Hai cây trúc
Ảnh minh họa
Truyện ngắn của Hương Giang
..."Trúc xinh trúc đứng một mình" (Tục ngữ)
Ở nơi vùng Đông Bắc, với độ cao hơn ngàn mét so với mực nước biển có một vạt rừng trúc mọc quây quần thành một cộng đồng khá đông đúc. Những cơn gió làm cho những cây trúc uốn cong như cái cần câu... Rồi mùa tháng hai, những cái lá già rụng xuống bay bay trong gió. Trước khi dừng hẳn, những cái lá màu vàng tươi còn đi "tham quan" một lượt các gốc trúc khác. Hứng lên có khi nó còn "ngao du" chí ít là cả một quãng dài chừng hai ba lần "quăng dao".
"Xuân trúc...", ông em bảo vậy. Mùa xuân những cái lá trúc già màu vàng tươi như rơm mới của mùa lúa theo gió rụng xuống làm thành một cái thảm dưới đất rất đẹp, vàng và mịn. Rồi những lộc xanh non màu hoàng yến nhô ra, những cái lá đầu tiên của mùa xuân e thẹn, bỡ ngỡ. Rồi những trận mưa giăng kín trời, mịt mù nhưng không ào ào.
Mưa xuân. Mưa xuân gọi lộc non dậy và những gốc trúc có tuổi từ hai năm trở lên bắt đầu "cựa mình". Ở nơi thân ngầm có những "cái mắt" bắt đầu cựa quậy. Một đời sống mới, một cuộc đời mới bắt đầu. Những mầm non bật dậy, vòng đời một cá thể trúc mới bắt đầu từ thân ngầm của cây mẹ. Hai cây trúc non được sinh ra từ hai cái mắt của thân ngầm cây trúc mẹ ba tuổi. Trong đời cây trúc, thành thục "tái sinh" là từ sau hai tuổi, nó có thể sinh con. Một năm một mùa cho một cây trúc mới. Nếu thân ngầm mẹ khỏe có thể sinh hai, ba cái măng. Năm nay có vẻ mưa thuận; hai cây trúc cùng mọc từ một cây mẹ nhưng cách nhau một tuần tuổi. Mẹ nó lần đầu bận con nhưng được cái cả bụi trúc khá "ấm cúng" rồi nên không lo.
"Tre ấm búi... ". Hai cây trúc non cứ thế lớn. Ngày chúng ngủ khì nhưng tối đến chúng ra sức vươn để chiếm không gian thoáng đãng. Chúng không nói ra nhưng ngấm ngầm một cuộc thi đua vươn cao vươn nhanh. Rồi chúng một tuổi... hai tuổi... ba tuổi. Rồi chúng lại có con như mẹ chúng. Nếu như thế thì chẳng có gì để nói.
...Một ngày kia, ông chủ của vạt rừng có việc và không biết vô tình hay hữu ý cả hai cây trúc được chặt về phục vụ cho ông chủ. Hai cây trúc bị chặt và bó vào cùng nhiều "đồng đội" của chúng và mỗi cây được dùng vào một việc. Hai cây trúc được chọn một cây làm sào phơi, còn một cây được chọn làm sáo cho con ông chủ. Một đêm trăng sáng, cậu con ông chủ mở tiệc thết đãi bạn bè tại tư dinh. Tiệc mặn đã tàn chuyển sang tiệc ngọt có âm nhạc đi kèm. Cây sáo trúc trong tay cậu chủ cất lên những điệu nhạc đồng quê khi trầm khi bổng, khi réo rắt, lúc véo von. Hàng trăm con người im phăng phắc nghe tiếng sáo phát ra từ thân cây trúc ngày nào. Tiệc tàn, cây sáo được cậu chủ treo vào đầu cây sào phơi quần áo. Phần ngấm rượu, phần vì đã no say cả về ẩm thực và âm nhạc. Cậu chủ đánh một giấc đến khi sương xuống lạnh mới chợt bừng tỉnh.
Trong lúc cậu chủ ngủ, hai cây trúc đã nhận ra nhau. Tưởng chừng chúng là vật vô tri thế mà khi nhận ra nhau, câu chuyện về cuộc sống riêng của từng cây trúc khi hiểu được thì quả là một triết lý nhân sinh. Cây trúc được dùng làm sào phơi hỏi cây sáo:
- Sao bây giờ người anh em chỉ còn ngắn một đoạn thế?
- Người ta cắt tôi thành từng đoạn ngắn như thế này rồi lựa chọn, ngắm nghía bao lâu chỉ được có ba đoạn. Anh vẫn còn được dài là may lắm rồi.
- May cái nỗi gì, làm cái sào phơi quần áo, dãi nắng dầm mưa khổ lắm.
- Thế anh tưởng tôi sướng lắm sao?
Cây sáo hỏi lại, rồi nó kể tiếp:
- Cả cây dài như anh, người ta cắt thành từng đoạn ngắn, đau lắm. Anh chỉ bị có một nhát chặt còn tôi không biết cắt bao lần. Có lúc đau ứa nước mắt ra đấy. Rồi lại còn mấy đoạn không dùng được không biết họ vứt đi đâu, giờ tôi chỉ còn có bây nhiêu đây thôi.
Nói rồi cây sáo trúc khóc nức nở. Hồi lâu, cây sáo kể tiếp:
- Mới đây thôi, tôi đã tưởng là yên thân rồi, ai ngờ lại bị khoan lỗ. Đau đớn, cắn răng vào chịu đựng. Rất may, ông chủ chỉ khoan cái lỗ bé tí ti để luồn sợi dây treo lên. Chính thế, hôm nay anh em mình mới có dịp hội ngộ đấy. Cảm ơn cái dây treo!
Cây sào phơi quần áo biết là bị nhỡ khi nhắc đúng "nỗi đau" của ống sáo trúc liền động viên:
- Sau mỗi lần cất tiếng lên được mọi người vỗ tay thế là nhất rồi, tôi ở đây chẳng ai biết đến nắng mưa, dãi dầu. Có lúc còn bị đem xuống ao gạt bèo đấy!
- Chuyện nhỏ, tôi bị cắt ngắn, đốt trong lửa, rồi khoan lỗ. Đau đớn biết chừng nào. Để có được tiếng vỗ tay, tôi phải đánh đổi bao nhiêu thứ mới được đấy.
Thế mới biết, sau ánh hào quang là bao giọt mồ hôi, công sức đôi khi phải trả bằng cả máu và nước mắt.