Lên án nạn bạo hành phụ nữ nơi công sở
Trong đời làm báo của mình, tòa soạn báo, nơi tôi làm việc đã nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của chị em. Qua nội dung đơn thư, tôi bất ngờ nhận thấy, đa số nguyên đơn là những phụ nữ đẹp; bị đơn là những người có chức có quyền và vụ việc khiếu kiện bắt đầu từ những lý do…hết sức vớ vẩn. Chẳng hạn, chị Vi Thị Loan, nguyên cán bộ Công ty Chiếu bóng tỉnh Bắc Thái, chỉ vì từ chối một cái …hôn dẫn sang chuyện con gà, dẫn đến mất việc và chị phải hầu kiện suốt mấy chục năm; Công ty Chiếu bóng BT giải thể từ lâu; tỉnh Bắc Thái chia tách thành Bắc Cạn và Thái Nguyên từ 1996, đến nay vụ việc vẫn chưa giả quyết dứt điểm. Nhân Ngày 8/3, tôi đăng lại bài viết dưới đây với sự chia sẻ sâu sắc tới những phụ nữ có thân phận như chị Vi Thị Loan và mong bạn đọc cùng lên án nạn hành hạ phụ nữ nơi công sở.
Lâu nay, xã hội lên án mạnh mẽ nạn bạo hành gia đình. Nhưng còn một nạn bạo hành phụ nữ nữa, ít ai lên tiếng, đó là bạo hành nơi công sở. Nạn bạo hành này không cần nắm đấm, gậy gộc mà khiến nhiều phụ nữ điêu đứng; khiến biết bao gia đình tan cửa nát nhà; thậm chí có chị phải tìm đến cái chết..
Trong các thế lực bạo hành phụ nữ nơi công sở, đáng lên án nhất là…một số “sếp”. Họ nhân danh đủ thứ để “đánh” chị em với rất nhiều lí do: Vì “sếp” muốn gạt chị em ra khỏi vị trí quan trọng để “lắp” người cùng cánh vào; vì có chị tỏ ra “rắn mặt”, không chấp hành mệnh lệnh của “sếp”; thậm chí, có những lí do hết sức tẹp nhẹp, chẳng hạn, “sếp” nghe người nọ ton hót, mách lẻo cô A thế này, chị B thế kia…từ đó sinh ra thù ghét. Tệ hơn, có “sếp”, “ăn” không được, tìm cách đạp đổ.v.v.
Ngón đòn phổ biến, được nhiều “sếp” áp dụng đó là sai đám cận thận bám thật sát diễn biến các hoạt động của đối tượng. Đối tượng đi muộn về sớm; để sai sót một vài số liệu trong báo cáo v.v. đều được ghi vào sổ rất chi tiết ngày, giờ xảy ra vi phạm. Tệ hơn, có chị em bị “sếp” giao những việc quá khả năng của mình, kèm theo điều kiện gắt gao về thời gian hoàn thành; khó khăn về phương tiện làm việc. Khi không hoàn thành, dĩ nhiên chị em chiu nhận khuyết điểm do năng lực kém, không hoàn thành nhiệm vụ.
Với thủ đoạn đó, khuyết điểm của đối tượng ngày càng nhiều và trở thành hệ thống. Vậy là, cũng khuyết điểm ấy, người khác thì châm chức, bỏ qua, thậm chí không ai để ý, nhưng chị em dính phải, đối chiếu khuyết điểm của đối tượng vào các điều khoản của của luật định như Luật lao động, Pháp lệnh công chức, Hợp đồng lao động v.v. chị em xin lĩnh đủ. Có chị, ở “triều đại’ ông giám đốc cũ, có rất nhiều thành tích; được nhiều cấp khen thưởng. Nhưng ở “triều đại” ông giám đốc mới, chỉ vì một khuyết điểm nhỏ, liền bị chuyển công tác; thậm chí có chị không chịu nổi bất công, phải làm đơn kiện tụng, thậm chí phải “bật xới”. Thanh tra có xem xét thì cũng công nhận, ông gám đốc mới đã thực thi đúng luật, đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền. Nhưng dư luận có quyền nghi ngờ sự trong sáng về hành vi ứng xử của vị giám đốc này. Thử hỏi, khuyết điểm ấy có đáng xử như vậy không? Luật pháp Nhà nước ta còn khoan hồng với người phạm tội bởi những tình tiết giảm nhẹ, huống gì dó là những người có nhiều cống hiến cho đơn vị?.
Thủ đoạn thứ hai, đó là “sếp” lợi dụng dân chủ ở cơ sở. Một số đơn vị, giám đốc kiêm bí thư đảng ủy. Nếu ông giám đốc kiêm bí thư này mà động cơ không trong sáng thì ý kiến của ông ta dễ trở thành ý kiến của tập thể. Bởi, trong bộ máy lãnh đạo của đơn vị, hầu hết là vây cánh của ông ta. Tuy một số người trung lập, muốn công khai chính kiến cũng ngại, vì sự lạc lõng; thậm chí có người mang tư tưởng “phù thịnh chứ không ai phù suy”. Vậy là, thân phận của chị em, danh dự của chị em bị chà đạp bởi những cánh tay biểu quyết, thực ra là ý kiến của cá nhân “sếp”. Thủ đoạn này, dù có Bao Công nhảy vào thì ông “sếp’ vẫn vô can. Này đây, khuyết điểm của đối tượng sờ sờ ra đây; có nhân chứng vật chứng đây; việc xử lí công khai dân chủ đây, có biên bản họp xét kỷ luật từ dưới lên trên với đầy đủ thành phần đây. Nào ai có thù oán ghét bỏ gì chị ấy. Chỉ cần lái tập thể đi đúng ý đồ của “sếp’ với thủ đoạn đen tối, nhiều chị em đã điêu đứng, huống gì có “sếp” còn ngang ngược, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, vi phạm nguyên tắc đảng; quyết “xử” đến cùng một phụ nữ đơn độc, thì chị em khó mà thoát khỏi nanh vuốt của họ!
Tuy nhiên, trong số chị em bị “đánh”, nhiều chị cũng không vừa; cũng ngoa ngắt lắm điều; cũng từ chuyện bé xé chuyện to; cũng lạm dụng dân chủ để đơn thư kiện cáo thiếu tính xây dựng, làm rối loạn cơ quan; xúc phạm đến danh dự của cá nhân, tập thể. Thế nhưng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước hết là trách ông “sếp”, đã không biết ứng xử đẹp với phụ nữ; vì cái tâm không trong sáng. Phàm ở đời, ai chẳng có khuyết điểm. Người làm nhiều việc càng dễ vấp phải khuyết điểm. Nhưng với vai trò là minh chủ, trước khuyết điểm của cấp dưới, “sếp” phải tìm hiểu thấu đáo nguyên nhân xảy ra sự việc để giải quyết có lí, có tình. Chứ còn, lợi dụng quyền hạn, lợi dụng dân chủ để đánh “hội đồng” thì chị em chống đỡ sao nổi!
Trong quá trình làm báo, chúng tôi đã tham gia xem xét, làm sáng tỏ nhiều nội dung đơn thư khiếu kiện của bạn đọc, trong đó không ít đơn thư của chị em. Thực tế là, đa số nguyên đơn (chị em)…thua! Bị đơn, dù có sai nhưng chưa đến mức phải xử lí kỷ luật, chỉ cần rút kinh nghiệm. Như vậy, nguyên đơn (sếp) vẫn yên vị, còn bị đơn (người khiếu kiện) thì lại càng rơi vào khủng hoảng tinh thần ghê gớm hơn; vừa mất thời gian theo kiện, vừa suy sụp tinh thần, việc nhà bỏ bễ.
Tuy nhiên, dù thắng, thì nguyên đơn cũng chẳng thể coi đấy là sự vinh quang! Phụ nữ là phái đẹp, cần được nâng niu. Giả sử họ có vi phạm khuyết điểm cần tìm hiểu, động viên, giúp đỡ, đằng này làm đàn ông mà đánh chị em là hèn. Là “sếp” mà lợi dụng chức vụ, tìm mọi mánh khé, kéo bè kéo cánh để đánh hội đồng một phụ nữ là càng hèn, không đáng mặt đàn ông chứ mong làm đấng trượng phu, làm minh chủ, có phải không, thưa chị em!