Bừng tỉnh -Truyện ngắn của Đặng Huỳnh Thái (Hà Nội)
"Thế là thoát mười bốn ngày tù giam lỏng. Hết ngày dài rồi lại đêm thâu. Xét nghiệm ba lần, âm tính vẫn là âm tính, có sao đâu mà cứ nhặng lên, bắt người ta nhốt vào đây. Thật không chịu nổi".
Sáng sớm tinh mơ, Xuân vừa xếp đồ đạc vừa cằn nhằn, suốt đêm qua không ngủ chỉ chờ xe mẹ đến là té. Xuân là diện học sinh du học ở Anh về trong chuyến bay cuối cùng khi sân bay Anh đóng cửa và Việt Nam không đón nhận người từ vùng có dịch Covit-19 trở về. Theo quy định, tất cả những người từ nước ngoài về đều phải cách ly. Xuống sân bay là có xe ôtô đặc chủng y tế chờ sẵn chở đi ngay. Xuân chẳng hiểu khu cách ly ở đâu, xa nhà mấy năm rồi còn nhớ đâu vào đâu nữa. Điện thoại lại không liên lạc được. Qua vài thành phố, làng mạc đến một khu yên tĩnh. Hai chú bộ đội bồng súng nhấc rào chắn - "à doanh trại quân đội, thì ra họ lại nhốt mình vào đây". Nghĩ vậy Xuân nặng nhọc bước xuống xe, kéo lê cái vali to đùng kêu lộc cộc trên đường xi măng. Xuân có gương mặt xinh đẹp, mặc đồ hot 2020, soóc bò đen ngắn cũn cỡn, thả gấu tua tủa, khoe cặp đùi và đôi chân dài trắng hồng, nõn nà. Áo phông thun đỏ thương hiệu GUCCI, trẻ trung, tôn dáng kiêu kỳ và nổi bật một khuôn hình lý tưởng đầy sức sống mà bất cứ một chàng trai hay cô gái nào nhìn vào cũng thèm thuồng, mơ ước. Xuân có đôi mắt thăm thẳm, chiếc khăn voan sặc sỡ hờ hững nửa trùm hết gáy, nửa quấn quanh cổ biểu hiện hết tính cách thật mà hư ảo, khiến những đôi mắt tò mò của mấy người đứng quanh đấy. Mùi hương thơm nhè nhẹ từ người thoảng trong gió phảng phất bay tới, cái mùi nước hoa sang trọng trộn lẫn mùi thân thể trẻ trung toát ra ấy, chỉ có ở tầng lớp giàu có trong xã hội.
Cứ tưởng như khách sạn năm sao, có nhân viên phòng ra khuân vác đồ đạc, đây lại chẳng có ma nào, chỉ thấy mấy anh lính chạy đi chạy lại ngược xuôi, hoa cả mắt, Xuân gằn giọng:
- Này anh kia, chuyển đồ đạc cho người ta đi chứ.
Anh bộ đội đang vác thùng nước lọc màu xanh quay lại nói:
- Chị cứ đi thẳng vào cầu thang rồi lên tầng năm, và tầng sáu trên ấy có người sắp xếp phòng.
- Đồ đạc thế này mà leo lên á, đánh đố à?.
Mọi người vội vã, việc ai người ấy làm, nhanh nhanh tìm chỗ nghỉ ngơi, ngồi trên máy bay, ngồi ôtô hơn mười tiếng đồng hồ, ai cũng mệt nhoài. Đang loay hoay không biết làm thế nào với cái vali và đồ đạc lỉnh kỉnh, một anh bộ đội đề nghị:
- Chị thấy những gì không cần thiết thì để vào kho ở tầng một có người trông, mang lên làm gì cho mệt, cần gì thì xuống lấy.
- Vật bất ly thân - Một lúc nghĩ thế nào đó, Xuân chặc lưỡi - Thôi được, anh gì ơi cất vào kho cho tôi.
- Chị chuyển vào đây. Anh bộ đội nói.
- Cái vali to này gửi, tôi xách cái túi này thôi. Xuân hậm hực.
- Cứ yên tâm, Bộ đội vì nhân dân quên mình mà. Anh bộ đội nhè nhẹ cất tiếng hát.
- Nhà như thế này mà không có cầu thang máy. Không có Wifi quê quá.
Không cần nghe hát, Xuân vẫn hậm hực. Anh bộ đội ngừng hát giải thích:
- Ký túc xá của trường đấy, sinh viên phải rèn luyện, hàng ngày leo núi, bò lê ngoài công sự, mấy bậc thang có thấm tháp gì với thằng lính. Thang máy chỉ dành riêng cho bọn lười thôi.
Chạm vào tự ái. Xuân vùng vằng đi về phía cầu thang và lò dò lên được đến nơi. Trên tầng sáu, cô gái, chắc cũng là sinh viên, mặc bộ đồ chống dịch, đeo khẩu trang đầu bịt khăn, vui vẻ đón tiếp:
- Em có mệt không? đưa túi chị xách cho, vào phòng này có bốn người, còn lại một giường em ở đây nhé?
Đang mệt bở hơi tai, nghe câu nói ngọt ngào Xuân lại càng thấy chướng mắt, quay ngoắt nhìn đi nơi khác. Cô sinh viên quân đội gọi với ra:
- Vào đây em, trong này mát hơn. Em thay quần áo bệnh nhân này đi
Miễn cưỡng, Xuân bước vào vài bước rồi hét lên:
- Có phải bệnh nhân đâu mà thay. Không có điều hòa à? Nóng bỏ mẹ.
- Các anh các chị học ở đây đã ba năm, sắp ra trường rồi chỉ có thế này thôi. Cô sinh viên nói tiếp. Đợt này tham gia chống dịch, nhà trường cho nghỉ học, nhường chỗ cho đồng bào từ vùng có dịch về tạm trú để tránh lây lan ra cộng đồng.
- Biết thế chẳng về làm gì, cứ ở bên ấy có chết cũng còn sướng hơn. Xuân vẫn cái giọng trịch thượng ấy, mặt nặng chịch.
- Thế em ở đâu về?
Quên mất quy định phòng dịch không được tiếp xúc, cô sinh viên nắm tay Xuân thân mật. Dịu đi chút ít, Xuân nói:
- Em học bên Anh..
- Thế thì sướng thật rồi. Ở nhà còn nghèo, làm sao bằng người ta được, thông cảm em ạ,
- Ở đâu nghèo thì không biết, chứ nhà em không kém gì bên Anh quốc, đủ hết cả, đến con Alaska cũng nằm ở vị trí đầu bảng các loại chó cảnh đẹp nhất thế giới. - Nói rồi Xuân nằm vật ra giường than vãn - Bao giờ mới hết mười bốn ngày đây.
- Vui đi, ngày tháng trôi nhanh lắm mà em.
Ngước mắt nhìn lên trần nhà, quạt trần quay tít, hoa mắt, nhắm mắt lại trời tối đen như mực. Ba giường bên, ba bà cũng chẳng già chẳng trẻ, ngủ lăn quay. Xuân trằn trọc trên chiếc giường ố bẩn với bao ý nghĩ vẩn vơ, ngồi dậy thì thấy trên thành giường có giòng chữ: "Nhường chỗ cho bạn, tôi vào rừng ở và học". Xuân lẩm bẩm: "Có mà điên", di mạnh ngón tay xóa, nhưng không được, nó đã hằn sâu vào thớ gỗ, "kệ xừ".
Zalo réo chuông, có sóng rồi, thế là mẹ đã tìm đến:
- Con ở tầng mấy. Tiếng mẹ gọi trong điện thoại
Xuân chạy ùa ra ban công, giơ tay vẫy gọi, xa quá, nhiều người quá không nhận ra mẹ, có tiếng ai đó gào khản cả giọng:
- Ở nhà là yêu nước!. Ở nhà là yêu nước!
Lạ vậy, yêu nước phải xông ra chiến trường chứ?. Cha ông xưa phải chia tay vợ con, xếp bút nghiên, xông ra trận mạc? Bây giờ lại bảo người ta ngồi ở nhà thế mới tức, Xuân quay điện thoại khắp phòng rồi gào to:
- Con trên tầng sáu mẹ thấy chưa?
- Thấy rồi, có cần gì không?. Hình bà mẹ hiện to hết màn hình, hai giòng nước mắt chảy dài trên má.
- Xin cho con ra đi - Xuân hậm hực - không ở đây nữa đâu, kinh tởm lắm, gián đầy nhà, phòng vệ sinh thì dơ dáy.
- Mẹ gọi cho chú Kháng rồi, chú sẽ lệnh cho nhà trường. Trong tầm tay, yên tâm,
- Mau lên, mẹ.
Một hồi kẻng vang lên, đến giờ ăn cơm, mọi người gọi nhau í ới, rầm rập chen xuống cầu thang, chẳng biết bằng cách nào Xuân cũng xuống được tầng một. Phòng ăn rộng nhưng không ai ngồi, mỗi người vào lĩnh một suất, tât cả cơm, thức ăn đựng trong cái hộp nhựa mầu đen rồi mang về phòng hoặc ngồi đâu đó ăn cho xong. Xuân đứng giữa nhà mở hộp cơm ra, kêu ầm lên:
- Thế này mà gọi là cơm à? vài miếng đậu, vài sợi rau muống vàng khè lại thêm cái chết tiệt gì đây nữa, ai mà nuốt nổi.
Một số người xúm lại phù họa theo, người giơ điện thoại, máy ảnh lên quay phim, chụp ảnh. Có người nói:
- Này cô kia, thế này là ưu ái lắm rồi, được cách ly cho ăn ở miễn phí, còn kêu ca gì nữa.
- Đây không cần bố thí, kiểu gì thì kiểu cũng phải cho đàng hoàng, đối xử với con người chứ phải con vật đâu? Xuân đặt mạnh hộp cơm xuống bàn.
- Hãy hỏi mình, xem đã làm gì cho đất nước chưa cô em ơi. Một thanh niên sấn sổ đến chỉ tay vào mặt.
Thế là cãi nhau ầm ỹ, tập trung vào hành động của Xuân.
Trong nháy mắt, tất cả những hình ảnh ấy, thước phim ấy đã tung lên mạng, rồi hàng trăm, hàng nghìn người bình luận, chia sẻ. Dân cư mạng được một phen "nén đá mỏi tay". Một người viết:" Muốn ăn ngon thì về nhà nấu mà ăn, còn Đất nước cho bạn nước uống, cơm ăn ba bữa là quá tốt rồi . Người khác ăn được, người khác sống được thì mình cũng phải cố mà ăn mà sống chứ". Lại đây nữa: " Chỗ cách ly thấy bẩn thì xắn tay áo lên mà dọn, mà lau vì bạn vẫn đang khỏe mạnh, đang còn tay, còn chân cơ mà". Ghê gớm hơn, ai đó viết: "Con người ta phải sống bằng cái đầu, em ơi đầu đất lắm". Một ai đó đã nói như thuyết giảng: "Tôi chỉ muốn nói với mọi người rằng: đòi hỏi cho bản thân mình vừa thôi. Hãy sống vì người khác và thương những người đang phục vụ cho mình, vì họ đã kiệt sức thật sự rồi. Cuộc chiến chưa biết đến bao giờ có hồi kết. Nếu ai cũng chỉ biết đòi hỏi mà không tự mình vận động thì sẽ có lúc chính mình sẽ giết mình đó! Các bạn bước chân lên xe đi cách ly, Các bạn ăn bát cơm trong khu cách ly, thậm chí người dọn rác cho các bạn cũng đang phải dùng tiền thuế của nhân dân đóng góp đó"...
Chao ôi! đủ thứ trên đời, người ta nói thả phanh không còn từ nào để mà nói nữa. Lúc đầu Xuân còn trả lời được dăm ba người, sau rồi phát chán, phát run, sợ người ta đến vây bắt mình. Xuân tắt máy dúi vào đống quần áo, lúc mở ra, tất cả tin nhắn lại ào ào tới.
Ba ngày Xuân không bước ra khỏi cửa, phải nhờ các chị cùng phòng lấy hộ đồ ăn. Điện thoại lúc nào cũng ngoài vùng phủ sóng, "trong vùng phủ chăn". Một ngày chỉ có một lần duy nhất là chín giờ tối, mở máy gọi cho mẹ. Xuân ngủ li bì không còn biết đất, trời đâu nữa. Cô gái, tình nguyện viên, mặc bộ đồ chống dịch, xếp giường cho Xuân hôm nọ, khệ lệ xách một túi nặng đến bên giường Xuân gọi:
- Xuân, dậy đi em, ngủ có giờ thôi, đi xuống sân tập thể dục.
- Mặc kệ tôi. Xuân ngủng ngoẳng quay ngoắt vào phía trong.
- Nếu không thể dục thì đọc sách, hay làm gì đi chứ. Cô tình nguyện viên đặt mấy quyển sách lên mặt bàn gần đó. rồi đi.
Kể nằm mãi cũng chán, Xuân với tay lên bàn cầm lấy mấy quyển sách: Nào là “Hai cuộc Kháng chiến thần thánh”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Hòn Đất”, “Đặng Thùy Trâm”, “Cuộc chiến chống bệnh SASR điều kỳ diệu Việt Nam” …Toàn những quyển vớ vẩn, từ thời tám hoánh nào mà bắt người ta đọc. Nhấc lên nhấc xuống hết quyển nọ đến quyển kia, Xuân mới thấy quyển “Tâm lý đạo đức”. Sách viết về đạo Phật của tác giả Tỳ kheo Thích Chân Quang. Thấy lạ và cũng chưa bao giờ có duyên với sách Phật, Xuân mở trang đầu thấy ngay những dòng chữ: “Tâm lý con người có nhiều loại: tâm lý bất thiện, tâm lý thực dụng, tâm lý tín ngưỡng, tâm lý yếm thế, tâm lý lạc quan, tâm lý đạo đức”. Sách còn giải thích rằng, sống đơn giản là không sử dụng quá nhu cầu cho bổn phận của mình. Vì vậy, đời sống đơn giản là một đức hạnh, một đức hạnh cao cả mà ai cũng tôn trọng. Bác Hồ và những vị Thánh nhân đều là những người có cuộc sống vô cùng đơn giản. Sống đơn giản không phải là ăn ít, mặc ít mà phải chọn mức sống sao cho vừa đủ, sao cho phù hợp với cuộc sống của mình, biết nhường cơm, nhường áo, chia sẻ vui buồn cùng với mọi người. Hạnh phúc đâu chỉ bởi tiền tài, quyền lực…Bộ sách “Tâm lý đạo đức” đặt ra nhiều vấn đề, càng đọc càng thấy lôi cuốn. Chỉ trong mấy ngày Xuân đã đọc hơn một nghìn trang và nhận ra rằng: Phải dấn thân vào nguy hiểm, khó khăn để rèn luyện. Khi có việc khó khăn, cực nhọc hoặc nguy hiểm, không ngần ngại giành lấy về mình, không được tránh né hay tỏ ra sợ hãi vì vậy muốn sống một đời vị tha thì phải chấp nhận vất vả, khổ cực. Một khi quan tâm đến nhu cầu của người khác để giúp đỡ họ thì cây đạo đức trong lòng sẽ bắt đầu ra hoa kết trái. Đời đôi khi rất hững hờ cay nghiệt nhưng đôi khi cũng rất ưu ái nhiệt tình với bất kỳ ai. Bởi thế, ta đừng vội hận đời khi chưa được đời đãi ngộ, hãy cứ biết ơn đời, đã cho ta nhiều thử thách, cơ hội để ta có thể trở nên một con người biết sống đúng đạo làm người. Dẫu sao cũng cám ơn đời. Dẫu đời đon đả hay đời chê bai. Hãy nhớ rằng đạo đức luôn luôn làm chúng ta vất vả. Chỉ có người ích kỷ mới có cuộc sống an nhàn.
Vậy mình là kẻ ích kỷ sao?...
Mười bốn ngày qua, câu hỏi ấy vẫn lởn vởn trong đầu Xuân, chờ mãi chẳng thấy xe mẹ đến, đầu lại đau thêm. Cánh sinh viên quân đội kéo vào nhận phòng, dọn dẹp. Xuân kéo valy, lọc cọc định đi xuống thì một chàng trai mặc áo lính dang hai tay, chắn cửa:
- Xuân phải không?
- Xin lỗi, anh là ai?.
Xuân trả lời cộc lốc và né người đi ra. Chàng sinh viên lùi lại hai bước
cho đúng khoảng cách, kéo khẩu trang xuống nói:
- Xuân không nhận ra mình à. Bách đây.
Xuân cũng dừng lại kéo khẩu trang xuống, valy trên tay theo đà văng tít ra xa, giây lát nhận ra:
- Bách!
Xuân định lao tới ngã ập vào vòng tay như hai ngọn lửa tình chỉ cần nhìn thấy nhau là bùng phát, nhưng Bách đã giơ tay ngăn lại, họ hiểu đó là những quy tắc chống dịch.
- Đã hơn mười năm rồi phải không?. Bách hỏi.
- Vâng, sao anh lại ở đây?.
Xuân ngỡ ngàng, Bách chi vào chiếc giường Xuân đã nằm mười bốn ngày qua.
- Giường của anh đấy.
- Thật vậy sao?. - "Nhường chỗ cho bạn, tôi vào rừng ở và học". Xuân đọc lại nhanh trong đầu những giòng chữ ghi trên thành giường - Em cám ơn anh.
- Không có gì. Qua “phây” anh biết Xuân ngay từ hôm mới về. Em vẫn đẹp, nhưng khác trước nhiều.
- Thì ra anh đã biết hết rồi?.
- Anh đã bình luận và trả lời rất nhiều để động viên em, Anh cũng nói với cộng đồng mạng rằng. “Thời gian rất ít ỏi, xin đừng lãng phí. Đừng làm tổn thương người khác, đừng vì bốc đồng nhất thời mà tự tay phá hủy hạnh phúc của người khác”. Em không nhận ra đó thôi.
- Em cám ơn anh.
Xuân lặng lẽ, cúi mình dấu đi gương mặt thẹn thùng đang ửng đỏ và quá khứ ùa về…
Hồi mẹ chuẩn bị đẻ Xuân, nhà neo người. Bố bận công việc kinh doanh đi suốt ngày, thi thoảng mới có được bữa cơm gia đình. Ông bà nội, ngoại hai bên không còn, sợ khi cữ không trông nhờ vào ai được, mẹ về quê tìm người làng thân quen lên giúp việc. May quá, các cậu đã tìm được bà Trạch, nhanh nhẹn, tháo vát có hiểu biết đôi chút về công việc thành thị. Bà Trạch đã ngoài năm mươi nhưng khỏe mạnh, chỉ có một trở ngại, bà bảo: “Vợ chồng thằng con út nhà bà, nó bỏ nhau. Hai đứa đã tìm được vợ, được chồng mới cả rồi. Thằng Bách con nó bốn tuổi, bơ vơ bà phải nuôi, bà đi thì nó ở với ai?”. Mẹ Xuân nhanh nhảu: “Nhà con rộng, bà đưa cả cháu Bách lên ở cho vui, nhà con ăn thế nào thì bà cháu ăn vậy. Chẳng gì cũng là người làng xóm, bà không ngại miễn là giúp mẹ con cháu trong những lúc khó khăn này.”. Thế là trong những ngày mẹ Xuân đẻ, bà chăm sóc, tắm giặt như con gái mình. Ngày tháng trôi đi, Xuân lớn lên trong vòng tay của mẹ và sự chăm sóc của Bà. Sáu năm sau, mẹ lại đẻ em bé, bà và mẹ bận rộn hơn, Bách là người bế ẵm, nô đùa và cho Xuân ăn. Cả nhà không ai chiều được cái tính đỏng đảnh, khảnh ăn, chỉ có Bách, hai anh em chạy vòng quanh khu biệt thự hàng tiếng đồng hồ mới xong một bữa ăn. Quay đi quay lại, Xuân lớn phỏng lên, rồi đi học lớp một. Mẹ cũng cho Bách đi học lớp bốn luôn, nhưng hai người học hai trường khác nhau, Bách học phổ thông công lập, Xuân học trường Quốc tế chuyên Anh. Hai trường lại gần nhà, nên hàng ngày Bách phải đưa đón em đi về. Những ngày nghỉ, ngày hè hai anh em lại đi bơi, đi tắm biển, đi múa hát, không ai ít biết họ là bà chủ nhỏ và người giúp việc. Bà và mẹ quý mến, mặc cho con trẻ vui vầy bên nhau. Hết bậc Tiểu học, rồi lên Trung học, con trai con gái dậy thì, thay đổi cả tính nết và cơ thể. Người lớn không ai nhận ra được điều này, cứ thả sức cho đôi trẻ tự do. Một hôm mẹ có việc vào phòng của Xuân, không gõ cửa, mẹ giật mình thét lên “Xuân”, khép cửa lại, bủn rủn chân tay tựa người vào tường thở hổn hển. Không ngờ Xuân và Bách trần truồng ôm nhau, làm theo những cảnh trong tivi treo trên đầu giường. Không còn bình tĩnh, mẹ gọi bà lên nói thẳng: “Ngay bây giờ bà dẫn nó đi khỏi nhà này”. Bách đi rồi, Xuân chông chênh, mất ăn, mất ngủ, học hành lơ đãng. Cuối cùng mẹ phải quyết định cho Xuân sang Anh học, tìm đường giải thoát…
- Bao năm nay anh ở đâu?, làm gì?. Xuân lí nhí hỏi.
- Học xong, anh vào bộ đội, nghĩa vụ xong vào Đại học Quân đội, - Với giọng mạnh mẽ, dứt khoát, khác hẳn ngày xưa, Bách nói tiếp - Sang năm ra trường tiếp tục làm sỹ quan quân đội. Còn em?
Xuân thở dài:
- So boring (chán lắm). Kỳ này chưa chắc đã sang lại.
Xe của mẹ đã đến, chuông điện thoại réo, Xuân vội vàng chạy xuống sân, Bách kéo vali phía sau. Giữa sân mọi người xếp hàng nhận giấy ra viện. Xuân quay lại nói:
- Coi như không có cuộc gặp này nhé, goodbye.
Bách chưa kịp nói gì thì anh bộ đội cảnh vệ đã ngăn lại. Quy định gián cách xã hội.
Trên xe, mẹ vui lắm, kể hết chuyện nọ đến huyện kia, Xuân thì buồn thiu. Mẹ động viên:
- Về nhà mẹ bồi dưỡng thuốc men, con gái mẹ lại xinh đẹp ngay ấy mà.
Đã hơn mười năm, căn phòng trên tầng ba với những kỷ niệm thời thơ ấu rồi lớn lên cùng Bách vẫn còn nguyên như cũ. Bàn học, sách vở, giường tủ đặc biệt là cái tivi đã dẫn dắt Xuân vào ngõ cụt của cuộc đời vẫn sừng sững đứng đó. Đêm đầu tiên, rồi những đêm sau Xuân không sao ngủ được, muôn vàn buồn vui dằn vặt. Ở đời cái gì mang lại sự yêu thương thì muôn đời vĩnh hằng, mang lại khổ đau thì vĩnh viễn rũ bỏ. Nghĩ vậy Xuân thay đổi tất cả mọi thứ trong căn phòng, đập nát không thương tiếc. Lòng nhạy cảm, mẹ hiểu:
- Đừng nhìn lại hôm qua nữa con – Mẹ Xuân dịu dàng nói tiếp: Ngày mai mẹ đưa con đi Nha trang nghỉ ít ngày cho khuây khỏa.
Vào khu resort đẹp nhất Nha trang nghỉ được hai ngày, sáng hôm sau sang phòng ngủ, không thấy Xuân đâu, cầm lá thư trên bàn, mẹ đọc:
“Bố Mẹ yêu quý của con!
Con xin lỗi bố mẹ, con đã viết lá thư này, hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu. Đến giờ phút này con không còn bé nhỏ để “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Con đã lớn và tự hiểu thế nào là lẽ sống. Những ngày qua con đã gây cho nhà ta nhiều rắc rối, chắc bố mẹ không hài lòng. Dù vết thương nhỏ hay lớn, ngòai da hay trong trái tim, khi lành hẳn cũng để lại một vết sẹo. Vết sẹo ngòai da nhìn thấy được, vết sẹo trong tim thì không thấy được. Bố mẹ không hiểu hết nỗi lòng con. Mười năm trong vòng tay của mẹ con được bú mớm con được bố mẹ dành cho nhiều thứ, nhưng chưa một lần con được tâm tư cùng mẹ. Mười năm ở nước ngoài, con trở thành một người xa lạ. Con biết, bố mẹ kỳ vọng ở con rất nhiều, nhưng con không thực hiện được. Ba năm nay con đã bỏ học vì các chương trình năm trước con không vượt qua được. Con vẫn nói dối và nhận tiền đầy đủ của bố mẹ gửi sang. Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, con đành rong chơi trên đất Anh..
Mười bốn ngày tĩnh tâm con đã bừng tỉnh nhận ra “mình là kẻ ích kỷ, hận đời?
Thưa bố mẹ, con phải làm lại cuộc đời, phải dấn thân vào nguy hiểm, khó khăn để rèn luyện, phải chấp nhận vất vả, khổ cực để tìm lại những nhành hoa, chùm quả mà con đã đánh mất. Con tin rằng đời cũng rất công bằng ưu ái với bất kỳ ai.
Ngày mai, mẹ cứ yên tâm về Hà Nội không phải tìm con, không phải lo cho cuộc sống của con. Con của mẹ đã lớn rồi mà, hãy thả cho con bay lên, bay cao, bay xa trên bầu trời xanh ngắt mẹ nhé.
Bố mẹ yêu quý!
Kính thư.”
Mẹ Xuân vội vàng bấm điện thoại gọi cho bố, vừa thở vừa nói thất thanh. Đầu giây bên kia bố nói: “Biết rồi, anh đã cài định vị trước khi mẹ con đi, hiện con đang trên đường lên Thiền viện Trúc Lâm, con đã tìm ra con đường của mình rồi. Em yên tâm và về nhà đi…”
Đặng Huỳnh Thái
6-2020