Tiếp Nhật ký của Hoa Lý
Thứ Ba - 15.04, trời tiếp tục mưa tầm tã, may không có gió lạnh. Chợ búa vẫn “vắng như chùa Bà Đanh”. Tình hình Ucraina phức tạp hơn. Diễn biến nóng lên ở sân bay quân sự Kramatorsk tỉnh Donetsk và thành phố Slaviansk. Vừa hôm qua nghe chính quyền tuyên bố sẽ thẳng tay trừng trị quân ly khai, hôm nay người biểu tình đã bắt trói lực lượng an ninh. Xung đột ngày càng tăng trước thời hạn bầu cử sớm vào 25/05. Bạo loạn ở các tỉnh miền Đông dẫn tới thương vong, 2 quân nhân bị bắt cóc. Trên thế giới, cuộc tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia vẫn tiếp tục. Tàu ngầm được điều tới nhưng chỉ lặn được 40’ lại phải trồi lên mà chưa tìm được tung tích gì.
Thứ Tư – 16.04, bầu trời nặng trĩu nước và tiếp tục mưa tầm tã.
Tin thế giới: Chìm phà ở Hàn Quốc, gần 400 người mất tích.
Tại Việt Nam, dịch Sởi bùng phát, hơn 100 trẻ em đã thiệt mạng. Tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng báo động tình trạng dịch Sởi nhất là các nước đang phát triển.
Chính trị tại Ucraina - tỉnh Volyn căng thẳng. Dân thường chạy bộ chặn xe tăng, 6 xe bọc thép được chuyển giao cho phe biểu tình...
Đời sống dân sinh tiếp tục khó khăn khi giá các phương tiện công cộng đã tăng khoảng 30%. Giá lương thực, thực phẩm tăng từ 20 đến 25%, thậm chí hơn.
Thứ Năm – ngày 17/04, trời vẫn mưa dù đã mưa cả một ngày một đêm qua. Trước Lễ Phục sinh, đồng hryvnia vẫn mất giá khiến dân thường lao đao! Hàng hoá ế ẩm vô cùng. Phần lớn các tiểu thương không cáng đáng nổi chi phí: tiền thuế, bảo hiểm hưu trí, thuê mặt bằng, nhân viên...
Thứ Sáu – 18.04, hửng nắng lên chút nhưng đường sá vẫn vắng tanh. Tôi đi sắm ít đồ chờ các con về nghỉ Lễ. Dưới cổng chung cư, thấy dân vun xới vườn hoa, trẻ em ríu rít vây quanh hào hứng. Dừng bước hỏi thăm, bà hàng xóm nói hôm nay Lao động Cộng sản (субботник – đúng nghĩa) và tôi cho rằng hiểu theo nghĩa mới cho phù hợp với hoàn cảnh phải là “Lao động công ích”.
Vào siêu thị, thấy bánh kẹo Phục sinh bán rất nhiều mà khách vẫn vắng hoe. Nhìn đến quầy bánh lại nhớ tới tên gọi ngày Lễ Phục sinh được người Việt mình chuyển ngữ một cách vô cùng thú vị. Cô bé hàng xóm của tôi mới sang Ucraina được chừng 7 năm, có cách diễn giải ngày này là Lễ Đập trứng. Còn bạn tôi bên Đức kể, bên ấy người Việt Nam mình dịch còn hay hơn - Lễ Thỏ đẻ... Có người dân nước nào chuyển ngữ sáng tạo như người Việt mình không nhỉ? Tôi nghĩ – Đây phải chăng là sự giao thoa văn hoá???
Gần 4 h sáng thứ Bẩy – 19.04, con gái về trên đoàn tàu chật cứng sinh viên về nghỉ Lễ. Để con gái ngủ thoải mái cho bõ những ngày đèn sách, đến trưa thứ Bẩy thì con trai về tới nhà, cu cậu chuẩn bị bữa trưa thật chu đáo với phở bò chờ bố mẹ. Dù không theo Công giáo nhưng tôi cũng mua bánh Phục sinh và luộc trứng trang trí để các con cảm nhận không khí Lễ trên nước sở tại vào ngày mai. Đã lâu mới có dịp cả nhà thong thả, ấm cúng bên nhau.
Chồng và con trai coi đá banh. Tôi và con gái thủ thỉ chuyện trò. Vốn là người ít nói nhưng hôm nay tôi trò chuyện với con rất lâu, thấy con gái trưởng thành lên nhiều cả trong suy nghĩ và hành động. Qua đó, tôi cũng hiểu thêm về giáo dục bậc Đại học của nước bạn. Với chuyên ngành Y, các con được dạy trước tiên phải đề cao Y đức. Tự con quyết định tham gia thêm các hoạt động xã hội để gây quỹ từ thiện cho trẻ em có tên gọi “TỪ TRÁI TIM ĐÊN TRÁI TIM” – khiến tôi thực sự xúc động! Con nói, nếu chỉ học tốt chưa đủ mẹ ạ, con cần tham gia các hoạt động ngoại khóa thì mới được cộng thêm điểm vào năm học tới đó là: Gây quỹ cho trẻ em và hát trong dàn hợp xướng của trường. Trước Tết, Dàn hợp xướng của trường con đi thi đã đạt Giải nhất trong khối sinh viên các trường Đại học Y. Và hè này, có lẽ con sẽ tham gia với Ban tuyển sinh để hỗ trợ, hướng dẫn các thí sinh nộp hồ sơ vào Đại học. (Bên Ucraina thi trắc nghiệm, có điểm mới nộp đơn đăng ký vào các trường Đại học theo các môn thi của các khối). Thực sự mừng vì chưa hết một năm học con đã biết thêm được nhiều điều, lớn lên về nhân cách!..
Chủ nhật 20/04, chính Lễ Phục sinh (tiếng Ucraina là Paskha - Từ này bắt nguồn từ tiếng Do Thái cổ, có nghĩa là "vượt lên" và "giải thoát" - như vậy, sự kiện Đức Chúa Phục sinh tượng trưng cho việc vượt qua cái chết để trở về sự sống, từ mặt đất lên trời. Lễ Phục sinh được Giáo hội chính thức ấn định từ năm 325 sau Công nguyên). Theo phong tục truyền thống, người dân Ucraina đi Lễ nhà thờ từ 12 giờ đêm. Bánh Phục sinh, trứng luộc đã trang trí cùng với giò... được xếp vào chiếc giỏ xinh xắn, bên trên đậy bằng khăn thêu hoa văn rất đẹp. Những phụ nữ vào nhà thờ đội những chiếc khăn trên đầu tượng trưng cho sự thành kính và thành tâm dâng lễ vật lên Đức Chúa Giêsu mà theo truyền thuyết ngài đã sống lại sau khi lấy cái chết của mình chuộc lỗi của loài người.
Mọi năm, vào dịp Lễ Phục sinh trời nắng chang chang, có thể mặc áo phông ra đường và người dân thường rủ nhau đi nướng thịt (thịt nướng có tên gọi шашлык - Shashnyk). Nhưng năm nay trở trời cứ mưa tầm tã cả ngày nên đường phố không hề có tiếng xe cộ qua lại. Cả nhà tôi quây quần bên nhau thưởng thức bánh Phục sinh và sau đó nghe con gái ôn lại những bản nhạc cổ điển của Bethoven, Mozart, Tchaikovsky... trên cây đàn Piano bóng màu thời gian! Trong bối cảnh bất ổn, những giai điệu bác học vang lên như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Cùng những tín đồ Chính thống giáo, cầu nguyện cho đất nước Ucraina thanh bình là tâm nguyện của mỗi người dân sống trên xứ sở xinh đẹp này!.. Cảm ơn con gái, cảm ơn các thầy cô đã cùng chúng tôi gieo thêm niềm hy vọng cho cuộc sống mãi xanh tươi!
20/04/2014, Đỗ Thị Hoa Lý – Hội VHNT Việt Nam tại Liên bang Nga- Đại diện TPM tại Ucraina
Tin cùng chuyên mục
“Quan tiến sĩ” giúp gì cho việc trị nước?
21/03/2014
Nhật ký Kiev (phần 4)
19/03/2014
Một chặng Vạn lý Trung Hoa
18/03/2014
Chiến trường không như trong phim!
18/03/2014