Cần một ứng xử văn hóa với cầu Long Biên
Phá cầu Long Biên! Tôi giơ 2 tay tán thành phá nó đi. Bởi nó là sản phẩm của bọn thực dân cướp nước. Sau khi phá xong, ta phá tiếp cái Nhà hát lớn, rồi Nhà ngân hàng, cái Phủ toàn quyền, à còn hàng loạt dãy phố tây ở Hà Nội, rồi kéo nhau lên Đà Lạt phá tiệt các biệt thự đi,… Ta phải làm triệt để như ta đã từng dỡ, phá các chùa đền, đốt sách,… ở nhiều tỉnh thành, mà ngày trước chúng ta triển khai, tiêu diệt hết các tàn dư phong kiến! (Nguyễn Trọng Huân)
Cần một ứng xử văn hóa với cầu Long Biên
Năm 2010, 2011 khi có những cuộc tọa đàm, hội thảo về cầu Long Biên, rất nhiều ý kiến của chuyên gia đã đề cập đến giá trị lịch sử, văn hóa của cây cầu Long Biên và nhấn mạnh phải bảo tồn tính nguyên dạng của nó. Tuy nhiên, số phận của cây cầu Long Biên vẫn chưa được định đoạt, nhất là khi cả 3 phương án hiện tại dành cho cầu Long Biên của Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến bộ ngành đều nghiêng về phương án làm mới cầu. Nhiều chuyên gia đã không ngần ngại khẳng định “làm thế là phá cầu”.
TT&VH đã trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái. Năm 2011 bà đã tham gia cuộc thi Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức, với tư cách Chủ tịch Hội đồng giám khảo. Bà đã dành nhiều ý kiến tâm huyết với chủ đề này.
* Hà Nội sẽ như thế nào nếu mất đi cầu Long Biên, thưa bà?
- Khi tôi về Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1957 để đi học lớp 1, việc đầu tiên của tôi là đi qua cầu Long Biên. Cô bé con trong tôi lúc đó đã vô cùng choáng ngợp trước một cây cầu vừa dài, vừa rộng. Với tôi cầu Long Biên lúc đó là một cây cầu đẹp nhất thế giới. Nếu cầu Long Biên mất đi, không chỉ tôi mà rất nhiều người khác sẽ mất đi một trời kỉ niệm, ký ức sẽ bị đứt gãy. Hãy để cầu Long Biên ở đấy, giữ cho Hà Nội một di tích lịch sử, văn hóa, và giữ cho người Hà Nội một mảng đời sống tinh thần. Với cả tư cách cá nhân, tư cách nhà nghiên cứu, tôi mong cây cầu được giữ nguyên vẹn. Đừng chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt mà lãng quên quá khứ, cắt đứt với quá khứ.
* Đó là giá trị của cầu Long Biên với cá nhân bà. Nhưng với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa, bà có thể cho biết Long Biên còn những giá trị nào khác, khiến rất nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa, và đông đảo người dân muốn bảo tồn cây cầu như nó vốn có?
- Cây cầu này mang trong mình giá trị của một sản phẩm văn hóa, bao gồm cả về vật chất (đây là một cây cầu đẹp của văn minh phương Tây), và giá trị tinh thần. Cây cầu là một phần trong dòng chuyển động về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Nó sống với người Hà Nội, trải qua 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ và đã in vào ký ức người Hà Nội, trở thành một phần tâm thức của họ. Cây cầu do thực dân Pháp xây, nhưng không thể phủ nhận nó đang mang theo văn minh đô thị, ánh sáng văn hóa của phương Tây vào Việt Nam. Và cầu Long Biên, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng đã trở thành một kỉ niệm văn minh phương Tây để lại, trở thành một nhân chứng lịch sử của Việt Nam.
* Cho đến bây giờ cầu Long Biên vẫn chưa được xếp là di tích, di sản cần được bảo vệ, mà chỉ là một công trình kiến trúc cần được bảo tồn. Bà đánh giá thế nào về điều này?
- Điều đó cho thấy chưa có một sự chú ý đúng mức của các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội với cây cầu của thành phố mình. Với những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của chính cây cầu, nó cần được đối xử thích đáng hơn. Ba phương án mà ngành giao thông dành cho cầu Long Biên dường như đã quên bẵng tính lịch sử của cây cầu. Người ta muốn chữa và làm mới hoàn toàn cây cầu. Nó là một di tích lịch sử, nó cần được ứng xử theo cách khác.
* Ở Hà Nội có một cây cầu nào khác mà người dành nhiều tình cảm như dành cho cây cầu Long Biên? Như cầu Thê Húc chẳng hạn?
- Đó là một cây cầu theo kiểu khác, nó có giá trị riêng của nó. Nhưng vẫn phải khẳng định cầu Long Biên là một giá trị riêng và độc nhất. Đây là cây cầu theo kiến trúc của Pháp, của một nền văn minh khác, là kỉ vật của sự giao hòa của văn hóa phương Đông và phương Tây. Cái cầu mang theo văn hóa đô thị của phương Tây, chẳng thể biến người Hà Nội thành người châu Âu, nhưng nó trải qua bao năm tháng với Hà Nội, chịu đựng bom đạn của đế quốc Mỹ và vẫn đứng sừng sững ở đây đến giờ
* Trong cuộc thi “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm” do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, bà có ngạc nhiên với những bài viết người ta dành cho cây cầu. Dường như với nhiều người cây cầu là một thức thể có tâm hồn?
- Đó là điều chúng tôi đã không tiên lượng trước khi cuộc thi bắt đầu. Người thi gửi về rất nhiều bài viết dạt dào tình cảm với cầu Long Biên, rất nhiều bức ảnh đẹp về cây cầu. Bản thân tôi cũng thích cuộc thi đến mức huy động 100 em sinh viên đang học môn phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí tham gia cuộc thi này. Bài dự thi cũng là bài điều kiện để vượt qua môn học này. Các em đã đến cầu Long Biên, khảo sát viết bài. Khi về có rất nhiều em thổ lộ chúng thích cây cầu như thế nào, có đứa còn làm thơ về cây cầu. Và trong số này đã có người đoạt giải ba của cuộc thi.
Trong quá trình chấm thi, chúng tôi đã được đọc mảng ký ức của rất nhiều người. Có người ví những cái đinh khuy của cầu như cái cúc áo của người đàn ông mình yêu. Cái cầu đã trở thành nhân chứng vĩnh viễn mối tình đầu của họ. Do đó không phải phải ngẫu nhiên người ta đem khóa tình yêu ra đây khóa. Cây cầu phản ánh những hồi quang kỉ niệm một thời (không xa) của rất nhiều con người gắn bó với Hà Nội.
* Theo bà Hà Nội cần phải ứng xử với cầu Long Biên như thế nào?
- Cần ứng xử với nó như một di sản văn hóa, tôn trọng giá trị di sản (cả vật chất, tinh thần), giá trị lịch sử mà cây cầu đã mang. Một mặt phải tập trung vào bảo tồn nguyên dạng cây cầu. Nên biến cầu thành phố đi bộ, nơi người Hà Nội ra đây hóng gió, vui chơi và có thể khai thác du lịch. Còn ba phương án mà ngành giao thông đặt ra đều không xứng đáng với cây cầu Long Biên, với tình cảm của những người Hà Nội đã dành cho cây cầu. Cần một ứng xử khác văn hóa hơn với cây cầu Long Biên vì nó xứng đáng được như thế.
Box: Hà Nội từng có những ứng xử văn hóa với di tích
Tôi vẫn còn nhớ thời gian người ta định xây một cái tháp ở di tích Hỏa Lò. Người ta phải tách một khoảnh đất. Trong khoảnh đất này có một cây bàng rất có ý nghĩa với những người chiến sĩ đã từng bị giam ở đây. Những người chiến sĩ đã dùng lá bàng để viết thư, dùng gân lá làm tăm, ăn quả bàng. Khi cắt đất làm tháp Hà Nội thì phải tính đến việc có hạ cây bàng không. Cuối cùng người ta đã để chừa chỗ cây bàng. Đấy, Hà Nội đã có một cử chỉ đẹp như thế với di tích, tại sao lại quên cầu Long Biên. Cầu Long Biên còn ý nghĩa hơn vì nó chưa bao giờ giam người mà là nơi để người ta đi qua con sông Cái lớn nhất châu thổ Bắc Bộ. Tôi vẫn tự hỏi tại sao lại cư xử với nó như thế, đó là cách ứng xử không xứng với danh hiệu thành phố 1000 năm Thăng Long. (PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái)
Box: Ba phương án do Bộ GTVT nêu lên để lấy ý kiến bộ ngành liên quan:
Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.
Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu.
Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn. (Theo Thanh Niên)
Tin cùng chuyên mục
Tiền lẻ trong cúng lễ
10/03/2014
Khi bạn bị tuột cúc áo ngực!
09/03/2014
"Bữa ăn điểm 10" của chị em VMCC
07/03/2014
Người Việt ở Kiev ở hay về?
07/03/2014