Sa Pa mù sương

Ở nhiều nơi sương mù gây nên những trở ngại trong sinh hoạt, thậm chí gây khó chịu cho con người. Nhưng với Sa Pa, sương mù như một thứ đặc sản. Sương giăng giăng bảng lảng trên sườn đồi trong các buổi chiều tô vẽ thêm vẻ đẹp huyền ảo và quyến rũ vốn có của Sa Pa. Có người ví von so sánh sương mờ của Sa Pa cũng cần thiết như sự có mặt của cây thông của khu nghỉ mát Đà Lạt . Thiếu thông, Đà Lạt không còn là chính mình nữa.

Nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, Sa Pa là một thị trấn nhỏ của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách Hà Nội ngót 400 km. Người Pháp ngay từ những năm 40  của thế kỷ trước  đã chọn  nơi này để quy hoạch xây dựng thành nơi nghỉ mát và điều dưỡng là hoàn toàn hợp lý,  bởi khí hậu nơi đây tuyệt vời cho một khu nghỉ dưỡng. Nằm ở độ cao trên dưới 1600 mét so với mực nước biển, Sa Pa có khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới nên không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết nơi đây trong một ngày mang sắc thái của cả bốn mùa. Buổi sáng mỗi ngày khí trời giống hệt mùa Xuân. Buổi trưa nắng nhẹ nhưng cũng đem đến cho ta cái cảm giác mùa Hè. Chiều đến thì mây mờ bao phủ, sương giăng mắc đưa ta đến với cảm giác rất đặc trưng của mùa Thu. Và khi màn đêm buông xuống, trời Sa Pa se lạnh dẫn ta vào giấc ngủ của đêm  mùa Đông với tấm chăn đắp nhẹ trên mình .

Đến du lịch ở Sa Pa  là đến với vùng đất có rất nhiều lễ hội và chợ phiên. Nơi đây có 6 dân tộc khác nhau : H.Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó và người Kinh. Mỗi dân tộc có một tập quán sinh hoạt, phong tục và văn hóa riêng. Sống chung trên giải đất Sa Pa, mỗi dân tộc đều có cơ hội để bộc lộ những nét duyên dáng và độc đáo của văn hóa dân tộc mình. Chúng ta  có thể tham dự và chung vui với bà con người Dao những ngày lễ Tết Nhảy diễn ra suốt tháng tết hàng năm.  Ta cũng có thể hòa mình vào lễ hội Sải Sán (Đạp núi) của người H. Mông. Vào dịp đầu năm ta mong để được đi hội Róong Pọc của người dân tộc Giáy với những ấn tượng không thể nào quên về sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên. Vào chiều thứ 7 và cả ngày chủ nhật hàng tuần nếu đến Bắc Hà bạn có thể dự phiên Chợ Tình. Chợ Tình đặc biệt hấp dẫn khách thăm quan du lịch trong và ngoài nước bởi nét văn hóa riêng độc đáo và vô cùng  lãng mạn của nó. Vào những ngày chợ phiên này những trai gái người H.Mông, người Dao đỏ tìm đến nhau. Họ tìm và hẹn nhau bằng những câu hát ý nhị. Có nhiều trường hợp họ hẹn nhau thông qua việc nhờ âm thanh của cây Khèn, Sáo, Đàn môi, Kèn lá... để định ước nơi gặp gỡ của những người bạn tình...

Mới đặt chân đến thị trấn Sa Pa ta dễ có cảm giác lạc vào một thành phố của châu Âu . Hơn 200 ngôi biệt thự với phong cách kiến trúc Gô-tích được xây cất từ thế kỷ trước nằm xen kẽ giữa những rừng cây Đào và những rặng Sa Mu xanh mướt. Nhưng chỉ đi thêm vài trăm mét nữa thôi, vượt qua tầm che khuất của những ngôi nhà, bạn sẽ thấy cảnh núi rừng hùng vĩ của Tây Bắc rất điển hình nơi đây. Nhìn về phía tây là dãy núi Hoàng Liên Sơn bốn mùa sương giăng mờ mịt. Đi lên Cổng trời và nhìn về phía xa  xa là đỉnh Phan Xi Păng  cao vút ( 3143 mét ) như một niềm tự hào kiêu hãnh của người Sa Pa. Dãy Hoàng Liên Sơn không chỉ  như một bức tường thành che chở cho sự yên bình  và thơ mộng của Sa Pa mà ẩn chứa trong lòng nó còn có nhiều động thực vật quý hiếm. Nơi đây có các loài thực vật quý như Hoàng Liên, thông dầu...có tới 37 loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.

Những cảnh đẹp của Sa Pa  thật kỳ thú. Qua Thác Bạc bạn sẽ thấy kỳ quan này là một công trình sáng tạo  tuyệt tác của thiên nhiên. Thác cao gần 200 mét  phun hàng triệu triệu  những tia nước nhỏ. Đứng xa ta như được chiêm ngưỡng râu tóc bạc phơ của ông già tuyết tung bay trong sương chiều... Đi đến Cầu Mây, Động Tả Pìn  hay Bãi Đá cổ,  ta bỗng thấy mình như lạc bước vào một bảo tàng thiên nhiên. Đặc biệt khu Bãi Đá cổ với rất nhiều dấu tích kỳ lạ để lại trên đá, đang là câu hỏi lớn cho các nhà khoa học và du khách đã một lần được đặt chân đến chốn này. Phải chăng nơi đây người Việt cổ đã cư trú và tồn tại từ nhiều ngàn năm trước? Những thông điệp họ để lại qua những hoa văn trên đá kia nhắn gửi cho hậu thế những gì?...

Một chiều cuối năm tôi có dịp dừng chân tại Hotel Emotion của Sa Pa. Nhân viên của nhà nghỉ ở đây hầu hết là người bản xứ và rất mến khách. Đặc biệt họ yêu mến và tự hào về quê hương mình. Cô nhân viên xinh đẹp người dân tộc H.Mong tâm sự rằng : “Sa Pa đẹp về khí hậu và cảnh sắc thiên nhiên nhưng Sa Pa còn đẹp hơn nữa bởi văn hóa bản địa. Du khách từ năm châu bốn biển đến đây đều khao khát được tận hưởng những tinh hoa của lối sống thiên nhiên hào hoa và lãng mạn chốn này ”. Rồi cô mơ màng kể về sức sống và ảnh hưởng của Sa Pa đến nhiều vùng miền trên thế giới. Người Việt xa quê nhớ về quê mẹ là nhớ đến Sa Pa. Cô nói rằng ở tận nước Cộng hòa Czech xa xôi, những người Việt xa quê, nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn nên  cũng tạo dựng nên một cái chợ mang phong cách hệt như quê mình và đặt tên là Trung tâm thương mại Sa Pa. Cái chợ đó nằm trên đại lộ Libuska, thuộc quận 4 của thành phố Praha. Cổng chính của chợ ấy cũng có hai tầng mái, uốn hơi cong hệt như nhiều cổng của các chợ ở Việt Nam mình.

 

V.N.C