Gốc cội

Truyện ngắn của Phùng Hải Yến

Có những tiếng thì thầm rất khẽ trong lồng ngực người phụ nữ mặc bộ đồ sang trọng điều khiển tay lái chiếc SH màu mận chín. Người phụ nữ đó là tôi. Vẻ bề ngoài đài các, sang trọng, từ trang phục cho đến chiếc móng tay, rồi đôi xăng đan kiểu cách ôm gọn đôi chân. Chiếc xe cũng một kiểu cách nhẹ nhàng quá thể, nó lướt trên đường êm như đang trượt trên băng, ánh mắt tôi vô hồn đọng trên từng góc phố: các tán cây phủ dày bụi; tiếng còi xe thả ầm ĩ vào không gian, những ngôi nhà bao diêm xếp những que diêm con người thẳng tắp bên trong, những khu chung cư ở nước nào cũng giống với nước nào. Tất cả nhòe nhoẹt, những dãy hàng mỹ phẩm, áo quần, biển quảng cáo ngang dọc, xanh đỏ chen chúc với nhau, xếp đè lên nhau. Lớp lớp phô trương. Là đây - ước mơ của tôi khi những hạt tinh thể trăng trắng đọng trong ánh mắt còn có  khả năng biểu cảm. Khung cảnh này là khát vọng đỉnh điểm thời thiếu nữ mà tôi trả giá bằng học phí là đôi mắt vô hồn lúc này, ngay trên đỉnh ngọn Everest cuộc đời. Hình ảnh chợt hiện trong tôi: một con bé có những ngón tay thô sần, nhám đen, hạt đất giắt đầy móng tay, bàn chân bị xước vì đá đồi cào cấu, lọn tóc rối bời vì bị những cây, những que, cành, lá chải qua khi băng rừng tìm đàn trâu bị lạc…

Một chiếc xe tải chạy ào qua tôi, tạt mù mịt khói cay mắt. Người tài xế thò đầu qua khung cửa, giọng nói khạc từ cổ họng như tiếng đá bắn ra từ bom phá núi, văng tứ tung theo nước bọt, cứa từng nhát sắc lẻm vào tai người nghe:

- Điên à, muốn chết hả?

Trên môi tôi vẫn mơ hồ một nụ cười, nó hờ hững bay về phía góc núi xa tắp, nơi những thửa ruộng bậc thang đang mùa lúa xanh ưỡn mình giữa bao la trời đất. Xứ này, đến nhánh lúa cũng hiên ngang. Tôi và lũ bạn cưỡi trâu, áo quần lem nhem và những tràng cười giòn tan như tiếng vỡ rôn rốt của bánh phồng tôm. Cái cười ấy sao mà xa thế? Dù chiếc miệng có hồng hồng, xinh xinh thế nào thì dưới lớp son loại xịn, tôi vẫn không thể đuổi bắt, nhét lại nụ cười, níu chặt nơi vành môi mình thêm một lần nữa. Nhìn vào gương xe, tôi cố gắng thả một nụ cười, hàm răng trắng vừa nhô ra đã như bị thuốc tê làm chết điếng. Tiếng cười gằn nơi cuống họng, nướu răng muốn bật máu vì bất lực. Tôi nuốt nghẹn nụ cười đó xuống. Đèn đỏ. Tôi đếm ngược thời gian cùng dòng người đang thi nhau sấp ngửa lao vào đằng trước, trườn cả lên vỉa hè, cùng với những tiếng còi kỳ dị. Quê tôi con đường nhỏ xíu, mẹ tôi đứng trước hè chờ con đi học về…

***

“Bó Ban, con!” – tiếng mẹ tôi gọi đấy, ăm ắp, tràn trề yêu thương. Giờ thì mọi người đều gọi tôi là Đoan Trang rồi! Thứ tên quê kệch không hợp với tôi - hay chính con người tài năng, xinh đẹp như tôi không xứng đáng với cái tên gửi gắm yêu thương của mẹ? Tôi đấu tranh vì cái tên mới, tôi sợ những người ở phố biết tôi có gốc gác người dân tộc ít người. Lần đầu tiên tôi thấy mắt mẹ ánh lên những tia tột cùng đau khổ.

Xưa… Đêm mẹ sinh tôi, cơn đau kéo đến. Thấu vào bụng, thúc vào xương sườn, chấn động, run rẩy cả những tế bào nhỏ nhất, cảm giác như trăm ngàn mạch máu li ti đều đã vỡ nứt. Rút co ruột. Tiếng mấy cô hộ lý xôn xao, rồi rất nhẹ, tiếng ấy vẳng lại trong mẹ, loang xa, loang xa như lòng hồ rộng bao la, từng đợt sóng bị nuốt chìm cùng gió xoáy. Mẹ tôi lả người, mềm oặt. Tiếng cha loãng vào đêm, mẹ không nghe được lời cha dặn về cái tên của tôi thì đá núi đã găm mất lời vào tim rừng. Mẹ đặt tên tôi theo loài hoa tình yêu của cha mẹ, loài hoa tinh khiết, đến nỗi không tin là nó có thể thuộc về cuộc đời. Mẹ vui sướng ngất lịm khi tôi oe oe khóc tiếng chào đời, chỉ một giây sau mẹ đã lại xỉu đi vì biết tin cha mất trong trận đấu bảo vệ biên giới...

Nhưng dù học cao, hiểu sâu đến mấy tôi cũng nhất quyết phải vì sĩ diện của mình mà đổi tên. Ước mơ của mẹ là bố, ước mơ của tôi là vượt qua trập trùng đồi núi quê hương để về Thủ đô bằng bất cứ giá nào. Mẹ khuỵu ngã khi nghe những câu người ta dùng để ám chỉ về cô con gái yêu của mình “con gái dân tộc biết chài”..., giây phút ấy tôi đang mải mê ngụp lặn trong dòng đam mê cùng một sếp cỡ bự...

Đường phố đang khô ráo, nắng rát, chợt ào một trận mưa, hàng hoa ban hai bên đường bỗng nhòa nhạt trắng. Tôi nhớ, trước đám tang của mẹ vài ngày, khi qua đây màu hoa vẫn tím biếc kia mà? Phải chăng những trận mưa đã nhuộm trắng màu nó mà tôi chẳng hay? Mưa càng lúc càng to, táp tới tấp vào mặt, những sợi mưa dai dẳng quất vào bờ vai mảnh dẻ, tôi quên cả chuyện mở cốp xe lấy áo mưa. Trước mặt tôi là dáng hình khắc khổ của bà bán hàng rong. Nước mưa rơi đầy mi mắt tôi, mặn chát hơn vị nước biển mùa yêu đương tôi vừa trải qua! Dáng hình đó tiến đến thật gần, tôi gào lên từ cõi sâu tiềm thức: đôi mắt tôi vô hồn từ phút ấy: dáng mẹ tôi đấy, oằn dấu hỏi trong khoảng trời hoa ban nở nhạt thếch. Ngày mẹ mất tôi không kịp về, làm một việc có hiếu duy nhất trong đời là vuốt mắt cho bà ra đi thanh thản. Tôi quỳ trên nấm mộ đá, mắt lặng nhìn tấm phướn trắng xóa uốn mỏng dấu hỏi tạc giữa đá xám. Tháng ngày cuối bàn tay mẹ sục những gốc rạ cùn trên thửa ruộng bậc thang mót lúa, tôi lao vào lụa là, tiệc tùng, bàn chân lạc lối không bị ám ảnh nào đè nặng. Bóng mẹ hắt vào cây cột điện, con đường vắng ngắt, tôi nhào tới ôm lấy bà như thủa bé trong một cơn đau sắt se lồng ngực. Trái tim tôi đang đập những mạch bình thường. Mẹ sẽ lại vỗ về tôi, tha thứ cho những con đường tôi đã đi qua, như đã dang tay đón tôi trong bao dung ánh mắt. Những cành hoa ban thoắt tím, lại thoắt trắng giăng giăng đầy màu mắt, vì sao ước mơ của tôi tối đen hơn bao giờ hết, nụ cười của người cha mà tôi chưa từng thấy mặt cũng hiện hình rõ nét trong ngôi nhà lưng núi và dòng suối uốn hình bản nhạc cuốn tôi bay lên, bay lên, ánh mắt có sinh khí trở lại, tôi bay lên trong hình hài người thiếu nữ có cái tên thuần khiết cha mẹ đặt…

***

Thăng mới chuyển đến thành phố này chưa lâu. Hội họa cuốn hút anh khi  được thăm thú cảnh quan vùng đất này: những nương chè trải dài, màu xanh bất tận trên triền đồi; hàng cây xanh bên hè phố, các công trình kiến trúc mới, những ngôi nhà vườn... Quán cà phê thì có bao giờ hết việc, nên Thăng thường tranh thủ lúc rỗi rãi chưa có khách để cặm cụi bên máy vi tính, ngắm nghía những bức tranh treo tại các triển lãm khu vực, quốc tế. Có một thời, những triển lãm ấy là ước mơ lớn lao của anh... Tính lãng tử, nghệ sỹ khiến Thăng dù đã trải qua cuộc sống ở nơi đô hội, ở vào tuổi trung niên rồi nhưng cũng chưa gắn bó thực sự với cô gái nào. Cuộc sống độc thân tự do mà cũng buồn tẻ. Ở thành phố này, Thăng chưa có nhiều bạn bè nên thời gian dành riêng cho bản thân cũng dư dả.

Chiều muộn, ánh nắng cuối cùng sắp tắt. Thăng mở máy in mới phát hiện đã hết giấy. Thăng lấy chiếc xe máy cà tàng phóng ra đầu ngõ, chỗ ngã tư có một quầy văn phòng phẩm. Đèn đường đã bật sáng, cái bóng của Thăng ngả dài trên mặt đất. Thời khắc này luôn dâng lên trong anh rất nhiều cảm xúc. Thăng mỉm cười một mình. Cái gốc rễ thơ văn trong anh vẫn còn lẩn khuất ở đâu đó trong tâm hồn. Hồi học phổ thông, Thăng từng làm cán sự văn tám năm liền. Chìm trong dòng suy nghĩ miên man, xe Thăng đã đến cửa quán lúc nào không biết.

Thăng cất tiếng gọi:

- Có ai ở nhà không? Bán cho tôi ít giấy in khổ A4.

- Em chờ một chút nhé, chị ra ngay đây!

Một giọng phụ nữ nhẹ nhàng cất lên, rồi Thăng nghe có tiếng sắt chạm trên mặt đất. Cô bán hàng xuất hiện trên một chiếc xe lăn. Ánh mắt sững sờ của Thăng làm cô chợt hiểu. Cô gái cười thật hiền và đổi cách xưng hô:

- Anh còn muốn mua gì nữa không?

- Dạ, chị lấy cho tôi thêm hộp ghim kẹp.

Thăng liếc mắt lên mặt quầy, thoáng thấy có quyển sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mà Thăng từng đọc nhiều bài giới thiệu nhưng vẫn chưa đi mua được. Thăng ngần ngại, nửa muốn hỏi mượn cô ấy, nửa e dè vì chưa quen biết. Tiếng nói dịu dàng của cô gái kéo Thăng về thực tại:

- Của anh đây ạ!

Thăng đỡ túi đồ và lúng túng:

- Hai cuốn sách này là của cô phải không?

- Anh có thích đọc không? Cứ cầm về đọc, khi nào đọc xong mang đến trả cho em cũng được.

Ánh mắt cô gái hiền hòa, yên bình như màn đêm sâu thẳm. Phút giây ấy Thăng thấy cô thật gần gũi, khoảng cách ban đầu như đã được xóa đi.

- Tôi thích đọc sách lắm. Quán cà phê của tôi cách đây không xa, tôi mới chuyển đến thành phố, ở một mình nên cũng buồn.

Ý nghĩ lộn xộn khiến Thăng không biết mình đã nói thêm với cô gái những chuyện gì. Cầm hai cuốn sách, trả tiền mấy thứ đồ vừa mua, Thăng ra về. Ánh mắt sáng trong của cô gái gợi trong Thăng một ấn tượng sâu sắc. Ba ngày sau, Thăng trở lại quán cô gái trả truyện và phát hiện ra nhà cô có hẳn một tủ sách báo. Thăng đã được biết cô gái ấy tên là Bó Ban. Sở thích giống nhau khiến những buổi trò chuyện giữa Thăng với cô ấy thêm thân mật, đồng cảm hơn. Từ đó, Thăng thường lấy cớ mua hàng để thường xuyên lui tới nhà cô vào những lúc rỗi rãi. Hai người đã trở thành bạn, nhưng trong lòng Thăng còn bao điều muốn nói... Và một buổi hoàng hôn khuất về xa triền núi, ánh mắt đẹp buồn của Bó Ban nhìn về cõi xa xăm. Bằng giọng nói trầm ấm, cô kể cho Thăng nghe câu chuyện đời cô...

***

Ngày ấy, mẹ của cô là cô gái Thái xinh nhất bản Nậm Mạ. Được bao trai bản để ý nhưng cô gái ấy chỉ ưng anh bộ đội biên phòng ở bản bên. Rồi cô gái, chàng trai ấy lấy nhau. Khi mẹ mang thai cô thì bố phải lên đường nhận nhiệm vụ. Mẹ sinh cô ra, cơn đau đớn chưa qua, bốn tiếng sau đã nhận được tin bố hy sinh anh dũng trong một trận chiến ác liệt ở biên giới. Sự mất mát quá lớn, lại đến quá đột ngột khiến mẹ ngất đi trong vòng tay của bà con trong bản. Đứa con đỏ hỏn vẫn đang khóc tiếng khóc chào đời. Cô gần một tuổi nhưng vẫn chưa có tên, vì khi bố mất vẫn chưa kịp dặn mẹ cái tên đặt cho đứa con yêu của mình. Mẹ nhớ hồi yêu nhau, bố thường tặng mẹ hoa ban. Cái tên Bó Ban của cô được đặt bằng những hồi ức đẹp đẽ của bố mẹ mà mẹ không bao giờ quên được.

Cô học hết lớp chín trường huyện, vẻ đẹp rực rỡ của đóa ban độ xuân thì khiến bao chàng trai ngây ngất. Và cuộc sống xa hoa lôi cuốn cô đi... Rồi mẹ mất... cho đến khi xảy ra tai nạn đáng tiếc cướp đi đôi chân của cô gái trẻ. Cô lựa chọn trở về quê cũ. Dù heo hút, nhưng vẫn là nơi để tâm hồn đã từng tổn thương của cô nương náu...

Thăng lặng đi, lắng nghe cô kể và thực sự bị cuốn vào cuộc đời cô gái. Trên đường đời, anh cũng đã trải qua bao đau thương, cùng cực, chỉ biết trải lòng mình vào nghệ thuật. Cô gái trước mặt anh, hẳn cũng khó khăn lắm mới rời bỏ được ánh điện lung linh nơi thị thành...

- Thế rồi... - Ban kể tiếp: Em cảm thấy thực sự được sống bình thường như mọi người khi mở quầy văn phòng phẩm. Mọi người thấy em hiền lành nên quý mến và thường lui tới mua hàng. Có thời gian nên em thường đọc thêm sách, báo. Kệ sách cứ dày lên theo những tháng năm cuộc đời em...

Thăng nhìn cô gái cúi đầu trước mặt. Ánh mắt đẹp đã nhuốm bụi thời gian lăn những giọt nước mắt hối hận, nhưng chưa muộn. Thăng vẫn tin, cô gái ấy xứng đáng được hưởng niềm hạnh phúc như bao người khác, như mong ước của bố mẹ cô, những con người hiền lành, chân chất ở núi. Thăng khẽ đặt nay lên bàn tay Ban và bảo:

- Để tôi rót cho em cốc nước.

Thăng bước ra chiếc bàn, pha ấm trà nóng. Hương vị chè bốc lên, quyến rũ, khó quên. Thấy tập bản thảo đặt trên bàn, Thăng cầm lên xem thử. Đúng rồi, đây là nét chữ của cô ấy. Đoạn cuối ghi bút danh “Bươn Hai”. Bươn Hai là trăng sáng, thật không ngờ Ban cũng là một cây bút tài năng của tỉnh nhà, cộng tác viên thường xuyên của các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh, đã xuất bản được một số tuyển tập thơ, truyện ngắn.

Vẫn chưa hết ngạc nghiên, Thăng ngoảnh lại. Bó Ban ngồi đó, trong ánh trăng nơi vùng núi. Thăng tự hỏi mình thứ ánh sáng hiền hòa, thanh khiết ấy là ánh núi hoang sơ hay ánh sáng tỏa lan từ con người Ban, để Thăng cứ dâng mãi những nỗi niềm về một ánh trăng không nhòa trong trời đêm...