Bữa cơm quê
Tranh minh họa
Truyện ngắn của Hương Giang
Hôm qua, về quê. Sau khi thăm viếng một vài nơi tôi trở về "cái ổ", nơi tôi và tám anh chị em đi ra từ đấy. Chú em xếp cơm, ngoài một xị rượu và đĩa lạc rang tôi thấy có một đĩa cá kho. Mùi giềng và tương thơm một mùi thơm đặc trưng khó mà cưỡng lại được. Vừa xới cơm, chú em phân bua:
- Rất may, qua chợ nhìn thấy hai con cá chiên dù nhỏ bằng cái chai lavie nhưng em mua ngay về.
- Thế là anh được ăn cơm quê theo đúng nghĩa, nhưng mà bây giờ là đặc sản đấy.
Vừa nhấm nháp ly rượu tự nấu theo kiểu "thủy thượng" với lạc rang giòn. Tôi hỏi thăm vài người cũ trong làng. Hỏi đến ông Đức, chú em thở dài:
- Chuyện ông Đức bây giờ có mà kể hết cả năm không hết chuyện. Cha mẹ đặt tên con rõ đẹp với mong muốn cả đời. Ai nghĩ được là ông ấy lại "đổ đốn" đến như vậy.
Đức là bạn cùng trạc tuổi với tôi, sinh ra trong một gia đình thuần nông. Cũng như nhà tôi, bảy tám anh chị em ra đời trong cái khó khăn của thời thế. Đức là con một trong gia đình với toàn chị và em gái. Lớn lên, Đức hoang dã như cây lau trên đồi, như cỏ gấu dưới bờ soi sông cái. Cha mẹ mỏi mồm nhưng nào nó có nghe lời. Học hành ba năm một lớp. Rồi Đức đi khám nghĩa vụ quân sự. Sức khỏe thì đủ nhưng vì là con một nên người ta chưa tuyển. Năm sau, có đợt tuyển công nhân, thế là Đức đi thoát ly theo con đường công nhân. Cuộc đời công nhân của Đức chẳng lấy gì thuận lợi nhưng rồi anh ta cũng có cái "sổ hưu" non. Nói là về hưu non nhưng sức lực anh ta vẫn còn đánh được bóng chuyền. Không biết do môi trường công tác hay do tính mà anh ta có đến hai người vợ công khai, còn trăng gió thì chỉ anh ta biết. Người ngoài ai biết được.
- Thế thôi lắm vợ, nhiều con nhưng giờ ở một mình với mẹ già.
Tôi vội vàng hỏi:
- Mẹ già ở với anh ta thế là có hiếu quá rồi còn gì nữa?
- Đúng vậy, người ngoài nhìn đại khái, lướt qua thì thấy thế. Nhà ông ta có đủ bốn đời, mà tứ đại đồng đường thì đại phúc.
Thực tế, nhà Đức có đủ tứ đại đồng đường nhưng "đường" ở đây là đường sinh sống mà thôi. Chữ đường mà người ta thường nói nó phải ấm cúng, đồng nhất. Đây là một "địa ngục" trần gian không kém. Số là từ khi ông ta cầm cái sổ hưu non về... quê. Hai người vợ tưởng là yêu thương ông ta lắm hóa ra cũng ly thân nhiều năm rồi. Ông ta về quê có "nhõn" một mình. Các con lúc bé ở rải khắp với ông bà, cô dì bên nội bên ngoại. Giờ chúng lớn ở riêng hết nhưng không biết chúng sợ bố hay sao mà chỉ khi nào gọi mới có mặt còn không thì "mạnh ai nấy làm" tự kiếm ăn.
Thế là bố ở một mình, ăn một mình. Tiếng rằng lắm cháu nhiều con, đông vợ nhưng mùa đông tháng giá, mùa hè oi bức quẩn quanh chỉ một mình "đơn côi". Vợ lắm, con đông nhưng chẳng ai nấu cho ăn vì nhiều đứa "bị" rồi, ba bảy hai mốt ngày lại dính một câu xanh rờn:
- Từ nay nhà này có tao thì không có mày
Đại khái như thế, đến cả mẹ già hơn chín chục tuổi trí nhớ lẫn lộn cũng chẳng trông cậy gì được với ông con một quí tử. Đó là một việc khó thật. Mẹ già nhưng là phụ nữ, cho ăn thì dễ nhưng ốm đau, sinh hoạt khác giới khó mà đảm đương được. Mấy người con gái thay nhau trông mẹ. Gia cảnh thật tội.
Cách đây không lâu, sức khỏe Đức có vấn đề. Bệnh tật, tâm lý tuổi già dày vò ông ta nên đêm không ngủ được. Cái nhà năm gian nhưng chỉ có hai người già một ngoại chín mươi, một sắp bảy mươi ở với nhau. Con không trông nổi mẹ, mẹ chẳng chịu được con. Thế là nói nhau. Âu là chuyện thường nhưng chữ "nhẫn" đã chẳng còn. Thế là một hôm Đức đã thượng cẳng tay hạ cẳng chân tát mẹ. Nếu là mọi khi chắc mẹ sẽ nhịn như "nhịn cơm sống" về đứa con rách ruột đẻ ra mà chẳng kể với ai. Hôm nay, phần vì tuổi già phần vì "bức xúc" bà kể cho con gái bà nghe. Con gái thương mẹ nói lại anh. Anh cãi rồi chửi em vu khống. Thế là cả làng biết chuyện. Thật là không biết nói thế nào hơn nữa về Đức.
Bữa cơm quê rượu ngon, đặc sản cá kho riềng thơm lừng nhưng tự nhiên nước mắt tôi cứ ứa ra. Trần gian sao khổ thế hả Trời?