Đại diện TPM tại Ucraina trả lời phỏng vấn báo VTC

Sáng nay, 20/03/2014 – Đài phát thanh và truyền hình trực tuyến Vtc.com.vn đã phỏng vấn Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lí – Đại diện TPM tại Ucaina về tình hình người việt tại Ukraine. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc của Tacphammoi.net:

Mơ ước của mọi người dân trên thế giới  về Kiev  luôn thanh bình và tươi đẹp

Phóng viên: Xin chị cho biết tình hình người Việt hiện nay ở Ukraine?

Hoa Lý: “Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ukraine và Moldova Nguyễn Minh Trí, hiện ở Ukraine có hơn 10.000 người dân Việt Nam sinh sống, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn Kiev, Kharkov, Odessa. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, tác động lên mọi mặt đời sống chính trị, văn hóa và kinh tế - xã hội của đất nước này. Đa số bà con bất an trong cuộc sống, lao động và học tập.

Cộng đồng người Việt tại Ukraine được đánh giá là cộng đồng vững mạnh về mọi mặt do phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Ban lãnh đạo các cơ sở là những người có tâm huyết, phẩm chất tốt, có kiến thức và kinh nghiệm tổ chức, quản lý cộng đồng, giúp bà con ta yên tâm, vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách trong lúc này.

Đại sứ Nguyễn Minh Trí khẳng định: Trong bối cảnh tình hình hiện nay, ĐSQ Việt Nam xác định công tác bảo hộ công dân và bảo đảm an ninh cộng đồng là một trong những công tác hàng đầu và cấp bách, trong đó cung cấp thông tin cho cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Bên cạnh việc thông báo đầy đủ thông tin, khuyến cáo người dân tránh xa vùng nguy hiểm và lập đường dây nóng để người dân liên lạc khi cần thiết, ĐSQ cũng đã báo cáo, kiến nghị các cơ quan chức năng trong nước chỉ đạo hướng giải quyết khi có tình hình phức tạp và khẩn cấp xảy ra” – Baonga.com

Người Việt tại Kiev buôn bán tập trung ở khu vực chợ Troeshina – nơi có rất đông người nước ngoài cùng làm ăn, sinh sống như: Trung Quốc, Pakitstan, Moldavi, Azerbaidzan, Rumani, các nước vùng Trung Á, Capcaz...

Về đời sống tinh thần: bà con sống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong làm ăn, thăm hỏi khi đau ốm, giúp đỡ khi hoạn nạn. Thế hệ thứ Hai sinh ra và lớn lên được giáo dục theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ucraina. Các cháu đều nói tốt tiếng Ucraina, tiếng Nga, tiếng Anh và thậm chí cả tiếng Pháp. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh đều chú trọng giáo dục con em mình phong tục tập quán của người Việt. Dạy con bằng ngôn ngữ Việt và cách ứng xử theo văn hoá Việt – đó một nét rất đặc biệt của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về tư tưởng: Đại sứ quán có sự quan tâm, chỉ đạo và gắn kết với cộng đồng trong các phong trào chung. Các ngày Lễ, Tết, Hội ngày Kỷ niệm đều cử Đại diện tới tham dự và chia sẻ với bà con.

Về văn hóa: Các gia đình đều phủ sóng Vệ tinh VTV4 vì vậy cảm nhận quê hương luôn rất gần gũi. Internet phát triển, bà con cập nhật thông tin qua các báo điện tử của người Việt luôn đáp ứng nhu cầu về thông tin cho bà con đó là các báo Tuần tin Quê hương tại Kharkov, 2 trang báo của Odessa và trang Nguoixunghekiev cùng với các báo điện tử trong nước.

Về thể thao: các đội bóng được thành lập và sôi nổi nhất vào mùa hè với lịch thi đấu đều đặn nâng cao thể chất của cộng đồng từ đội U40 tới đội 9X...

2.Phóng viên: Người Việt đang khắc phục khó khăn như thế nào? (giải pháp...)

Hoa Lý: Khi tình hình đột biến vào ngày 19-20/02, bà con ta đã tự bảo nhau trước hết giữ an toàn cho gia đình và con cái. Hạn chế đến mức tối đa việc ra ngoài đường. Ngay trong gia đình tôi, 2 con học ở hai nơi khác nhau đều không thể thu xếp kịp về nhà khi biến cố. Cháu lớn nằm im trong ký túc xá của trường ĐHTH Kiev, cháu nhỏ không về được ký túc xá của trường Đại học Y thành phố Vinhitsa nên phải ở nhờ nhà bạn mất cả tuần... những ngày đó tôi như ngồi trên đống lửa.

Sau khi tình hình chính trị đã lắng xuống, đồng tiền trượt giá với tốc độ chóng mặt. Và theo đó là các mặt hàng nhu yếu phẩm đồng loạt tăng giá. Người dân của họ đều lo dự trữ lương tực, thực phẩm. Vì vậy hàng hoá không bán được. Cảnh chợ bi đát. Người Việt chủ yếu sống nhờ vào chợ nên khó khăn là tất yếu khi tiền thuê chỗ bán hàng, thuê nhà, tiền thuế... đều tăng. Tất cả đều gắng gượng để qua cơn bĩ cực. Trong bối cảnh chính trị rối ren, kinh tế suy sụp, thu không đủ chi, những gia đình khó khăn nhất đã sắp xếp về trở về quê hương.

 

Bản thân gia đình tôi rất giằng xé trước câu hỏi nên về hay ở lại? Nói như vậy là bởi con trai chúng tôi sẽ tốt nghiệp vào tháng 7 này. Liệu có kịp hoàn thiện chương trình không? Liệu tình hình có tồi tệ hơn không? Nếu về nước phải bán cửa hàng, phải thu xếp rất nhiều việc – đó là một quyết định không hề đơn giản.

3. Phóng viên: Chính quyền sở tại cư xử như thế nào với người Việt trong tình hình hiện nay?

Hoa Lý: Người Việt Nam mình sống chan hoà với dân sở tại nên họ đối xử với mình cũng rất bình đẳng. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những trường hợp kẻ xấu lợi dụng tình thế để làm bậy.

“Theo Đại sứ Nguyễn Minh Trí tình hình trật tự và an toàn xã hội tại Ukraine trong thời gian qua rất đáng lo ngại. Tranh thủ khoảng trống quyền lực và lợi dụng tự quản, một số đối tượng cực đoan, quá khích tăng cường hoạt động quấy rối. Chúng đến chỗ ở của bà con người Việt, các khu chợ và trường học đe dọa lấy hàng, cướp tiền hoặc chiếm đoạt chỗ ở trú ẩn qua đêm. Trước tình hình phức tạp của Ukraine nói riêng, khu vực nói chung, việc di cư tự do cũng đang diễn ra khá phổ biến và không kiểm soát được đã gây nên sự xáo trộn trong cộng đồng.” – Baonga.com

Gia đình tôi sống tại ngoại ô Kiev cùng hơn chục gia đình người Việt khác. Hầu hết là các công nhân lao động lập gia đình, ở lại nhập quốc tịch hoặc nhận thẻ định cư. Chúng tôi sống hoà đồng với người bản xứ. Con cái sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ các trường PT rồi vào ĐH. Gắn bó và yêu quý mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình vì vậy thật đau xót trước cảnh huynh đệ tương tàn, Quảng trường Tự do xinh đẹp bị tàn phá... Và nếu như Tổng động viên xảy ra, con chúng tôi sẽ phải cầm súng, phải bắn giết ai? Khi kẻ thù có thể là người đã từng cưu mang dân tộc mình, cha mẹ mình? Một câu hỏi đầy ai oán...

Ngày 14-15/03, dân tiểu thương bảo nhau quyên góp đồ ăn, thức uống và cả tiền bạc cho bộ đội. Được biết, số lương thực, thực phẩm và số tiền đủ dùng đến thứ Sáu. Trời ạ!

Ngày 19/03, khi tiểu thương họp tại phòng Thuế, nêu những thắc mắc, đòi hỏi quyền lợi được giảm chi phí sinh hoạt, giảm tiền thuê địa điểm bán hàng, tiền thuế, hưu trí... thì ngoài chợ lại đi quyên góp cho quân đội. Văn phòng Giám đốc chợ đích thân xuống kêu gọi người Việt Nam ủng hộ cho binh lính. Họ biết, mình cũng rất khó khăn nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Với truyền thống nhân văn của người Việt thì giúp người cũng là tự giúp mình. Qua đó, cũng chứng tỏ một điều bạn rất trân trọng và rất hiểu ta...

Ngày 20/03: Người Việt đã quyên tiền ủng hộ cho các đơn vị bộ đội huấn luyện. Thay mặt BGĐ chợ, Trưởng tài vụ rất xúc động cảm ơn tấm lòng tương thân tương ái của người Việt.

Description: Hình ảnh: Người Việt quyên góp ủng hộ quân đội, dù ít nhưng đó là sự thể hiện những tấm lòng nhân ái, sẻ chia...

4. Phóng viên: Vị trí của người Việt trong xã hội Ukraine hiện nay?

Hoa Lý: Người Việt Nam mình sang lao động hợp tác chủ yếu từ năm 88. Trước đó là các sinh viên được cử đi học theo diện học bổng của Bộ ĐH... và sau này là những người sang du lịch, thăm thân rồi ở lại buôn bán, các du học sinh và thế hệ thứ Hai. Với đức tính cần cù, chịu khó; con cái chăm chỉ học hành, nhiều cháu học giỏi tham dự các kỳ thi cấp Quốc gia, nhiều cháu Tốt nghiệp PTTH đại Hy chương Vàng và đỗ Đại học diện học bổng.

Với tình cảm thiêng liêng hướng về nguồn cội khi chùa Trúc Lâm – Kharkov của người Việt được khánh thành vào cuối năm 2007. Ở Kiev có trường PTTH mang tên Bác có nhiều cháu Việt Nam theo học đã được sự quan tâm động viên của ĐSQ. Những hoạt động đoàn thể cũng phát triển: các Chi bộ Đảng hoạt động thường xuyên và bồi dưỡng, kết nạp Đảng cho các Đoàn viên Ưu tú thông qua sự hoạt động mạnh mẽ của đoàn thanh niên... Các Hội người Việt, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, các Hội đồng hương đều hoạt động sôi nổi... Tất cả những việc làm của người Việt khiến bạn rất tin yêu, quý trọng.

Tuy nhiên, với tình trạng thất nghiệp tràn lan thì các công dân của mình cũng không có vị thế gì trong xã hội. Một vài doanh nghiệp tại Kiev hoạt động lẻ tẻ. Mạnh nhất là các doanh nghiệp ở Kharkov, Odessa.

 

5. Phóng viên: Trong tương lai nhìn thấy đươc, chị dự đoán thế nào về đời sống cộng đồng người Việt ở Ukraine?

Hoa Lý: Với những diễn biến vô cùng phức tạp:

Ngày 16/03: “người Crưm nô nức đi bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Nga” “Đúng 8 giờ sáng nay theo giờ địa phương, các điểm bỏ phiếu trên bán đảo Crimea đã mở cửa để bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý về vận mệnh của vùng lãnh thổ này. Lượng người tới bỏ phiếu tương đối đông trong không khí hòa bình”. Và Theo ông Malyshev - chủ tịch ủy ban trưng cầu dân ý của quốc hội Ukraine: 96,77% cử tri Crimea đã bỏ ủng hộ việc sáp nhập vào Liên bang Nga, tương đương với 1,233 triệu cử tri, trong tổng số 1,274 người đi bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 83,1%.

Tối 16/03: Hàng nghìn người dân trên bán đảo Crimea đã đổ ra đường, reo hò, nhảy múa để ăn mừng kết quả cuộc trưng cầu dân ý sau khi các kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy hầu hết cử tri ủng hộ việc tách khỏi Ukraine và sáp nhập với Nga.

Ngày 17/3: Văn phòng báo chí Điện Kremlin cho hay Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh công nhận Crimea là nhà nước độc lập, mở đường cho Crimea gia nhập Liên bang Nga.

Ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc thông điệp đặc biệt nhân sự kiện tiếp nhận bán đảo Crimea vào Liên bang Nga, trong đó ông nhấn mạnh phương Tây đã "vượt quá giới hạn trong vấn đề Ukraine" và Crimea "sẽ mãi là bộ phận không tách rời của Nga". ( Dân Trí)

Khó có thể đoán định được tương lai của cộng đồng người Việt tại Ucraina bởi mình phụ thuộc vào tình hình xã hội của họ. Hy vọng, cơn giông tố sẽ qua và Ucraina trở lại bình yên, đáng yêu như vốn có. Bất cứ nơi nào trên trái đất cũng cần hưởng không khí hoà bình, tự do, hữu nghị, hợp tác và cùng nhau phát triển – tôi quan niệm vậy....