Dạy văn - "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"

Nếu văn nghệ xây dựng đời sống tâm hồn cho xã hội, thì mỗi giáo viên hãy tự hào vì ngày đêm mình đang lặng lẽ góp thêm những viên gạch hồng để dựng lên ngôi nhà chỉ có tình đồng cảm, tình thương yêu. Mọi sự hời hợt, gò ép, áp đặt chủ quan, duy ý chí… trong dạy học văn đều là một sự nhẫn tâm khó dung thứ!

“Người khoa văn chân thành lắm
Người yêu văn nhân hậu nhiều
Cha mẹ dạy con mai lớn
Chọn người khoa ấy… Mà yêu…”

Tôi còn nhớ khi còn học sư phạm được đọc khổ thơ trên của Nguyễn Thị Việt Nga (cũng là cô giáo dạy văn) thì trong lòng luôn dâng dâng niềm tự hào và tin yêu; luôn vững tâm vào con đường mình đã chọn, đó là dạy văn. Trải nghiệm qua bao năm tháng đứng trên bục giảng, được tiếp xúc với học trò, tôi thấy tâm hồn mình như tươi trẻ ra, và mỗi ngày trôi qua, tôi thấy cuộc đời thật đáng yêu, mỗi trang văn trang thơ như lại “mới ra” mỗi khi mình khám phá, ngộ ra được các tầng bậc, ý nghĩa nhân văn, nhân bản của chúng. Nhưng niềm hạnh phúc ấy lâu ngày, có lúc như bị bào mòn, và mỗi khi cảm thấy như thế, tôi phải tự “xốc” lại tinh thần cho mình, để tránh những thiệt thòi cho người khác, và câu thơ “ Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày mới để yêu thương” (Tế Hanh) như một niềm an ủi lớn, đem đến cho tôi một ngày vui mỗi sáng tới trường.
Đó là về bản thân, còn xung quanh tôi, chứng kiến những giờ giảng  văn của đồng nghiệp, không phải không có những giờ thực sự đúng là văn, còn nhìn chung, tôi thấy cách dạy, cách học, cách ra đề chấm thi… hiện nay quá giáo điều, rệu rã, vô hồn.
Phải chăng đã hết thời “Thầy đau nỗi niềm dâu bể / Trò day dứt cùng thế nhân”?
Thực tế cho thấy những thầy giáo dạy văn khả kính, tâm huyết một đời với nghiệp dạy văn, tôi cho là không còn nhiều nữa, nếu ta không mau chóng tạo nguồn, không có cuộc chuyển giao thế hệ, tôi e việc dạy văn tới đây sẽ là một …bi kịch của thời đại.
Xin tản mạn từ bậc học phổ thông, ngày ngày tôi gần gũi nhất, thì thấy bao chuyện …lôi thôi. Cứ tưởng có chương trình sách giáo khoa mới, có đổi mới phương pháp giáo dục...v.v... là sẽ có tất cả nhưng thực tế lại không như mong muốn bởi sự chuẩn bị về yếu tố con người- người thầy (có tính chất quyết định) thì ta chưa làm được, thành ra cứ hết hội thảo này đến hội thảo khác, dạy văn vẫn luôn là đề tài “nóng” được nói hoài, nói mãi, chán rồi thì lại thôi… Những bài văn thỉnh thoảng xuất hiện, được coi là thành quả của đổi mới, những bài văn “lạ” được đăng tải trên các tạp chí, trang mạng….được coi như là của hiếm, đem ra trưng bày, hô hào bàn tán, người ta cứ thấy mà mừng vui, reo hò như bình minh của đổi mới dạy học văn đang lên vậy. Nhưng tôi cứ tự hỏi: tại sao đổi mới nghe hoành tráng, lại chỉ tạo ra ngần ấy đề văn và bài văn có tính sáng tạo? Còn số hàng trăm, hàng triệu thì trả lời sao đây? Hay còn lẩn khuất trong dân gian? Lối mòn nào, thực trạng nào, đang che chắn, làm nghẽn lối việc đổi mới, sáng tạo trong dạy học văn? Làm cách nào để trả lại cho môn văn những chức năng, bản chất đa nghĩa đặc thù vốn có của nó? Câu hỏi như đang thách thức cả giới nghiên cứu phương pháp lẫn người dạy văn ở mọi cấp bậc.
Ở phổ thông hiện nay, số học sinh không thích học môn văn… thật là thê thảm, mà đã không thích, không yêu, không đam mê, thử hỏi làm sao có được năng lực cảm thụ văn chương, làm sao không chệch hướng thẩm mỹ, làm sao không chệch hướng nhân sinh… Trước một xã hội, cái giả dối theo nhịp điệu, đang nhảy múa lên ngôi, “biết sống”, khéo nịnh hót đang trở thành món khoái khẩu của bao kẻ muốn tiến thân bằng đầu gối, thói thực dụng đang được cổ suý…học sinh ngày nay tin “siêu nhân” hơn tin Phật.
Các em học sinh chán học văn, tôi không trách, bởi cũng có nhiều nguyên nhân khách quan bên ngoài tác động. Là người dạy văn các em, tôi thường trách chính mình và đồng nghiệp của mình, đã không hoặc không thể/ không bao giờ, tạo được ấn tượng, dư ba; không tạo được hứng thú để hấp dẫn, cuốn hút học trò vào bài giảng. Điều này đều do những nguyên nhân chủ quan từ phía người thầy.
Tôi cho những yếu tố ngoài bài dạy như: lối sống, cách hành xử …đối với giáo viên nói chung và giáo viên dạy văn nói riêng, là rất quan trọng. Chúng tác động không nhỏ đến ấn tượng, tâm thế tiếp nhận của học sinh với tác phẩm văn học, nó ảnh hưởng lâu dài đến nhân sinh quan của học sinh sau này khi các em bước ra cuộc đời.
Bây giờ tôi thấy xuất hiện nhiều thầy cô không “xứng tâm và tài” với dạy văn chương, thiếu mẫu mực, tế nhị trong đi đứng, nói năng, ứng xử với học trò, thành ra hình ảnh một người thầy dạy văn không để lại dấu ấn gì, chỉ nhạt nhoà như một người “bảo học” hơn là dạy văn theo đúng nghĩa, dạy cái đẹp. Xưng hô với học trò thì “mày, tao”, gọi học sinh thì thằng kia, con kia đặc giọng chợ búa (Tất nhiên không phải ai cũng vậy), đi đứng nói năng thì bát nháo cục cằn, thô thiển… Vì vậy, ngay từ cái nhìn đầu tiên của học trò với thầy cô đã bị triệt tiêu trong mắt nhau rồi. Xin đừng coi thường học trò, chúng rất tinh tế, chúng nhận ra hết, chúng so sánh được hết, chỉ có điều giáo viên có được nghe / có muốn nghe hay không mà thôi.

Dạy học là cả một nghệ thuật, dạy học văn là một siêu nghệ thuật, từ nguyên mẫu người thầy trong lối sống hàng ngày đến bài giảng trên lớp phải tạo ra ít độ chênh nhất để học trò còn chút niềm tin vào những điều thầy dạy răn, đó là điều tôi luôn tự nhắc nhở, điều chỉnh mình. Khi bàn về đổi mới toàn diện giáo dục có ý kiến cho rằng hãy bắt đầu biết trung thực từ những viên gạch xây trường mà đi, tôi thấy thực là chí lý. Bởi bây giờ, thói giả trá đang như một bệnh dịch của toàn xã hội.
Trở lại chuyện nguyên mẫu với đời thường, có những thầy chỉ nhìn hoặc tiếp xúc đã biết ngay là dạy văn, có những thầy càng tiếp xúc càng thấy chậc lấc, không thấy phong cách và cái chất ở đâu. Dạy văn hay cảm văn, như Hoài Thanh đã nói, đại loại  là lấy hồn ta để cảm hồn người, nhưng hãy cứ nhìn vào một số thầy cô ngày lao đao với cơm áo, tối loay hoay với bạc tiền, dẫu biết rằng muốn tồn tại thì không thể không có những cái ấy, nhưng nếu cứ bám riết vào đó, coi đó làm mục đích sống thì lâu dần tâm lý không giẫm nát tâm hồn mới là lạ, còn đâu mà vẩn vơ, nghĩ ngợi sự tình, mà mơ mộng với mấy vần thơ không làm ra tiền bạc! Thật thiệt thòi  cho học sinh khi có tâm sự không thể giãi bày cùng thầy cô dạy văn bởi thầy cô có bao giờ mở lòng, dốc lòng bao dung, đồng cảm, chia sẻ với học trò…Các em đành phải tỏ lòng trên facebook, trong khi người gần bên ta hàng ngày, dạy ta bao điều hay, lại chẳng làm được gì cho ta, thế có nghịch lý không? Thầy dạy văn, trước là dạy, sau hãy là nhà tư vấn tâm lý, nhà đắp xây tâm hồn cho các em thì hay biết mấy?
Do áp lực về kiến thức, thi cử, chất lượng, do thói quen bon chen ganh đua thành tích mà không ít thầy cô đã đạp bằng mọi giá trị, tự huỷ nhân cách mình bằng những trò lươn lẹo, chạy chọt, giả trá, tầm thường – những điều mà người có liêm có sỉ, không ai làm. Vậy mới có chuyện, khi công bố danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi…đồng loạt học sinh bên dưới, như một phản xạ tự nhiên, các em ồ lên hò hét mai mỉa, bất chấp uy quyền bên trên, riêng điều này học trò hơn hẳn thầy vì chúng đã biết trung thực với lòng, chúng không bị bóng ma sợ hãi, không bị lợi ích nào ràng phối. Còn người lớn chúng ta, biết nhưng đâu dám “…Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao doạ giết/ Cũng không nói ghét thành yêu…” (Thơ  Phùng Quán).
Hiệu ứng vô cảm, ngại đụng chạm theo tinh thần bất diệt “mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi”, tâm lý thích yên thân, quen lười đọc, thói giả dối ích kỉ…đang xâm thực tâm hồn người thầy. Các cuộc hội thảo chuyên môn được hợp lý hoá trong sổ sách một cách quá tròn trịa mỗi dịp thanh tra về. Không khí sinh hoạt chuyên môn ảm đạm. Ngoại khoá văn học là một họat động quá xa lạ và xa xỉ ở đa số các trường phổ thông, bởi nó đâu giúp học sinh thi đậu. Mọi bế tắc trong bài dạy, mạnh ai lấy hay, rồi tự mình giải quyết theo tỉ lệ sức ỳ, luôn ủ trong mỗi người. Nhiều thầy cô có nhiều ý tưởng, có nhiều sáng kiến hay, dù là nhỏ nhất cũng hiếm không gian bày tỏ, hoặc nếu muốn thì sẽ bị lực lượng bảo thủ, trì trệ trên kia cho là…rách chuyện, mất thời gian, lấy đâu ra kinh phí, thậm chí bị cho là… dở hơi, không bình thường. Thế là chỉ một cái nhếch mép thôi đã đủ tạo di hoạ, bóp chết một ý tưởng, một  sáng tạo rồi.
Trong một cơ chế ra đề, chấm thi, chế biến kết quả… còn nhiều khuất tất, tiêu cực. Một nguyên tắc cứ điểm cao đồng nghĩa với giáo viên đó dạy giỏi; kẻ lươn lẹo, có tài biến hoá, gặp may… thì được ban thưởng. Còn lại số giáo viên tâm huyết, căm cụi dạy học trò  (không dám cắt xén một bài vì lương tâm day dứt, họ nghĩ mình cũng như thầy cúng, bớt một câu, kệ  thì sẽ có tội với Thần, Phật), họ gắng sức không chỉ dạy văn cho TỬ TẾ mà còn dạy học sinh cho ra cái giống con NGƯỜI  thì cứ bị xếp sau, những giá trị vô hình mà người thầy này mang đến cho học trò, mọi thước đo đều chật, chỉ cuộc đời mới đủ sức đong đếm và định giá được. Thật là giá trị đảo lộn, thực hư lẫn lộn, ngay gian khó phân biệt! Và cứ thế, người thẳng lưng luôn dị dạng trong thế giới người gù.
Nhiều thầy cô dạy văn nghe phân công dạy học sinh đã lắc đầu ớn. Vào lớp, học sinh đã không thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên của thầy: lạnh tanh, điệu bộ phăm phăm như ném đá, giọng điệu khi rủ rỉ như con dù dì, khi lên hồn lên cốt như thầy cúng nhảy đồng. Giờ học trôi đi, học sinh thành vô cảm, học sinh đã mù, mong được qua bài giảng để có cơ sáng ra nay lại bị bỏ tro vào mắt (Lời của một phụ huynh). Đọc văn thơ chai sạn không còn xúc cảm, rung động…
Náo nhiệt nhất, căng thẳng nhất là vào mỗi mùa ôn thi, có lớp tôi thấy, bốn góc lớp vây bốn em học sinh đang nhắm mắt ôm sách, trên bảng em đứng, em quỳ hí hoáy viết, quanh cô giáo một em đang bẻ ngón tay, rặn từng lời; còn dưới lớp dàn đồng ca mùa hạ, đang lầm rầm như khấn vái, đọc kinh. Thú thật, có lần tôi đã “ăn trộm” ý tưởng này, đem về áp dụng với lớp tôi đang dạy nhưng kết quả chẳng mang lại gì hơn, còn cô ấy kết quả cứ cao. Tôi thầm nghĩ hay mình chưa học hết “sách, vở” của cô ấy, kiểu như “đau bụng uống nhân sâm…”. Cuối cùng thì tôi hiểu ra, mấu chốt vấn đề nằm ở khâu ra đề và chấm thi. Ai mải mê đổi mới sáng tạo mà thiếu ý, không đúng khung mẫu…đều bị trượt và ngược lại…Vậy mới có chuyện học sinh nhiều năm truyền miệng câu đúc kết: Muốn hay, muốn thích thì học văn thầy A, muốn được điểm cao thì học văn cô X.
Trong giảng dạy hay ra đề kiểm tra,  nhiều phương pháp được đưa vào vận dụng nhưng vẫn ở tình trạng chạy theo…mốt. một thời thì rộ lên trắc nghiệm, thảo luận, phiếu học tập, trình chiếu, ma trận. Cuối cùng thì vẫn “ta về ta tắm ao ta…” bằng tự luận, bằng đọc chép; và rồi “những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa” (Nguyễn Trọng Tạo), hết năm học thì học sinh lại lên lớp, hết ba năm thì thầy lại tăng lương.
Một giờ giảng văn mưa câu hỏi, bao nhiêu thiết bị hỗ trợ lỉnh kỉnh đi kèm nhưng cái chất thực sự cần có của thầy thì không có. Lời bình thì hời hợt nông cạn, bắt học sinh ôm đồm ghi chép thật đầy, thật nhiều, thật cao siêu như …một nhà phê bình con. Để có cái vốn đi thi, giáo viên và học sinh làm việc như một dây chuyền đã được lập trình, thiểu uyển chuyển, thiếu sinh khí, thiếu cái hồn vía cần có, để giờ văn được là giờ văn,  Học sinh không còn rung động cảm xúc, không còn say sưa ngây ngất với cái đẹp trong văn là bởi vậy. Mải chạy theo thời gian và kiến thức, nhiều giáo viên chỉ coi học sinh như những chiếc bình rỗng, còn mình phải có nghĩa vụ cao cả là phải đổ cho thật đầy, bất chấp việc có cần thiết hay không, không quan tâm đến hứng thú của các em, học sinh trả lời sai, cụt hứng ngồi xuống, học sinh trả lời đúng thì cũng không hay vì sao mình đúng, vì ý đó có phải của mình đâu, là do thầy cô mớm mà? Muôn sự tinh tế trong xử lý một giờ giảng văn bị giáo viên cam tâm bỏ qua.
Dư luận kêu chương trình nặng, Bộ cơ học cắt xén để trấn an, về tới Sở, Phòng, Trường nhờ cấp trên ban cho tính “tự chủ” lại được gia giảm cho vừa món, nhiều kiến thức thành ra bán thân bất toại hoặc đầu Ngô mình Sở…Tâm lý thi gì dạy nấy, khiến giáo viên cho qua những bài thực hành chương trình Ngữ văn địa phương. Như vậy đến tay người tiêu dùng (Là học sinh) thì đã bị bớt xén tới bao nhiêu lần? Dạy dỗ gì có khác trò “đeo nhạc cho mèo”?.
Thầy dạy văn lười đọc, ngại nghĩ, sợ đổi mới, coi sách giáo viên như bảo bối, như thánh kinh, từ dạy cho đến rút kinh nghiệm giờ dạy, chấm thi…đều lấy đó làm hệ quy chiếu. Năm này qua năm khác, chặt từng ý như bổ củi bỏ lò. Việc “mỗi thầy cô là một tấm gương tự học và sáng tạo” mãi chỉ là những biển hiệu với chẳng tới, mà trường nào cũng có, cũng treo và luôn được người ta ra rả trong các diễn văn, báo cáo đầu và cuối năm học. Có biết bao nhiêu phong trào, bao nhiêu chương trình, khẩu hiệu thực hiện được là bao? Đúng là “Người ta càng nói nhiều thì họ càng ít muốn thực hiện điều đã nói” ( Nhà sử học Thomas Carlyle). Học sinh hết lớp 9, hết lớp 12, viết một bài luận cũng không ra hồn, viết một giấy xin phép nghỉ học cũng không đúng phong cách. Ngôn ngữ tiếng Việt bị những đồ tể đem ra băm chém không thương tiếc bằng những câu cú què quặt, ngô ngọng. Lỗi tại ai?
Vừa rồi kỉ niệm 82 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó bí thư Đoàn xã ( Là cán bộ tạo nguồn, con trai vị phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã) lên ôn lại truyền thống của Đoàn bằng bốn trang A4 mà đọc ấp úng, đánh vật với từng chữ đánh máy, người ngồi dưới, có cả học sinh, khó chịu như bị tra tấn và ai cũng tỏ vẻ… ái ngại. Mọi người xì xào: “có tải trên mạng về thì cũng phải cắt bớt đi cho cô đọng chứ” nhưng khổ nỗi, chắc cũng chẳng biết cắt ở chỗ nào nên đọc hết cho… chắc ăn. Tan lễ, có thầy nói với tôi: “Đây là tại lỗi các thầy dạy văn đấy”. Tôi đáp: “Vâng, về trách nhiệm chính trị, em xin nhận ạ. Đây có lẽ còn do lỗi hệ thống nữa thầy ạ!” Chuyện không ai tin được, mà có thực mới kinh hãi…
Ta không thể tưởng tượng hết một giáo viên văn sẽ thế nào nếu một khi anh ta chẳng thiết tha, quan tâm đến bất cứ sự vật sự việc hiện tượng gì quanh mình; sống bàng bạc, nhạt nhẽo, không có chính khí, không đam mê, không cá tính…; ngày qua ngày, thời sự, báo chí…có cũng như không. Anh ta gạt sự quan tâm đến đời sống văn học đương đại sang một bên, gạt mọi thành quả của lý luận phương pháp , lý luận phê bình sang một ngả. Hậu quả khó tránh được là một giờ văn sẽ nghèo nàn ngôn ngữ, trống rỗng độ vang, nông cạn chiều sâu, giáo điều, rập khuôn phương pháp, nhìn nhận đánh giá phiến diện, một chiều…Cố nhiên không thể đòi hỏi một giáo viên văn như một nhà văn hay nhà lý luận phê bình nhưng tôi thiết nghĩ hãy cứ sống kĩ, sống với tất cả “những chi tiết vụn vặt của cuộc sống đang chảy trôi” (Đôxtôiepxki) ta mới thấy hết giá trị, ý nghĩa từ thâm sâu cùng cốc của cuộc đời. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh chẳng đã từng chiêm đúc: “Người sống hời hợt, nông cạn làm gì cũng đại khái, chẳng quan tâm đến ai cả, không yêu ghét cái gì đến nơi đến chốn, chẳng say mê một công việc gì thật sự…người như thế, dù đi nhiều, đọc đủ mọi thứ sách vở, sống đến trăm tuổi cũng không có được một trường liên tưởng thẩm mỹ. Điều quan trọng hơn hết là phải sống sâu sắc với chính cuộc sống của mình”. Quả đúng như vậy, muốn đi đến tận cùng nông nỗi, phải sống kĩ cái đã; và giáo viên văn phải là người có tố chất như vậy!
Ai cũng thừa nhận công năng của lý luận văn học và thi pháp học, nhưng giáo viên văn không hề quan tâm đến lịch sử diễn biến và những thành quả nghiên cứu mà nó đem lại ra sao, thì anh ta vô căn cứ mà chôn sống văn chương có ngày. Nhưng con dao quả hai lưỡi, nhiều giáo viên biết nửa vời, lại dẫn đến vận dụng máy móc chủ quan, từ giảng dạy đến làm đáp án chấm, vẫn khư khư yêu cầu học sinh phải chỉ ra/gọi tên bằng /cho được, các tín hiệu nghệ thuật một cách khiên cưỡng, đôi khi chẳng ăn nhập gì với nội dung biểu hiện của văn bản. Người ta chẳng nhất thiết “hiểu” mà vẫn “cảm” được cái hay của thơ văn là gì?
Đọc rộng và đọc nhiều lý luận phê bình văn học, thành quả của nó sẽ giúp ích rất nhiều cho giáo viên trong khi soạn giảng. Những kiến thức văn hoá liên môn, liên ngành đọc được ấy sẽ là phông nền vững chắc cho giáo viên trong qúa trình dạy văn, bởi để dạy được một phải biết trăm, biết nghìn thứ. Những kết quả nghiên cứu lý luận phê bình sẽ giúp giáo viên bổ sung thêm vốn sống, vốn hiểu biết, vốn ngôn ngữ; giúp giáo viên có cơ sở để đánh giá, cảm nhận tác phẩm văn học một cách đa chiều đa diện.

Văn học là một dòng chảy không ngừng. Quan tâm, tắm mình trong đời sống văn học đương đại sẽ giúp người giáo viên khỏi sa ngã vào những giá trị, những quan niệm ấu trĩ, đã lỗi thời… để đánh giá và nhìn nhận cho đúng. Đọc bài “ Nói thêm về Chuyện người con gái Nam Xương”  của Gs Nguyễn Đình Chú, hẳn sẽ giúp ta có căn cứ để hoài nghi và yên tâm hơn khi nhận định về một trong những nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Vũ Nương. Xưa nay bao nhiêu sách viết, đáp án ra cũng ép uổng, bi kịch của Vũ Nương có một nguyên nhân là do chiến tranh phong kiến, nhưng theo Giáo sư, Trương Sinh không đi lính mà đi làm ăn xa hay đi học thì bi kịch của Vũ Nương cũng không thể tránh khỏi? Như vậy rõ ràng sự đọc đã đem đến cho giáo viên nhiều kiến giải mới trong lúc bản thân, do sức ỳ suy nghĩ mà cứ năm này qua năm khác thao thao bất tuyệt cho học trò một cái sai thì tai hại thay! Hay khi đọc bài “ Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, nhìn từ cấu trúc và ngôn ngữ” của Tiến sỹ Chu Văn Sơn, tôi thực sự “sáng mắt ra”, từ  nghiên cứu cấu trúc và ngôn ngữ bài thơ của tác giả đã tác động rất lớn đến việc thiết kế và giảng bài trên lớp của tôi.
Dạy văn, có những cái tưởng như có lý nhưng kì thực chỉ là trên bề nổi, còn phần chìm khuất, phần lõi không dễ gì nhìn thấy ngay, khi đó, nó đòi hỏi người giáo viên phải tinh tế nhạy cảm, có kiến văn đủ sâu, rộng mới đủ sức cảm, mới đủ sức hiểu một cách thoả đáng, tiến tới tiệm cận chân lý bằng vốn sống, vốn hiểu biết.
Biết bao nhiêu “trường Đại học” mở ra cho ta qua thế giới mạng mà giáo viên có thể qua đó, tự đọc, tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ của bản thân, là con đường ngắn nhất đi đến thành công. Bản thân, nếu không chịu khó tìm tòi, tiếp thu để sáng tạo thì mọi vốn liếng có được cũng đến ngày hao mòn, khi đó, bị học sinh tẩy chay sẽ là không xa.
Nhà thơ Tố Hữu tâm sự: “Nghề dạy Văn thật đáng yêu, học Văn thật là một niềm vui sướng lớn” quả thật đúng. Bây giờ tôi thấy thêm, dạy văn, được nói chuyện văn thường xuyên với nhà văn thì còn là một điều rất đáng tự hào. Từ những bài bình trên báo về tác phẩm, cái duyên đã đưa tôi đến với một nhà văn phương Nam. Và qua những cuộc trao đổi trò chuyện, tôi hiểu sâu hơn những chuyện bếp núc của nhà văn khi hạ sinh tác phẩm;  đời sống, phong cách văn học ngoài sách vở… Tất cả những cái đó, đã “tẩm bổ” cho tôi rất nhiều trong vốn liếng, hành trang dạy văn và chiệm nghiệm sự đời…Ngày ngày tôi lại nỗ lực làm vững thêm cây cầu nối giữa nhà văn, tác phẩm với bạn đọc (là học sinh), để cùng đam mê, cùng kiến tạo những giá trị thẩm mỹ cho cuộc đời.
Nếu văn nghệ xây dựng đời sống tâm hồn cho xã hội, thì mỗi giáo viên hãy tự hào vì ngày đêm mình đang lặng lẽ góp thêm những viên gạch hồng để dựng lên ngôi nhà chỉ có tình đồng cảm, tình thương yêu. Mọi sự hời hợt, gò ép, áp đặt chủ quan, duy ý chí… trong dạy học văn đều là một sự nhẫn tâm khó dung thứ!
Dạy văn, người giáo viên phải tâm lý, phải hiểu nguyện vọng của học trò, quan tâm đến từng cảm xúc tâm hồn của các em, để làm bạn với các em, không nên đứng “trên đầu trên cổ xét soi” (Chữ của Kim Lân) rồi lên lớp bằng những giờ dạy rỗng lòng nhân cách, cạn hồn văn chương. Biết nâng niu trân trọng từng hạt ngọc ẩn dấu trong cái ngô nghê về ngôn từ của các em, để gieo vào tâm hồn các em niềm say mê, hứng thú, yêu thích văn học. Đó là cái phúc của một dân tộc “Sống vững trãi 4000 năm  sừng sững/ Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/ Trung và thực sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà” (Trần Vàng Sao).
Lượm lặt, tản mạn từ “những điều trông thấy” của bản thân, mượn câu thơ của Đại thi hào dân tộc để diễn tả tấm chân tình, mong có người tri âm, cùng đứng bên bờ nhân sinh để cùng suy tư trăn trở… về cái nghiệp dạy văn còn bao nông nỗi này!
Nhân Tiến, ngày 11 tháng 03 năm Quý Tỵ


Nguyễn Văn Nhượng
Trường THCS Giao Nhân - Giao Thủy - Nam Định
ĐT: 0167.4749.305