Không chấp nhận đi theo lối mòn
TPM : Nghệ nhân khảm trai Mỹ nghệ Nguyễn Đức Biết sinh ngày 12-12-1970 tại Thôn Chuôn Ngọ, Xã Chuyên Mỹ, Huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Sản phẩm tiêu biểu của người Nghệ nhân trẻ này là “Bộ Bình phong 6 tấm khảm hai mặt”. Anh đã đoạt danh hiệu Bàn tay Vàng năm 1996 và nhiều giấy khen, bằng khen trao tặng về những cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của làng nghề khảm trai ốc truyền thống tai quê hương.
một cảnh khảm trai
Nghệ nhân Nguyễn Đức Biết sinh năm 1970, người quê thôn Ngọ, Xã Chuyên Mỹ, Huyện Phú Xuyên, Ngoại thành Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống khảm trai ốc xà cừ Nguyễn Đức Biết làm quen và học nghề này từ năm 12 tuổi. Anh tinh nghề và sớm nhận ra rằng : để thành công trong sự nghiệp khảm trai ốc xà cừ mình không thể thiếu đầu tư suy nghĩ luôn khám phá, sáng tạo ra những mẫu mã, kiểu dáng mới. Chỉ có sự sáng tạo mới có thể đạt tới đỉnh cao của thẩm mỹ và chinh phục được khách hàng trên thương trường.
Với tư duy ấy nên những sản phẩm khảm trai ốc được đưa ra từ xưởng của Nguyễn Đức Biết bao giờ cũng có vóc dáng riêng, phong cách riêng và không lẫn với bất cứ sản phẩm nào của các xưởng bạn. Trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội có rất nhiều nghệ nhân ở các lĩnh vực khác nhau đã thể hiện bức “Chiếu dời đô” bằng các chất liệu khác nhau. Có người bằng gốm sứ, tranh thêu , gỗ, đá quý…Nhưng Nguyễn Đức Biết lại thể hiện trên chất liệu xương trâu. Theo anh, xương trâu là chất liệu bền chắc và điều quan trọng hơn là con trâu gắn chặt với quê hương Việt Nam, với thuở thiếu thời của phật hoàng Lý Công Uẩn. Chất liệu ấy sẽ gợi cho người xem về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta suốt cả nghìn năm qua. Với cách lựa chọn chất liệu độc đáo ấy cộng với bàn tay tài hoa chạm khảm tinh vi, tác phẩm “chiếu dời đô ” bằng chất liệu xương trâu ra đời ngay lập tức đã chinh phục người xem và nhanh chóng đưa tác giả đến với giải tài năng trẻ tiêu biểu.
Một tác phẩm độc đáo khác đã làm nên tên tuổi của nghệ nhân Nguyễn Đức Biết. Đó là bức Bình phong 6 tấm khảm hai mặt. Bức bình phong này có kiểu dáng tao nhã, sang trọng. Mặt trước khảm trai ngọc các tích Kiều, một kiệt tác văn học của nước ta. Mỗi tấm thể hiện một trường đoạn của truyện Kiều như Kim Trọng gặp Kiều; Thúc sinh đón Kiều; Báo ân báo oán; Gia đình đoàn tụ…hai bên có rồng chầu. Mặt sau của bức bình phong gỗ gụ ấy là tranh tứ quý cũng được khảm trai ốc pha màu rất hoàn hảo với những đường nét tinh vi đến kinh ngạc. Tác phẩm được tuyển chọn đi dự thi tại triển lãm Giảng Võ Hà Nội . Và, tỉnh Hà Tây (cũ) đã trao tặng giải nhất “Tuổi trẻ sáng tạo” cho Nguyễn Đức Biết. Sau này Bức bình phong được bán cho một người yêu tranh Hàn Quốc. Yêu vẻ đẹp tuyệt vời của bức bình phong và cảm phục tài hoa của của người nghệ nhân Việt Nam, người yêu tranh trên đã viết trên báo chí của Hàn Quốc : “Làng nghề Chuyên Mỹ của Việt Nam với những sản phẩm làm bằng tay rất độc đáo. Những sản phẩm ấy gắn với truyền thống xa xưa mà ông tổ nghề Trương Công Thành đã dày công xây dựng làng và đào tạo nghề từ Thế kỷ 11 -12 nên mới có được các thế hệ nghệ nhân tài hoa đến thế ”.
Tuy đã thành danh, nghệ nhân Nguyễn Đức Biết vẫn ham học ỏi, tìm tòi và sáng tạo. Sống cuộc sống đạm bạc nơi quê nhà, anh vẫn ngày ngày làm việc với xưởng. Lúc rỗi tranh thủ giúp vợ công việc đồng áng ngày mùa. Anh có một tâm sự rất giản dị và thật đáng yêu:
- Nếu tập trung làm giao thương thì tôi đã giàu từ lâu . Khổ nỗi cứ đam mê cái nghề của cha ông để lại này mà tôi không bao giờ dứt ra được. Càng làm càng thấy yêu nó, và có lẽ tôi sẽ gắn bó với nghề ấy đến hết đời.
- Là một nghệ nhân anh có thể cho biết về bí quyết nghề nghiệp trong quá trình hình thành ý tưởng và sản xuất ra các tác phẩm đã đưa anh đến thành công? Tôi hỏi.
- Theo tôi, Nguyễn Đức Biết khẳng định chắc nịch, người làm nghề phải luôn sáng tạo. Nắm vững kỹ năng nghề nghiệp là yêu cầu bắt buộc, song nếu lười suy nghĩ, chỉ đi theo lối mòn của người khác thì sẽ chẳng bao giờ có được thành công !
- Anh có tham gia đào tạo ra các thợ làm nghề cho quê hương mình chứ?
- Tôi đã dạy nghề cho chừng năm chục người . Họ đều nắm vững nghề nghiệp. Có người đi lập nghiệp ở các tỉnh xa và cũng đã trở thành nghệ nhân có tên tuổi.
- Trong các công trình đã làm anh ấn tượng nhất với công trình nào?
- Tôi là người luôn nhớ về cội nguồn và biết ơn quá khứ, uống nước nhớ nguồn. Chính vì thế tôi đã làm bức khảm trai “Di tích lịch sử” dâng lên đền thờ cụ tổ nghề Trương Công Thành là một trong những sản phẩm mà tôi yêu quý và trân trọng nhất.
V.N.C