Hoàng hôn trên Đảo Ngọc

Không biết từ bao giờ, ai đó đã đặt cho đảo Phú Quốc cái tên Đảo Ngọc. Rất hay và xứng đáng như vậy. Dân gian lại truyền miệng: “Gạo Hà Tiên, tiền Phú Quốc” đúng là tiền rừng bạc biển, vùng đất giầu có. Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km², dài 49km xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây, là huyện lỵ của huyện đảo. Năm 2006, khu dữ trữ sinh quyển ven biển Phú Quốc đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ bắc xuống nam với 99 ngọn núi đồi, ngay giữa biển khơi mà nước ngọt vô tận, đào giếng bất kỳ chỗ nào cũng có nước. Từ thế kỷ thứ năm trước công nguyên đã có người ở, đến nay trên đảo có hơn một trăm bốn mươi nghìn người. Trải qua nhiều giai đoạn, Phú Quốc đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử. Từ xa xưa vua Gia Long từ Phú Xuân đã phải chạy ra Phú Quốc ẩn náu khi bị Quang Trung đánh đuổi. Năm 1949, quân Trung Hoa Dân quốc thua trận trước Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, một tướng lĩnh Quốc dân đảng, dẫn hơn 30.000 quân chạy sang Việt Nam lánh nạn. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp cho họ ra đóng quân tại phía Nam đảo Phú quốc. Sau đó, năm 1953, họ về Đài Loan theo Tưởng Giới Thạch. Đội quân Trung Hoa này bỏ lại nhà cửa, đồn điền... Pháp thấy vậy tận dụng nhà cửa có sẵn, lập ra nhà tù rộng khoảng 40 ha gọi là "Trại Cây Dừa", có sức giam giữ 14.000 tù nhân. Hàng nghìn lượt cán bộ Cách mạng đã bị giam giữ tại đây cho đến năm 1975 và hiện nay trở thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc biệt.

Phú Quốc mảnh đất kiên cường trong chống Pháp, Anh hùng trong chống Mỹ và ngày nay đang vươn lên trong xây dựng. Chục năm trở lại đây rầm rộ như một công trường lớn. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ ra làm du lịch, không có cơ sở nào làm công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp. Có một tờ báo bạo mồm nói rằng: “Người ta đang băm nát đảo Phú Quốc”. Thực hư thế nào thì chưa rõ, chờ các nhà có trách nhiệm phân giải, chỉ biết rằng tôi có anh bạn cùng học khoa văn tổng hợp, nhưng đã bỏ nghề tìm ra Phú Quốc xây dựng khu Resopt ngay sát bãi biển cát vàng. Anh không xây nhà cao tầng, bê tông cốt thép mà làm gần trăm căn hộ bằng gỗ, có mái khum khum mô phỏng của những khoang thuyền ẩn hiện dưới những lớp sóng trùng khơi và những bóng cây dừa đất Việt, toàn cảnh như ngôi làng “gia cư thuyền mủng”. Anh bảo: “Những người đến đây đa phần là dân thành phố, họ sống cả đời trong những khối bê tông, thèm lắm cái giường trong ngôi nhà tranh giữa thiên nhiên, đêm đêm nghe gió thổi và sóng biển rì rầm, sống dân dã vài ngày cho sướng. Đắt mấy cũng ô kê’’.Thế là lúc nào anh cũng phải treo biển “Xin lỗi quý khách - hết phòng”. Anh là người học văn có khác.

Đến Phú Quốc, ta có thể tham quan theo ba hướng chính là bắc, nam và đông đảo. Các địa danh ở bắc đảo gồm khu bảo tồn nhiên thiên: núi Hàm Rồng, gành Dầu, Cửa Cạn, bãi Dài, suối Đá Ngọn, Đá Bàn, đền thơ Nguyễn Trung Trực. Những điểm ở nam đảo là nhà tù Phú Quốc, suối Tranh, bãi Khem, vương quốc hồ tiêu, nhà thùng sản xuất nước mắm, cơ sở sản xuất ngọc trai. Phía đông là Dinh Cậu, chợ đêm, làng chài Hàm Ninh, bảo tàng Cuội Nguồn, chùa Sư Muôn (Hùng Long tự)...Ngoài ra, còn có các hoạt động hấp dẫn khác là câu mực đêm, khám phá rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn sinh thái suối Đá Ngọn hoặc Gành Dầu, câu cá khám phá Hòn Dăm, Hòn Thơm, Mũi Ông Đội, lặn biển ngắm san hô. Đó là những địa danh thật tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng, còn con người đã và đang tạo dựng lên những công trình đối lập.

Đến VinWonders công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam, hàng đầu Châu Á, trước khi vào phải đi qua Đại lộ Châu Âu rồi Quảng Trường Phượng hoàng lửa. Bên trong là một khu đồi rộng mênh mông phải đi bằng xe điện đến các thế giới vui chơi: Thế giới Lốc xoáy, thế giới Diệu kỳ, thế giới Phiêu lưu, cung điện Hải vương, khu làng Bí mật…Tất cả đều kỳ lạ và những thử thách cam go trong các trò chơi cảm giác mạnh như thả mình vào những đợt sóng thần dồn dập đến thót tim. Vào đây như đi tìm những vùng đất lạ trên thế giới. Đi mãi, đi mãi tôi mới tìm thấy khu rừng thần thoại Việt Nam, cùng chàng Thạch Sanh tham gia trò chơi giao đấu nẩy lửa với chằn tinh ác điểu để giải cứu nàng công chúa…

Đảo Phú Quốc còn có vườn Quốc gia Phú Quốc nằm về phía đông bắc thuộc địa phận các xã: Bãi Thơm, Cửa Dương và Hàm Ninh. Đây là một trong những Vườn Quốc gia của Nam Bộ vẫn còn giữ được nguyên vẹn khu rừng già nguyên sinh. Nơi đây còn hội tụ nhiều nét đẹp của thiên nhiên với rừng, biển, suối, thác và núi đồi. Với tổng diện tích trên 31.422ha, Vườn Quốc gia Phú Quốc được chia thành 3 phân khu chức năng, đó là: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính – dịch vụ – nghiên cứu khoa học, bảo tồn gien.

Hệ thực vật ở Vườn Quốc gia Phú Quốc khá phong phú. Thảm thực vật ở đây chủ yếu là rừng xanh mọc trên địa hình đồi núi thấp với tổng số lượng lên tới vài trăm loài, bao gồm: các loài cây đại mộc, các loài phong lan quý, các loài dược thảo quý và một số loài sống ký sinh khác. Bên cạnh hệ thực vật phong phú, hệ động vật ở đây cũng rất đa dạng bao gồm: 30 loài thú, trong đó 5 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như: sói rừng, khỉ bạch, vượn pillê…200 loài chim với 4 loài được ghi vào danh mục Đỏ của tổ chức IUCN và 3 loài ghi vào sách Đỏ Việt Nam; 50 loài bò sát, trong đó 9 loài được ghi vào danh mục IUCN và 18 loài ghi vào sách Đỏ trong nước…

Bên cạnh vườn Quốc gia đặc biệt như vậy, Vinpearl Safari Phú Quốc (vườn thú bán hoang dã đầu tiên của Việt Nam) được đưa vào hoạt động mấy năm nay. Đây là các loại thú hoang dã được mang về từ Châu Phi. Vì vậy khi bước vào vườn thú mọi người được chiêm ngưỡng màn chào hỏi giật gân của các vũ nữ da đen. Rừng cây Việt Nam, thú dữ Châu Phi, các họa tiết và tượng gỗ nhà mồ Tây nguyên rải rác khắp mọi nơi, pha tạp đa sắc mầu văn hóa trong một không gian hẹp. Khu vực chim thú bình thường thì người vừa đi bộ vừa ngắm xem. Khu vực nuôi nhốt thú dữ phái đi ôtô đặc chúng, ngồi trong xe nhìn ra. Thật sướng mắt và hoảng sợ ngắm các chú Hổ, báo, gấu đen, sư tử, ngựa vằn, hươu cao cổ, tê giác lừng lững chắn xe giữa đường…Những loại thú này chắc chắn ở các rừng quốc gia Việt Nam không có. Nhưng tôi vẫn thèm nhìn thấy những con thú có trong sách Đỏ của tổ chức IUCN mà rừng quốc gia Phú Quốc đang bảo tồn, “Người Việt dùng hàng Việt” mà.

Đi dọc bãi Trường hơn mười cây số ven biển, cát trắng mênh mông, nước biển trong xanh, mỗi đại gia một khoảnh xây chung cư cao tầng và biệt thự liền kề. Muôn hình vạn trạng kiểu dáng tây, âu, kim cổ. Cuối đường là thị trấn An Thới, phần hẹp nhất của Phú Quốc, tập đoàn Sum Group (Tập đoàn mặt trời) xây dựng khu chung cư cao tầng và khách sạn Marriott, nhiều biệt thự tầng tầng lớp lớp trên sườn đồi. Cổng vào, trên cao có bốn con chó (biểu tượng của chó Phú quốc, có một bờm lông dựng đứng và xoáy trên lưng). Ngay trên bờ biển là một khu phố nhỏ của một nước Châu Âu, sang trọng, quý phái và văn minh, tái hiện một kho tàng lưu trữ những hiện vật cổ quý giá, đặc biệt là sách còn nguyên bản của các triết gia và bác học nổi tiếng trên thế giới từ mấy trăm năm trước. Đáng phục cho các nhà thiết kế và xây dựng đã tạo nên ý tưởng này. Ra khỏi đây tôi hơi chạnh lòng, Việt Nam ta cũng có rất nhiều triết gia, danh nhân văn hóa thế giới như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Chí Minh…đến bây giờ nhiều người cũng chưa nhìn thấy những tác phẩm vô gía ấy. Cũng rất tiếc nếu công trình này không phải nằm ở biển đảo Phú Quốc xa xôi.

Hành trình du ngoạn trên cao với cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới, đem đến những trải nghiệm đầy thú vị, khi được thu trọn 360 độ biển trời và ngắm bức tranh ở Phía Nam Phú Quốc được khắc họa bằng những mảng màu thiên nhiên trong lành, sống động nhất. Gặp gỡ đại dương cùng những rạng san hô huyền bí.

Hoàng hôn về, người đổ ra Bãi Sao đông nghịt, máy ảnh, điện thoại đều giơ lên chớp vội. Ai cũng muốn có một tấm hình “hoàng hôn trên đảo ngọc” hiếm lắm, đẹp lắm. Bãi Sao nằm gọn trong vòng tay trìu mến của hai dải núi thoai thoải mang đến không gian yên tĩnh và khí hậu trong lành. Bãi Sao chính là một trong những bãi biển đẹp nhất của Phú Quốc với cát trắng lấp lánh, và được hòa mình vào không khí trong lành do những làn gió mát rượi, từ biển khơi hoàng hôn thổi vào. Nhà nhiếp ảnh trẻ Đặng Thúy Mai đã ra Phú Quốc mấy năm trước, phục hàng tuần chờ hoàng hôn để chụp một tấm ảnh Dinh Cậu. Hồi ấy Dinh Cậu còn nằm xa bờ, sáu trăm năm vẫn cheo leo trên những mỏn đá. Hoàng hôn đỏ rực, chân trời, chân biển cũng ánh lên sắc mầu kỳ lạ, mây đen, mây trắng lững lờ trôi, tia sáng xuyên qua kẽ lá trên Dinh Cậu lung linh và huyền bí…Bức ảnh đã được giải thưởng của Câu lạc bộ nhiếp ảnh trẻ. Đến nay bao nhiêu nhà nhiếp ảnh khác đi tìm lại góc độ ấy thì không còn nữa, Dinh Cậu đã bê tông hóa, cảng cá Dương Đông đã nối liền. Tiếc ngẩn.

Ngoài hai thị trấn Dương Đông và An Thới có người buôn bán, cửa hàng cửa hiệu ra vào tấp nập, còn lại tám xã cuộc sống của người dân cũng còn nhiều khó khăn, nhà cửa tềnh toàng, không trồng lúa, lương thực thực phẩm đều mang từ trong đất liền Kiên Giang ra. Anh lái xe taxi đi cùng với tôi kể rằng: “Nhà anh ở Bãi Trường rộng lắm, ngay sát biển, từ xa xưa cả làng, cả họ đều làm nghề biển bắt tôm đánh cá. Vài năm nay nhà cửa, đất cát bị các Công ty thu hết để làm du lịch, nên phải chuyển vào rừng, không làm nghề đánh cá được, đành tậu con xe chạy lòng vòng kiếm ăn. Hôm rồi vợ bị bệnh ung thư phải đưa vào Sài gòn chữa. Có lẽ vài bữa nữa cũng phải bán con xe này thôi”. Tại một nhà hàng Hải sản ở Hàm Nghi, người ăn đông đúc, nâng cốc chạm chén hò dô ầm ỹ. Lẫn trong ấy là cậu bé chừng tám chín tuổi lang thang bán san hô đỏ hình ông sao. Lúc nào trong tay cũng chỉ có một cái, bán rồi lại có một cái khác, giá duy nhất chỉ hai mươi nghìn đồng. Tôi trả mười nghìn, cậu lắc đầu không bán, đi một lúc lâu quay lại, trìu mến nói: “Tặng ông làm kỷ niệm món quà Phú Quốc của con”. Tất cả ngạc nhiên, thì ra đây là nghệ thuật bán hàng. Cao siêu quá, những người có lương tâm ai lấy không của các cháu nhỏ. tôi vẫy tay gọi cậu đang đứng từ xa quan sát. Lại gần tôi hỏi:

-        Cháu học lớp mấy rồi?.

-        Cháu chưa đi học ạ. Cậu bé trả lời

-        Ủa, bao nhiêu tuổi mà không đi học?

-        Dạ cháu mười tuổi.

-  Cháu thông minh lắm phải đi học đi. Đây ông trả tiền san hô này, còn đây cho cháu về mua sách.

Tôi đưa cả thẩy năm mươi nghìn, cậu bé chỉ nhận hai mươi nghìn tiền san hô, còn trả lại và nói lời cám ơn rồi đi nhanh bán hàng tiếp…

Bước lên máy bay kết thúc chuyến đi, hành lý mang về có một chai nước mắm Phú Quốc, thương hiệu hàng trăm năm nay và một lạng hạt tiêu, đặc biệt hơn tất cả hạt tiêu các vùng miền của Việt Nam, làm quà. Mấy người ngồi bên tôi kháo nhau: “Biết vậy chẳng mua nước mắm làm gì, lúc tham quan ở nhà Thùng nếm thử sao ngon thế, về nhà mở ra ăn mặn ơi là mặn…”

Viết bài này tôi suy nghĩ mãi, nên giật cái tít là gì “Bình minh hay hòang hôn trên Đảo Ngọc”?

 

Đặng Huỳnh Thái