Tản văn của Nguyễn Thuý Hạnh

 

MÓN NGON TÂY BẮC

Trước đây, khi cha tôi còn sống, mỗi khi tôi về quê, bố tôi thường nướng cá và thịt cho tôi ăn. Cá được bố rửa sạch sẽ, sau đó ướp chút muối rang, hạt xẻn xay nhỏ, chút ớt cay cay để xua đi mùi tanh của cá và cuối cùng là phết chút mật ong. Khi nướng lên mùi hạt xẻn thơm lừng, ngửi mùi thôi đã chảy nước miếng. Thịt lợn rừng được thái miếng dày bằng đốt ngón tay, sau đó cũng ướp chút muối rang, hạt dổi, tỏi, ớt, rượu trắng và cũng phết chút mật ong. Thịt và cá ướp hạt rừng kiểu này rồi nướng lên, thơm ngon một cách đặc biệt. Bạn chỉ cần nếm một lần là sẽ nghiền ngay. Đi kèm với thịt, cá nướng là xôi ngũ sắc. Hạt xôi to như con nhộng, óng muốt, dẻo và thơm vô cùng. Bố tôi cứ xôi một chõ* sau đó gói từng gói nhỏ bằng lá dong rừng rồi ủ vào chăn. Ăn cho tới bữa tối mà xôi vẫn nóng và dẻo.

Bố mất rồi, giờ mỗi khi về tôi vẫn được thưởng thức những món quê đặc biệt ấy từ cô cháu gái. Cô cháu khéo tay, hay làm lại làm dâu của một gia đình người Thái, nên phong tục của người Thái ảnh hưởng tới cô cháu tôi rất nhiều. Các món ăn đậm bản sắc dân tộc luôn được cô cháu thiết đãi tôi, trong đó có món cá và thịt ướp hạt rừng nướng.

Măng rừng cô cháu cũng nướng cả vỏ, khi chín bóc ngọn măng ra vừa ngọt lại vừa thơm, sau đó chấm với chẩm chéo*, món này tôi có thể ăn no được. Ngoài ra còn một món nữa mà tôi cũng rất thích đó là quả Núc Nác nướng lên rồi thái mỏng, nộm với các loại lá thơm như lá dổi nước, lá húng, lá chanh. Quả núc nác dẹt và dài như như cái đòn gánh. Đặc biệt là đắng vô cùng, đắng gấp nhiều lần quả mướp đắng. Ai không biết ăn đắng thì sẽ không thể ăn nổi dù là một miếng nhỏ. Nhưng khi đã biết ăn thì đến mùa quả kiểu gì bạn cũng phải tìm về để ăn. ...

Món ngon Tây Bắc, với tôi, là một bầu trời kỷ niệm. Trong đó nó có tình yêu của người cha, có tình thân của cô cháu gái và hơn nữa là tình quê hương, xứ sở núi rừng Tây Bắc của tôi. Đi xa tôi luôn nhớ quê hương da diết, nhớ món quê giản dị và đặc biệt mà vô cùng khó quên!

Yên Bái, 8.1.2022

*Chõ xôi: là một thân gỗ lớn được khoét rỗng, sau đó đặt lên nồi và xôi bằng hơi nước.

*Hạt dổi, hạt xẻn: là loại hạt cây rừng chỉ có ở núi rừng Tây Bắc. Hạt hái về, rang khô, giã nhỏ dùng ướp thịt, cá rất ngon.

 

RUNG ĐỘNG CẢ NÚI RỪNG

Tôi được cô cháu là giáo viên của một trường dân tộc nội trú mời đi thăm phụ huynh. Phụ huynh của các trường nội trú thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nên khi được mời tôi vừa thích thú, vừa tò mò vừa háo hức vì muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống của người dân.

5 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu di chuyển tới bến cảng Hương Lý nằm trên hồ Thác Bà, vừa tới nơi thì tàu chuẩn bị rời bến, rất may là hai dì cháu tôi có 2 phút để đẩy chiếc xe máy lên tàu và vội vàng ngồi vào ghế. Sau hai tiếng rưỡi lênh đênh trên mặt nước, chúng tôi đã đến bến Ngọc Trấn - một bến cuối cùng của vùng xa nhất phía cuối của vùng hồ. Trên bờ đã thấy cậu học sinh được cử ra đón và dẫn đường cho chúng tôi. Lên bến, chúng tôi tiếp tục đi xe máy men theo con đường đất khá gồ ghề, sau đó bắt vào một con đường nhựa cũ kỹ. Cứ vậy, chúng tôi lên dốc, xuống đèo, vượt qua bao khúc quanh co đến chóng mặt, một bên là vách núi cao, một bên là vực thẳm, nếu không có sự vững chắc về tinh thần thì tôi tin là vượt qua con đường này quả là một sự mạo hiểm. Sau hơn 3km đường rừng, chúng tôi đã tới đích. Đón tiếp chúng tôi là những phụ huynh và các bạn học sinh của cháu tôi. Những gương mặt đen cháy nhưng nụ cười vô cùng nồng ấm, thân thiện. Tới đây mới thấy thương cho lũ trẻ phải vượt cả trăm km đường rừng để đi học. Cuộc sống của cha mẹ chúng bám vào núi để cấy cày, bám vào rừng để mưu sinh, bám vào hồ để kiếm từng con tôm, con cá đem bán lấy tiền nuôi con ăn học.

Cuộc sống của người dân ở đây cực kỳ khó khăn. Chính vì khó khăn nên tình cảm đối với họ vô cùng quí giá. Một cô giáo bất chấp đường xa, mạo hiểm tới thăm con em họ đã rung động cả núi rừng....