Bảo tồn di tích cầu Long Biên là “chứng nhân lịch sử”

Trong những di tích lịch sử, văn hoá của đất nước và Thủ đô Hà Nội phải kể đến một “chứng nhân lịch sử” là cây cầu Long Biên, bắc qua sông Hồng nối liền hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Đó là di sản đô thị đặc biệt cần được bảo tồn bởi cây cầu Long Biên là biểu tượng lịch sử - văn hoá của Thủ đô và của tình hữu nghị Việt - Pháp. Cùng với Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Nhà hát lớn là những báu vật quý giá của đất nước.


Cầu Long Biên vào năm 1940 (Ảnh: Internet)

Cầu Long Biên do người Pháp đầu tư xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902 hoàn thành đưa vào sử dụng. Cây cầu dài 2.290m bắc qua sông Hồng với 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ và 896m đường dẫn theo lối kiến trúc dộc đáo, còn được gọi là Tháp Eiffel nằm ngang tại Việt Nam. Cầu có chiều rộng 4,75m, chia làm 3 phần chính: 2 bên là đường rộng hơn 3m dành riêng cho xe cơ giới và người đi bộ; ở giữa là đường sắt đơn cho xe lửa hoạt động. Cầu mang tên ban đầu là Paul Doumer (tên ngài toàn quyền Đông Dương thời kì ấy). Công trình thừa hưởng những tiến bộ kĩ thuật trong khoa học xây dựng cầu đường của Châu Âu, đặc biệt công trình kết cầu thép,v.v…

Cùng thời điểm xây cầu Long Biên, người Pháp còn đầu tư tại cố đô Huế, xây cây cầu Tràng Tiền 6 nhịp dầm thép dài 402,60m (mỗi nhịp 67m) theo kiểu kiến trúc Gothic bắc qua sông Hương. Cầu Tràng Tiền khởi công năm 1899 hoàn thành tháng 12 năm 1900, nay cũng là biểu tượng của cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), di sản văn hoá của thế giới.

Đã từ lâu, người Tràng An và Nhân dân vùng Bắc Bộ thuộc làu làu bài ca dao đằm thắm: “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong/ Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi”. Cầu Long Biên còn là nguồn cảm hứng sáng tạo văn học, nghệ thuật, hội hoạ, nhiếp ảnh của rất nhiều văn nghệ sĩ.

Tuy nhiên, ít người biết đến cầu Long Biên còn là cây cầu thép có quy mô lớn và dài nhất thế giới vào thời điểm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Trước đó, ở Hoa Kỳ cây cầu treo làm bằng thép dài nhất thế giớí là cầu Brooklyn bắcqua sông East-River thuộc thành phố New York, khởi công xây dựng năm 1869, hoàn thành năm 1883 (14 năm xây dựng). Cầu có chiều dài 1.800m, phần cáp treo 487,7m. Đây là cây cầu cáp treo bằng thép dài nhất thế giới lúc bấy giờ. Từ năm 1964, cầu Brooklyn trở thành di sản cấp quốc gia của nước này, là báu vật biểu tượng của thành phố New York.

Như vậy, cầu Brooklyn của Hoa Kỳ và cầu Long Biên của Việt Nam được xây dựng vào cuối thế kỉ thứ XIX đều là kiệt tác về kiến trúc của nhân loại.

Cầu Long Biên đã trải qua 120 năm sử dụng cho mục đích giao thông (1902 – 2022). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cầu Long Biên gắn liền với những sự kiện hào hùng của Thủ đô Hà Nội. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, hàng chục nghìn người dân rầm rập đi bộ từ đêm qua cầu Long Biên đến quảng trường Ba Đình lịch sử để dự mít tinh, được nghe Bác nói, được chiêm ngưỡng Người. Ngày giải phóng Thủ đô (năm 1954), biển người lại qua cầu Long Biên vào trung tâm Hà Nội với rừng cờ hoa rực rỡ vẫy chào đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản. Rồi từ đó, ngày đêm những chuyến tàu hoả từ Thủ đô cứ vang tiếng còi băng qua cầu đi về Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai và ngược lại, cho đến hôm nay vẫn hối hả, vang vọng tiếng còi tàu.

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, cầu Long Biên nhiều lần bị dội bom tàn phá làm đứt gãy mấy nhịp. Ngành Giao thông vận tải liên tục sửa chữa, khội phục để bảo đảm thông suốt huyết mạch chính của Thủ đô. Trước những năm 80 thế kỉ trước, khu vực Hà Nội bắc qua con sông Hồng duy nhất chỉ có cây cầu Long Biên, còn lại là một hệ thống các bến đò, bến phà và cầu phao công binh bắc tạm. Những năm tháng ác liệt ấy, cầu Long Biên hiên ngang, ngạo nghễ, sẽ mãi mãi xứng danh là “chứng nhân lịch sử” của Thủ đô Anh hùng, ngàn năm văn hiến. Ngày nay, trên dải sông Hồng khu vực Hà Nội và lân cận có gần chục cây cầu hiện đại, đồ sộ tầm vóc quốc tế (Cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Thuỷ, cầu Yên Lệnh,v.v…) nhưng đối với người dân Thủ đô vẫn lắng đọng, sâu thẳm những kỉ niệm, kí ức không phai mờ về cầu Long Biên cổ kính, thơ mộng.

Theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định về “Quản lí an toàn lao động, chất lượng thi công xây dựng công trình và bảo trì công trình xây dựng” thì cầu Long Biên đã quá niên hạn sử dụng và bảo trì. Tuy nhiên, hàng ngày cây cầu này vẫn oằn mình gánh hàng chục nghìn phương tiện giao thông (tàu hoả, xe máy, xe đạp) và người đi bộ nườm nượp qua lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Chỉ riêng tháng 5/2022 vừa qua, đã 2 lần xảy ra sự cố là sập tấm đan trên mặt cầu vừa gây mất an toàn vừa cản trở giao thông.

Về phương án giải quyết cầu Long Biên, Bộ GTVT và Thành phố Hà Nội đã có những cuộc hội nghị, hội thảo khoa học bàn cách xử lí. Có cơ quan chức năng đề nghị xây cầu đường sắt bên cạnh thay thế rồi tháo dỡ cầu cũ này nhưng không thành. Các nhà khoa học lịch sử, các kiến trúc sư kiến nghị cần bảo tồn cây cầu Long Biên bởi nó là “chứng nhân lịch sử”, là di tích văn hoá - kiến trúc, báu vật của Thủ đô cần được bảo tồn như cầu Brooklyn của thành phố New York, Hoa Kỳ. Một mặt do đường hướng chưa rõ ràng, một phần do ngân sách hạn hẹp nên chưa có được một phương án khả thi. Dù cách nào thì cầu Long Biên cổ điển cũng cần tồn tại như một thực thể sống động của lịch sử nước nhà và Thủ đô Hà Nội.

Cầu Long Biên trực tiếp liên quan đến tuyến đường sắt nội đô số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên). Vì thế, mặc dù đã quá thời hạn sử dụng, nguy cơ mất an toàn cao, nhưng ngày nay nó vẫn là mạch giao thông chính của ngành đường sắt khu vực phía Bắc. Các nhà hoạch định chính sách chủ trương dời tuyến đường sắt Ngọc Hồi – Yên Viên ra khỏi nội đô, làm cây cầu dành riêng cho đường sắt bắc qua sông Hồng phía thượng lưu cầu Long Biên để cây cầu này bước vào giai đoạn “nghỉ hưu” vĩnh viễn. Trong lúc chưa thực hiện, trước mắt cần giảm tải giao thông, hạn chế tối đa áp lực lên kết cấu đã cũ của cây cầu, duy trì hoạt động đường sắt, cần hạn chế mọi phương tiện qua lại, chủ yếu dành cho người đi bộ, xe đạp lưu thông. Trong khi chưa có cầu đường sắt riêng, cần trùng tu, nâng cấp, khôi phục những đặc điểm cơ bản về cấu trúc và diện mạo vốn có của cây cầu, phục vụ nhu cầu giao thông, văn hoá, du lịch, bảo tồn di sản.

Khi không còn dùng vào giao thông, cầu Long Biên có thể trở thành điểm tham quan, du lịch kì thú, hấp dẫn khách trong, ngoài nước. Nhiều giáo sư, kiến trúc sư đề xuất tổ chức cầu Long Biên thành đường nghệ thuật, trưng bày các sản phẩm văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, kết nối với khu phố cổ ở trung tâm thành phố. Hà Nội đã có đường đi bộ, đường hoa, đường gốm sứ, phố sách thì cầu Long Biên cũng có thể là đường văn hoá, đường du lịch. Phần giữa của đường tàu có thể xây dựng hệ thống các shop bán hàng tổng hợp, quà lưu niệm, các quầy tạp hoá, sách báo, nhiếp ảnh, tranh, hàng thủ công mĩ nghệ, đồ chơi, giải khát,v.v… Như vậy, cầu Long Biên sẽ trở thành một trung tâm văn hoá - thương mại lí tưởng cho khách du lịch thưởng lãm, trải nghiệm, ngắm cảnh sông Hồng, chợ đá, bãi nổi, đặc biệt mùa cỏ lau, hoa loa kèn tháng tư, ngắm hoàng hôn trên sông Cái, phóng rộng tầm mắt quan sát thành phố “Vì hòa bình”, văn hiến kết nối Tràng An xưa với Hà Nội hiện đại, văn minh ngày nay.

KIM QUỐC HOA