Hội thảo Quyền Sao chép và vai trò Quản lý tập thể

Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) thành lập từ 21/5/2010, đến ngày 30/12/2013, Vietrro đã có trên 3.233 hội viên cá nhân và 159 tổ chức gia nhập. Trên cơ sở ủy quyền, hiện nay Vietrro đang quản lý trên 32 000 tác phẩm viết bao gồm trên 22 000 tác phẩm phi hư cấu và trên 10 000 tác phẩm hư cấu.


TS. Cao Kim Ánh, PGS.TS Bùi Ngọc Sơn và Chuyên gia Sở hữu trí tuệ Đỗ Khắc Chiến

 

Hội thảo Quyền Sao chép và vai trò Quản lý tập thể

Ngày 26/3/2014, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) phối hợp với trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo Quyền Sao chép và vai trò Quản lý tập thể.
Dự Hội thảo, về phía Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam có Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Đại diện Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam; một số ủy viên Ban Chấp hành, cùng các cán bộ nhân viên Ban điều hành Vietrro, các chuyên gia nước ngoài và phóng viên báo chí quan tâm đến chủ đề bảo vệ bản quyền. Về phía trường Đại học Ngoại thương, có PGS.TS Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng trường; các giảng viên và đông đảo sinh viên.
Chuyên gia Sở hữu trí tuệ Đỗ Khắc Chiến
Chuyên gia Sở hữu trí tuệ Đỗ Khắc Chiến, nguyên Phó Cục trưởng Cục bản quyền Tác giả Việt Nam đã có bài thuyết trình về Quyền sao chép và vai trò quản lý tập thể. Đã từ lâu, Việt Nam là thành viên của các điều ước quốc tế quan trọng. Pháp luật quyền tác giả bao gồm pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế qui định: Tác phẩm văn học và nghệ thuật (tác phẩm) được thừa nhận và bảo hộ với tư cách là một loại tài sản tư, thuộc phạm trù tài sản đặc biệt, hoặc tài sản vô hình, thường gọi là TÀI SẢN TRÍ TUỆ. Tác giả hoặc người nắm giữ quyền tác giả có quyền năng loại trừ việc người khác sử dụng tài sản trí tuệ của mình. Tuy nhiên, vẫn tồn tại mâu thuẫn lợi ích giữa tác giả và người sử dụng: người sử dụng muốn thu lợi ích tối đa, còn công chúng muốn hưởng thụ tác phẩm với sự lựa chọn phong phú, chất lượng cao và giá rẻ
Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có chức năng giúp tác giả khai thác tối đa giá trị kinh tế từ việc sử dụng tác phẩm; trên nguyên tắc xác lập trạng thái cân bằng hợp lý hoặc hài hòa lợi ích giữa các bên, chủ yếu dựa vào qui luật cung cầu của thị trường. Bằng giải pháp sử dụng công cụ quản trị thích hợp, để nâng cao hiệu quả chi phí, không hi sinh quyền lợi của bất kỳ một bên nào. Theo ủy quyền của tác giả, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam sẽ theo dõi việc sử dụng tác phẩm, thương lượng, cho phép sử dụng tác phẩm, thu tiền thù lao sử dụng tác phẩm và phân phối thù lao đó theo qui định của pháp luật. Vietrro đóng vai trò trung gian hoặc cầu nối giữa tác giả và người sử dụng. Nhà nước ở đây đóng vai trò ban hành pháp luật, chính sách và can thiệp khi cần thiết.
TS. Cao Kim Ánh, Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam
TS. Cao Kim Ánh, Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đã trình bày về tổ chức, cơ cấu của Vietrro. Thành lập từ 21/5/2010, đến ngày 30/12/2013, Vietrro đã có trên 3.233 hội viên cá nhân và 159 tổ chức gia nhập. Trên cơ sở ủy quyền, hiện nay Vietrro đang quản lý trên 32 000 tác phẩm viết bao gồm trên 22 000 tác phẩm phi hư cấu và trên 10 000 tác phẩm hư cấu.
Buổi Hội thảo diễn ra rất sôi nổi. Chuyên gia Sở hữu trí tuệ Đỗ Khắc Chiến đã tỏ ra hào hứng khi thấy các giảng viên cuả trường Đại học Ngoại thương và sinh viên liên tục đưa ra các câu hỏi, chứng tỏ việc bảo vệ Quyền Sao chép và vai trò Quản lý tập thể thu hút sự quan tâm của nhiều người...

Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Chủ tịch Vietrro và PGS.TS Bùi Ngọc Sơn.