Hai "tội đồ" ngày ấy
TÁC GIẢ: CAO THÂM - PHÙNG NGUYÊN: Vừa qua, các báo Tiền phong, Pháp luật Việt Nam v.v. kể lại vụ sập cống Hiệp Hòa (Đô Lương, Nghệ An) cách đây 36 năm, khiến gần 100 thanh niên thiệt mạng (có tờ báo nêu 108 người). Các tờ báo đều đưa ra quan điểm, những người thiệt mạng trong vụ này là thanh niên xung phong, tham gia công trình đại thủy nông bằng tinh thần tự nguyện, không có quyền lợi gì và đề nghị Nhà nước phục hồi quyền lợi cho họ, đã hi sinh vì sự nghiệp xây dựng đất nước. Ở góc nhìn khác, chúng tôi muốn đánh giá công và tội của những người liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc này. Tội của họ đã được pháp luật xử lí nhưng công của họ thì rất lớn, có thể nói như những anh hùng trong lao động nhưng ít người biết đến.
Từ công trình đại thủy nông do Hoàng thân Xuphanuvong thiết kế
Đó là công trình thủy lợi nằm ở phía Bắc tỉnh Nghệ An, bao gồm Bara Đô Lương, sông Đào và nhiều cầu, cống v.v. Sông Đào cùng với Bara Đô Lương là một trong những dấu ấn quan trọng của người Pháp tại Việt Nam trong những năm 1858 - 1945. Sông Đào cung cấp nước tưới cho khoảng ngót bốn chục vạn héc ta đất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho các địa phương tỉnh Nghệ An.
Công trình do Hoàng thân Xuphanuvông - vị Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - thiết kế. Đây chính là đồ án tốt nghiệp của ông tại Đại học Paris (Pháp). Lễ khánh thành công trình vào khoảng 1935, được tổ chức rất long trọng, có vua Bảo Đại về dự. Sau này, khi đảm nhận chức vụ Kiến trúc sư trưởng khu Công chánh Nha Trang, Hoàng thân còn thiết kế nhiều công trình thủy lợi khác ở nước ta, trong đó có 7 công trình cho đến nay vẫn đang còn sử dụng, tiêu biểu như Tháp nước Phan Thiết; đập Bái Thượng ở Thanh Hóa v.v
Tuy nhiên, đối với các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu - là vựa lúa của Nghệ An - công trình này chỉ có nhiệm vụ tưới nước chứ không tiêu được úng lụt. Bởi, dọc sông Đào, người ta trổ những tuynen. Mùa mưa, nước từ bán sơn địa, qua các tuynen đổ về lòng chảo, gây ngập ứng cho khu tả ngạn sông Đào.
Quê tôi nằm ở trung tâm lòng chảo ấy. Xa quê đã mấy chục năm nhưng mỗi khi nghe đài báo bão, trong ký ức tôi lại dội lên những cảnh tượng hãi hùng về mưa bão lụt. Có những trận mưa bão càn quét làng tôi xác xơ. Nước từ vùng bán sơn địa dồn về, cánh đồng làng tôi nước ngập mênh mông. Nghĩa địa Cầu Vồng loi thoi mấy cồn mả. Có năm, lụt ngập cả vùng, hàng nghìn người dân ngoi lên Rú Đót, nháo nhác hoảng loạn, sống bằng bánh mì cứu tế từ máy bay. Sau mỗi trận mưa bão, cánh đồng làng tôi ngập úng hàng tháng. Dân làng tôi chẳng có việc gì làm mà nom ai cũng hớt ha hớt hải như đang rất bận.
Năm 1976, một công trình thủy lợi rất lớn được khởi công, đó là kênh Vách Bắc. Kênh Vách Bắc được đào bám theo tả ngạn sông Đào - công trình do Hoàng thân thiết kế như đã nêu trên. Kênh Vách Bắc dài hơn 50 km, có nhiệm vụ thoát lũ cho vựa lúa Nghệ An - tức là cái lòng chảo của ba huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Công trình hoàn thành vào năm 1978. Nhờ có kênh Vách Bắc mà hàng vạn héc ta đất lầy thụt, năm xưa chỉ cấy một vụ, nay cấy hai, ba vụ. Nhờ kênh Vách Bắc mà hàng vạn người dân quê tôi thoát cảnh lũ lụt, đói nghèo. Vùng đất lầy thụt ngập úng năm xưa, nay trở nên sầm uất; các thị trấn, thị tứ đường rải nhựa, đèn sáng trưng.Ven đường là trường học, trạm xá và rất nhiều ngôi biệt thự đẹp, hiện đại. Hệ thống điện, điện thoại, intenet đã về tới tận các gia đình từ lâu.
Những người có công lớn xây dựng kênh Vách Bắc là ông Trương Kiện (Trương Văn Kiện), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1979-1982); ông Hồ Như Hồng, Tổng chỉ huy Công trình v.v.
Đằng sau câu đối hóc hiểm của ông Bí thư Tỉnh ủy
Đến nay, dân xứ Nghệ khó quên câu đối hóc hiểm, cay độc về ông Trương Kiện: “Kênh Vách Bắc dựng lên, đẩy ông thọt lọt vào nhà Đỏ/ Cống Hiệp Hoà sập xuống, vùi chôn chín tám mạng dân đen”.
“Ông thọt” trong câu đối này là ông Trương Kiện. Nghe nói ông bị thương ở chân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi công trình Vách Bắc “dựng lên”, ông là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (1976 -1979) và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1979 - 1982). Thời kỳ này, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập, thành tỉnh Nghệ Tĩnh (theo “Nghệ An qua các kỳ đại hội”. Sau khi bị kỷ luật, ông được Trung ương điều ra làmThứ trưởng Bộ Nông nghiệp rồi nghỉ hưu, về sống ở quê (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Đến nay, đa số dân Nghệ An vẫn cho rằng, công trình thủy lợi Vách Bắc là chủ trương của ông vì khi đó ông là Chủ tịch UBND tỉnh, sau đó được vào BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh. Ở vế thứ hai, “Cống Hiệp Hòa sập xuống, vùi chôn chín tám mạng dân đen”, xin được giải thích, cống Hiệp Hòa là đường hầm xuyên qua núi, đào từ thời Pháp. Sau này, khi đào kênh Vách Bắc, người ta cải tạo, mở rộng cống Hiệp Hòa. Trong khi thi công, cống bị sập làm 98 thanh niên thiệt mạng như đã kể trên. Vụ tai nạn khủng khiếp này chắc chắn trách nhiệm chính không phải do ông Chủ tịch tỉnh (tức ông Trương Kiện), nhưng câu đối trên cứ cột ông Trương Kiện vào, cho rằng, ông thăng quan tiến chức bằng xương máu của nhân dân! Ác quá! Cay độc quá!
Tôi từng loáng thoáng thấy ông trong đoàn lãnh đạo tỉnh đi thăm và kiểm tra công trình Vách Bắc năm ấy. Dáng ông gầy, đi tập tễnh. Năm ấy (1976), tôi vừa học xong phổ thông, tham gia đào Kênh Vách Bắc trong biên chế của Chi đoàn thôn Xuân Đào, xã Phú Thành, huyện Yên Thành. Lâu nay, tôi cứ thắc mắc, tự hỏi, sao bây giờ ít nơi huy động sức dân? Công trình Vách Bắc ngày ấy chủ yếu huy động sức dân. Có lẽ trên công trường có hàng vạn người tham gia. Chúng tôi mang gạo lên công trường, đun nấu, ăn ngủ tại công trường. Rét cắt da cắt thịt; cơm độn khoai khô; chẳng có nước để tắm giặt vậy mà mọi người đều hăng hái đến lạ. Dọc tuyến kênh, mấy chục cây số, lều lán dày đặc, rực màu cờ; không khí đào đắp khênh vác rồi hò hát thật tưng bừng.
…Khi tôi gõ những dòng này, cơn bão số 6 đang đổ bộ vào miền Trung nhưng quê tôi không hề bị thiệt hại gì. Lúc này tôi chợt nghĩ đến ông Trương Kiện và những người ra chủ trương huy động sức dân để đào kênh Vách Bắc, mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho hàng vạn dân quê tôi. Vậy mà, không hiểu ai đã ra câu đối độc ác về ông Trương Kiện đến vậy? Lúc này tôi chợt nhớ loáng thoáng dáng ông gầy gầy, chân đi tập tễnh trên bờ đê rợp cờ và tấp nập người khênh vác đào đắp. Rồi tôi chợt nhớ, ở Nghệ An còn có câu: “Khôn như Đại, dại như Tùy, lì như Bá, phá như Hùng, khùng như Tuyển”. Đó là tên và đặc điểm nổi bật của những quan chức đầu tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ. Trong số đó, không có tên ông Trương Kiện…
Gặp người bị tù trong vụ án
Ngày đó, khi mộ của 98 thanh niên chết thảm vừa xanh cỏ, một phiên tòa xử những người có trách nhiệm trong vụ sập cống Hiệp Hòa được mở và kỹ sư Hồ Như Hồng - Tổng chỉ huy đã bị kết án 6 năm tù giam. Từ đó, rất ít người biết thông tin về người kỹ sư từng được coi là linh hồn của những công trình thủy điện lớn của tỉnh Nghệ Tĩnh này. Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi đã biết được địa chỉ của ông Hồ Như Hồng và cuộc gặp bất ngờ đã mở ra nhiều thông tin về thảm họa lịch sử ấy....
Ông Hồ Như Hồng đang sống một ngôi làng nổi tiếng có nhiều danh nhân bậc nhất Việt Nam: Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông cũng nổi danh ở làng này, nên khi tới đây ai cũng có thể dẫn chúng tôi tới nhà. Ngôi nhà ngói có kiến trúc cổ xưa, tôi ngạc nhiên khi thấy tấm biển: “Nhà thuốc Đông y gia truyền Hồ Như Hồng”. Sau 30 năm, người dân ở đây biết tới ông là một lương y chứ chẳng mấy ai còn nhớ ông là kỹ sư phải chịu trách nhiệm chính trong vụ sập cống Hiệp Hòa.
Ông Hồng tóc đã bạc, gương mặt khắc khổ vẫn toát lên vẻ thân thiện khi tôi đề cập tới câu chuyện cống Hiệp Hòa. Kể về câu chuyện ấy, dường như có một nỗi đau sâu kín và những ký ức về thảm họa ấy dội về:
“Tôi đang làm giảng viên Đại học Thủy lợi thì tỉnh Nghệ Tĩnh xin về. Từ đó, tất cả các công trình trọng điểm của tỉnh tôi đều tham gia. Hồi chiến tranh chống Mỹ tôi trực tiếp chỉ huy công trình Bara Nam Đàn, rồi tham gia làm các công trình Vách Bắc, hồ Kẻ Gỗ. Công trình Đại thủy nông Đô Lương, trong đó có kênh Vách Bắc, mang tầm cỡ thế giới với chiều dài của kênh đào lên tới 530 km, kênh chính dài 53 km, tưới tiêu cho 37 vạn hecta. Nếu không có hệ thống kênh này thì ba huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu bị lũ lụt hoành hành, suốt đời thiếu đói. Có thể nói, hệ thống kênh này nắm giữ sự sống của cả tỉnh, không chỉ có ý nghĩa về thủy lợi mà cả nước sinh hoạt. Cống Hiệp Hòa nằm trong hệ thống Bara Đô Lương. Vì vai trò quan trọng của nó mà trở thành trọng điểm ném bom của Mỹ. Mỹ đã ném 91 quả bom vào cống Hiệp Hòa, làm sập cống dài 30m”.
Lưu lượng nước qua cống Hiệp Hòa lúc ấy chỉ đạt 18m3/s. Ít ra cũng phải đạt 30m3/s mới đủ tưới tiêu cho 37 vạn hecta đất nông nghiệp. Chủ tịch tỉnh Trương Kiện lúc đó đã cho vời kỹ sư Hồ Như Hồng đến làm Trưởng ban công trình hoàn chỉnh hệ thống kênh, trong đó trọng điểm là khơi thông cống, tu bổ Hiệp Hòa. Để kịp có nước cho vụ chiêm xuân, tỉnh đã huy động một lực lượng lớn trên 5 vạn người cùng hầu hết các xe cơ giới trên địa bàn thực hiện mục tiêu đó.
Khí thế lao động càng khẩn trương khi có tin Tổng Bí thư Lê Duẩn sắp vào Nghệ Tĩnh và sẽ lên thăm công trình Vách Bắc. Để chuẩn bị cho sự kiện này, ngày 28/11/1977, Tỉnh ủy đã điện cho kỹ sư Hồ Như Hồng về Vinh để báo cáo tiến độ thi công công trình. Đêm 2/1/1978, Hồ Như Hồng quay lại công trường thấy nước đã tràn vào móng cống. Bức tường dài 180m ngăn phía trên cống đã làm xong 150m, còn 30m, ông Hồng dặn kỹ sư Trần Nhương (chỉ huy công trường cống Hiệp Hòa): Khi nào thật an toàn thì đổ bêtông. (Nếu như bức tường 180m hoàn thiện sớm thì không thể xảy ra tai nạn được, theo ông Hồng).
Sự nuối tiếc lẫn đau đớn chạy trên gương mặt già nua của ông, khi kể cho tôi nghe về ngày kinh hoàng ấy: “Tối hôm đó, tôi làm việc tới 4 giờ sáng mới về lán. Sáng định mệnh 3/1/1978, 8 giờ đã thấy anh em đổ bê tông. 11 giờ tôi từ Bara Đô Lương trở về thấy anh em đổ bê tông gần xong, tôi phấn khởi mặc bộ quần áo bảo hộ lao động để xuống cống kiểm tra, phát hiện thấy một đường nứt trên cống từ thời Mỹ ném bom nhưng theo tôi không đáng ngại lắm. Tôi ra khỏi cống lúc 12h kém10 phút. Dẫu đã giữa trưa nhưng hai đơn vị thanh niên của huyệnThanh Chương và Quỳnh Lưu xung phong ở lại làm việc. Cuối cùng, đội Quỳnh Lưu về trước, đội Thanh Chương ở lại. Tôi ra bảo hậu cần cấp thêm cho anh em bánh mì. Tôi vừa đi được 100m thì nghe tiếng “ràm”. Cống sập. Lúc ấy tôi ngất đi”.
Tôi hỏi: “Là chỉ huy, lúc ấy cống sập, ông ngất có phải vì lo trách nhiệm?”. Ông Hồng lắc đầu: “Lúc ấy nghĩ tới hàng trăm người đang làm việc dưới miệng cống, tôi xót thương quá, chứ tôi không ngại trách nhiệm”. “Ông là kỹ sư giỏi, có nhiều năm làm công trình thủy lợi, theo ông vì sao cống Hiệp Hòa bị sập, phải chăng vì coi thường yếu tố kỹ thuật như thời ấy vẫn có câu: Chỉ cần vật tư, không cần kỹ sư?”. Ông lắc đầu: “Khi làm công trình, về lý thuyết phải làm trong điều kiện địa chất đồng chất, nhưng ở đây đất bị nhàu nát, càng đào xuống càng nhão, không lường được. Khâu khảo sát thiết kế không được coi trọng. Bình thường đất ôm chặt lấy cống, nhưng khi đào đất để hở cống, cống lại không có cốt thép nên bị sập... Bài học này phải trả giá bằng mạng sống của cả trăm thanh niên, chỉ nghĩ tới điều này cũng đủ làm tôi chết lặng”.
Bài học này phải trả giá bằng mạng sống của cả trăm thanh niên, chỉ nghĩ tới điều này cũng đủ làm tôi chết lặng.
Nhìn ông lúc này tôi có thể hình dung ra gương mặt kỹ sư Hồ Như Hồng khi cống sập. Ngất đi, nhưng khi tỉnh lại, kỹ sư Hồ Như Hồng đã thể hiện bản lĩnh của một người tổng chỉ huy. Ngay chiều hôm đó, đài BBC của Anh đưa tin tai nạn sập cống ở miền Trung Việt Nam làm 400 người thiệt mạng, trong khi con số thực tế là 93 người tử vong tại chỗ (không kể 5 người chết vì bị thương nặng sau đó). Hồ Như Hồng bàn với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế cho công bố thông tin số nạn nhân tử nạn.
Lúc đó cái rét mùa đông đang độ tê tái, tỉnh Nghệ Tĩnh cấp cho Hồ Như Hồng khoảng 100 cái chăn bông để đi thăm hỏi động viên những gia đình có con em chết trong vụ tai nạn. Theo logic thông thường, đến nhà những người ấy vào thời điểm họ vừa mất người thân sẽ nguy hiểm cho kỹ sư Hồng. Nhưng ông vẫn mang chăn đi, lại nhận được sự thông cảm từ phía gia đình người bị nạn. Xã Thanh Liên, nơi ông Hồng từng làm công trình đập Cầu Điền đã cử người tới động viên người kỹ sư này.
Sau thảm họa cống Hiệp Hòa ai phải chịu trách nhiệm? Trung ương Đảng tổ chức một cuộc họp với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Duy Trinh, tham dự cuộc họp có ông Phạm Hùng, ông Tố Hữu, ông Song Hào, ông Nguyễn Thọ Chân - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, ông Nguyễn Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi. Ban đầu ông Nguyễn Thọ Chân nêu quan điểm: “Cách chức và tước bằng của kỹ sư Hồ Như Hồng”. Ông Tố Hữu lên tiếng: “Có rất nhiều người không làm gì thì lý lịch rất trong sạch, còn có làm có sai, bằng kỹ sư là điều kiện để anh Hồng làm việc, tước đi có nên không?”. Ông Song Hào phát biểu: “Xét động cơ làm chương trình này có đúng chủ trương không. Tôi nghĩ là đúng, nhưng cách thực hiện đã chủ quan”.
Cuối cùng, cuộc họp đi đến kết luận: Khiển trách Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, cách chức Trưởng ban công trình hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi Đô Lương kiêm Trưởng phòng Xây dựng cơ bản của Ty Thủy lợi, hạ một bậc kỹ sư của Hồ Như Hồng (lúc đó ông Hồng kỹ sư bậc 3).
Ít lâu sau Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm tỉnh Nghệ Tĩnh, nghe báo cáo về thảm họa cống Hiệp Hòa đã thốt lên một câu có lẽ đúng cho mọi thời: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt bằng phá hoại”.
Sau đó hai tháng, ông Trường Chinh lúc đó là chủ tịch Quốc hội đã điện gọi Chủ tịch tỉnh Trương Kiện ra Hà Nội cho biết, một số bà con ở xã Cát Văn gửi thư ra Quốc hội yêu cầu xử lý vụ cống Hiệp Hòa bằng pháp luật. Sau đó Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thể hiện một số quan điểm: Vụ sập cống Hiệp Hòa phải được xử lí bằng pháp luật để thể hiện sự nghiêm minh, đề cao tinh thần trách nhiệm; đề cao tinh thần làm việc tôn trọng khoa học, kỹ thuật.
Ngay sau đó, 56 người có trách nhiệm liên quan tới vụ sập cống Hiệp Hòa được mời đến lấy khẩu cung. Kỹ sư Hồ Như Hồng là người cuối cùng, người thứ 56.
Tháng 10/1980, phiên tòa diễn ra ở Hội trường thị trấn Đô Lương, cách không xa nơi sập cống. Rất đông người nhà những người tử nạn và bà con trong tỉnh kéo nhau đến theo dõi phiên tòa. Hội trường không đủ chỗ, phiên tòa được tường thuật trực tiếp bằng loa phóng thanh. Điều lạ là, phiên toà không có vành móng ngựa, bị cáo không mặc áo tù.
Nhiều người dân thắc mắc vì sao một chủ trương lớn của tỉnh, một thảm họa làm chết 98 người mà chỉ có 3 người phải đứng trước tòa gồm ông Đào Nhiệm - Phó Ty Thủy lợi; ông Hồ Như Hồng và ông Trần Nhương - Trưởng tiểu ban công trình cống Hiệp Hòa?
Hiếm có phiên tòa nào mà cả dân và bị cáo đều khóc khi cáo trạng được đọc lên. Tòa tuyên án Hồ Như Hồng 6 năm tù. Sự nghiệp của người kỹ sư 41 tuổi coi như kết thúc. Nhưng ngay sau khi ra tù, ông vẫn được tỉnh tin tưởng mời làm một số công trình thủy lợi. Hồ Như Hồng làm nốt công trình ở huyện Quỳnh Lưu rồi về quê tiếp nối nghề thuốc đông y gia truyền của cha ông.
Có nhiều người dân đang chờ ông bắt bệnh, mắt ông ngấn nước: “Mình sống đến từng này tuổi là lãi lắm rồi, chỉ xót thương cho những nam nữ thanh niên tử nạn khi tuổi đôi mươi phơi phới. Giờ còn ai nhớ họ?”...