Bên gốc đa làng Tó
Đầu làng Tó có một cây đa cổ thụ. Bên gốc đa có một hiệu cắt tóc và một hiệu... thiến lợn. Đây là nơi tụ tập của những người đi làm đồng, đi chợ nghỉ chân trú nắng, trú mưa; những người chờ cắt tóc, chờ thiến lợn và lũ trẻ chăn trâu. Nơi đây thường xảy ra những câu chuyện về thời cuộc, chuyện thơ phú, chuyện về bộ phim đang chiếu trên tivi... và cả những chuyện thô lậu, cãi vã.
Văn Chèo – một gã chụp ảnh dạo thường tới đây và ghi lại những câu chuyện xảy ra bên gốc đa.
CUỘC TRANH CÃI VỀ THƠ ANH NHU
*Văn Chèo
Anh Nhu người nhỏ thó, mặt quắt, nhằng nhịt những vết nhăn nom giống quả đu đủ đực bị héo. Bộ ria mép thưa, mọc từ hai chân mũi khoanh cái mồm của anh lại, trông như miệng điếu cày. Tóc anh lúc nào cũng xù ra, không chải và hình như không chải được. Quần áo anh mặc thường là vải sáng mầu, ngoài khác áo gile nom lạc loài trước những người dân làng Văn.
Anh Nhu vừa mới được con gái lao động bên Đài Loan gửi tiền để in tập thơ. Đó là tập thơ “Gió hoang”, tập thơ tập hợp những bài mà anh từng đọc cho dân làng nghe bên gốc đa. Thơ được tin trên giấy tốt. Bìa một in một cô gái mặc áo tắm, ngồi hớ hênh trên dòng suối. Góc trái bìa bốn là ảnh anh Nhu, với gương mặt như trên đã miêu tả.
Anh Nhu họ Ma – Ma Văn Nhu – trước mọi người anh tự giới thiệu mình là Mai Văn Nhu. Anh giải thích, anh sùng bái thơ Maiacốpski (nhà thơ Nga) nên tôn nhà thơ vĩ đại này là bậc sư huynh!
Trước đám đông bên gốc đa, không phải anh đọc thơ mà hét. Anh hét rằng:
Trăng
Nhễ nhại
Bên hồ
Ngọn gió hoang
Lang thang
Bờ suối vắng
Sơn nữ
Áo chàm
Mê đắm
Bầy liếu điếu trong vòm cây
Nghe
Nghe
Đàn dê con
Trong chuồng
Quậy phá…”
Văn Chèo tôi không hiểu gì về những điều anh hét. Nhưng nhìn tóc anh xù lên, mồm sùi bọt mép, mặt co rút như lên cơn động kinh, tôi gai hết người. Đám đông thì vỗ tay hò hét, yêu cầu anh đọc tiếp. Tôi biết, sự tán thưởng của mọi người là sự bỡn cợt, nhạo báng. Nhưng anh Nhu tưởng đó là sự hâm mộ mình nên cao hứng đọc tiếp. Lần này tôi lờ mờ hiểu rằng, hình như anh đang nói về cái chết:
“Cái chết ơi
Mi ở đáy vực
Há toác
Đen ngòm
Ta
Gã đàn ông giang hồ phiêu bạt
Ta đi qua trận mạc
Đói khổ và đạn bom
Qua những cánh rừng
Đầy quạ đen và hơi độc
Ôi cái chết
Mi chẳng có gì đáng sợ!...”
Đám đông lại rú lên. Bà Xuyền nhổ bãi nước trầu rồi rằng:
- Này, tôi hỏi nhà thơ: nhà thơ bẩu mình là gã giang hồ phiêu bạt, vậy ông đã phiêu bạt những đâu? Ông đi bộ đội ngày nào mà biết cả cánh rừng nhiều quạ đen và hơi độc, hử?
Bị dồn vào thế bí, anh Nhu ngẩn mặt, miệng dểu ra, bộ râu lúc này giống như dấu hỏi. Rất may, ông thiến lợn nhanh nhảu đỡ lời:
- Thế mới tài! Nghệ sĩ người ta còn tưởng tượng ra đủ thứ ở trên đời ấy chứ, bà xem vô tuyến thì biết đấy…
Ông phó cạo lẩm bẩm:
- Thơ gì? Thơ con cóc, thơ tắc tị…
Ông thiến lợn, là anh em thúc bá với anh Nhu, thi thoảng lại được anh Nhu mời uống rượu lòng lợn tiết canh, lớn tiếng vặc lại. Tuy nhiên, để chứng tỏ mình là người “đông” văn hóa nhờ lượm lặt được từ những chuyến đi thiến lợn ở các làng bên nên có vẻ khiêm nhường:
- Thưa bác, tôi thiển nghĩ, một khi nhà xuất bản đã cho in thì rõ ràng thơ của anh Nhu được nhân dân cả nước đọc chứ không đùa đâu bác ạ.
Ông phó cạo băm bổ:
- Ai đọc tôi không cần biết. Riêng tôi, những câu chữ được gọi là thơ ấy nó vô nghĩa và dung tục lắm.
Ông thiến lợn vẫn nhũn nhặn:
- Ô hay, đấy không phải là thơ, vậy là gì, thưa bác? Bác không được đi nhiều nên không hiểu tình hình thời sự văn nghệ hiện nay rồi. Bác ơi, chính những thứ câu chữ được ghép thành vần điệu mà lâu nay ta vẫn quen gọi là thơ ấy, mới là thứ đáng xổ toẹt. Giờ đây, thi ca hiện đại được cách tân, không gò ép, lệ thuộc vào ý tứ, vần điệu đâu, bác ơi. Siêu lắm bác ơi...
Ông phó cạo ngừng cắt tóc. Cái kéo trên tay chĩa vào ông thiến lợn như sắp nhảy vào cuộc ẩu chiến. Giọng ông sắc lẻm như tiếng kéo xén tóc:
- Cái gọi là cách thơ ấy, ông Nguyễn Đình Thi làm cách đây gần thế kỉ rồi mà đến nay thưo của ông ấy vẫn hay. Còn bây giờ, như thơ cách tân của ông Nhu đây, ít nhất là không phải thơ Việt Nam, nếu không nói đó là sản phẩm của thói hư danh bệnh hoạn, muốn khác người, muốn muốn nổi tiếng đành bày đặt ra một thứ hình thức méo mó, lập dị để lòe bịp mọi người.
Ông thiến lợn giận run người:
- Ông thì biết cái gì? Quanh năm ngồi gốc đa, biết gì mà lớn tiếng!
- Còn ông quanh năm kiếm ăn ở dái lợn con, cùng lắm nghe lỏm, học đòi chuyện người khác chứ có học hành gì mà đòi tranh luận về học thuật?
Ông thiến lợn mặt phừng phừng, cầm con dao thiến lợn sắc lẻm dứ vào mặt ông phó cạo mà rằng:
- Này, thằng già! Mày là cái thằng đầu chày đít thớt, bị cơ quan nhà nước người ta thải hồi chứ hơn gì tao…
Cuộc đấu khẩu giữa hai bác phó lúc đầu có vẻ như tranh luận về học thuật, bỗng trở thành cuộc cãi vã thô lậu, sặc mùi chợ búa, khiến thi sĩ và lưu manh, lộn tùng phèo hết cả; dân làng Văn chẳng biết ai đúng, ai sai; rốt cuộc, chỉ có anh Nhu là được lãi. Nhờ có cuộc cãi vã mà tên tuổi anh Nhu nổi như cồn, có người bên tận làng Chum cũng muốn biết mặt anh Nhu. Và anh Nhu luôn có mặt tại các cuộc giao lưu câu lạc bộ, trình diễn thơ như người lên đồng...