Tiếp theo nhật ký của Hoa Lý
Thứ Hai – 24/03/2014 – một ngày nắng đẹp, vợ chồng tôi đi siêu thị mua mấy thứ cần thiết. Cả hai siêu thị gần nhà vốn tấp nập mà nay vắng tanh. Khu hàng điện máy hầu như không có bóng người vào ra. Trước đây, nhân viên cửa hàng mặc kệ khách ngắm nghía, thậm chí nếu muốn mua một món đồ nào đó cần hướng dẫn họ cũng rất hờ hững. Nhưng hôm nay họ nhiệt tình hỏi han, giới thiệu cặn kẽ, cảm ơn rối rít...
Hàng điện máy trong siêu thị ế chỏng chơ - Ảnh: Hoa Lý
Khu hàng may mặc cũng không có người qua lại. Nhân viên bán hàng ngồi ngáp dài, ngắm manơcanh. Người nào mang theo máy tính thì vào mạng chơi game, người thì buôn điện thoại cả tiếng đồng hồ.
Khu hàng rau quả, thực phẩm khả dĩ hơn dù rất lèo tèo. Tuy nhiên, vì nhiều mặt hàng tăng giá khoảng 20% so với trước đây nên sự ngỡ ngàng hiện rõ trên từng gương mặt vốn đã nhiều ưu tư. Khủng hoảng chính trị dẫn tới khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nặng nề tới đời sống dân thường.
Dân thành phố thất nghiệp. Nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động cầm chừng, nợ lương công nhân. Đồng lương của các ngành phục vụ xã hội như y tế, giáo dục không đủ sống. Ngay cạnh chỗ chúng tôi bán hàng có mấy y tá đêm đi làm, ngày tranh thủ chạy chợ thêm thu nhập.
Vùng nông thôn cũng vô cùng ảm đạm, người dân gần như tự cung tự cấp trong khu đất riêng có đủ vườn cây ăn quả, có ruộng trồng rau màu, chăn nuôi gia súc... vào các phiên chợ chính thứ 5, thứ Bảy, Chủ nhật họ mang lên thành phố bán những nông phẩm, và số tiền đó đổi thành những sản phẩm văn minh của thành phố: Đồ gia dụng, quần áo đẹp, điện thoại di động, cao cấp hơn là máy tính... Có thể nói, cuộc sống tuy vất vả nhưng bù lại là sự bình yên và tiêu dao trong không gian thoáng đãng của những làng quê êm đềm, những bình nguyên bát ngát. Vậy mà giờ đây:
- Các bạn Việt Nam ơi, nhà tôi có 3 con lợn, làm ơn mua giùm đi, tôi không còn thức ăn để nuôi chúng nữa – Một bà nông dân nói vậy.
Mấy anh em người Việt rủ nhau xuống nhà bà cách thành phố 40 phút xe ô tô, bà đon đả chạy ra:
- Ôi, tôi cứ tưởng các bạn lừa tôi – kèm theo nụ cười chất phác, bà giơ chiếc xô đựng cám lên gõ cồng cộc:
- Đấy, các bạn coi, chẳng còn gì nữa. Cám dự trữ của nhà đã hết sạch, mà đi mua thì một tiền gà ba tiền thóc (Tôi dịch lại lời chồng theo ngôn ngữ Việt Nam) – khổ thế...
Vậy là chú lợn nhỡ bị hoá kiếp vào thứ Hai tuần trước, còn hôm nay là chú lợn to. (Lần đầu tiên chứng kiến người Việt Nam giết lợn bà ngạc nhiên lắm: không hiểu họ đun nước để làm gì ấy nhỉ? Vì ở bên này không dội nước nóng và cạo lông lợn như bên ta mà chọc tiết rồi dùng đèn khò cho cháy hết lông. Vì vậy, thịt lợn ăn có mùi hôi, rất khó chịu. Mỗi lần mua được thịt lợn do người Việt mình giết mổ đem bán là coi như được một bữa hoành tráng.)
Trở lại chuyện của chúng tôi, hai tuần – hai bữa thịt lợn tươi. Cánh đàn ông được 2 bữa tiết canh hể hả với lòng dồi, cánh đàn bà xì xụp với món cháo... nghe như chuyện tiếu lâm! (bên này nuôi lợn bằng cám ngô và bí đỏ nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm).
Đã sang xuân từ 01/03, tuy nhiên mặt đất vẫn còn lạnh dù nắng đã bắt đầu bừng lên chiếu sáng vòm trời. Chuẩn bị mùa gieo trồng. Khắp các góc chợ, vỉa hè, thậm chí cả trong siêu thị đều bán cây giống. Những bà già móm mém cho tới những cô gái trẻ chăm nom những quầy hàng từ giống hoa cho tới giống cây ăn quả đủ loại. Rồi đây, những mầm xuân sẽ nõn nà vươn lên, bừng bừng sức sống. Sẽ rạng rỡ những màu hoa, ngọt ngào bao thứ quả dâng hiến cho đời!..
25/03/2014, Đỗ Thị Hoa Lý
Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga
Đại diện TÁC PHẨM MỚI tại Ucraina