Chín vía gọi về
Truyện ngắn của Phan Mai Hương
1.Chuyện về Nàng Ả.
Mường Yên Hạ là vùng hẻo lánh khuất nẻo. Thung lũng bằng phẳng nằm giữa bốn bề là núi cao chất ngất, đi vào đi ra chỉ có con đường độc đạo án ngữ. Bao đời nay, dân Yên Hạ vui vẻ sống trong sự cai trị của quan Lang họ Quách. Nhà Lang nhiều ruộng nương, hươu nai đuổi nhau chạy mỏi chân. Trời phân định rồi, con thú sống trên rừng là của nhà Lang, con cá bơi dưới nước cũng của nhà Lang. Khi nhà Lang có công có việc, dân bản tự nguyện đến giúp, bó củi, con cá, con gà con lợn, chén rượu, ớp rau. Nếu nhà nào đói ăn có thể đến nhà Lang tự nguyện làm con nuôi, giúp việc nơi gầm sàn, sẽ có cơm ăn nước uống. Cả mường Yên Hạ đều yêu quý quan Lang như eng máng (bố, mẹ) của nhà mình. Dân bản đi săn con thú trong ổ, bắt con cá dưới sông, khi về đi qua cửa nhà Lang đều tự nguyện để lại một phần con thịt nơi chân cầu thang.
Nàng Ả Cắng là con gái duy nhất của quan Lang. Đó là điều khó nói của Quan Lang có ba bà vợ đẹp như tiên giáng trần hầu hạ. Bao nhiêu lang y giỏi từng được vời đến, nhưng các Bà Nàng vẫn không thể đậu thai. Nhà lang thì thiếu gì đâu, có hẳn một gian bếp chuyên dùng để sắc thuốc uống. Một trăm loại lá trên cây được hái trước khi mặt trời mọc, mang phơi trong bóng râm gầm sàn. Một trăm loại rễ trốn trong đất, được đào lên, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ một trăm ngày. Một trăm loài hoa được hái để làm thang cho chén thuốc bưng lên thơm ngào ngạt. Một đêm như thường lệ, bà Nàng Ba uống hết ba bát nước, một bát rễ cây, một bát lá xanh, một bát hoa rực rỡ. Đêm ấy bà Nàng Ba nằm mơ gặp bà Cửu Thiên Huyền Nữ ban cho một chuỗi ngọc trai, bảo xuống chân cầu thang mà nhặt lấy.
Ngày Nàng Ả ra đời là ngày hội của mường Yên Hạ. Khuôn mặt đẹp dịu hiền như vầng trăng mọc đầu núi. Đôi mắt long lanh trong veo như ngọc. Chân tay mập mạp như búp măng mọc mùa xuân. Mái tóc thơm ngát mùi hoa pông trlăng ngọt ngào. Đôi môi đỏ thắm như trái sung mật chín mọng.
Càng lớn nàng Ả Cắng càng xinh đẹp. Tới tuổi trăng tròn, đã có hàng trăm vương tôn công tử ở Mường khác đến cầu hôn. Họ còn đánh nhau vì ghen tuông ngay trên sân nhà Lang. Mảnh sân trước nhà sàn lớn nhẵn thín vì ngựa dẫm. Thân cây đào sứt sẹo, ngả nghiêng tứ phía vì dây buộc ngựa. Quan Lang đâm mệt mỏi, rồi phát ốm vì tiếp khách. Ông chỉ mong con gái nhanh chóng gật đầu lấy chồng cho cha mẹ được nhờ. Cũng vì chuyện này mà ông đâm ra cáu cả với bà Nàng Ba, vì tội không chịu dạy dỗ con gái, đã nặng lời chửi rủa, mày đi chết đi.
Bà Nàng Ba thì ấm ức trong lòng không yên, vì nỗi yêu con gái, vì nỗi giận chồng. Nhà cửa đang yên ấm bỗng loạn cả lên. Cho tới một ngày, Nàng Ba quyết định vào rừng tìm lá thuốc, để cho những người không đẻ được con thì sẽ có nhiều con. Nàng Ba để lại lời nguyền, không tìm được lá thuốc thì không trở về. Nàng Ả Cắng nhớ thương mẹ, không ăn uống, quyết bỏ lên rừng tìm mẹ cho bằng được. Quan Lang thương nhớ cả hai mẹ con, không ăn uống, cứ ngồi ủ rũ ở gốc cây đào, sau biến thành cái cối giã thuốc.
Lại nói chuyện nàng Ả Cắng lên rừng. Nàng đi, đi mãi, nhưng chỉ nhìn thấy hình bóng mẹ lấp loáng trên tán cây rừng. Nàng Ả đi theo mẹ từ núi nọ sang núi kia. Trong suy nghĩ của mình, Nàng Ả luôn nghĩ mẹ đẹp như một nàng tiên giáng trần. Cho tới hồi mỏi nhừ nhẫn đôi chân. Gặp một tảng đá rất đẹp, nàng liền nằm lên tảng đá mát lịm. Tảng đá bỗng tỏa ra mùi hương thơm ngát và nồng ấm, có kèm vị cay dịu nhẹ. Nàng nhìn ra xung quanh, thấy mây trôi bồng bềnh, nắng vàng như rót mật, hoa nghệ, hoa sim, hoa mua, hoa cúc dại, hoa pông trlăng, và hàng trăm thứ hoa nữa mà nàng không biết tên, nở rực rỡ cả một vùng trời đất. Bỗng dưng Nàng Ả ước gì mình được ở lại đây, liền chắp tay vái trời đất chín vái để cầu xin. Nàng cũng cho phép người hầu trở về báo với cha là nàng sẽ ở lại đỉnh núi này. Nàng ngả lưng xuống tảng đá mát lịm và thơm ngát. Tảng đá liền từ từ tách ra ôm dần Nàng Ả vào trong lòng. Chỉ còn mái tóc mây là buông thả ra ngoài, để người ta biết nơi đây có người con gái đẹp đang nằm chờ đợi.
Bây giờ ai lên đỉnh núi Bái sẽ thấy một tảng đá hình thiếu nữ nằm duỗi chân thảnh thơi giữa một vùng mây bay cuồn cuộn, gió thổi lồng lộng, khi trời quang mây tạnh nắng vàng như rót mật, có thể phóng tầm mắt nhìn ra tận biển. Chỗ mái tóc Nàng Ả huyền thoại, mọc lên một bụi cây lá xanh thắm, dài mượt mà như áng tóc mây thiếu nữ. bốn mùa tươi tốt. Tương truyền có lời nguyền để lại. Nếu ai lên tới đỉnh núi này, hái một cọng lá, mang về nấu nước gội đầu tóc sẽ dài mượt và thơm đủ một trăm ngày. Nếu để trong phòng ngủ cho tỏa ra hương thơm thì tình cảm vợ chồng sẽ luôn luôn nồng ấm. Nếu lót lá cây xuống dưới chiếu nằm, vợ chồng sẽ có con cầu tự. Nhưng ít ai biết phía dưới tảng đá đã chèn một lời nguyền, nếu không yêu nhau thật sự, lá cây lót xuống chiếu sẽ có tác dụng ngược trở lại, đứa con trong bụng người mẹ sẽ được trả về cho trời đất. Nếu ai bứng được rễ loài cây này về trồng sống được, sẽ nhận được phúc lành hái được hết cây cỏ của trời đất để làm nghề chữa bệnh cứu người.
2. Bà Lang xứ Mường
Ở mé phía tây của ngã ba Cây Đa có một quả đồi rậm rạp um tùm. Nhìn qua tán cây, người ta chỉ thấy nổi lên cái nóc nhà sàn. Bờ rào nguyên bằng tre gai dầy hàng mét, chạy vòng bao quanh khu đồi, riêng phần mặt đường tới hơn năm trăm mét. Ai cũng biết đấy là nhà của Bà Nàng Hon lang y vùng mường Yên Hạ này. Từ nhỏ, mế Hoa đã nghe mẹ kể chuyện huyền tích Nàng Ả, chỉ nghe câu đầu là biết luôn đến câu cuối. Nhưng riêng lời nguyền thì mẹ giấu biệt không kể. Rất nhiều lần mế Hoa gặng hỏi mẹ có phải là câu chuyện về bà Ngoại không, thì mẹ bối rối ngước nhìn lên ngọn cao vút của cây đa bằng đôi mắt đẹp đầy ngấn nước.
Người ta nói chỉ có mế Hoa, dòng dõi nhà quan Lang Quách Thiên Bảo cao tay trị được con ma rừng, cho nên mới ở yên được chỗ này. Lại có người nói, thần rừng xứ này ủng hộ nhà quan lang, nên cứ để cho sâu rễ bền gốc mà trị vì nơi đây.
Mế Hoa cũng không để ý gì lắm lời đàm tiếu của thiên hạ, vì đã quen sống khép kín rồi. Từ nhỏ, sống ở trong nhà, cha chỉ là quan Lang nhỏ cai trị cái thung lũng núi đá này, nhưng do có đức độ nên tiếng nói của ông được dân chúng trọng vọng. Vốn sinh ra là Nàng Ả, nên mế Hoa cũng được học hành chút ít. Khác với cách nghĩ thời đó là con gái chỉ cần lấy người chồng tốt, thì cha đã gửi con gái cưng ra tận thủ đô để học cái chữ. Mế Hoa học hành chăm chỉ, vốn liếng đủ để đọc sách chữ quốc ngữ và chữ tiếng Pháp.
Con gái học hành đủ chữ thì thôi, nên khi mười sáu tuổi, mế Hoa đã được cha gọi về để gả chồng, là con trai ông Cun Mường Thóc. Đám cưới được coi là môn đăng hộ đối nên cũng tổ chức khá rình rang, mời nhiều quan khách ở thủ đô. Nghe kể hôm đám cưới có một vị công tử đất Hà thành về dự đám cưới, bất ngờ say mê nhan sắc cô dâu. Sau đám cưới một thời gian ngắn, chú rể bị đăng lính luôn. Khoảng sáu tháng sau thì mế Hoa nhận tin chồng chết ở chiến trận Tây Bắc.
Nghe nói vị công tử đấy đã có con rơi với tình nhân, nhưng vẫn bỏ thị để lên Tây Bắc vì nhan sắc mặn mà của bông hoa xứ Mường. Tình nhân của y ghen tuông không nổi nên đã chán mà bỏ đi với một ông Tây mắt xanh mũi lõ về Pháp, để lại đứa con trai. Vì bị mế Hoa cự tuyệt, nên vị công tử Hà Thành kia rắp ranh dùng tình thân với quan Công Sứ, định bắt ép gái góa chồng. Nhưng chưa kịp thực hiện thì xứ Mường được giải phóng.
Mế Hoa vẫn ở cùng cha mẹ và nhận nuôi một bé trai mồ côi. Mế Hoa thương xót đứa trẻ vì mẹ nó bỏ đi biệt xứ cùng tình nhân. Còn bố nó thì đã chết trong nhà tắm vì đột quỵ sau một trận say rượu tơi bời. Sau này, cha mẹ mất, mế Hoa và đứa con nuôi vẫn ở lại ngôi nhà sàn rộng mênh mông lấp trong vườn cây um tùm và bờ tre gai. Mế Hoa vẫn giữ vẻ an nhiên, vui hay buồn không lộ ra nét mặt.
Mế Hoa có người mẹ là Bà Nàng Hon làm thầy thuốc giỏi, chuyên chữa bệnh cho các nhà quan lang khắp các Mường. Mế Hoa cùng theo mẹ là Bà Nàng Hon đã đi khắp vùng Mường chữa bệnh. Hồi nhỏ, chỉ việc đeo cái gùi lên lưng, theo mẹ đi hết núi này đến núi nọ hái lá thuốc. Bài học mẹ dạy là nhớ những cây lá dùng làm thuốc, nhớ nó mọc ở núi nào, mùa nào thì hái. Mang về thì chữa những bệnh gì. Sau này, mế Hoa không tự đi hái lá thuốc nữa, mà thuê người hái theo mùa.
Sống bằng nghề làm thuốc, nếu so với dân trong bản thì không vất vả như theo mùa màng cấy gặt, nhưng Mế Hoa phải đi sớm về khuya, đường xa bản ngược, để chữa bệnh. Mế Hoa vẫn coi việc chữa bệnh là việc làm phúc. Người bệnh trả công thế nào cũng được. Họ thường trả bằng thóc, bằng củi, bằng chục trứng gà, mế Hoa đều vui vẻ nhận. Cho nên ở xứ Mường này, danh tiếng mế Hoa như thần y. Từ việc trẻ con hắt hơi sổ mũi, ho gà, đi lỏng đến người già bị trướng bụng phồng lên không uống được rượu nữa, từ người đàn bà đau đẻ, đến việc người đàn ông đi rừng ngã gãy chân, nhất nhất họ đều mời mế Hoa đến.
Chiều nay, ông mặt trời đã sắp tụt xuống chân núi, mà mế Hoa vẫn chưa đứng dậy nấu cơm. Không phải mế không thấy đói, mà mế thấy không yên ổn để làm được việc gì. Có hai người đang cần mế nấu cơm cho ăn. Đó là đứa con trai đang ốm của mế và một bệnh nhân từ ngoài thành phố mới tìm vào.
Cô gái đi một mình với túi xách nhỏ. Đôi mắt của cô gái cứ lảng tránh hàng chục câu hỏi từ mế Hoa. Theo như thường thì mế Hoa sẽ không hỏi đâu, vì mế cho rằng không nên can thiệp quá sâu vào đời tư người bệnh. Thì họ muốn khỏi bệnh nên mới tìm đến với mế. Thường thì một ca khó, thầy thuốc sẽ từ chối luôn là không chữa được. Nhưng với ca này, mế Hoa chữa được, chỉ có điều là có nên chữa hay không. Mế cảm thấy bị những suy nghĩ đè nặng trong ngực như đá đeo. Bệnh gì, mế Hoa cũng cố gắng chữa cho bệnh nhân, chỉ duy có một phương thuốc bí truyền chỉ dùng trong thân thuộc họ tộc nhà quan Lang. Bà Nàng Hon dặn con gái lời nguyền dòng họ, đó là không được dùng chữa cho dân thường.
Cô gái cúi mặt xuống, và cơm vào miệng nhai trệu trạo. Mế Hoa bảo, ăn cơm đi con, việc đâu có đó, con để cho ta suy nghĩ đã, những việc thế này không thể vội vã được, con đã nghĩ kỹ chưa? Cô gái ngước lên, con suy nghĩ kỹ lắm rồi, thì mới tìm đến đây ạ. Con mong mế giúp đỡ con với ạ. Cô gái nấc lên, nước mắt tuôn lã chã trên khuôn mặt xinh đẹp, nhưng đôi mắt chan chứa buồn đau kèm nỗi hoảng sợ, lo âu.
Mế Hoa vắt tay lên trán, trở mình mấy chục lượt mà giấc ngủ không đến. Tiếng con chim Lợn cứ gay gắt kêu héc héc héc như lồng lộn trên bầu trời đêm, càng làm cho mế tỉnh táo. Người già bảo, chim lợn bay về kêu rối rít thế này chỉ có báo điểm gở thôi. Chưa bao giờ mế gặp ca khó như thế này. Mế trở dậy, rón rén đi sang ngôi nhà sàn nhỏ chuyên để làm thuốc, lặng lẽ thắp nén nhang đen khấn Bà Nàng Hon. Chưa bao giờ mế Hoa cần có mẹ ở bên như thế này. Kể cũng lạ, đi hết cả cuộc đời với bao nhiêu thăng trầm, người cuối cùng ta níu tay tựa nương lại chính là mẹ. Mế Hoa nhớ như in lời dặn của mẹ, nếu theo đuổi nghề thuốc, con gái hãy nhớ lời nguyền của tổ tiên, nếu con vi phạm nó, trời sẽ không để cho con mạnh chân khỏe tay mà làm nghề thuốc được đâu.
Nhưng còn cô gái kia, chà khó nghĩ quá. Cô ấy mang cả tương lai của mình để đánh cược vào ca chữa bệnh khó nhất. Mế Hoa biết không khuyên nhủ gì được. Vẻ như cô ấy đã quyết làm thế rồi. Nhìn đôi mắt rực sáng như người bị sốt cao thế kia, mế biết. Thôi thì còn nước còn tát, cũng là làm phúc cho người ta, cô gái còn rất trẻ, cuộc đời phía trước còn dài lắm, biết thế nào mà nói. Tình yêu vốn là thứ mong manh nhất, nhưng người ta lại cứ lầm tưởng nó bền chắc nhất. Cũng chả trách được, say tình là thứ say dễ mù quáng lắm. Đời người có số mệnh, lại có phúc có phần, của ai nấy giữ. Thầy thuốc có thể chữa bệnh thể xác, nhưng đôi khi cũng phải chữa bệnh cho tinh thần, cho một tương lai tốt đẹp hơn. Biết làm thế nào được, khi người ta cứ muốn trọn vẹn cả thể xác lẫn thanh danh, thì đành phải có bên thứ ba bị hy sinh. Nếu điều đó có đắng ngấm đắng ngầm như mụt măng lành hanh sau mưa thì cũng phải chấp nhận, vì ông trời đã lựa chọn.
Trời đã tang tảng sáng, chân trời nhô lên vài tia rẻ quạt màu hồng, như báo trước hôm nay sẽ oi nóng dữ dội. Mế Hoa đã quyết định bước qua lời nguyền, thì cứ cho là cứu một người phúc đẳng hà sa. Đời người dài dằng dặc, nỡ nào mà nhìn một thân phận gái tơ mơn mởn mà lại bị giày vò nát tươm dưới những dằn hắt. Chỉ là tội nghiệp xót xa cho phận sinh linh bé bỏng chưa kịp tạo nên hình hài. Thôi cứ coi như việc đến tay thì phải làm. Mế Hoa đợi tia nắng đầu tiên bừng lên rồi rón rén ra vườn hái lá thuốc. Phần thì mang sắc nước uống, đun ba bát nước chắt lấy một. Phần thì trải xuống dưới đệm lưng. Cầu mong cho mọi việc được suôn sẻ, nhẹ nhàng.
3. Chuyện của cô gái
Bây giờ, số phận và tương lai của Thảo phụ thuộc vào mế Hoa. Thảo chỉ biết nói lời cầu xin rồi lại im lặng, mà không thể giãi bầy thành lời. Cô làm sao mà nói được, vì chưa mở miệng thì nước mắt đã dâng lên đến cổ họng rồi. Lòng cô chan chứa nỗi buồn rơi rụng mà không thể nào đong đếm hết. Đêm dài hoang vắng như không có nơi nào tựa nương. Thảo lại không thể kể những điều này cho mế Hoa biết được. Cô chỉ khóc vì lo lắng mà thôi. Thật sự là Thảo thấy cô đơn vò võ. Con chim bắt cô trói cột cứ kêu khắc khoải, âm thanh của nó cứ kéo dài thống thiết trên bầu trời đêm hoang vắng. Lạ cho loài chim này, chỉ kêu vào lúc chập tối, hoặc khi gần sáng. Tiếng chim bắt cô trói cột cứ như con thuyền tròng trành trôi về phương vô định, khi mà Thảo cần nơi tựa nương. Ngẫm ra đời Thảo cũng chẳng khác gì chim bắt cô trói cột, lúc nào cũng mang theo nỗi cô đơn mà rải ngang bầu trời. Cha mất khi còn nhỏ. Thảo phụ mẹ nuôi ba em khôn lớn. Với quyết tâm đổi đời, Thảo thi đại học sư phạm vì không phải nộp học phí. Ngược lại, người Mường như Thảo thì còn được hưởng chế độ nội trú. Thảo đi qua bốn năm đại học bằng sự chắt chiu hết mức có thể. Ăn cơm nhà bếp, vở học thì có giấy phân phối, cho dù đấy là thứ giấy đen sì, nổi lằn lên sợi nứa. Tiết kiệm tiền học bổng may quần áo mặc. Không ở giảng đường thì lại có mặt ở thư viện, Thảo cắm đầu vào học như người bị mộng du. Kết cục, Thảo ra trường với tấm bằng giỏi. Được phân công về trường dân tộc nội trú dạy học, nhận tháng lương đầu tiên Thảo mua hết gạo mang về quê cho mẹ và các em. Rồi Thảo yêu Phong bằng tình yêu đầu đời với những trao gửi đắm đuối. Còn bây giờ cô đang đợi đám cưới.
Phong ra sức thuyết phục cô đồng ý. Cô thấy lạ, vì tại sao cô phải làm thế thì nhà Phong mới đồng ý cưới. Hỏi mãi, Phong giải thích, tục lệ quê anh không cho phép làm thế. Đất lề quê thói, mình về quê làm đám cưới thì phải theo phong tục nhà quê. Nếu sau này, các cụ phát hiện ra, sẽ từ mặt. Chả còn cách nào khác, Thảo đành nghe lời. Nhưng trong lòng cô đau như cắt, thực sự là một khúc ruột của cô sẽ bị cắt. Nhưng không biết phải làm sao, mọi suy nghĩ cứ rối bời như bát canh rau hẹ.
Phong đã không đi cùng cô trong cuộc sinh tử này. Anh ấy bảo vẫn yêu thương cô, chỉ có điều nếu anh mà xuất hiện cùng Thảo, nếu người ta biết được sẽ dị nghị ngay. Phong đã mất bao nhiêu công lao tu dưỡng rèn luyện phấn đấu thì đổ ra sông ra suối à. Đợt tới này, Phong đã có tên chính thức trong danh sách đề bạt làm hiệu phó nhà trường rồi. Phong dỗ dành Thảo, em cứ tự lo xong xuôi mọi thứ đi, ngoài có ấm thì trong mới êm. Lúc bấy giờ cha mẹ hai bên cũng thoải mái lo công kia việc nọ cho hai đứa.
Nghe lời Phong, cho nên Thảo mới tìm tới nhà mế Hoa một mình. Thảo hy vọng mọi thứ sẽ nhẹ nhàng cho cô và Phong. Gái Mường đi làm dâu nhà người xuôi, chưa biết thế nào mà nói trước, thôi thì cứ nghe theo chồng. Ở trường, Thảo chỉ thổ lộ chuyện này với Liên cô bạn gái cùng tổ chuyên môn, và chơi thân thiết như chị em gái ruột thịt. Nhưng lần này, trong chuyến đi về Yên Hạ, Thảo không nói gì cho Liên biết. Cô chỉ viết giấy xin phép nghỉ mấy ngày về quê thu xếp chuyện gia đình.
Tiếng chim bắt cô trói cột cứ rải ngang bầu trời đêm mịt mù sương với những âm thanh giống như khóc. Sao mà cảm giác đau như lòng đá nứt ra những thanh âm hoang vắng mà cắn xé trái tim. Âm thanh như những cánh hoa pông trlăng đỏ thắm như máu, bị xé vụn tơi tả, li ti chảy tràn lan trên đồng cỏ, phủ trùm lên cánh rừng, giăng mờ cả tán lá xanh. Những âm thanh mòn mỏi, sắc nhọn như kim xuyên qua đêm khuya thanh vắng. Như thiên thần mang đôi cánh bay vụt ngang bầu trời như tia chớp sao băng. Hai giờ đồng hồ trôi qua, mà Thảo có cảm giác khủng khiếp tưởng chừng như mình đã bay qua hai cuộc đời. Thảo run rẩy nhắm nghiền mắt và bịt chặt tai, như hồi nhỏ cô ước mình bé lại, không nghe, không nhìn thấy gì. Vừa có ngôi sao băng bay vụt về vũ trụ xa thăm thẳm.
Phong làm sao mà biết, mà hiểu được cái cảm giác khủng khiếp này. Đó là khi Thảo nằm ẹp trên giường với cơn đau thắt và chờ đợi trong hai tiếng đồng hồ, nghe tiếng khóc chỉ to hơn con mèo rên. Sau đó một mình Thảo cúi nhìn nấm đất bé xíu bơ vơ lạnh lẽo trên đồi. Nhưng Thảo không hề tưởng tượng ra được, sau những trải nghiệm khủng khiếp này, thì chuyện diễn ra tiếp theo còn tệ bạc hơn cả những gì cô đã đi qua. Cứ như tạo hóa khéo trêu đùa đã nhón tay lật tờ giấy đời Thảo sang trang mới. Mọi chuyện xảy ra với cô cứ như trong mơ, nhưng không phải giấc mơ cô Tấm đi vừa đôi hài để làm hoàng hậu.
Thảo trở về trường sau một tuần nghỉ phép. Phong đã có quyết định lên hiệu phó nhà trường, anh đón Thảo với nụ cười mãn nguyện. Còn Liên thì tránh gặp mặt Thảo, với lí do là bận rộn cắt chuyển giấy tờ. Chẳng là Liên cũng có quyết định chuyển về quê ở Ninh Bình. Thảo nghĩ thế nên cũng không thắc mắc. À, nói thế mới nhớ ra Phong cũng là đồng hương với Liên, cùng huyện nhưng khác xã, hai nhà cách nhau một cánh đồng. Mọi khi về nhà Liên vẫn mang quà mẹ gửi lên cho Phong.
Tháng cuối cùng của năm học trôi qua nhanh chóng, Thảo không hiểu sao Liên lại vội vã chuyển thế, sao không ở nốt rồi hẵng chuyển, học sinh vẫn đang yêu cô giáo lắm, bỏ chúng nó lúc dở chừng này cũng tội nghiệp. Thân thiết với Thảo thế mà Liên cũng không kịp nói lời từ biệt, thế mà còn hẹn sẽ lên ăn với nhau bữa cơm, vậy khi nào mới thực hiện được. Mà chả biết cưới Thảo thì Liên có lên trường không. Nghỉ hè, Phong về quê nói là sẽ chuẩn bị đám cưới, sẽ thông báo với Thảo sau.
Thảo ở lại trường chờ đợi hoài, ngày nào cũng đạp xe hai lần ra bưu điện để ngóng thư Phong, nhưng vẫn bặt tăm hơi. Mùa hè trôi qua trong những cơn mưa dông bất ngờ mà não nề như mùa ngâu buồn tháng bảy. Họp hội đồng chuẩn bị khai giảng năm học mới vẫn không thấy Phong lên. Mở đầu cuộc họp, hiệu trưởng tuyên bố Phong đã có quyết định chuyển về quê, đợt tới sẽ bầu nhân sự mới thay vào vị trí của Phong. Xin báo với các đồng chí tin vui của trường ta, hiệu trưởng đọc luôn thiếp mời đám cưới, xin trân trọng mời toàn thể hội đồng sư phạm đến dự đám cưới của Vũ Phong và Thùy Liên, tổ chức tại quê nhà. Thảo nghe vài câu, thấy lỗ tai lùng bùng, choáng váng vài giây và ngất ngay trong trong cuộc họp, khi tỉnh dậy thấy mình nằm ở phòng y tế, chị Phương y sĩ đang dỗ dành lo lắng.
Khi sức khỏe đã hồi phục, Thảo đã đưa đơn kiện Vũ Phong lên tận ông Giám đốc Sở Giáo dục, vì nghe nói ông ấy cũng bênh vực chị em phụ nữ lắm. Nhưng trong quyền hạn, thì ông chỉ làm được cái lệnh cảnh cáo Vũ Phong với lý do quan hệ trai gái không rõ ràng, kèm theo cắt thi đua năm học đó, phạt chậm tăng lương một năm. Tất cả mọi người trong trường đều không hiểu lí do gì mà Phong dứt khoát không quay lại với Thảo. Cả trường cũng không ai biết, anh trai Liên mới lên chức Chủ tịch huyện dưới quê nhà, và đã nhận Phong về làm hiệu trưởng trường cấp hai, là trường điểm của huyện. Gần một năm, đám cưới của Phong và Liên mới thực hiện được.
4. Vĩ Thanh
Một ngày hè oi ả, mế Hoa có khách quen. Cô gái mang một tờ đơn lên nhờ mế chứng thực chuyện đã phá cái thai sáu tháng tuổi. Mế vẫn nhớ như in vì bé gái sinh ra vẫn khóc hơn hai giờ mới chịu bay về trời. Thì chuyện đã xảy ra rồi, viết vài dòng chứng thực có vấn đề gì đâu. Nhưng chuyện lại không đơn giản thế, tờ đơn này đưa ra tòa án lại không đủ căn cứ làm bằng chứng, vì liên quan đến y tế thì phải có chứng thực ở cơ sở y tế có tư cách pháp nhân. Đằng này mế Hoa có đăng kí chữa bệnh gì đâu mà có con dấu.
Thì cuộc đời vẫn có những biến ảo khôn lường. Mế Hoa cũng bị hỏi han tường tận việc chữa bệnh cho cô Thảo đợt nọ. Thế rồi, ủy ban xã ra công văn cho trạm y tế xã phải quản lí việc chữa bệnh và nhập vườn thuốc của Mế Hoa về trạm y tế. Từ dạo ấy, vườn thuốc không được chăm sóc, cây cỏ hoang tàn chết rụi vô khối. Riêng cây thuốc quý chết hẳn, không mọc lại được.
Lại nói chuyện đứa con trai mế Hoa, đợt ốm ấy cứ kéo dài không có nguyên do, cho dù mế Hoa cũng đưa đi khám ở viện lớn ngoài Hà Nội. Nghe nói, mế Hoa phải tự tay xích chân con trai vào tấm ván sàn bếp, vì cứ để hở ra là chàng trai liên tục kêu là nóng lắm và cởi quần áo trần truồng đi ra phố. Người già ở bản còn nói, cây lá trên rừng thiêng lắm, có phải cứ hái tràn lan mà được đâu, mà nhà mế Hoa có đến mấy chục đời hái lá trên rừng rồi. Chắc đến đời này ông trời cho tuyệt tự.
Con đường từ Kẻ Chợ vào đến ngã ba này vốn là con đường độc đạo, uốn lượn vòng vèo theo chân núi đá, men theo bờ vực, vượt qua một con đèo. Đường vào bản chẳng dễ dàng gì, sẩy chân trượt hòn đá là ngã cả người lẫn ngựa xuống vực. Ô tô thì lăn xuống vực không kể xiết. Người ta đâm ra cũng quen với những cái am thờ bé xíu được dựng ở những chỗ cua gấp tay áo, thờ những vong hồn đã vĩnh viễn nằm lại. Nghe nói những vong hồn ấy không biết đường về, vẫn bay lượn lang thang theo những ngọn gió hú man dại nơi đỉnh đèo Cô Tiên.
Gọi thế là vì cách đây lâu lắm rồi có cô gái xinh đẹp chết chôn ở đỉnh đèo. Còn tại sao chết thì mỗi người kể một phách, người nói bị tai nạn xe cộ, người khác bảo đi chơi về muộn bị hổ vồ, nào thì bị mấy gã buôn thuốc phiện lậu hãm hiếp rồi bóp cổ chết. Tóm lại trăm ngả đường đều dẫn về xứ Diêm Vương. Chỉ có điều họ khẳng định là vong hồn cô gái không chịu về, cho dù gia đình thắp hương khấn vái mời tha thiết.
Qua đỉnh đèo đổ xuống chân đèo là ngã ba Cây Đa, có cây đa đứng sừng sững ở nơi ngã ba đường như một gã khổng lồ quán xuyến mọi chuyện xảy ra khắp chốn xa gần. Cành lá ngòng ngoèo viết lên trời xanh những câu chuyện bí hiểm thần thánh. Theo những người già gần trăm tuổi của mường, thì khi họ lớn lên đã thấy cây đa vươn cao lừng lững, ngọn nó gần ngang bằng đỉnh núi đá sừng sững kề bên. Tán lá xanh của cây đa tỏa ra một vùng mênh mông. Rễ đa thả xuống xùm xòa, um tùm che kín gốc.
Hàng ngày dân mường Yên Hạ vẫn nhìn thấy người đàn bà cỡ tuổi lục tuần nhưng dáng dấp còn vô cùng óng ả và quý phái. Lúc nào bà cũng mặc bộ váy Mường truyền thống, cạp váy thêu con Rồng, nẹp gấu váy bằng vải đỏ, cứ lật lên theo bước chân thong thả làm lộ đôi gót chân trắng hồng. Mỗi khi mế Hoa ra chợ thị trấn cả phố đều nhìn theo ngưỡng mộ chỉ trỏ thì thầm. Còn mế Hoa thì mỗi sáng mỗi chiều cứ thong dong sải bước, vẻ mặt an nhiên như chưa từng có những oan nghiệt cuộc đời hiện hữu.