèn có nhau. Đi khai báo là để tự bảo vệ mình, cũng là để làm đúng chỉ dẫn của nhà nước kẻo bị phạt lại khổ. Nhà mình cơm đã chả đủ ăn…

Như trút được gánh nặng trong lòng, giọng Kiên đã bớt lo lắng hơn:

-        Mẹ nói thế là con yên tâm rồi. Thực phẩm con mua hôm nay là để mẹ dùng ở nhà đấy. Mẹ đỡ phải đi lại vất vả khi không có con ở nhà. Cứ yên tâm mẹ ạ, đại dịch thế này, nhà nước sẽ lo cho dân tất cả, không để ai chết đói đâu mà sợ.

Mẹ và Kiên cùng nhanh chóng đứng dậy vội đi chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho Kiên. Chẳng có gì nhiều. Tất cả Kiên cho vào chiếc túi du lịch đã cũ. Hai bộ quần áo tươm nhất, bàn chải đánh răng khăn rửa mặt …

Chụp chiếc mũ lưỡi trai lên đầu, ra đến cổng rồi Kiên còn quay lại chỗ mẹ đang đứng tiễn anh, nắm chặt lấy tay bà rưng rưng nước mắt:

-        Mẹ nhớ giữ chiếc điện thoại cẩn thận để liên lạc với con nhé. Đến nơi, tình hình thế nào, con sẽ gọi về ngay cho mẹ. À … mẹ phải nhớ tối nào cũng phải cắm vào ổ điện để xạc pin mẹ nhé. Nói thế rồi, Kiên có nén lòng mình để khỏi khóc trước mặt mẹ. Kiên bước nhanh ra cổng.

 

3-Kiên được các bác sĩ kiểm tra và chỉ định phải cách ly mười bốn ngày. Lần kiểm tra cuối cùng sau mười bốn ngày cho kết quả âm tính mới được về nhà. Sáng nay đã sang ngày thứ hai. Kiên cũng đã gọi điên báo cho mẹ biết tình hình cụ thể của mình để mẹ ở nhà đỡ lo. Kiên nói rằng bệnh viện lo chu tất cho anh đầy đủ. Đệm nằm, chăn đắp ấm. Ngày ba bữa ăn,đủ chất, vệ sinh do các anh chị phục vụ cung cấp không phải trả tiền. Mỗi người mỗi ngày cũng được nhân viên y tế thăm khám sức khỏe và tư vấn hai lần. Ngoài thời gian ăn ngủ, thăm khám sức khỏe, mọi người còn được hướng dẫn tập thể dục đều đặn đúng giờ và được tự do hoạt động tập thể hay cá nhân theo sở thích của mình.

Kiên vừa cùng mọi người đang ngồi ăn bữa sáng, vừa nghĩ không biết giờ này cô gái đó đang được cách ly ở đâu, đang được điều trị ở bệnh viện nào. Thân phận một chàng trai phận nghèo phải làm nghề chở xe ôm, Kiên không mấy thiện cảm với mấy người giàu sang, nhất là với các cô gái trẻ như mình, nên sau mỗi lần chở họ, nhận tiền công sòng phẳng, Kiên quên họ ngay. Riêng với cô gái này cứ có cái gì đó chưa quên được. Bỗng nhiên bóng một cô gái đi qua cửa sổ. Cũng áo hoa màu tím, cũng chiếc khăn voan tím nhạt quấn hờ hững nửa sau đầu, nửa trên cổ. Kiên vội đứng lên chạy theo ra cửa nhìn theo. Tuy chỉ thấy từ phía sau, nhưng với vóc dáng ấy, chiếc áo hoa màu tím và cái khăn ấy, Kiên biết chắc đó là cô ấy. Anh nhìn theo đến khi cô bước vào một căn phòng cuối cùng của dẫy nhà dài hun hút. Kiên định bụng sẽ tìm gặp cô gái kiếm cớ làm quen. Ở nơi này những mười bốn ngày đằng đẵng, có một người quen biết để nói dăm ba câu chuyện chắc sẽ bớt đi cảm giác cô đơn và nỗi dày vò nhớ mẹ từng giây từng phút hơn. Kiên đoán, bữa trưa đi lấy cơm thế nào cô gái cũng đi dọc hành lang này ra nơi nhận phần cơm của mình. Kiên chờ đến lượt cô ấy đi ngang qua rồi lẹ chân chen vào đi ngay phía trước. Hàng người đang đi, Kiên đột ngột dừng lại giả vờ cúi xuống buộc lại dây giầy làm cô gái quá đà, va vào người anh. Kiên vội đứng dậy nhìn vào khuôn mặt đẹp của cô gái và xin lỗi. Cùng lúc ấy, cô gái cũng nhìn vào mắt Kiên. Bất ngờ, cô kêu lên khe khẽ:

-        Ô! Chú…à…anh!...

Kiên cũng đột ngột chào lại:

-        Chị! À… chào cô!

Như có một sợi dây vô hình nào đó từ bên trong, mỗi người đều như cảm thấy sẽ có gì đó vui hơn trong tình huống ở cùng một khu cách ly này. Họ bước sang bên cạnh nói chuyện để hàng người phía sau đi lên. Cô gái nói:

-        Em đã ở nhà được một đêm, sáng hôm sau nghe ti vi thông báo tìm hành khách đã đi trên  chiếc máy bay VN- 290 từ Ý về ngày 2 tháng 3, cô đã tự nguyện đến đây trình báo. Các bác sĩ thăm khám và nói sẽ phải ở đây cách ly mười bốn ngày, trong những ngày ấy nếu khám, xét nghiệm thấy có dấu hiệu khác thường sẽ phải chuyển sang khu điều trị. Thôi bây giờ anh em mình hãy đi nhận cơm kéo các anh chị ấy chờ. Em tên Hòan Vũ, gọi là Vũ thôi. Còn anh? Số điện thoại thế nào? Ở phòng số mấy?

Kiên đọc số của mình. Vũ nháy máy lại và nói:

-        Anh có số của Vũ rồi đấy. Tối nay, sau khi ăn cơm, nếu không bận gì, ra chiếc ghế đá kia anh em mình nói chuyện cho đỡ nhớ nhà nhé!

Kiên tự nhiên cảm động, nhìn theo tay Vũ chỉ rồi gật đầu.

 

4-  Như đã hẹn, sau bữa ăn tối, Kiên khoác thêm chiếc áo ấm, ra ngồi ở chiếc ghế đá trong khuôn viên, dưới tán lá một cây dâu da xanh tốt. Ba lô nhà tập thể cao năm tầng xếp hình chữ u ôm lấy cái khuôn viên có đủ cây xanh, ghế đá sân tập thể dục thể thao này là sản phẩm xây dựng từ thời bao cấp, nay dân cư đã được chuyển đi nơi ở mới. Trong khi chờ đợi xây dựng lại, nó được nhà nước trưng dụng tạm thời làm địa điểm cách ly và điều trị dịch bệnh. Cả khu có ba lô nhà. Một lô khuất phía trong dùng làm nơi chữa trị người bị nhiễm vi rút. Hai lô còn lại phía ngoài dùng cho người cách ly. Quanh ngôi nhà chuyên trị người ta dựng lên một bức tường rào cao ba mét ngăn cách với bên ngoài. Phía trong là thế giới cách li của những người bệnh.

Kiên ngồi chưa đến mươi phút thì Vũ đến. Cô khoác trên người chiếc áo khoác cũng giản dị như bao nhiêu những chiếc áo khoác, chỉ khác nó được may kiểu cách, và đẹp hơn. Chắc chất vải cũng là loại tốt.Vũ ghé ngồi xuống cạnh Kiên, lại chủ động hỏi:

-        Anh Kiên ra lâu chưa? Trời xui đất khiến thế nào anh em mình lại gặp nhau ở đây…

-        Vâng, trong một hoàn cảnh nửa cười nửa khóc! Kiên cũng mạnh dạn đáp lại.

Đã cuối đông, trời chỉ còn hơi se lạnh. Ánh điện xuyên qua những tán lá trên đầu in lên gương mặt hai người mờ ảo vẫn để lộ ra những nét ưu tư của mỗi người. Mấy phút ban đầu chưa ai biết nói gì. Mãi sau, Kiên mạnh dạn hỏi:

-        Sao gia đình Vũ không thuê một căn hộ riêng để cách ly?

-        Sao anh lại hỏi thế?

-        Vì tôi thấy những người giầu họ đều làm như thế. Chỉ có chúng tôi không có tiền mới phải chịu ở chung đụng Một tiếng thở dài nhè nhẹ, một giọt nước mắt lăn dài trên má và tiếng cười chưa thoát ra khỏi miệng đã tắt ngấm của Vũ làm Kiên hiểu được phần nào nỗi riêng tư của cô gái mà anh đã vô tình chạm phải khi nói đến tiếng “giầu”.Rồi như đã tìm được người chia sẻ, Vũ không ngại ngần thổ lộ nỗi lòng nặng trĩu bấy lâu. Vũ bảo thoạt trông, tưởng anh đã già nên gọi chú, giờ nhìn kỹ, anh chỉ hơn Vũ dăm bẩy tuổi thôi, vậy cứ xưng anh em cho tiện và tình cảm nhé. Thực ra em chỉ là con gái của một gia đình nghèo ở vùng đất Tây Nguyên. Em được cha mẹ cố gắng nôi ăn học rồi cũng được vào đại học dược Thành phố Hồ Chí Minh. Do được sở hữu một vóc người cao, cân đối cùng khuôn mặt có những nét ưa nhìn và làn da phớt nâu kiểu Ấn Độ nên em được bạn bè tôn sùng là người mẫu rồi thúc dục em thi hoa hậu của trường. Hai năm đoạt giải trường. Thấy có hy vọng, ông hiệu trưởng trường nẩy ra ý định tham gia toàn quốc, biết đâu lại được tiếng. Thế rồi ông nói với bố mẹ em, họ cùng động viên em đi thi hoa hậu toàn quốc. Để được thi hoa hậu toàn quốc cũng tốn kém lắm, nhà em thì nghèo, nhà trường, bạn bè cùng động viên góp sức góp của. Trong số bạn trai em cùng trường có người ấy ngưỡng mộ và theo đuổi em không rời nửa bước. Mãi sau này em mới biết anh ta là con trai của một vị có chức có quyền khá to ở ngoài Hà Nội. Sau cái lần thi hoa hậu toàn quốc năm ấy, may mắn em được giải á hậu. Anh ta lại càng mong muốn cưới được em. Nghĩ đến gia cảnh anh ấy giầu sang , bố là quan chức to như thế, em và bố mẹ cũng lo ngại. Lúc đầu không giám, sau nghĩ lại, em được trúng á hậu cũng có phần công sức và tiền bạc của anh ấy nên sau cùng cũng đồng ý. .. Lắng lại một lúc, Vũ trầm giọng hẳn xuống:

-        Anh à, như các cụ thường nói, cuộc đời mấy ai học được chữ ngờ. Lấy nhau rồi mới biết con người thật của anh ta. Anh ta khác hẳn khi còn đang học đại học. Nhà giầu, lắm tiền của, nhiều thế lực, anh ta muốn gì được nấy, ăn chơi thả cửa, chơi bời trác táng,nhà không ai ngăn cản. Cờ bạc mất hàng tỉ đồng vẫn coi như không. Ô tô đắt nhất thế giới có đến hai ba chiếc. Biệt thự sang trọng của gia đình nhưng cũng là của anh ta có cả ở ba miền, khắp nơi, Sa Pa, Đà Lạt…Đặc biệt, do đua đòi hút trích, anh ta chơi gái thả cửa, đã đeo bám ai thì người ấy không thoát. Chán lại bỏ chạy theo cô khác. Đến mức mang cả gái về nhà hú hí với nhau, em cũng không dám nói gì hay làm gì. Vừa rồi em được đi du lịch nước ngoài là do bố mẹ anh ta một phần muốn xoa dịu những bực bội , bức xúc trong em, một phần muốn giấu bớt những trò chơi bời trác táng của đứa con trai rạch giời rơi xuống. Vì thế, em được gửi sang chơi với anh cả đang định cư và làm ăn ở nước Ý. Em có thể chơi ở nước ngoài hàng tháng hay cả năm cũng được, nhưng do buồn chán, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, chưa được ba tháng em đã bỏ về. Hôm kia, khi anh chở em về ngôi nhà ở Tôn Đản, vừa mở cửa ra, em đã thấy có một cô gái đang ở cùng nhà với anh ta như vợ chồng không biết đã bao lâu rồi. Chuyện như thế đã trở thành cơm bữa. Em không nói gì, Tắm rửa, ăn cơm xong, em đi nằm. Sáng hôm sau nghe thông báo trên ti vi, em vô cùng hoảng sợ nhưng thật cay đắng, lại có phần vui mừng. Vui vì lại được thoát khỏi anh ta ngay lúc này dù chỉ là ngắn hạn trong một số ngày. Em chỉ báo với anh ta rằng em đã đi cùng chuyến máy bay với người đã lây nhiễm dịch bệnh, giờ phải đi cách ly. Anh ta nói ngay: “Ừ thế thì cô phải đi ngay đi, không thể ở nhà được!” cứ như là anh ấy muốn đẩy em nhanh chóng rời khỏi nhà cho khuất mắt. Em bước đi mà không hề lưu luyến cái ngôi nhà ấy, không hề xúc động bởi mới gặp đã phải xa cái con người gọi là chồng ấy. Em chỉ lo sợ nếu mắc bệnh, rồi đây sẽ ra sao. Lời kể của Vũ, càng về sau càng nhỏ đi, trầm xuống, ngấn nước mắt.

Đợi Vũ trấn tĩnh lại, Kiên cũng kể sơ qua về mình. Anh nói:

-        Thế đấy, anh cũng khổ nhưng là khổ vì nghèo, khổ vì con một gia đình thuộc giai tầng tận đáy cùng xã hội. Nó khác hoàn toàn với em là khổ vì nhà giầu, có bố mẹ chồng quyền cao chức trọng. Giữa em và anh, chẳng biết ai khổ hơn ai nữa. Chỉ biết lúc này đây anh em mình cùng khổ. Nhưng em ạ, không thể để cái khổ nó đè bẹp chúng ta. Hãy cứng rắn, mạnh mẽ lên, rồi chúng ta sẽ qua được. Anh thì đơn giản thôi. Bố anh mất sớm. Một mình mẹ tần tảo cố nuôi anh. Hết lớp mười hai rồi vào đại học. Tốt nghiệp đại học nông nghiệp khoa chăn nuôi trồng trọt mà cầm chiếc bằng đi xin việc khắp nơi không nơi nào nhận, đành cùng mẹ lên Hà Nội kiếm ăn. Anh chạy xe ôm, mẹ bán vài chén trà xanh ở vỉa hè cũng đã được vài năm rồi. Giấc mơ học hành tấn tới để đem tài năng ra xây dựng cộc đời có lẽ chẳng bao giờ thực hiện được. Bây giờ, muốn có việc phải có thật nhiều tiền mới “chạy” được

 

Những tối sau đấy Kiên và Vũ thường ngồi ở chiếc ghế đá quen thuộc ấy nói đủ thứ chuyện với nhau như một đôi bạn thân. Mẹ Kiên và bố mẹ Vũ cũng đã được họ gọi điện về nói là ở đây tốt lắm. Mọi thứ đã được nhà nước lo đủ cả, không thiếu thứ gì. Mọi người quan hệ với nhau thân thiện như trong gia đình. Đội ngũ các thày thuốc, nhân viên phục vụ tận tình chăm sóc giúp đỡ không quản ngại một điều gì. Lại còn được nhân dân, cộng đồng, các tập thể , cá nhân cả nước giúp đỡ tiền bạc, vật chất tinh thần vì một cuộc chiến chống lại nạn dịch vi rut chết người này.

 

 

5- Đã mười ngày trôi qua, yên tĩnh và hi vọng nhen nhóm trong lòng đôi trẻ, bỗng nhiên chiều ngày thứ mười một, như thường lệ, cứ ăn cơm, uống nước xong là Kiên lững thững ra ghế đá đã quen ngồi đợi Vũ. Hôm nay đợi nửa tiến rồi mà chưa thấy Vũ đến. Không tiện vào phòng Vũ, Kiên đợi thêm mười lăm phút nữa. Sốt ruột, Kiên gọi điện, chỉ nghe tiếng trả lời của máy: người nhận đã khóa máy, hiện không liên lạc được. Không chần chừ nữa, Kiên mạnh dạn bước vào phòng Vũ ở. Những người cùng phòng nói, khoảng mười giờ tối qua, trước khi đi ngủ, thấy người hơi sốt, khó chịu, cô ấy nhờ bác sĩ khám và đã được chuyển ngay đến khu cách ly ở dẫy nhà phía bên kia.

 

Kiên nhớ lại, cách đây ba hôm, khi đang ngồi chơi trên ghế đá, như một sự tình cờ, Vũ bảo:

-        Anh Kiên làm nghề chở xe ôm khổ nhưng cũng có cái sướng, không ai đi nhiều bằng anh. Hang cùng ngũ hẻm Hà Nội chỗ nào chẳng có dấu đôi bàn chân anh đặt tới. À nhưng mà sao chân anh to thế, quá khổ luôn.

-        Đúng rồi, đôi bàn chân nông dân mà. Có thế mới trụ vững được trên đồng ruộng khi nước sâu, lúc đồng cạn!

-        Phải giầy số bao nhiêu mới vừa chân anh?

-        Số bốn hai! To lắm phải không?

-        Ôi! Vũ cười thản nhiên, vui vẻ . Thế rồi chiều tối hôm sau, Vũ mang ra một đôi giầy thể thao tuy không là hàng cao cấp nhưng nhìn nó, Kiên biết cũng khá đắt tiền. Kiên quyết không nhận nhưng Vũ cứ ấn vào tay anh nói là để kỉ niệm tình bạn của hai người quen nhau ở nơi đặc biệt này. Kiên đành chịu nhận. Thế mà giờ Vũ đang ở bên ấy, nguy hiểm cận kề. Gọi điên hay nhắn tin cũng không được, biết làm sao đây? Trở về phòng, Kiên nằm thượt trên giường, suy nghĩ miên man không sao ngủ được. Sáng hôm sau dậy sớm, chưa đánh răng rửa mặt, Kiên đã chạy sang khu điều trị, nhưng không thể nào vào được, hỏi cũng chưa ai biết gì, chỉ biết tối qua có thêm một cô gái mới nhập. Kiên buồn bã trở lại phòng mình ăn sáng rồi ngồi nhắn tin cho Vũ. Kiên biết dù không mở, máy của Vũ vẫn nhận và lưu giữ tin người gửi đến. Có thể Vũ khá bệnh nặng nên không gọi hay nhắn tin được. Đợi khi Vũ khỏe lên sẽ mở máy ra xem. Những tin nhắn kiên gửi cho Vũ đều là những lời hỏi thăm sức khỏe thế nào, có đau đớn lắm không, có ăn được không, có ngủ được không, thiếu hay cần mua những gì để Kiên gửi vào cho. Đặc biệt, tin nào Kiên cũng động viên để Vũ tin tưởng lạc quan mà chữa bệnh, đừng lo gì cả. Hai ngày tiếp theo vẫn thế.

Đột nhiên sang ngày thứ mười ba của Kiên ở nơi này, Kiên nhận được tin Vũ nhắn: “Anh Kiên ơi, em sợ lắm, bạn bè thân thiết người dân tộc của em ngoài này gần như không có ai, chỉ trông cậy vào anh thôi. Nếu em có mệnh hệ gì hãy báo tin cho bố mẹ em biết. Bố em tên là Dam Bhu. Tên mẹ em là HbiaBlao. Địa chỉ người nhận : làngKonHra, ….xã. ……ĐákLák……anh nhé. Em cũng đã nhận được các tin nhắn anh gửi.”

Kiên mừng nhưng cũng lo quá. Cái sự lo lắng này nó tự nhiên và tự thân như lo lắng cho người thân, của mình. Kiên không sao dùng lý trí tách bạch nó ra được. Sáng ngày thứ mười bốn, là ngày cuối cùng trong chuỗi mười bốn ngày phải cách li, sau khi khám và xét nghiệm lần cuối cùng, Kiên được thông báo anh hoàn toàn khỏe mạnh và được ra về trong ngày hôm nay. Kiên sướng như mở cờ trong bụng. Kiên nhờ các anh chị phục vụ bên khu cách ly mua  giúp ít cam ngon, táo ngon và mấy túi sữa tươi trong siêu thị làm quà gửi sang cho Vũ. Anh chị em phục vụ bên điều trị cũng thân thiện, nhiệt tình nên quà của Kiên gửi vào họ giúp ngay. Kiên cũng không biết Vũ thích ăn thứ gì và người giầu họ muốn gì trong trường hợp này. Kiên tặc lưỡi, thôi khỏi, cần nhất lúc này  là động viên tinh thần cô ấy.Trong lúc như thế này, nhận được quà tức là cô ấy vẫn còn cảm thấy còn người quan tâm an ủi mình, sẽ bớt tủi thân phần nào.

Chiều tối, ăn bữa cơm cuối cùng với mọi người, Kiên cùng tám người khác trong danh sách được về lên văn phòng nhận giấy chứng nhận đã qua mười bốn ngày cách ly an toàn được phép trở về nhà sinh sống bình thường. Những người ở xa chờ sáng hôm sau mới về, riêng Kiên cư trú ngay ở Hà Nội, anh về ngay tối nay. Kiên vui vì được trở vền với mẹ nhưng cũng man mác buồn vì phải chia tay với bạn bè cùng cảnh ngộ mới quen biết từ nơi đặc biệt này. Có khá đông bạn bè tiễn anh đến tận hàng rào ngăn cách của khu cách ly.

Kiên bịt kín khẩu trang, lùi lũi bước đi trên vỉa hè. Bóng anh đổ dài về phía trước. Đường phố mùa dịch vắng tanh. Kiên định bụng cứ đi xem có gặp nhờ được chiếc xe nào, nếu không anh sẽ đi bộ về tận nhà cũng được. Đây tới  xóm bờ sông chỉ dăm cây số chứ mấy.

 

 

6 -  Gặp lại con, mẹ Kiên vui lắm. Bà khóc mãi. Kiên cũng không cầm được nước mắt. Bình tĩnh lại, Kiên kể lại cho mẹ nghe về những ngày ở khu cách ly, buồn lo nhưng cũng đầy cảm xúc trong tình cảm anh chị em, bạn bè không quen biết nhưng cùng cảnh ngộ. Kiên cũng kể về người con gái mà Kiên quen thân là Vũ. Nghe xong, mẹ thở dài:

-        Tội nghiệp cho con bé quá. Thằng chồng và nhà chồng như thế thì ai lo cho nó. Mắc bệnh dịch thế này sẽ không dám nói với bố mẹ đẻ ở Tây Nguyên đâu. Chắc nó cũng chẳng còn tiền thế mà lại còn mua giầy cho con.

-        Mẹ ạ, bây giờ giữa mùa dịch, lệnh của Thủ tướng yêu cầu mọi người ở trong nhà, ai không có việc không được ra đường, trừ những hoạt động phục vụ những nhu cầu thiết yếu của xã hội. May, trước đây hai tháng con đã đăng ký và xin được làm nhân viên chở giao hàng cho khách của công ty “ahaahamovie”. Sáng mai con sẽ đi làm ngay để bù vào những ngày qua đã nghỉ chơi dài. Chỉ ship hàng thôi chứ chở khách thì không được. Bây giờ , đa số người ta ngồi nhà mua hàng trên mạng, sẽ có người chở hàng đến tận nơi, giao tận nhà nên việc làm cũng không thiếu mẹ ạ.

-        Ừ! nếu con thấy khỏe, mai đi làm cũng được nhưng phải nhớ thường xuyên vào thăm con bé đấy nhé. Người ta quê mãi xa không có ai thân quen ở ngoài này. Nó cần gì thì phải giúp đỡ con ạ.

 

Cả ngày hôm ấy, Kiên mải miết chạy đưa hàng, anh không quên giữ mình thật cẩn thận bằng quần áo bảo hộ, khẩu trang, mũ bảo hiểm, giầy tất và găng tay. Chiều, gần tối, Kiên đến khu điều trị gặp mấy anh chị phục vụ hỏi thăm tin tức Vũ. Họ nói hiện sốt cao, ho nhiều, Vũ không ăn được mấy. Họ cũng nói Kiên cứ yên tâm về đi, tình hình bệnh của Vũ thế nào họ sẽ báo Kiên vào ngày hôm sau.

 

Hôm sau, hôm sau nữa, rồi hôm sau nữa bệnh Vũ vẫn chưa tiến triển được bao nhiêu. Kiên gửi quà tiếp theo, các anh chị ấy bảo không cần gửi nhiều như thế, giờ cô ấy chưa ăn được nhiều, đợi khỏe dần hãy gửi. Họ cũng cho Kiên biết ngoài anh ra, không có ai gửi quà, hỏi hay đến thăm cô gái cả. Nghe thế, trong lòng Kiên thật khó tả. Nó cứ muốn sôi lên một cái gì đó. Thứ đó là lửa nóng, là bão gió hay thác trào, Kiên cũng không biết nữa. Tuy thế, dù chỉ là đứng ngoài hàng rào ngăn cách, ngày nào Kiên cũng đến hỏi han tình hình của Vũ. Các anh chị phục vụ thành quen thân với Kiên. Họ ái ngại cho Vũ, cũng ái ngại cho cả Kiên. Những bệnh nhân khác còn có người nọ người kia đến thăm. Người thì cha, mẹ. Người thì vợ hoặc chồng. Người thì là con cái. Đằng này chỉ có Kiên thăm Vũ. Họ cũng không biết mối quan hệ hai người là gì, cũng không tiện hỏi.

 

Sang ngày thứ bẩy từ khi Vũ vào điều trị, các anh chị phục vụ cho Kiên biết Vũ đã đỡ hơn nhiều, anh lại vội mua quà gởi cho Vũ.

Ngày thứ mười Kiên nhận được tin nhắn:” Em đỡ nhiều rồi, không phải gửi quà vào nữa, dành tiền lo chăm sóc mẹ. Đang dịch, mẹ phải ở nhà, tuy ít ỏi nhưng cũng là mất đi một nguồn thu nên cũng khó khăn thêm. Kiên cứ gửi, cốt sao để Vũ bồi dưỡng và đỡ thấy lẻ loi, đơn độc trong lúc này là được. Mẹ đã có Kiên lo.

Ngày thứ mười hai, Vũ nhắn:” Em đỡ nhiều rồi, anh Kiên đừng lo!”. Vũ còn chuyển tin nhắn mới nhận được từ chồng cho Kiên xem: “ Nếu cô khỏi bệnh rồi hãy về ngay với bố mẹ đẻ, tuyệt đối không được đến đây hay về với bố mẹ tôi ở Sài Gòn. Cô sẽ làm cho mọi người lây bệnh hết đấy!”. Tin nhắn của anh chồng cộc lốc chỉ có thế.  Đọc nó, Kiên thấy anh ta thật vô tình và nhẫn tâm, không còn coi Vũ là người vợ đã từng đầu gối má kề nữa. Giờ,  anh ta chỉ lo đến việc bảo toàn tính mạng của mình và gia đình anh ta. Cũng phải, Vũ thì đã là gì với anh ta. Anh ta là con nhà giầu, tiền tiêu bao nhiêu cũng không hết, muốn chiếm đoạt cô gái nào chẳng được. Vợ ư? Ở vị thế của anh ta, bỏ cô này, lấy cô khác thì có khó gì.

Những ngày tiếp theo, Vũ khỏe dần lên, dần dà cô bước ra khỏi nhà được. Kiên đã có thể đến thăm, mang qùa cho cô và hai người có thể đứng xa nhìn rõ được nhau. Chỉ có điều muốn nói chuyện phải nói qua điện thoại. Kiên chạnh lòng khi nhìn thấy Vũ tiều tụy hơn trước nhiều. Từ đó Kiên ngày nào cũng đến thăm Vũ, có ngày đến hai ba lần. Kiên yêu cầu Vũ ngày nào ra viện nhất định phải báo để Kiên đến đón về nhà gặp mẹ rồi chơi một vài hôm, sau hãy tính chuyện tiếp. Vũ đồng ý.

 

 

Tối hôm ấy, kiên vừa ăn cơm xong đang định ngồi nhắn tin cho Vũ thì nhận được tin Vũ nhắn đến: “ Thần chết không chịu đón nhận em, vậy thì mai anh Kiên đến đón em nhé, khoảng chín giờ!”. Kiên mừng quýnh. Không biết vì sao Kiên lại mừng đến thế. Kiên báo mẹ. Mẹ cũng vui lắm. Mẹ bảo: “ Ừ, mai con đón nó về đây chơi với mẹ con mình ít hôm cho lại người. Cũng đưa nó đi thăm thú vài nơi ở Hà Nội, chắc là lần đầu nó ra Thủ Đô. Nó lấy chồng nhà giầu chứ nhà nó cũng thường dân như nhà mình. Mà nó làm thân với con cũng tức là nó không phân biệt gì giầu với nghèo. Như thế, nó là con người tử tế, đáng quý lắm.

 

 

Sáng nay, Kiên dậy rất sớm, anh đánh răng, rửa mặt, ăn sáng rồi tranh thủ ra khu chợ cạnh nhà mua vài thứ thực phẩm về đưa mẹ nói là để nấu gì đó kha khá tiếp đãi Vũ vì chắc chắn anh sẽ đưa được Vũ về nhà mình. Khá đông người nhà đi đón bệnh nhân đã đến trước anh đang đứng phía ngoài hàng rào chắn trước cổng khu điều trị. Họ, mỗi người ra về có đến hai hoặc ba người đi đón. Vũ chỉ có mình Kiên, nghĩ cũng tội. Đúng chín giờ, hàng rào khu ngăn cách mở cửa . Vũ đi lẫn trong đoàn tám người được về nhà lần này. Đi cùng với họ là những anh chị em y bác sĩ cùng nhân viên phục vụ lưu luyến tiễn đưa. Khung cảnh cảm động chẳng khác gì cảnh Kiên được ra về khỏi khu cách ly cách đây gần một tháng. Vũ kéo theo chiếc va ly nhỏ có tay kéo, cô vẫn vận bộ đồ ngày đầu Kiên gặp, chiếc áo hoa màu tím, cái khăn voan tím nhạt và chiếc quần bò hơi cũ. Cả hai cùng như kìm nén cảm xúc của mình. Kiên nói:

-        Ta về đi em!

-        Vâng ạ!

Tối hôm ấy tại căn hộ cấp bốn nhỏ bé cho thuê ở xóm bãi bên bờ một con sông nổi tiếng của Thủ đô, hai mẹ con Kiên cùng một cô gái mới quen ngồi ăn quanh mâm cơm đạm bạc. Thức ăn chỉ có món canh sườn chua, trứng rán, rau muống luộc cùng đĩa chả thịt bò. Mẹ Kiên rơm rớm nước mắt nói:

-        Cháu cứ coi bác và Kiên đây như người nhà. Hãy ở lại đây chơi đến khi nào khỏe hẳn hãy về. Vũ ngỏ ý sẽ ở lại chơi vài hôm rồi xin phép được về với cha mẹ đẻ ở Đắc Lắc. Kiên nói:

-        Cứ yên tâm ở lại với mẹ và anh cho khỏe hẳn đã rồi tính sau. Vả lại đang lúc dịch lên cao, cả nước có lệnh cách ly, các phương tiện di chuyển phải dừng lại hết. Bây giờ đi lại giữa nơi này với nơi khác là rất khó khăn.

Từ hôm ấy, ban ngày Kiên mải miết chở hàng giao khắp nơi trong thành phố, ở nhà chỉ có mẹ Kiên và Vũ. Thương Vũ vừa thoát chết trở về còn yếu lắm, mẹ chăm cô như chăm con đẻ,  lo cho cô từ việc giặt giũ quần áo đến nồi nước lá thơm gội đầu, cái khăn rửa mặt, cái lược chải tóc. Thực phẩm, hoa quả cho việc bồi bổ sức khỏe của Vũ đã có Kiên lo. Từ ngày trong nhà có Vũ, Kiên ăn cơm tối xong ở nhà, không tiếp tục đưa hàng đến tận chín, mười giờ đêm nữa. Cứ ăn cơm tối xong, tuổi già, mẹ đi nằm sớm, Kiên và Vũ lại ra ngồi bên nhau trên bờ một đoạn kè đá còn sót lại trước cửa nhà. Họ nói với nhau biết bao nhiêu chuyện về quê hương, gia đình, bè bạn cùng những kỉ niệm thời thơ ấu của Vũ ở vùng quê Đắc Lắc và của Kiên, vùng quê lúa Thái Bình. Đôi khi, Kiên và Vũ cùng nhìn xuống dòng sông mà chẳng nói với nhau một lời nào. Sông Hồng mùa này nước cạn. Cát tặc ngày đêm đào bới sâu hun hút như không có đáy. Bóng mấy con thuyền của dân chài lưới nghèo khó luồn lách giữa luồng nước cạn như đi trong mơ. Đột nhiên Vũ hỏi:

-        Anh Kiên có nghĩ mình sẽ làm giầu được không, Có nghĩ mình sẽ thành tỉ phú không?. Kiên không trả lời ngay, lát sau mới nhỏ nhẹ:

-        Anh nghĩ mình không thể làm giầu được đâu. Đồng đất quê anh bị thu nhỏ lại, còn ít lắm, lại ô nhiễm, bạc màu, có muốn làm giầu cũng không được. Làm giầu phải có vốn. Anh làm gì có. Chẳng ai lại muốn mình nghèo khổ mãi như anh thế này!

-        Thế anh có dám thay đổi, dám rời quê đi nơi khác làm ăn không?

-        Sao không? Quê anh, nam nữ còn sức khỏe người ta dời nhà đi khắp nơi làm ăn, nhiều nhất là vào Nam. Ở nhà giờ chỉ còn cụ già và các cháu nhỏ. Có người ở lại nơi sinh sống mới. Bây giờ, ở đâu làm ăn được, sống được, đó là quê.

Vũ lại đăm đắm nhìn xuống dòng sông. Một dải sương lam đã che mờ mấy con thuyền cũ nát đang đậu tựa vào nhau ngủ qua đêm. Hình như Vũ đã nhìn thấy một đốm lửa nào đó đã nhen nhóm lên giữa các con thuyền lam lũ. Đốm lửa ấy rồi đây sẽ bừng sáng lên sưởi ấm những mảnh đời nghèo khó, biết dựa vào nhau để sống. Vũ mạnh dạn tựa vào vai Kiên nói:

-        Hay là anh Kiên vào quê em đi. Tây nguyên đất rộng người thưa anh lại có bằng đại học nông nghiệp, biết chăn nuôi trồng trọt không lo mình không làm giầu được. Đắn đo giây lát, Kiên bảo:

-        Ừ, nhưng phải để xin ý kiến mẹ đã!

 

Tối hôm ấy, sau gần nửa tháng ở chơi với mẹ con Kiên, Vũ lễ phép ngỏ lời với mẹ:

-        Mẹ ạ, con ở đây chơi với anh và mẹ đã lâu, được mẹ và anh chăm sóc bồi dưỡng tận tình giờ người ngợm con trông đã kha khá nên con xin phép mẹ va anh cho con được về nhà với cha mẹ đẻ con ở trong quê Đắc Lắc. Con chẳng có gì đền đáp được tấm lòng mẹ và anh, con chỉ biết cám ơn mẹ và anh rất nhiều. Nhân đây con cũng thay mặt cha mẹ con có lời mời mẹ và anh vào thăm quê hương chúng con vào dịp hết bệnh dịch này, mẹ nhá!  Mẹ Kiên đáp:

-        Thư thả mươi mười lăm hôm nữa hãy về để con khỏe hẳn người đi đã, với lại mẹ và Kiên còn thu  xếp có tiền đưa con mua vé máy bay chứ thấy trong túi áo con còn có vài đồng bạc thì lấy gì mà về?

-        Dạ không cần đâu ạ. Con còn chiếc đồng hồ đắt tiền và chiếc vòng vàng đeo trên tay, mai anh Kiên mang ra hiệu bán hộ là đủ tiền mua vé máy bay ạ. Xin mẹ con không thể ở thêm được nữa. Con cũng nóng lòng muốn biết tình hình gia đình hiện nay thế nào nhất là mối quan hệ với nhà chồng và chồng con. Nếu chồng con, anh ấy không muốn ở với con nữa thì con cũng thôi, xin ly dị cho nó sớm và dứt khoát. Riêng con, con cũng không thể chịu đựng được mãi cái cách anh ấy đã đối xử với con như trong những ngày vừa qua nữa. Mẹ Kiên dịu dàng nói:

-        Thôi thì chuyện vợ chồng con, con tự quyết định sao cho sáng suốt để đỡ khổ. Còn chiếc vòng vàng như con kể chuyện đó là chiếc vòng đã truyền lại từ đời các cụ con, nay bố mẹ con cho con làm của hồi môn thì con nên giữ lại. Đó là vật kỉ niệm thiêng liêng không được bán đi. Mai Kiên sẽ đi rút mười triệu ở tiết kiệm để con mua vé máy bay. Mẹ còn ba mươi triệu nữa đang để tiết kiệm ở ngân hàng cơ mà. Con không phải lo gì cả, khi nào có tiền gửi ra trả mẹ cũng được. Kiên phấn khởi ra mặt ùa theo: Thôi cứ quyết như mẹ nói đi. Không bàn cãi gì nữa!

 

Họ đi ngủ. Sáng hôm sau kiên chở Vũ đi rút tiền rồi ra sân bay mua vé. Đang ở thời điểm đỉnh dịch, có lệnh cấm nhưng mỗi ngày đều có một chuyến đi về giữa Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh cho những người đặc biệt được di chuyển. Vũ là đặc biệt. Vũ có giấy chứng nhận đã chữa khỏi bệnh được phép về nhà. Nhà Vũ ở Đắk Lắc. Xuống sân bay ở thành phố Hồ Chí Minh, Vũ sẽ bắt xe ngược lên quê mình.

 

Ngày tiễn Vũ ra về, mẹ Kiên và Vũ lại khóc. Vũ hứa, nhất định sẽ sớm ra thăm mẹ. Kiên chỉ phải chở Vũ ra chỗ xe ta xi chuyên đưa đón khách ra sân Bay Nội Bài. Trước phút bước lên ta xi, Vũ nắm lấy tay Kiên thật chặt. Hai người như không muốn rời xa nhau. Kiên đứng nhìn mãi cho đến khi chiếc xe ngoặt sang con phố khác. Từ đó, họ vẫn nghĩ về nhau, vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại. Nửa tháng sau, trong tài khoản ngân hàng của Kiên có thêm mười hai triệu do Vũ gửi vào. Mười hai triệu ấy Bố mẹ Vũ gửi ra là để biếu mẹ Kiên.

Một tháng sau nữa, Vũ báo cho Kiên biết cô đã ly dị chồng. Vũ nhấn mạnh lời mời như là một mệnh lệnh: “Anh nhất định phải vào chơi với gia đình em đấy! “
Cuối đoạn tin cô còn ghi thêm: “Bố mẹ em cũng muốn biết mặt anh thế nào. Các cụ nói sao trên đời lại có người tốt thế! “

Kiên tủm tỉm cười trước lời mời vào thăm gia đình của Vũ mà như “cưỡng bức”, lại cũng như “ép buộc”. Chưa vội mở lòng với mẹ nhưng Kiên cũng đã có những  dự định trong đầu. Đợi hết dịch, Kiên sẽ vào thăm gia đình Vũ, nhân tiện dò thăm luôn đồng đất, con người công việc làm ăn ở đấy xem ra sao và nhất là nếu số phận là thế, Kiên sẽ quyết định cuộc đời của mình trong chuyến đi này. Kiên sẽ đặt cọc tương lai và hạnh phúc của đời mình tất cả vào đấy. Một chuyến đi định mệnh.

 

 

Hà Nội, tháng 4 năm 2020

Địa chỉ: Đoàn Nhất Trí

Phòng 304, nhà C1, Khu TT Học viện Phụ nữ TƯ

39 phố Pháo Đài Láng Đống Đa, Hà Nội.

Số điện thoại: 0984953584