Chiến trường không như trong phim!

“Còn nhớ, khi bộ phim "Ngã ba Đồng Lộc" mới khởi chiếu, tôi và nhiều người háo hức đi xem. Bởi, phim nói về 10 nữ thanh niên xung phong, đã anh dũng hi sinh trên quê hương chúng tôi và đoàn làm phim lấy Ngã ba Đồng Lộc làm bối cảnh chính. Khi làm phim này, nhiều sinh viên trường tôi (Trường CĐSP Hà Tĩnh – bây giờ là Trường Đại học Hà Tĩnh) đã tham gia đóng phim. Nhưng xem được giữa chừng, nhiều người bỏ về vì thất vọng”

CHIẾN TRƯỜNG KHÔNG NHƯ TRONG PHIM!

Lê Văn

(Bài đăng TÁC PHẨM MỚI  số 3/2013)

“Còn nhớ, khi bộ phim "Ngã ba Đồng Lộc" mới khởi chiếu, tôi và nhiều người háo hức đi xem. Bởi, phim nói về 10 nữ thanh niên xung phong, đã anh dũng hi sinh trên quê hương chúng tôi và đoàn làm phim lấy Ngã ba Đồng Lộc làm bối cảnh chính. Khi làm phim này, nhiều sinh viên trường tôi (Trường CĐSP Hà Tĩnh – bây giờ là Trường Đại học Hà Tĩnh) đã tham gia đóng phim. Nhưng xem được giữa chừng, nhiều người bỏ về vì thất vọng”. Phim này chiếu ở đâu, khán giả đón nhận nó ra sao, tôi không biết, nhưng đưa về ngay nơi đã diễn ra sự kiện để chiếu, khán giả thấy hụt hững bởi những gì diễn ra trong phim không như sự thật. Sự thật đã diễn ra ở Ngã ba Đồng Lộc khốc liệt hơn, đau thương hơn và thấm đẫm nghĩa tình hơn trong phim rất nhiều!

Hiện tôi là giảng viên trường đại học. Trước đây, nhiều năm tôi đã chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đọc Nhật kí Đặng Thùy Trâm, tôi vô cùng cảm động bởi tính chân thật của nó. Cuốn Nhật kí Đặng Thùy Trâm cùng nhật kí của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (Mãi mãi tuổi Hai mươi) v.v.. là hiện tượng xuất bản năm 2005. Hai cuốn Nhật kí ấy đã làm lay động hàng triệu trái tim người đọc.

Khi biết câu chuyện của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ghi trong nhật kí được dựng thành phim – Phim “Đừng đốt” - tôi lại háo hức đi xem. Công nhận rằng, bộ phim có nhiều thành công và nhiều bài báo đã đánh giá về sự thành công của bộ phim này nên tôi không nhắc lại. Ở đây, xin được nêu những vấn đề khiến tôi thất vọng. Tôi đã từng chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên vào những năm ác liệt nhất. Xem phim lại thấy, những cảnh trong phim chẳng giống như cảnh thật ở chiến trường. Thế hệ chúng tôi từng là nhân chứng của cuộc chiến tranh, nhiều người đã có một thời sống, chiến đấu như nhân vật Đặng Thùy Trâm, có khi còn ác liệt hơn, vậy mà cảnh và người trong phim thơ mộng quá! Đành rằng, con người, cảnh vật trong phim phải điển hình hoá, phải là hình tượng hoá, nhưng xem xong tôi không thấy có một chiến trường khốc liệt, những người lính gian khổ mà lạc quan, thắm tình đồng đội…

Một bộ phim có giá trị về tư tưởng, về lịch sử, về giáo dục lớn như vậy mà đạo diễn chưa lột tả hết cái ác liệt, tàn khốc vốn có của nó thì thật đáng tiếc. Người ta bảo tàn khốc, nhưng trong phim, cảnh chiến trường, gam màu chủ đạo của núi, của rừng là màu xanh. Chiến trường ở miền Trung những năm ác liệt ấy, làm gì có những cánh rừng như vậy ở vùng giáp ranh - nơi tiếp giáp giữa ta và địch. Tất cả phim, không hề thấy một cảnh rừng núi nào bị bom pháo cày xới tả tơi. Trong nhật kí tôi ghi là nhiều cánh rừng, không thể tìm thấy một mảng màu xanh. Ngược lại, ở trong phim “Đừng đốt”, không thể tìm thấy một cành lá vàng úa?! Rồi cảnh đồng bằng, một cánh đồng lúa tốt tươi, mênh mông trong cảnh lính Mĩ bắn chết cô gái giữa cánh đồng, xem cứ như trong mơ vậy.

Sau chiến tranh, đã có một thời gian tôi sống ở vùng Phổ Cường - Đức Phổ - Quảng Ngãi – nơi xảy ra câu chuyện trong phim. Vùng giáp ranh ở đấy chắc hẳn trong chiến tranh không còn nguyên sinh như trong phim. Cánh đồng lúa hồi ấy chắc cũng không được "thẳng cánh cò bay" tốt tươi như trong phim. Đưa cảnh vào phim như vậy làm cho người xem, nhất là thế hệ trẻ sẽ hiểu sai về cuộc chiến tranh vĩ đại ấy của dân tộc. Vậy là mục đích tuyên truyền, giáo dục; tính lịch sử của phim phần nào đã bị phản ánh sai lệch, hạn chế.

Một điều khác, sự chưa chân thực của phim là trang phục của diễn viên, từ quần áo, cái mũ, chiếc võng...; mới quá, lành lặn quá, sạch sẽ quá. Tôi nhớ, 4 năm ở chiến trường, tôi chỉ dùng có vài ba bộ quần áo thôi. Có khi, 6 - 7 tháng chỉ độc một bộ trên người. Ở chiến trường ác liệt, không chỉ có tôi mà chắc chắn người chiến sĩ nào cũng vậy. Tuy trang phục của diễn viên không đến mức mới, đẹp như nhiều bộ phim nói về chiến tranh của ta, nhưng vẫn có cảm giác như tất cả vừa mới được giặt là vậy.

Điều khác nữa cần nói khi xem phim. Có lẽ do kĩ thuật sao chép phim quá tồi nên âm thanh quá tệ. Tiếng không rõ, tạp âm quá lớn, vậy là nhiều đoạn chỉ xem hình, chẳng biết nhân vật trong phim đang nói gì.

Xem xong phim tôi thấy buồn. Rồi sinh viên sẽ nghĩ gì về mình, khi nhật kí của tôi (tập sách “Một thời lính trận” – sách nằm trong “Tủ sách mãi mãi tuổi hai mươi”) ghi cảnh chiến trường thật khốc liệt, khi tôi kể chuyện những năm tháng ở mặt trận thật gian nan, khi nhiều bài viết của tôi đăng trên trang Web của trường về đề tài chiến tranh không phải như trong phim? Thầy cứ luôn kể về chiến trường, luôn viết nơi thầy chiến đấu, ở đó rừng núi tan hoang, xác xơ, bằng địa; rằng nhiều cánh rừng cây cối bị bom pháo vằm chém, đào xới đến tả tơi. Thầy bảo, có khi ra chốt mấy tháng trời chỉ độc một bộ quần áo. Ấy vậy mà khi xem phim “Ngã ba Đồng Lộc”, rồi "Đừng đốt" và nhiều bộ phim khác của ta về đề tài chiến tranh Việt Nam, nào có thấy cảnh như thầy kể. Biết đâu thầy đã nói dối, viết dối?! Nếu cứ xem nhiều phim như vậy, rồi sinh viên - học sinh - thế hệ trẻ sẽ tin vào tôi, tin nhiều cựu chiến binh đang đứng trên bục giảng, tin liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm, tin Nguyễn Văn Thạc...hay tin các nhà làm phim?