Thân phận bà còng trong bức ảnh vô danh

Bài và ảnh: Trọng Thắng

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội và một số tờ báo dùng bức ảnh này để minh hoạ cho cho bài viết về các bà mẹ, những người lam lũ, vất vả ở vùng quê nghèo khó, những người dành dụm chắt chiu và hi sinh mọi thứ của mình chỉ để có thể nuôi cho con cái họ khôn lớn nên người. Nhưng nhân vật trong bức ảnh này thì quả thực, không phải ai cũng biết tới.


Bức ảnh này được ai đó chụp trên bờ đê ngay trước đình làng tôi (làng Cát Động, xã Kim Bàn, Thanh Oai, Hà Nội) chắc có lẽ vào thời điểm trước 2010 – khi ấy mặt đê vẫn còn là đường đất, sục bùn lên vào những ngày mưa dầm. Nhân vật chính trong bức ảnh là bà Phích, người đàn bà nghèo khổ với cái lưng còng, nhà gần chân đê. Tôi không biết bà còng từ khi nào, nhưng từ lúc tôi còn bé đã thấy lưng bà còng như thế. Có lẽ câu “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” đã vận vào bà từ lâu lắm. Mỗi khi đi ngoài đường, bà luôn cố gắng đi nép thật sát vào rìa đường bên phải, mắt bà luôn chỉ nhìn xuống dưới đất sát bước chân của mình; thỉnh thoảng bà mới nghển cổ nhìn lên phía trước một chút rnồi lại nhìn xuống một cách bình thản. Bà chăm chỉ lắm. Tôi chưa thấy bà đi chân tay không bao giờ; khi thì bà vác cái cuốc, khi thì gánh đôi quang gánh, khi thì cầm cái liềm cắt cỏ... Cứ lầm lũi và cặm cụi từ đồng xuống bãi, ruộng lúa, chòm rau, lao động không mỏi mệt từ lúc cha sinh mẹ đẻ cho đến tận bây giờ. Người ta khi gồng gánh, sức nặng của đòn gánh đều đè lên vai, còn với bà, bà gánh bằng lưng. Có những lần tôi thấy dường như lưng của bà võng xuống khi gánh những vật nặng, nhưng bà vẫn bước, những bước chậm chạp, mòn mỏi song hết sức nhẫn nại và kiên trì. Người trong làng ai cũng quen với hình ảnh đó nên không thấy gì là lạ. Nhà bà có hai anh em, người anh cũng bị còng lưng, mất đã lâu. Nghe đâu khi ông ấy mất, để thi thể ông đặt được vừa với áo quan, người ta phải giẫm lên lưng ông ấy uốn lại cho thẳng. Có lẽ đó là mong mỏi cuối cùng của ông ấy, được nằm một cách đàng hoàng, không còn co quắp khi về thế giới bên kia.

Làng Cát Động hôm nay

Đường làng giờ đã đổi thay, những con đường đầy bùn ngày xưa không còn thấy nữa, nhà cao tầng mọc lên san sát, những thửa ruộng trước xanh những lúa giờ đã biến thành nhà ở. Duy chỉ lưng của bà Phích thì vẫn còng như thế. Bà vẫn lầm lũi vác cái cuốc để hàng ngày mưu sinh trên phần đất đang dần dần thu hẹp lại, và tháng năm, thời gian đang dần ngắn lại trên quãng đời khó nhọc của bà.