Quách Văn Sơn -Tôi tự hào về em

*Dư Phương Liên

Tôi và em Quách Văn Sơn đều khuyết tật. Em kém tôi 5 tuổi. Tôi bị điếc, mắt gần như mù lòa sau những lần đại phẫu bệnh u não, còn em bị liệt tứ chi do tai nạn xe máy. Chúng tôi quen nhau trên mạng, thấu hiểu hoàn cảnh, cảm phục nhau và mong muốn gặp nhau. Mới đây, tôi đã liều lĩnh trốn mẹ, trốn chồng, con vượt đường xa hơn 100 km lên thăm em ở xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Gặp em, tôi càng cảm phục về nghị lực phi thường của chàng trai trẻ vượt lên số phận và tự hào về em.


Quách Văn Sơn và tác giả (bên phải) cùng bạn gái của tác giả - người đưa tác giả đi gặp Sơn.

Số phận nghiệt ngã

Trước khi đến đây, tôi đã biết khá rõ hoàn cảnh của Sơn. Mười năm trước, em 25 tuổi, khỏe mạnh, là lao động chính của gia đình, bất ngờ gặp phải tai nạn xe máy, bị chùn hai đốt sống cổ. Ngay trong đêm gặp nạn, người mẹ mà Sơn vô cùng yêu thương đang bị ung thư giai đoạn cuối đã mất. Nhờ các bác sĩ cấp cứu kịp thời, Sơn mới thoát chết, nhưng chỉ nằm viện có 20 ngày đã phải xin về vì gia đình không có đủ tiền lo thuốc men, chạy chữa. Từ đó, Sơn bị di chứng liệt tứ chi...

Trước khi bị tai nạn, Sơn mới lập gia đình và có con trai 7 tháng tuổi. Nhưng hạnh phúc vừa mới chớm đó đã tan vỡ: Vợ mang con đi, mẹ mất, cha suốt ngày uống rượu, anh cả dính vào tệ nạn xã hội, anh hai phải lo đi làm trả nợ cho những chi phí chữa bệnh của mẹ trước đây, chị gái đã lập gia đình riêng nên không ai đảm đương việc chăm sóc Sơn.

Người cô tốt bụng

Cô Quàng Tthị Nung là em họ của bố Sơn. Gia đình cô nghèo lại ở cách xa nhà Sơn. Xót thương cho hoàn cảnh của Sơn, ngày ngày cô đạp xe từ nhà đến chăm sóc vệ sinh cá nhân giúp cháu, xong lại sấp ngửa về làm ruộng và chăm sóc mẹ cô cũng đang nằm liệt một chỗ. Thương cô, giận mình vô dụng, Sơn nhiều lần muốn quyên sinh bằng cách tuyệt thực để giải thoát khỏi gánh nặng này. Và ít ra còn có thể làm một việc ý nghĩa là hiến tạng cho y học.

Nhưng mỗi lần nghĩ đến đứa con chưa biết tình cha là gì, Sơn lại trào nước mắt muốn được sống để gặp con, ôm con vào lòng và nhìn thấy con khôn lớn trưởng thành. Sau nhiều ngày đau khổ, Sơn quyết tâm làm lại từ đầu, bằng việc nhờ cô vay mượn để có tiền buôn mía, buôn lợn. Nhưng buôn mía thì mua phải vườn mía sâu, bán lỗ một nửa; buôn lợn có con lợn to 60 kg, thì bị người ta lừa không trả tiền, còn lợn nhỏ lăn ra chết hết. Bao nhiêu công sức của hai cô cháu đổ ra sông ra biển, nợ nần chồng chất. Có những ngày cô đi chợ bán mía chỉ đủ tiền để trả vé vào chợ. Có những bữa cơm, cô không mua nổi bìa đậu phụ hay một hai quả trứng. Cuộc sống khó khăn, khổ cực trăm bề. Lại thêm những cơn đau hành hạ thể xác như ai cầm dao lọc từng thớ thịt nhưng Sơn không thể gục ngã!

“Thua keo này bày keo khác”, Sơn mượn mảnh đất nhỏ của chị gái, vay anh họ tiền dựng một cái quán lợp tôn chỉ đủ kê cái giường và thừa ra một góc để bán vài ba đồng quà tấm bánh sơ sài. Rồi may sao, cơ hội đến, cô  của Sơn vay được tiền ngân hàng theo diện hộ nghèo, Sơn có vốn mua thêm hàng hóa, kết hợp với việc các chủ hàng cho nợ, bán trước trả sau, mọi người thương mua ủng hộ, cuộc sống dần đi vào ổn định.

Hiện tại chiếc quán nhỏ của Sơn năm nào đã mở rộng thành một căn phòng rộng rãi, có nhiều mặt hàng phong phú phục vụ nhu cầu cuộc sống. Sơn vừa bán trực tiếp vừa bán online, thu nhập đủ để trả hết nợ, mua lại mảnh đất của chị và tự tin sống tiếp cuộc đời của mình.

Cô Quách Thị Nung và Sơn

Thiết kế xe phục hồi chức năng

Lại nói về di chứng liệt tứ chi sau khi em bị nạn. Tưởng chừng đã hoàn toàn bó tay nhưng nhờ kiên trì luyện tập hết ngày này sang ngày khác, mỗi hôm 8 tiếng mà Sơn đã có thể tự ngồi được, tay chân khẽ cử động đôi chút. Và điều đáng nói hơn là trong thời gian luyện tập để nâng cao sức khỏe, Sơn tự thiết kế ra một chiếc xe phục hồi chức năng dành riêng cho người khuyết tật tứ chi. Ban đầu là từ chiếc xe đạp cũ được tặng, Sơn nhờ thợ hàn cắt ra, chắp vá lại thành xe tập cho mình. Sau đó, cứ cải tiến dần dần để phù hợp với thực tế. Không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, tiếp thu các ý kiến trái chiều của mọi người, em kiên trì bền bỉ nâng cấp chiếc xe. Đến lần thứ mười thì Sơn chính thức cho ra đời một phiên bản hoàn hảo nhất, chiếc xe có hình thức nhỏ, gọn, dễ sử dụng, với 2 tay cầm và bàn đạp ở chân, giúp người mất khả năng vận động tự mình tập luyện, chống co rút, chống teo, cứng cơ và đau buốt, người nhà không cần giúp.

Mở thư viện cộng đồng miễn phí

Sơn còn dành hẳn một phần không gian trong cửa hàng tạp hóa nhỏ của mình, để mở thư viện cộng đồng miễn phí, tạo điều kiện cho người dân xung quanh có cơ hội tiếp xúc với sách nhiều hơn. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, không có điều kiện được học được đọc sách, phải sớm bước vào cuộc sống lao động tay chân vất vả, bát mồ hôi đổi bát cơm nên Sơn hiểu hơn ai hết ý nghĩa công việc mình làm. Để thu hút người đọc mọi tầng lớp lứa tuổi từ già đến trẻ từ trí thức đến người chưa đọc sách bao giờ, Sơn kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ sách, đa dạng các chủng loại sách, đặc biệt động viên cha mẹ trẻ đọc để làm gương cho con em mình. Dù liệt cử động khó khăn, dù bị những cơn đau hành hạ, dù bầm tím hai mông vì phải ngồi xe lăn nhiều nhưng Sơn vẫn nguyện làm cây cầu kết nối, làm người thủ thư trung thành, tận tụy, cho những ai yêu sách muốn làm bạn với sách.

Viết báo, sản xuất video truyền cảm hứng đến mọi người

Sơn luôn tự ý thức trau dồi tâm hồn và trí tuệ bằng cách tham gia các khóa học phát triển bản thân. Khi đã hiểu hơn về sức mạnh bên trong mình, Sơn thường xuyên viết báo và sản xuất video truyền cảm hứng đến mọi người, với mong muốn ai cũng sống vui, sống khỏe trong mọi hoàn cảnh.

Những việc Sơn làm tuy còn nhỏ bé nhưng có thể coi là "kì tích" với một người đã có lúc tưởng chừng chỉ là "cục thịt thừa" bỏ đi, đã có lúc rơi vào bước đường cùng đến tuyệt đường sinh sống. Ở vào địa vị của Sơn, một người có tuổi thơ sống trong đói nghèo và những cơn say triền miên của cha, có tuổi hoa niên không được cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa, tuổi trẻ lại sớm bị vùi dập trong những biến cố cuộc đời, người ta dễ cho mình cái quyền oán trách số phận bất công, nghiệt ngã, cái quyền than khóc cả ngày lẫn đêm về sự khốn khổ của mình. Nhưng không, Sơn đã chọn cách đứng lên, không phải bằng đôi chân mà bằng ý chí nghị lực gan góc phi thường, tìm được lối đi cho mình, sống có ích cho đời.