Từ mái trường Vùng cao Yên Bái

Trường Dân tộc Nội trú Vùng cao của tỉnh Yên Bái là nơi đào tạo con em các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. 40 năm qua, các thế hệ học sinh Nhà trường đã nỗ lực học tập, phấn đấu, trở thành các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương; thành kĩ sư, bác sĩ, giáo viên v.v. phục vụ quê hương Yên Bái.

Tác giả bài viết với Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú vùng cao của tỉnh Yên Bái.

Bước chân vào cổng trường, tôi bắt gặp một bé gái khá xinh xắn, trắng trẻo đang nhổ cỏ dưới mấy gốc cây ở góc sân trường. Nhìn bộ váy áo của cô bé đang mặc tôi biết ngay cô thuộc nhóm dân tộc Mông. Cô giáo phụ trách đi cùng giới thiệu, đó là bạn Giàng Xín Mẩy, dân tộc Mông, nhà em ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu - một huyện xa xôi nhất và nghèo nhất của tỉnh Yên Bái. Tôi nhẹ nhàng đến bên cô bé hỏi chuyện. Cô bé cười thật tươi nhưng dáng vẻ vẫn nhút nhát khi thấy người lạ. Tôi chủ động làm quen. Em nói, giọng lơ lớ, chưa sõi tiếng Kinh. Tôi ngồi xuống bên cạnh cùng nhổ cỏ và bắt chuyện, cô bé nhìn thấy vậy bạo dạn hơn và chuyện trò thật vui vẻ. Cô bé hồn nhiên kể là cô được già làng cử đi học, mang cái chữ về cho bản làng. Làng cô còn nghèo lắm, cuộc sống còn thiếu điện và nước sạch. Trường học ít và phải đi xa sang xã khác mới có trường cấp hai, ba. Nhà cô có bảy anh chị em, cô là thứ ba. Chị lớn nhất cô của năm nay mười bảy tuổi đã lấy chồng và có một em bé. Anh thứ hai cũng sắp lấy vợ rồi. Phải lấy thêm người về để đi làm cái nương. Riêng cô bé được các chú bộ đội biên phòng dạy cho cái chữ, dạy chữ nào cô bé thuộc chữ ấy nên các chú vui lắm và nói già bản cho cô xuống thành phố đi học. Lúc đầu bố mẹ cô không cho đi đâu vì muốn cô bé ở nhà làm nương thêm hai ba năm nữa rồi cho lấy chồng. Già làng và các chú biên phòng nói mãi, nói mãi bố mẹ cô bé mới gật đầu đồng ý nhưng lo lắng lắm. Ban đầu đi xa nhà cô bé rất sợ vì không quen với cuộc sống ở nhà tầng bê tông. Cô không biết sử dụng cái hố vệ sinh bằng máy. Cuộc sống ở thành phố sao khác xa với bản cô quá. Rồi còn phải ngày hai buổi lên lớp học, không được chạy nhảy thoải mái, tự do như ở nhà. Các bạn và cô phụ trách chỉ dẫn cô rất nhiều. Giờ thì cô bé đã tự tin, bạo dạn rất nhiều. Nhìn cô bé say sưa kể chuyện, đôi mắt to đen tròn, trong veo trao cái nhìn thật thân thiện lòng tôi chợt thấy ấm áp lạ thường.

Cô giáo chủ nhiệm cùng Giàng Xín Mẩy dẫn tôi lên phòng ở nội trú của các em. Phòng được vệ sinh sạch sẽ, chăn màn gấp gọn gàng như quân đội vậy. Tôi biết, để có được nề nếp như vậy các cô giáo phải bám trường, bám lớp và quan tâm, hướng dẫn tỉ mỉ cho từng học sinh. Giáo viên của trường một tuần trực ba ngày, cùng ăn, cùng ngủ với học sinh nội trú.

...Các thế hệ học sinh trường Nội trú Yên Bái đều có hoàn cảnh như em Giàng Xín Mẩy. Họ đều là con em các dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, đặc biệt khó khăn. Các em phải là học sinh khá giỏi và được chọn lọc đưa về học nội trú tại trường của tỉnh từ cấp hai, cấp ba và ôn luyện vào đại học để đào tạo làm hạt giống sau khi học xong đại học sẽ được đưa về chính nơi mình sinh sống làm cán bộ nòng cốt của địa phương. Có biết bao thế hệ học sinh giống như Giàng Xín Mẩy, phải xa nhà, xa cuộc sống tự do giữa núi rừng để đi học. Có một số bạn vì không thể làm quen với cuộc sống mới đã khóc rất nhiều và đòi về bằng được. Một số bạn có nghị lực hơn, đã cố gắng học để mang cái chữ, mang sự tiến bộ của người kinh về xây dựng bản làng, để người dân không bị đói, khi ốm có thầy thuốc không phải cúng con ma nữa.

Sự nỗ lực vượt qua khó khăn của học sinh và sự tận tụy chăm sóc, nuôi dạy học sinh của các thế hệ giáo viên Nhà trường đã được đền đáp xứng đáng. Nhà trường luôn đứng top đầu về kết quả học tập của tỉnh Yên Bái. Nhiều học sinh  của nhà trường đã phấn đấu học tập, công tác, trở thành các cán bộ lãnh đạo địa phương; thành nhà giáo, kĩ sư, bác sĩ...

Tác giả bài viết: Nguyễn Thúy Hạnh.