Làm phim ...hay làm tiền?

“Trong mối quan hệ chằng chịt giữa các công đoạn, các tổ chức để ném ra đời hàng đống phim nhảm nhí kia, là những âm mưu, những tính toán, những mục đích không "nhảm nhí" chút nào, còn người xem vô tội lương thiện thì lãnh đủ. Và “Tôi đồ rằng, dường như có một hình bóng của quy luật "Maphia" đang len lỏi thao túng làm u ám thêm đời sống phim ảnh nước nhà vốn đang ốm yếu què quặt...”

LÀM PHIM... HAY LÀM TIỀN?

 

Đạo diễn-nhà báo Mai An Nguyễn Anh Tuấn

I. Thời gian vừa qua, công luận rộ lên về tình trạng bát nháo của phim Việt (đặc biệt là phim truyền hình chiếu "giờ vàng"), tất cả đều xác đáng- mà một "tít" phụ của báo Tuổi trẻ TPHCM đã thâu tóm được chỉ bằng hai chữ: "nhảm nhí". Nhiều ý kiến đã phanh phui thực trạng cũng như nguyên nhân của tình trạng này. Có điều, một sự thật hiển nhiên mà chắc nhiều người cũng biết song không nỡ nói trắng phớ ra: đấy là, người ta không làm phim, nghĩa là không làm văn hóa, mà là làm tiền một cách trắng trợn! Việc làm tiền, đâu có gì đáng phải nói, nhưng ở đây, vấn đề là người ta đã làm tiền một cách thiếu sòng phẳng, không lương thiện, vô tình hoặc cố tình đánh cắp thời giờ, tiền bạc, lòng tin... của đông đảo khán giả!

Nhưng cái thực trạng đáng xấu hổ này (nhục nhã thì đúng hơn!) đã được ủ mầm bệnh từ hai chục năm trước (và đến bây giờ thì có điều kiện bung ra tất cả sự thối tha của nó ) khi điện ảnh Việt Nam rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng, từng phải lên tiếng cấp cứu thảm thiết, và cũng là lúc xuất hiện hàng loạt "phim mì ăn liền" với những cái tên phim câu khách lộ liễu trắng trợn! Thời kỳ đó, thậm chí một ông buôn bán đồ phòng cháy chữa cháy ở chợ giời Huỳnh Thúc Kháng may mắn chộp được ít tiền là cũng nhảy xô vào sản xuất phim- kể cả viết kịch bản, làm đạo diễn, để mua danh và hốt bạc một cách dễ dàng dựa trên sự dễ tính (và cũng dễ bị lừa) của đông đảo khán giả. Việc làm phim thời đó thật tưng bừng nhộn nhạo, "nhà nhà sản xuất phim, người người làm đạo diễn", phim ảnh trở thành những vụ "áp-phe" béo bở. Nhiều ông "chủ phim" xuất hiện (than ôi, không phải là hình mẫu "Ông chủ Hollywood" đáng nghiêng mình kính nể (tên một tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Fitzgerald - cuốn sách này đã có bản dịch tiếng Việt.) Những ông "chủ phim" này rất giỏi đánh hơi phần thị hiếu tầm thường của công chúng và quả đã lập được những kỷ lục khủng khiếp trong việc kiếm tiền chụp giật cũng như tiêu diệt những thị hiếu lành mạnh còn sót lại! Kẻ viết những dòng này cũng từng lang thang phía Nam nhiều năm ròng "tìm đường làm phim", cũng đã từng phải nhún mình trước những ông chủ phim như thế, để có lần, khi một ông "chủ phim" ra điều kiện làm phim là: không được sửa kịch bản, phải lấy vợ ông ta vào sắm vai chính, thì hắn nổi khùng. Và hắn đã bị ông "chủ phim" đó hắt khinh miệt vào mặt: "Anh không làm thì thôi! Loại đạo diễn thất nghiệp như anh từ ngoài Bắc vào nhiều như chó con!"

Làm khổ độc giả bằng câu chuyện cũ rích như vậy là để từ chuyện làm "phim mỳ ăn liền" kia, khi liên hệ với chuyện làm phim nhố nhăng hiện tại (và việc phát hành nó tới đông đảo khán giả), chúng ta dễ dàng nhận diện những ông "chủ phim" kiểu mới (đã biến tướng đi ít nhiều). Họ bây giờ là những ai? Đó là những công ty truyền thông tư nhân, những hãng phim tư nhân mà mục tiêu chủ yếu trong hoạt động là lợi nhận, lợi nhận, và lợi nhuận - còn những thứ khác như: nội dung giáo dục, vì tương lai thế hệ trẻ, vì thuần phong mỹ tục, v.v. chỉ là đồ trang kim dán bên ngoài để dễ dàng trôi qua kiểm duyệt, để nhanh chóng được nghiệm thu sản phẩm (dĩ nhiên là phải kèm thêm khoản "hoa hồng" hoặc phong bì lót tay hậu hĩ!)

Khoảng 6 năm trước, khi được Nhà nước cho phép, các hãng phim tư nhân mọc lên như nấm sau mưa, các công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn làm truyền thông quảng cáo cũng mau chóng bổ xung chức năng làm phim. Lúc đó, Trung tâm dịch vụ & quảng cáo truyền hình (TVAD ) Đài THVN đã tổ chức một cuộc gặp mặt hoành tráng với các cơ sở sản xuất phim tư nhân toàn quốc, mở đầu cho giai đoạn xã hội hóa phim ảnh! (Thực ra từ trước đó cũng đã có sự xã hội hóa bằng cách Đài "bán cái" một số chương trình truyền hình cho tư nhân thực hiện). Rồi tiến tới, "mật ngọt chết ruồi", đến ngay cả Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) - một cơ sở làm phim truyện truyền hình lớn nhất nước cũng hầu như "bán cả hồn lẫn xác" việc sản xuất phim cho tư nhân- và thời kỳ "hoàng kim" của VFC đã trở thành niềm tiếc nuối của không ít khán giả truyền hình khi "Văn nghệ chủ nhật" đã nhường chỗ cho một chương trình lạ hoắc và "lông bông" (nhận xét của một người xem truyền hình). Dựa trên một chủ trương đúng đắn (cần phải có 70% phim nội địa), dòng phim "mỳ ăn liền" đùng đùng sống dậy đã tác yêu tác quái các kênh truyền hình cả nước- và chiễm trệ tại "giờ vàng" của VTV Quốc gia!

Bên điện ảnh phim nhựa cũng rơi vào tình trạng bị "mua đứt bán đoạn" tương tự, đến nỗi người xem phim vào rạp có cảm tưởng phải buộc xem những post quảng cáo kéo dài, buộc xem trình diễn thời trang, buộc mở những trang web cá nhân xa lạ xem nam thanh nữ tú "lộ hàng nóng" khiến họ phải đỏ mặt; và diễn ra cái cảnh mà một nhà biên kịch nổi tiếng Mỹ đã hài hước kể lại trong những bài giảng về "Nghệ thuật kịch bản điện ảnh": đó là lúc lượng tiêu thụ nước của thành phố thình lình tăng vọt!

Thực ra, ngay cả những phim TH chưa đủ "tiêu chuẩn" để được gọi là "mỳ ăn liền" cũng đã mang những yếu tố của "mỳ ăn liền" đích thị! Vì không có trường quay, kinh phí quá bèo bọt, nên một số phim TH quay kéo dài hàng tháng trời đã mang tiếng là "lừa đảo" những chủ nhà cho thuê mượn bối cảnh (bởi hứa hẹn là chỉ quay có vài ngày!) Những người tham gia làm phim thì mắt trước mắt sau ngốn cho xong tiến độ để còn "chạy sô" phim khác; bộ phận kỹ thuật thường rất khó chịu khi đạo diễn muốn tìm tòi suy nghĩ cho phim thì có câu nói mỉa mai kinh điển: "định săn bắt cái con gì thế hở?"; còn diễn viên ( trừ một số ít người đứng tuổi) thì mắt nhắm mắt mở cầm cuốn kịch bản phân cảnh đọc mà chẳng cần biết đầu cua tai nheo thế nào, nhăn nhó năn nỉ với trợ lý: "Nhắc thoại tý!"- nhưng "một tý "ấy kéo dài hết cảnh này sang cảnh khác, khiến người lồng tiếng hậu kỳ phải chửi rủa ầm ĩ (còn nếu do chính mình đóng mà nhai lời lại thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt), và người xem phim thì có ấn tượng rằng: đấy là những người lớn nước ngoài đang tập nói tiếng Việt!...Thảm cảnh của chuyện làm phim ở Việt Nam cũng có thể coi là một thứ phim truyền hình bi hài dài tập không có hồi kết!

 

II. Có mấy công đoạn liên kết chủ yếu để diễn ra cái tình cảnh phim Việt trở thành nỗi "kinh hoàng", "ghê sợ", làm đau đầu nhiều người hiện nay, tôi xin thử tháo gỡ và phân tích từng công đoạn:

1. Được các Nhà đài bật đèn xanh, các công ty sản xuất phim tư nhân năng nổ kêu gọi các nhà tài trợ (thường là những cơ sở sản xuất kinh doanh muốn quảng cáo sản phẩm trên TH)-  bằng các dự án phim TH dài tập. Nghĩa là, Nhà đài cho phép đổi phim lấy quảng cáo. Còn công ty sản xuất phim bắt đầu đi thuê mướn đội ngũ làm phim, với hình thức "cò kè bớt một thêm hai", và tất nhiên họ sẽ "ngã giá" với những ai có khả năng thực hiện "nhanh nhiều tốt rẻ" và chấp thuận những điều kiện có lợi nhất cho họ. Những người đổ tiền vào để quảng cáo (trong phim và ngoài phim) chỉ chăm chăm xem sản phẩm của mình có làm "mờ mắt thủng tai" người xem hay không. Ngay cái khâu đầu tiên này đã sặc mùi thương mại, chẳng thèm đếm xỉa đến nội dung tư tưởng nghệ thuật gì hết trọi, nếu còn mong phim có giá trị nhân bản sâu sắc hay nghệ thuật cao siêu thì thực là ảo tưởng!

2. Người làm phim (thường do đạo diễn, hoặc đối tác trung gian đứng ra "nhận thầu"), khi cầm đồng tiền tạm ứng làm phim thì phải so đo đong đếm để "gọt giày vừa chân". Chưa kể, người làm phim trong khi lo xoay sở chuẩn bị tiền kỳ, lại phải đối phó với trung gian đương tìm mọi cách bớt xén phần kinh phí vốn đã quá èo uột... Nhưng không chấp nhận thì... đạo diễn thất nghiệp và "chợ người làm phim" chờ việc đang nhan nhản ra kia ở cổng các hãng phim lớn nhỏ! Và không ít người làm phim, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, đã chấp nhận làm phim bằng mọi giá, đồng thời cũng coi lương tâm nghề nghiệp chẳng đáng xu rỉ, đã thực hiện đúng phương châm: "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi"! Sở dĩ trong dân gian lâu nay vẫn lưu truyền câu nói của bố mẹ với con cái: "Nếu con mà lười học, dốt nát, mai kia sẽ cho làm đạo diễn phim truyền hình!", phải chăng có cơ sở thực tế là những "đạo diễn truyền hình, đạo diễn điện ảnh" kiểu này đang xuất hiện nhan nhản trên thương trường phim ảnh ? Chỉ cần có những mối quan hệ hữu hảo, biết "chi đẹp", là dễ dàng được "cầm cờ" làm đạo diễn, hô diễn hô cắt máy rất oai, để vênh váo với bạn - hơn thế, có thể "hòa vốn" hoặc có lãi to chưa biết chừng trong cuộc mua bán hư danh! (Chỉ đơn cử ví dụ: một người chỉ mới làm vài cái Saw game đơn giản trên truyền hình bỗng dưng nảy nòi trên cương vị đạo diễn điện ảnh rất oách, trong một phim lịch sử cực kỳ đồ sộ và tai tiếng cũng đồ sộ không kém! Thật may cho khán giả là phim chưa kịp ra "lò" đã bị tuýt còi, xếp xó).

Nếu là một người làm nghề có lương tâm thì sẽ không bị đồng tiền chi phối một cách thảm hại, sẽ biết lịch sự hay thẳng thừng từ chối những kịch bản dở, từ chối lối làm phim chụp giật. Nhưng than ôi, người biết từ chối như vậy trong nghề xem ra ngày càng hiếm "như lá mùa thu", và góp phần làm tràn ngập những bộ phim quái thai "khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào"!

3. Nhưng xét cho cùng, nếu những thứ phẩm của điện ảnh- truyền hình (đúng ra phải gọi là Rác văn hóa) bị chặn lại bởi hệ thống duyệt & phát hành đúng nghĩa thì đã không xảy ra chuyện dở cười dở khóc khiến bao người phải phí công sức để than phiền, phẫn nộ! Thực chất thế nào? Nhiều ý kiến đã vạch ra quá chi tiết và xác đáng, tôi chỉ xin nói thêm điều này: tôi thực sự kinh ngạc khi thấy người duyệt phim rất kỹ lưỡng, săm soi từng chi tiết, từng câu thoại mà họ coi là "nhạy cảm", song lại tỏ ra thông thoáng dễ dãi đến đáng ngờ trước những sản phẩm nhạt nhẽo, vô duyên, ngớ ngẩn, và nhảm nhí! Bản thân tôi và một số đồng nghiệp cũng không chỉ một lần là nạn nhân của cái bệnh "cầm đèn chạy trước ô tô", thói "bảo hoàng hơn vua" này của những người duyệt phim, khi phân cảnh thì được soi rất kỹ từng lời thoại, song khi diễn viên nói ra lại khiến họ sợ dúm, bắt đạo diễn phải cắt, hoặc "hiếp lời" (diễn viên nói một đằng, nhưng lồng tiếng lại một nẻo!) Và có những phim phải bị cắt đến không còn ra hình thù gì cả khi phát sóng khiến đạo diễn không nỡ, không dám xem lại phim của mình nữa!

Hệ lụy của tất cả những điều nói trên không chỉ là làm mất lòng tin của số đông khán giả với truyền hình- điện ảnh nước nhà, làm lãng phí công sức, thời gian tiền bạc của biết bao người, nó còn góp phần đắc lực tạo ra sự lệch lạc méo mó trong thị hiếu thẩm mỹ của thế hệ trẻ, góp vào sự suy đồi của đạo đức xã hội, tạo ra nguy cơ "sự trống rỗng văn hóa" như một số nhà hoạt động văn hóa nước ngoài đã từng cảnh báo!

Tôi đã tẩy chay những "phim mỳ ăn liền" (hoặc phim thương mại lộ liễu- một biến thái tinh vi của loại "phim mỳ ăn liền") khiến tôi bội thực thất vọng, bội thực xót xa bằng cách không bao giờ bước tới rạp xem chúng, hay lập tức chuyển kênh khi màn hình nhỏ xuất hiện bóng dáng của chúng; và tôi cũng mong cả xã hội cũng nên bắt đầu chiến dịch tẩy chay chúng, thay vì cứ kêu ca mà chẳng đi tới đâu - đó là một cách tuy khá tiêu cực trong khi chưa biết làm gì hơn thế, nhưng cũng có thể có một tác dụng  trước mắt để nếu những nhà sản xuất, nhà tài trợ, người làm phim và người duyệt phim còn tiếp tục coi thường khán giả như thời gian vừa qua, họ sẽ nhận được hậu quả nhỡn tiền, sẽ bị "gậy ông đập lưng ông"! Bởi mục đích của họ là làm tiền một cách không lương thiện thì khi không đạt được mục đích, họ sẽ buộc phải chùn tay lại - hiệu quả hơn mọi sự phê phán hay cưỡng chế (như việc đình lại bộ phim đang phát sóng dở "Anh chàng vượt thời gian", và một số bộ phim khác đang trong tình thế phải chung số phận đó- mà rõ ràng trước hết đây là thành công đáng kể của dư luận!)

“Trong mối quan hệ chằng chịt giữa các công đoạn, các tổ chức để ném ra đời hàng đống phim nhảm nhí kia, là những âm mưu, những tính toán, những mục đích không "nhảm nhí" chút nào, còn người xem vô tội lương thiện thì lãnh đủ. Và tôi đồ rằng, dường như có một hình bóng của quy luật "Maphia" đang len lỏi thao túng làm u ám thêm đời sống phim ảnh nước nhà vốn đang ốm yếu què quặt...” -