Tháng Tám - mùa Thu. Tản văn của Băng Sơn (Quảng Ninh)

Tháng tám, nắng chuyển mùa vàng như trải mật lên khắp mặt đất, không gay gắt như mùa hè mà lại khô hanh khiến cho con người, vạn vật khó chịu. Trên dàn thiên lý, những chiếc lá cuối mùa vàng ruộm, cố bám vào những sợi thân mảnh mai đã chuyển sang màu nâu đậm. Cơn gió nhẹ thổi qua, từng chiếc lá vàng khẽ đung đưa rồi rời giàn, bay xoáy tròn, từ từ rơi xuống đất. Những chùm hoa trơ trụi vẫn chắt bóp từng chút hương gửi theo gió mùi thơm dìu dịu.

Cờ đỏ sao vàng treo rợp, kín hai bên đường, chào mừng bảy mươi bảy năm ngày Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2/9 thành công. Con đường này trở lại đông đúc, tấp nập sau những ngày thưa thớt bóng người. Thời gian đại dịch COVID 19 hoành hành, con người phải thực hiện dãn cách, mọi hoạt động cũng tạm lắng xuống, đường phố bớt ồn ào hẳn đi. Thỉnh thoảng một chiếc xe máy vội vã chạy qua. Chiếc xe ô tô chở hàng cho siêu thị VinMax chạy ào từ đầu đường xuống, cuốn những chiếc lá vàng mới rơi, cuộn lên không trung rồi lại nhẹ nhàng hạ xuống mặt đường. Dưới lòng đường, chị bán hàng rong nai nịt kín mít, chiếc kính râm ôm trọn gần nửa khuôn mặt nên cũng chẳng biết chị ta chừng bao nhiêu tuổi. Chiếc nón cũ kỹ đội trên đầu đã trễ chiếc vòng uốn dưới cùng, lắt lẻo như người bạn đồng hành, thi gan với mưa, nắng cùng với bộ quần áo đã nhuốm màu thời gian. Lưng áo ướt mồ hôi, chỗ ướt, chỗ khô, những vệt trắng của mồ hôi muối nổi lên như những đám mốc. Đẩy chiếc xe tự chế, bên trên chất cơ man là hoa quả. Hồng dòn màu mỡ gà, to, dẹp, những cái cánh cuống cong lên xanh xanh. Hồng mọng đỏ thẫm, tròn xoay, da mỏng dính như gọi mời. Bưởi da xanh được bọc trong lưới bảo vệ, quả bòng sù sì cháy rám nắng một bên. Na giai mở mắt nhìn khách, cái lá duy nhất còn sót lại trên cuống, trong cơn gió khẽ đung đưa như mời chào…cái cân phía bên dưới. Đến cửa từng nhà mời chào ngọt lịm: Bác ơi…bác mua hoa quả giúp em, giải cứu mùa dịch đi…

Bên kia đường, hàng cây sao đen trồng theo chuyên đề của thành phố bốn năm, nay đã bắt đầu lên xanh tốt, có thể tạo bóng râm cho dãy nhà mặt phố. Thân cây vẫn phải chống bảo hiểm bằng sắt đề phòng bão to, gió lớn. Cách đây khoảng một tháng, một đội năm người, dùng xe thang đi chặt hết phần ngọn, trơ ra phần cụt khô bị cắt trước khi chuyển đến trồng. Những chiếc lá xanh còn lại trên cây bắt đầu chuyển vàng,  rụng xuống. Nắng xiên khoai, luồn qua kẽ lá xuống hè phố, đen, xanh, vàng, trải từng quầng như những tấm thảm hoa nắng...

Nhớ lại thời niên thiếu. Khi trái hồng đánh đu từng chùm trên cành bắt đầu chuyển màu, dần đỏ thẫm. Những quả bòng căng da, dưới cái nắng hanh của  mùa thu đốt rám phía trên, vít từng cành sà thấp xuống mặt đất. Vạt lúa nếp ngoài đồng căng sữa bắt đầu keo đặc, đuôi bông cúi xuống, cong như cái lưới liềm, chúng tôi lại vui mừng chuẩn bị đón một mùa thu mới về. Mùa thu của đám trẻ trâu vùng nông thôn. Sân kho hợp tác chuẩn bị cho một vụ mùa tấp nập, được dọn sạch sẽ. Cũng là nơi bọn trẻ con chúng tôi được tụ tập. Buổi tối, khi ánh trăng đầu tháng như một cái liềm lớn, treo lơ lửng lưng chừng trời, hắt ra thứ ánh sáng vàng, dịu dàng, mát mẻ đầy sân kho là lúc chúng tôi cũng có mặt để tập nghi thức đội, chuẩn bị cho đêm hội trung thu, ngắm trăng rằm phá cỗ. Ngày ấy Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chúng tôi không thể thắp đèn hoặc đốt lửa để tập. Chỉ được tập trong ánh trăng, tối nào cũng thế, chúng tôi tập từ lúc trăng lên đến lúc trăng lặn. Dưới ánh trăng, tiếng trống ếch rộn ràng, tiếng não bạt lanh lảnh giữ nhịp bước cho đều, những cánh tay vung rộng về hai bên theo tiếng còi của người chỉ huy đội. Người đánh trống và não bạt được chọn kỹ, phải khoẻ, lại còn phải dành thời gian đến sớm. Tất nhiên là đánh trống và chỉ huy đội thì chỉ có đám con trai chúng tôi mới được cử làm. Mỗi tối chỉ cần nghe tiếng trống ngoài sân kho là chúng tôi tập trung, có hôm còn không kịp ăn cơm tối. Hội trại ngày một đến gần, tập trung trong hai ngày mười bốn và mười lăm âm lịch. Mỗi xóm có một trại để cùng chấm điểm thi đua. Đám trẻ con chúng tôi chỉ lo tập luyện nghi thức đội, văn nghệ để khi thi sao giành điểm cao. Phần cắm trại, trang trí thế nào cho đẹp, để khi chấm được điểm được xếp thứ hạng cao là phần của người lớn, của các mẹ các chị trong xóm. Đàn ông con trai trong xóm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những người khoẻ mạnh đi bộ đội, những người yếu hơn còn ở lại hậu phương phải thường trực chiến đấu… Những cái trại được dựng lên bằng cọc tre và dây thừng, phủ bên trên là vỏ chăn màu xanh, màu nâu. Nếu trại nào căng bằng vải hoa hoặc màu sáng thì phải cắt lá chuối phủ lên, đề phòng máy bay Mỹ phát hiện.

Đêm rằm trung thu là cả một không gian vui vẻ, bất tận.  Những cái chiếu cói được trải ra sân kho thành dãy dài. Sự khéo tay của các mẹ, các chị được thể hiện. Quả bòng được khắc hình mặt trăng cười ở giữa những nải chuối tiêu chín. Hồng dòn, hồng mọng cùng với những trái na xếp vòng quanh. Cốm xanh, chứa trong lá dong điểm xuyết quanh những trái hồng. Những múi bòng mọng nước được tách ra, bỏ bao vỏ còn những cái tép trông như nhộng ong, trong suốt, tết thành hình con mèo, con chó, con thỏ xếp vòng quanh nhìn vào mâm cỗ. Ngày ấy còn khó khăn lắm nên không có bánh, kẹo hay nước ngọt như bây giờ.

Đợi đến giờ trăng tròn, treo đến đỉnh đầu mới là giờ phá cỗ. Đội nghi thức tổ chức rước đèn ông sao đi vòng quanh sân kho theo đội hình, đội ngũ, đồng diễn thể dục, biểu diễn văn nghệ. Không sân khấu, cũng không ánh đèn mà đám con gái vẫn say sưa hát. Đèn ông sao phần lớn do đám con trai tự làm, có giấy gì thì dán thứ ấy, cũng xanh, đỏ, tím, vàng. Nến không có để thắp cho đèn sáng, chúng tôi lấy những hạt bòng, bóc vỏ hạt đi, xiên vào dây thép rồi thắp lên cho đèn sáng. Đêm trung thu khép lại cũng là lúc ánh trăng đã quá đỉnh đầu ngả về phía bên kia. Niềm háo hức, mong đợi hàng tháng trời rồi cũng kết thúc  trong sự vui mừng của tất cả mọi người từ già đến trẻ.

Năm nay, tháng tám, trời se lạnh về đêm, báo hiệu một mùa thu nữa lại về.

Thu năm nay vẫn còn dịch dã, nhưng không phải dãn cách, trẻ em vẫn được tập trung, tổ chức các hoạt động vui chơi vì đã được tiêm phòng dịch. Nhớ lại những mùa thu trước, mỗi mùa thu đến đều có kỷ niệm riêng. Kỷ niệm của thu này, vẫn ngồi trông trăng rằm sáng tỏ, suy ngẫm và hoài niệm những ký ức xưa…