Vì sao Điện ảnh VN...giật lùi? (II)
Trước Khai mạc lễ trao giải Cánh diều vàng 2014, tacphammoi.net giới thiệu tiếp Phần II: VÌ SAO NỀN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM...GIẬT LÙI?
Cảnh trong phim tham gia giải lần này
NHỮNG BỘ PHIM “TRA TẤN” KHÁN GIẢ
Kịch bản “nghèo” ý tưởng, phi logic. Tình tiết dàn dựng ngô nghê, sơ sài. Diễn viên đi lại như con rối thoại những lời vô nghĩa… Đó là “chân dung” của hàng loạt những phim Việt “thảm họa” được sản xuất năm 2013.
Nhan nhản những bộ phim “thảm họa” đã đăng ký tham dự giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh năm nay. Như thường lệ, vào những ngày này, nếu đọc báo- người ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt những bài viết giật tít (title) quen thuộc kiểu “Phim “thảm họa” tràn lan Cánh Diều Vàng”, hay, “La liệt phim “thảm họa” tham dự Cánh Diều Vàng”… Hàng chục năm trở lại đây, trước thềm bất kỳ giải thưởng điện ảnh nào, từ liên hoan phim đến Cánh Diều Vàng, những bài viết điểm tên các “thảm họa” phim Việt đều được đăng tải rộng rãi.
Lý do đơn giản, phim “thảm họa” quá nhiều, và ngày càng “thảm họa” hơn.
Ban giám khảo thể loại phim truyện điện ảnh của giải thưởng Cánh Diều Vàng 2014 vừa có những ngày chấm “kinh hoàng” tại Hội Điện ảnh. Bốn ngày chấm giải, mỗi ngày xem 3- 4 bộ phim, ban giám khảo phải “khóc dở- mếu dở”. Có những phim “dán mác” phim hành động, nhưng thay vì những phút gay cấn, hồi hộp cần có, phim lại… gây cười từ đầu đến cuối bởi sự ngô nghê, phi lý. Có phim tâm lý lấy đề tài là cuộc sống chông gai của người nghệ sỹ, lẽ ra phải gây xúc động, day dứt cho người xem, nhưng từ đầu đến cuối, phim gây ức chế đến mức… đau đầu vì những tình tiết ngây thơ đến mức không tưởng của một kịch bản yếu kém, sơ sài.
Kịch bản yếu kém. Đạo diễn bế tắc. Diễn viên “ngây thơ”… Là những “phác thảo” chung cho bức “chân dung” của các phim “thảm họa”.
NSƯT Nguyễn Chánh Tín đến tham dự Cánh Diều Vàng lần này với tư cách đạo diễn. Anh mang theo bộ phim Hiệp sĩ guốc vông để dự tranh Diều Vàng. Chỉ tiếc, đó lại là một phim “thảm họa”.
Phim xoay quanh một hiệp sĩ guốc vông bí ẩn, luôn ra tay hiệp nghĩa với người gặp nạn ở bất cứ đâu (từ ông ăn xin vỉa hè đến gái nhảy vũ trường). Có thể nhận thấy sự nỗ lực của đạo diễn khi cố gắng xây dựng hình ảnh một hiệp sĩ thật… “nguy hiểm”, bí ẩn có, đẹp trai có, giản dị có, đời thường có, chỉ tiếc mỗi tình tiết xuất hiện của hiệp sĩ đều được giải quyết quá thô sơ, thậm chí ngô nghê, thừa thãi.
Hiệp sĩ guốc vông được xây dựng trên một kịch bản quá yếu về tình tiết. Nhân vật hời hợt. Câu chuyện dàn trải, không điểm nhấn. Chưa kể những tình tiết gây cười gượng ép. Sự xuất hiện vô duyên của các diễn viên hài như Hồng Sơn, Chí Tài khiến cho Hiệp sĩ guốc vông giống như một… “phim tạp kỹ”. Phim kết thúc có ý gây bất ngờ cho người xem, nhưng chi tiết một nhà xuất bản đến tận nhà đưa tiền cho tác giả kịch bản chỉ càng cộng thêm cho phim một tình tiết phi lý, và cũng chỉ càng chứng tỏ thêm sự bế tắc của biên kịch, đạo diễn. Họ đã không thể tìm ra được một cái kết đỡ tệ hơn cho phim.
Tác phẩm mới Gác kiếm của đạo diễn Tạ Huy Cường cũng được kể đến như một… “thảm họa”. Đạo diễn Tạ Huy Cường từng được nhắc đến trong dự án phim đã bị cấm phát sóng Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long, năm 2011. Với tác phẩm mới Gác kiếm, đạo diễn muốn kể một câu chuyện “phim lồng trong phim” về chuyện thanh toán ân oán giang hồ của hai băng nhóm. Phim có ý đan xen tình tiết “phim lồng phim” để tạo bất ngờ cho khán giả. Chỉ tiếc, câu chuyện rời rạc, tình tiết sơ sài đã biến bộ phim về chuyện ân oán giang hồ thành… trò cười cho khán giả.
Gác kiếm
Gác kiếm là câu chuyện điển hình cho lối xây dựng tâm lý nhân vật mờ nhạt. Dẫu gồng mình khoác cho mình bộ mặt dữ dằn, ghê rợn, nhưng những nhân vật “anh, chị” của Gác kiếm chỉ phô diễn sự nông cạn, đơn giản. Tỏ ra “hiểm ác”, nhưng chỉ là câu chuyện tranh giành chỗ làm ăn ở một chợ quê nghèo khổ, những nhân vật giang hồ xăm trổ đầy mình, mặt mày gai góc của Gác kiếm ngay từ đầu đã chỉ trình diễn những màn… tấu hài về giới giang hồ.
Và cũng giống như Hiệp sĩ guốc vông, kết thúc tưởng như mang lại sự bất ngờ cho Gác kiếm, kỳ thực chỉ thể hiện duy nhất một điều, đó là: sự bế tắc, sự nghèo nàn về ý tưởng của biên kịch cũng như đạo diễn.
So trên “tầm thấp” chung của đa số các phim tham dự Cánh Diều Vàng năm nay, bộ phim được mệnh danh “thảm họa nhất trong các thảm họa” thuộc về Sau ánh hào quang của đạo diễn Lê Hữu Lương. Bộ phim “bứt phá” khỏi tất cả những lý thuyết cơ bản của một tác phẩm điện ảnh. Xem Sau ánh hào quang, đừng bao giờ bàn đến diễn biến tâm lý nhân vật, đừng bàn đến tính logic của tình tiết, đừng xem xét tính đời sống của kịch bản… Sau ánh hào quang là bộ phim không có bất kỳ sự hợp lý nào cả!
Xuyên suốt bộ phim có thể nhận thấy nỗi niềm “làm phim trong sợ hãi” của đạo diễn. Đạo diễn luôn sợ khán giả không hiểu phim của mình nên liên tục để diễn viên độc thoại. Độc thoại, kể lể, dẫn dắt những lời ngô nghê kiểu như, “phòng tranh này có nhiều tác phẩm đẹp quá, mình phải đến xem mới được”- và cảnh kế tiếp sẽ là cảnh nhân vật đến phòng tranh… Dẫu không phải là một phim hài, nhưng Sau ánh hào quang “chiêu đãi” khán giả những tràng cười đầy ức chế từ đầu đến cuối.
Nếu bạn không muốn người yêu cũ nhận ra mình (sau nhiều năm không gặp), hãy dán một nốt ruồi lên khóe môi, anh ấy sẽ không thể nhận ra. Đó là cách xây dựng tình tiết của Sau ánh hào quang. Một anh yêu người yêu cũ hết mực, luôn tìm cách nối lại, nhưng khi hay tin người yêu cũ sắp cưới chính bố vợ của mình, anh quay sang thẳng tay… tát vợ vì cô này có ý phản đối đám cưới. Cô họa sỹ bỗng nhiên được mời đóng phim, lại vào vai nữ chính trong bộ phim có người yêu cũ đóng nam chính, và rồi, khi họ đang diễn xuất, anh nam chính bỗng bắn chết người yêu cũ bằng khẩu súng đạo cụ (mà đạo diễn không hề hay biết)…
Các nhân vật cứ “hồn nhiên” lao vào bối cảnh, lao vào cảnh phim một cách bất ngờ, với tâm lý thay đổi liên tục… Sau ánh hào quang khiến khán giả phải “chóng mặt” khi kiên nhẫn ngồi theo dõi tình tiết phim.
Trả lời phóng viên Dân trí trước chất lượng “thảm họa” của đa số phim tham dự Cánh Diều Vàng năm nay, đạo diễn- NSƯT Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ, “Hiện tại, ban giám khảo chưa họp, chưa công bố kết quả cuối cùng nên tôi chưa thể bày tỏ được gì nhiều. Tôi chỉ có thể nói thế này, do số lượng phim tham gia dự giải quá ít, BTC không có vòng chọn lọc, nên BGK chúng tôi phải ngồi xem cho hết các phim với chất lượng không đồng đều. Với những bộ phim “thảm họa” như bạn nói, chúng tôi cố gắng xem cho hết, để hy vọng, trong một phim tệ như thế, liệu có le lói một nhân vật phụ, hay một phần xử lý âm thanh, ánh sáng nào đó có thể tốt chăng?!”.
Khi được hỏi, “Theo đạo diễn, có nên có giải cho những bộ phim tệ nhất trong năm?”. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn trả lời, “Có, tôi nghĩ là nên có. Nhưng ai, tổ chức nào sẽ đứng ra trao giải? Sẽ khó đấy!”.
(Theo Dân Trí)
PHIM VIỆT NGÀY CÀNG XA LẠ VỚI... NGƯỜI VIỆT
Nhiều ý kiến cho rằng, càng ngày, phim Việt càng trở nên xa lạ với chính khán giả Việt. Và một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là những người làm phim đã mải chạy theo yếu tố câu khách mà quên chăm chút cho bản sắc dân tộc trong mỗi bộ phim. Trước sự cấp bách của tình trạng này, một cuộc hội thảo với tên gọi "Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam" đã được Hội Điện ảnh, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua.
Không cần tìm đâu xa xôi, chỉ cần nhìn vào danh sách các phim tranh giải Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 18 sắp tổ chức tới đây chúng ta sẽ thấy rõ tình trạng này. Trong buổi họp báo về LHP, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: LHP lần này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sản xuất, hãng phim hơn các liên hoan trước. Tính cho tới thời điểm này đã có gần 20 phim đăng ký tham dự. Tuy nhiên, theo đánh giá của báo chí và những người làm nghề, trong số các phim tham gia tranh giải lần này, thật khó có thể tìm thấy một bộ phim nào mang giá trị nghệ thuật cao chứ chưa nói tới việc mang được hồn cốt dân tộc trong đó. Thậm chí khá nhiều phim bị xếp vào diện "thảm họa" như "Giấc mộng sang giàu", "Đam mê", "Ranh giới trắng đen", "Cát nóng", "Hiệp sĩ Guốc Vông"… Những phim này hoàn toàn mất hút ngay từ khi vừa công chiếu.
Một điều đáng buồn là dường như điện ảnh Việt Nam đang đi vào tình trạng "phú quý giật lùi". Trong thời kỳ điện ảnh Việt Nam còn sơ khai với biết bao khó khăn, thiếu thốn, ấy vậy mà chúng ta vẫn có được những bộ phim không chỉ hay mà còn mang đậm bản sắc dân tộc. Từ những bộ phim đầu tiên "Chung một dòng sông", "Chị Tư Hậu" đến những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu sau này như "Chim vành khuyên", "Nổi gió", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Đến hẹn lại lên", "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng Mười"… khán giả đều thấy hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được các đạo diễn khắc họa rất sinh động.
Còn những bộ phim hiện nay thì sao? Nhiều người cho rằng, có những bộ phim truyện nhựa Việt Nam chiếu rạp hiện nay, nếu thay phần thoại bằng tiếng Việt thành ngôn ngữ khác như Hàn Quốc, Thái Lan thì rất dễ bị khán giả hiểu là phim của các nước đó. Nhìn vào số lượng những bộ phim được sản xuất thời gian gần đây, một điều dễ nhận thấy là chúng thường đi vào các xu hướng hoặc là giật gân câu khách theo kiểu bạo lực, sexy, kinh dị hoặc theo diện hài nhảm, gây cười. Một điều đang nói là những phim Việt thuộc thể loại hành động, kinh dị, hài đang sản xuất lại giống với các phim Hồng Kông, Mỹ sản xuất trước đây. Những bộ phim như "Nhà có 5 nàng tiên", "Long Ruồi" "Cô dâu chạy trốn"… được tiếng là mang lại doanh thu cao bởi khai thác tối đa những chi tiết hài hước, gây cười, nhưng cái cười ấy cũng nhàn nhạt, thoáng qua như phim hài Hồng Kông từng làm mưa làm gió một thời. Nếu ai đó muốn tìm được nét sâu sắc, tế nhị như đặc trưng lâu nay của người Việt chắc chắn vô cùng khó khăn. Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh thì quan ngại rằng nếu chỉ sản xuất phim hài nhảm, điện ảnh Việt Nam sẽ đi về đâu. Bởi chắc chắn không tìm thấy bản sắc của một nền điện ảnh giàu tính dân tộc trong những thước phim hài nhảm ấy. Trước đây, chúng ta đã có những bộ phim hài khá hay, được khán giả yêu thích như "Bờm" của đạo diễn Lê Đức Tiến. Khai thác kho tàng truyện cười, truyện tiếu lâm của dân tộc mình là một cách làm thông minh của vị đạo diễn này. Tiếc là sau đó, ít đạo diễn nào tiếp tục khai thác tài nguyên quý giá ấy.
Đề tài của phim Việt đang bộc lộ rõ sự xa cách với bản sắc dân tộc và thể hiện sự thờ ơ của các đạo diễn với điều quan trọng được coi là xương sống, cốt lõi của nền điện ảnh. Các đạo diễn ngày nay chủ yếu tập trung vào đề tài cuộc sống đô thị với chân dài, siêu xe, hot girl… Những đề tài này giúp các đạo diễn dễ dàng, ít tốn kém trong quá trình làm phim cũng như dễ thu hút khán giả trẻ tới rạp, khả năng thu hồi vốn cao trong khi đi vào những đề tài truyền thống chắc chắn sẽ tốn kém, gian khổ hơn rất nhiều.
Phim Việt bị cho là ngày càng nhiều hàng "nhái" bởi sự lai căng trong xây dựng nhân vật. Từ hình thức, nhân vật trong phim đều có hình thức na ná những diễn viên Hàn Quốc, Hồng Kông. Các phim gần đây như "Mỹ nhân kế", "Scandal - Bí mật thảm đỏ"… đều quy tụ một dàn diễn viên lộng lẫy nhưng để tìm được một nhân vật điển hình cho giai đoạn hiện nay khó như mò kim đáy bể, nếu không muốn nói xa lạ với số đông người Việt. Ngay cả phim "Mỹ nhân kế", mặc dù đạo diễn cho nhân vật nữ mặc yếm thắm váy đào nhưng khán giả vẫn không nhận thấy câu chuyện của người Việt Nam, tính cách của người Việt Nam trong đó. Việc không có những đề tài mang bản sắc dân tộc đã dẫn đến chúng ta không có những nhân vật tiêu biểu cho đất nước, thời đại giống như Tư Hậu trong "Chị Tư Hậu" hay Duyên trong "Bao giờ cho đến tháng Mười"…
Phim truyền hình Việt Nam - một thể loại phim đang tác động từng ngày, từng giờ tới số đông người xem bởi tần số phát sóng dày đặc nhưng các đạo diễn của thể loại phim này cũng lơ là yếu tố bản sắc dân tộc. Bộ phim "Váy hồng tầng 24" đang phát sóng trên VTV3 không chiếm được thiện cảm của khán giả khi nhân vật cũng như chuyện phim quá xa lạ với khán giả Việt. Dàn diễn viên tham gia phim hầu hết là những nghệ sĩ, người mẫu nổi tiếng, ăn mặc gợi cảm, hợp thời trang nhưng cũng đã không cứu được sự thất bại của phim. Lấy bối cảnh là một công ty thời trang, các nhân vật trong "Váy hồng tầng 24" thật sự chỉ có trong trí tưởng tượng của… đạo diễn. An Nhi, một cô gái được coi là thông minh, tài năng nhưng những biểu hiện trong phim lại rất không bình thường, nếu không muốn nói là… dở hơi. Đơn cử như cảnh An Nhi lần đầu đến xin việc đã nhảy tănggô với anh chàng quét dọn vệ sinh ngay ở sảnh tòa nhà trước sự chứng kiến của nhiều người khiến khán giả phì cười vì vô lý. Chưa kể, một công ty nổi tiếng là hùng mạnh nhưng hiếm thấy những người giỏi làm việc, chỉ thấy các nhân viên kém tài kèn cựa, âm mưu hãm hại nhau…
Cơ chế xã hội hóa và sự bung nở của các hãng phim tư nhân khiến cho đời sống phim Việt sôi động hơn. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Nhìn sâu vào sẽ thấy một sự đơn điệu và nhàm chán. Để thu hút khán giả tới rạp, để không lỗ vốn, các đạo diễn, các nhà sản xuất chủ yếu tập trung sản xuất những bộ phim chỉ với mục đích giải trí nhạt nhẽo. Và cũng chính vì mải chạy theo những yếu tố lai căng, đầy rẫy những hình ảnh lố lăng, gợi dục hay kích động bạo lực trong giới trẻ, trái với thuần phong mỹ tục, những bộ phim dù được PR rầm rộ, được quảng cáo là đầu tư với số tiền lớn như "Bụi đời Chợ Lớn", "Bẫy cấp 3", "Khi tôi 20"… đã phải chịu chung một số phận là dừng lại trước cửa kiểm duyệt.
Phim sản xuất nhiều nhưng những giá trị tiêu biểu như tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái, tính dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử ít được các đạo diễn đề cập rõ nét trong các thước phim. Dù chúng ta vẫn thường nhận xét các bộ phim truyền hình Hàn Quốc có cốt truyện quen thuộc, song một điều chúng ta không thể phủ nhận, rằng qua những bộ phim ấy, hình ảnh con người, đất nước Hàn Quốc hiện lên khá đậm nét. Không chỉ bằng sự hiện diện của những cảnh sắc, món ăn đặc trưng mà các nhà làm phim Hàn Quốc luôn biết cách tôn lên những giá trị truyền thống của gia đình người Hàn như sự hiếu thảo, trọng lễ nghĩa...
Một điều mà các đại biểu có mặt tại cuộc hội thảo đều nhất trí rằng, bản sắc dân tộc chỉ có thể có ở những tác phẩm chạm tới được tới thân phận của dân tộc, thông qua mỗi số phận, con người cụ thể. Mặc dù LHP lần nào chúng ta cũng giơ cao tiêu chí "Vì một nền điện ảnh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" nhưng hiện nay, chúng ta đang có quá ít những tác phẩm điện ảnh đạt tới điều ấy. Cũng ngay tại cuộc hội thảo nói trên, nhiều ý kiến đề xuất thành lập Quỹ phát triển điện ảnh với mục tiêu tài trợ giúp đỡ những dự án phim mang đậm tính dân tộc. Hy vọng đây sẽ là một trong những giải pháp góp phần giúp điện ảnh Việt Nam thoát khỏi tình trạng này.
(Theo CAND)