Nước mắm mặn

Mới đi biệt phái nước ngoài một thời gian dài về, sau một tháng làm quen trở lại với không gian làm việc trong nước ở văn phòng công ty trên Hà Nội, lần này Tưởng lại được công ty cử đi công tác vào Thanh Hoá, liên lạc với đầu mối, mở rộng thị trường. Nói là đi biệt phái nước ngoài cho oai chứ có gì đâu. Sang đó làm ở văn phòng đại diện của công ty, làm đầu mối liên lạc giải quyết các vấn đề phát sinh cần giải quyết ngay của người lao động sang làm việc tại nước sở tại. Chà, quen làm việc theo phong cách giải quyết vấn đề phát sinh của người lao động ở nước ngoài, còn việc tìm nguồn ở trong nước Tưởng chưa làm bao giờ, không biết sẽ phải làm thế nào đây. Thôi kệ, cứ đi xem thế nào đã. Có làm thì mới vỡ ra, mới biết cách làm. Cũng giống như ở đầu kia vậy, có đi xử lý vấn đề, gặp các tình huống oái ăm, xử lý nhiều thành quen rồi mới dần dần có kinh nghiệm chứ. Mới làm ai chẳng thiếu kinh nghiệm. Không việc gì phải lo.

Rút điện thoại ra, Tưởng gọi cho cô bạn.

- Em à, anh có việc vào Thanh Hoá, em có ở trong quê không?

- Úi, anh vô trong ni có việc chi, anh vô thành phố hay vô chổ mô? Em củng vừa về đến thành phố đây. Anh đi ô tô hay xe máy vô?

- Anh đi công tác. Vào chỗ thị trấn Đồi Thông, ngay gần thành phố thì phải. Anh đi xe khách. Bây giờ về, xong việc rồi.

- Vâng, chổ ấy ngay gần thành phố anh ạ. Em mời anh về nhà em chơi. Anh đến ngã tư Bưu Điện nhá, em đón anh ở đó. Em về nhà anh chơi lâu rồi mà răng em chưa mời được anh về nhà em lần mô.

- Ừ, lần này anh về nhà em chơi.

- Anh nói thật nhá, cấm được lừa em mô.

- Anh nói thật mà.

- Mấy giờ anh vô tới thành phố?

- Bây giờ đi, chắc chỉ nửa tiếng là tới thôi.

- Vâng, em chờ anh ở đó.

*****

- Em đi xe máy từ Hà Nội về à?

- Không. Em mượn xe máy của o em ở thành phố. Hai anh em mình đi xe máy về. Từ đây về quê em phải hơn 30 cây số nửa anh ạ.

- Em nói “O” là ai?

- À, quê em gọi cô em gái bố là o anh ạ. Em ra Hà Nội học và đi làm đã hơn 5 năm rồi mà vẫn giữ nguyên giọng quê anh ạ, không sửa được. Anh đừng cười em nhá.

- Ừ nhỉ, anh quên. .….Cười gì, …nghe hay mà.

- Mình đang đi đường quốc lộ 47 đó anh. Hồi xưa nhờ có lãnh đạo trên trung ương là người con quê hương nên quê hương cũng được thơm lây, được đầu tư cho con đường khang trang, rộng rãi, dài hàng chục cây số. Quê em giờ không còn là vùng sâu vùng xa nữa rồi.

Đường về nhà em đi qua những cánh đồng, làng mạc, những khoảng đất bằng giữa những đồi núi cao thấp hai bên. Có đoạn thưa nhà dân, có đoạn thậm chí hoang vắng đến lạ.

- Đây là cây gì mà cao thế, gần giống cây cỏ sữa vậy em?

- Không phải cỏ sửa đâu anh. Đây là một loại lúa đấy anh ạ. Cây lúa mà cao quá đầu người. Thân nó cứng lắm anh ạ. Hạt mẩy, bông to, năng suất lắm.

- Lần đầu tiên anh thấy giống lúa này đấy. Chắc là giống lúa đặc biệt chỉ Thanh Hoá mới có?

- Em củng không rỏ lắm, hình như nó có nguồn gốc từ lúa nương của người dân tộc thiểu số anh ạ.

*****

- Lần này em về, có người đến chơi nhà anh ạ.

- Khách ở xa đến chơi à?

- Không, có người giới thiệu một anh là bộ đội, ngày mơi, à không ngày kia đến chơi nhà nói chuyện anh ạ.

(Im lặng)…. !!!!

…..

(Im lặng)…. !!!!

…..

(Vẫn im lặng)…. !!!!

- Bố mẹ bảo em cũng đã hai tám tuổi rồi, phải lấy chồng thôi. Con gái ở trong nhà như quả bom nổ chậm, các cụ sốt ruột lắm.

...

- Nãy giờ, tuyền là em độc thoại, sao anh chẳng nói gì vậy?

Em tiếp tục kể chuyện về cuộc sống nơi quê nhà, chuyện công việc, chuyện… những câu chuyện dài bất tận. Tưởng cảm thấy bầu trời như tối sầm lại, hai tai bỗng ù đi, không còn nghe rõ những gì em nói nữa. Dầu vậy, Tưởng tự nhủ phải lái xe cho an toàn. Rồi những kỷ niệm êm ái, trong sáng, tinh khiết thời sinh viên nơi ký túc xá trong chốc lát dồn dập ùa về. Tuy học khác khoa, chênh nhau hai khoá, nhưng cùng ở ký túc xá và số phận đã cho Tưởng gặp em. Nhớ những đêm trăng đi dạo trong vườn trường, mùi hương ngọc lan thơm ngát. Nhớ những buổi chiều mấy gã nghịch ngợm xách chiếc catsette xuống sân ký túc xá mở nhạc ráp nhảy, hay mang đàn ghi ta ra ngâm nga vài khúc tình ca, mong chờ ánh mắt ai đó đang nhìn xuống từ trên tầng trên. Nhớ những buổi tự học trong phòng đọc thư viện trường nhưng cũng là cơ hội để được gần ai. Nhớ những lần cùng em và các bạn cùng phòng ký túc đi dã ngoại về những miền đồng quê ven đô, đi chơi chùa Thầy, chùa Tây Phương, đền Gióng… tất cả như mới chỉ ngày hôm qua thôi.

Trong dòng đời hối hả, mỗi người đều phải tìm cho mình một công việc riêng sau khi tốt nghiệp ra trường. Mải lao vào công việc vì miếng cơm manh áo, đã có những quãng thời gian dài không liên lạc với nhau, thảng hoặc có một cánh thư kể chuyện vui buồn… Kể cũng lạ, mến em là thế, nhưng xa em cũng chỉ mơ hồ nhớ, không có cảm giác thiếu vắng. Có lẽ ở giai đoạn ấy, ở cái tuổi ấy của Tưởng, cái thứ tình cảm khó định nghĩa kia nó cũng mơ hồ, trong trắng, hồn nhiên như chính con người Tưởng vậy. Còn nhớ có lần đi xa về, đến tìm em, em nói em bị ốm, đau gì đó ở bụng. Tưởng muốn đưa em đi khám, nhưng em lại nói, bệnh của em không cần đi khám, cứ lấy chồng là sẽ khỏi. Tưởng ngây ngô nghĩ em đang nói đùa cho vui.

Rồi cuộc sống lại đẩy Tưởng đi xa em thêm một lần nữa. Hôm nay, gần hai năm rồi mới lại gặp lại em.

*****

Về tới nhà em đã gần mười một giờ trưa. Mọi người đang chuẩn bị bày cơm rượu đón khách.

Sau một hồi chào hỏi, nhâm nhi mấy chén chè khô chát xít, ông cụ hô hào mọi người ngồi xuống chiếu ăn cơm.

- Ê cu, vô rửa mặt mũi chân tay cho mát rồi ra uống rượu với tau.

- Dạ… cháu Tưởng ạ!!!… Dạ vâng ạ!

- Trưa nay uống rượu này đã ngon rồi, tối tau còn có rượu khác còn ngon nữa. Uống say thì lăn ra sân này ngủ. Mai mới về chứ?

- Dạ...dạ… cháu xin phép chiều muộn cháu về luôn, tiện có xe chạy chuyến 7 giờ tối, khoảng 9 giờ là cháu về đến nhà bác ạ.

- Cái thằng, chưa uống đã đòi về. Thôi uống đã, bao giờ về nói sau.

- Vâng ạ.

….

- Bố em vui tính thế đấy, quý ai là cụ cứ gọi là ‘cu’, nói chuyện xưng hô thân mật cứ coi như con cháu trong nhà ấy.

- Ừ, bác vui tính thật. Anh thấy như vậy cũng vui, mà tình cảm.

******

Đầu giờ chiều em đưa Tưởng đi thăm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, một địa danh lịch sử, thiêng liêng gắn liền với tên tuổi vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi mà Tưởng chưa từng có cơ hội đến thăm. Do tính chất công việc, Tưởng đã từng đi nhiều nơi trong và ngoài nước, cũng đã từng đi thăm nhiều di tích lớn, nhưng sao lần này Tưởng không có được cái cảm xúc háo hức, hồi hộp khi thăm quan những vùng đất thiêng, những di tích lịch sử lớn như bao lần khác. Có một nỗi buồn khó diễn tả đang cuộn lên như sóng trào ở bên trong con người Tưởng. Trên đường đi cũng đi qua Nhà máy đường Lam Sơn nổi tiếng. Sau cùng đi thăm khu làm nước mắm của gia đình em ở cách đó vài cây số.

- Ở đây xa biển mà cũng có cá biển tươi làm nước mắm à em?

- Vâng, anh thấy lạ không? Nước mắm ở đây khác hẳn các nơi khác, sánh, thơm, chất, nhưng mà cũng khá mặn, làm hoàn toàn bằng cá cơm chọn lọc đấy anh ạ. Anh về, em gửi biếu bố mẹ một chai.

- Anh thay mặt bố mẹ cảm ơn hai bác, cảm ơn em.

- Anh này. Anh vẫn khách sáo như ngày xưa. Chẳng thay đổi gì.

- Thế à? – Tưởng gượng cười.

******

Trên chuyến xe muộn vớt cuối cùng rời bến, nhìn hai bên đường phố nhà nhà đã lên đèn, trời lác đác có hạt mưa, ánh đèn xe đối diện loang loáng, những đốm sáng từ xa to dần, loé lên rồi vụt qua, cứ thế lặp đi lặp lại, kéo dài không dứt. Bác tài mở đĩa nhạc vàng bolero hải ngoại, một giọng ca buồn cất lên. Mắt Tưởng nhoà đi. Tưởng bất chợt nhớ đến một câu hát của bài hát nào đó đã từng nghe mà nhất thời không nhớ hết bài, cũng không nhớ ra được tên bài hát: "Thời gian ơi, nếu có quay trở lại, xin cho tôi được một lần nói hai tiếng yêu em."…

 

Nam Định, 31/7/2020

Vũ Hoàng Minh