Câu chuyện về chàng trai Ê Đê sống đẹp
Mặc dù đang là bác sỹ tại một bệnh viện lớn nhất vùng Tây Nguyên, nhưng bác sỹ Y Pốt Niê đã bỏ nghề để theo đuổi ước mơ giúp người dân trong buôn mình ổn định cuộc sống và tiến lên làm giàu theo cách riêng, độc đáo của mình…
Y Pốt Niê người dân tộc Ê Đê, sinh năm 1988 tại buôn K'la, xã D'ray Sáp, huyện Krông A Na (Đắk Lắk). Là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh em, 6 trai, 2 gái, nhìn A ma, A mí (cha, mẹ) quanh năm bán mặt cho nương cho rẫy nhưng cũng không đủ cái ăn cho bầy con nhỏ dại. Y Pốt đã sớm ý thức chỉ có học hành có kiến thức mới có thể vượt lên thoát nghèo. Anh tập trung học tập và sức học vượt trội trong các anh chị em của mình. Năm 2009 - 2011 anh học xong Cao đẳng Y tế tại Đà Nẵng, chuyên khoa y học cổ truyền. Sau 4 năm làm việc tại các Bênh viện Đà Nẵng; Bệnh viện 175 thành phố Hồ Chí Minh; rồi chuyển về công tác tại Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột thêm 1 năm nữa. Vừa học hỏi ở các đồng nghiệp, Y Pốt Niê còn đăng ký học chuyên tu bác sỹ, đến 2015 anh đã hoàn thành lớp chuyên tu tại Đại học Y dược Huế, chuyên ngành đa khoa…
Y Pốt Niê và cà phê bột nguyên chất
Tưởng chừng chàng trai Ê Đê - Y Pốt Niê sẽ tập trung theo nghề chữa bệnh cứu người nhưng không ngờ, đam mê kinh doanh trong người anh lại trỗi dậy mạnh mẽ. Từ những món quà cà phê bột tự rang xay của A ma, A mí ở quê gửi ra trong những năm học nghề, đến các bệnh viện nơi anh làm việc. Y Pốt đều chia cho anh em đồng nghiệp thưởng thức. Ai cũng khen cà phê của gia đình Y Pốt thơm ngon, đậm đà, khác lạ so với cà phê họ thưởng thức ở ngoài thị trường. Y Pốt cảm thấy tự hào và sung sướng. Trong bụng anh âm thầm ấp ủ một ý tưởng. Những ngày lễ, tết được nghỉ về thăm gia đình, Y Pốt không đua theo bạn bè chơi bời mà theo A ma, A mí xem, học hỏi cách rang cà phê thủ công bằng chảo và lửa. Ban đầu Y Pốt cứ tưởng dễ như nấu cơm, nấu nước, nhưng thực tế để có những ly cà phê mà mọi người khen ngon là bao nhiêu mồ hôi, công sức, lẫn sự tinh tế cảm nhận về củi, lửa, nhiệt độ, thời tiết, khí hậu…
Y Pốt không thể ngờ rằng những đơn đặt hàng nhỏ lẻ thông qua anh em bạn bè khắp nơi giới thiệu (một hình thức quảng cáo sản phẩm rất đơn giản là cho, tặng từ hồi đi học mà Y Pốt không hề để tâm) lại mang về hiệu quả lớn như vậy. Số lượng đơn đặt hàng cà phê rang say thủ công của gia đình ngày càng lớn… và điều gì đến cũng phải đến. Y Pốt xin nghỉ việc ở bệnh viện về chuyên tâm phụ giúp A ma, A mí rang, xay cà phê nguyên chất. Anh còn tranh thủ học thêm tiếng Anh đạt đến khả năng nghe, nói thành thạo. Với kiến thức và trình độ của mình, Y Pốt còn tìm hiểu, học hỏi trên mạng xã hội, các diễn đàn kinh tế trên thế giới, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ở khắp nơi, anh đặt thêm yêu cầu cho chính sản phẩm của mình với 3 tiêu chí: cà phê thu hoạch phải đạt 100% hái chín; rang đậm (rang thủ công, rang đều, rang chín); uống sôi (đảm bảo nước pha cà phê 1000 C).
Nguồn nguyên liệu cà phê của gia đình với hơn 1ha cũng không đủ để cung cấp cho các đơn đặt hàng. Y Pốt phải liên kết với nhiều nông dân trong buôn làng; thuê nhân công rang, xay. Tuy nhiên nguồn nguyên liệu không còn đảm bảo sạch, do các hộ nông dân vẫn quen dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học; các nhân công thuê rang cà phê nhiều khi quá lửa dẫn tới, cháy, khét... Để duy trì sản phẩm đảm bảo sạch và chất lượng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Y Pốt quyết định làm ăn lớn, đăng ký hộ kinh doanh cá thể đầu tiên trong xã. Năm 2019 Công ty TNHH Ê Đê Café được thành lập đảm bảo tất cả các thủ tục pháp lý; đăng ký thương hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc trang thiết bị hơn 1 tỷ đồng; Y Pốt còn đầu tư phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho các hộ nông dân trồng cà phê, cung cấp giống nguyên vật liệu bằng hình thức không tính lãi; Yêu cầu người nông dân phải làm theo kĩ thuật của công ty (tiêu chuẩn 4 sao) kết hợp quy trình kiểm tra chặt chẽ từ lúc chăm sóc, đến khi thu hoạch đảm bảo cà phê sạch… sẽ được thu mua giá cao hơn thị trường từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg.
Không chỉ tập trung cho sản phẩm cà phê bột nguyên chất; Công ty TNHH Ê Đê Café còn sản xuất cà phê hòa tan. Các sản phẩm trên thị trường là 3 trong 1 (cà phê + đường + sữa); sản phẩm của công ty là 4 trong 1, ngoài 3 thành phần chính còn có thêm hương vị sầu riêng, hương vị khoai môn đã được thị trường đón nhận; bằng chứng là mức tiêu thụ tăng mạnh cả trong nước và ngoài nước (mỗi ngày trung bình sản phẩm cà phê bột xuất được hơn 5 tạ; cà phê hòa tan hơn 1.000 hộp/90.000đ/hộp). Các thị trường tiêu thụ mạnh trong nước như Tp. Hồ Chí Minh; Hà Nội; Đà Nẵng; Cần Thơ… ngoài nước có Hà Lan, Singapo, Hồng Kông. Năm 2020, sản phẩm cà phê của chàng trai Ê Đê Y Pốt đã đạt tiêu chuẩn 4 sao OCop, được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng Quốc tế ISO 22000:2018 đảm bảo để các sản phẩm của công ty được xuất ra thị trường ngoài nước.
Y Pốt Niê người đeo kính đứng giữa đang giới thiệu sản phẩm với khách nước ngoài
Bên cạnh việc tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các Hội chợ xúc tiến thương mại trên cả nước, Y Pốt Niê còn mở rộng quảng bá hình ảnh, sản phẩm của công ty mình trên sàn giao dịch điện tử Sen Đỏ; Shopee; TiKi; Lazada; Alibaba… thu hút được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng và các nhà đầu tư trên thế giới.
Công ty TNHH Ê Đê Café mở ra đúng thời điểm 2 năm dịch bệnh COVID -19 bùng phát cũng khiến sản lượng tiêu thụ chững lại. Hiện tại, Công ty TNHH Ê Đê Café đang sử dụng thường xuyên gần 20 công nhân, lương bình quân hơn 5 triệu/tháng; ngoài ra còn liên kết với 50 hộ nông dân trồng cà phê (100% là người Ê Đê) mỗi hộ có 1ha cà phê thu hoạch. Thu nhập mới hồi phục sau đại dịch của công ty hơn 100 triệu đồng/tháng.
Với sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi và sự sáng tạo vươn lên của tuổi trẻ, năm 2020 Y Pốt Niê đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp trong và ngoài tỉnh.
Mơ ước lớn nhất của Y Pốt Niê trong thời gian tới là xây dựng được khu nhà xưởng bằng kính, đảm bảo quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo sạch… không bị chi phối bởi thời tiết và tạp chất có trong không khí, sản phẩm của công ty được thị trường thế giới đón nhận nhiều hơn nữa. Khi đó mới đảm bảo tạo công ăn việc làm và thu nhập bền vững, giúp đỡ đồng bào tại chỗ, tiến đến thoát nghèo và làm giàu bằng chính sản phẩm và sức lao động của người dân trên quê hương mình.
Bài và ảnh Trương Nhất Vương