Lửa cho mỗi ngôi nhà

Lần đầu tiên ra khỏi nhà mà tôi được đi xa nhất là theo bà ra tận bờ sông. Năm ấy tôi chừng năm, sáu tuổi. Tháng Tám, nước sông Tích tụt xuống tận dưới lòng để lại hai bờ sâu hun hút… Lúc về bà quảy một gánh toàn đất sét vàng mà bà gọi là đất “mỡ cua”. Đất mỡ cua bà mang về xếp ngay gốc lựu trong sân nhà. Sang tháng Mười, đất đã trải qua những trận mưa thu tầm tã và những ngày nắng hanh vàng trái bưởi. Bà bảo: Đất đã phong hóa! Rồi bà kén ngày hanh hao mang ra luyện kỹ, nặn thành mấy cỗ “đầu rau”. Chọn chỗ khô ráo bên hiên nhà bà để ngay ngắn và bảo chúng tôi: Đây là Vua Bếp! Không được đứa nào bén mảng đến để nghịch ngợm. 

Chẳng hiểu sao từ lúc ấy thỉnh thoảng tôi cứ trộm nhìn những khối đất thô sơ, mộc mạc mà có cảm giác như những người già ngồi thu lu “bó củi” đang chụm đầu trò chuyện. Lòng tôi bâng khuâng chợt dâng lên một nỗi niềm thành kính!

Đến ngày Hăm ba tháng Chạp, bà đi chợ sắm ba chiếc mũ (hai mũ ông, một mũ bà) và một con cá chép nhỏ. Những cái mũ xanh đỏ có gắn tua loang loáng trang kim, nhìn như mũ của các ông tướng trong các vở tuồng cổ. Khoái chí, tôi đội lên đầu. Bà vội bảo: Phải tội đấy cháu! Rồi bà kể: Xưa có hai vợ chồng nghèo quá mà phải bỏ nhau, về sau người vợ lấy lại được người chồng giàu có. Một hôm người vợ đang cúng đốt vàng mã ngoài sân thì có một người ăn xin đi vào. Người đàn bà nhận ra đó chính là người chồng cũ của mình. Động lòng thương cảm, người vợ cũ liền đem tiền bạc, cơm gạo ra cho. Sau người chồng hiện tại biết và sinh nghi vợ mình… Người đàn bà thấy thế xấu hổ đâm đầu vào lửa mà chết. Người chồng cũ cám cảnh, rất đau lòng cũng đâm đầu vào lửa chết theo. Người chồng sau vô cùng ân hận và thương tiếc vợ cũng nhảy vào lửa chết nốt. Thế là chết cả ba người. Trời thấy cả ba người đều có nghĩa nên phong cho họ là “Vua Bếp”!

Lần đầu tiên trong nhà tôi biết có một “ngôi vua”. Một ngôi vua thật gần gũi chứ không vời vợi như những ngôi vua mà thường hay kể trong những câu chuện cổ tích. Cả một năm dân gian dành một ngày để cúng Vua Bếp. Đó là ngày Hăm ba tháng Chạp. Vào ngày đó bà đem những cái mũ bày lên gian thờ mà cả nhà gọi là gian thờ Thổ Công, cái chậu đồng thau cũng được đem đánh trấu kỹ cho sáng bóng lên. Con cá chép nhỏ bà gọi là “ngựa” của Vua Bếp cũng tung tăng bơi trong chậu. Chậu đồng vàng óng làm cho vây đuôi của chú cá thêm phần rực rỡ. Có lẽ chỉ một lát nữa thôi, chú cá chép nhỏ sẽ hóa thành rồng cùng với Vua Bếp nhà tôi sẽ lên Giời tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế công việc làm ăn của nhà tôi trong suốt một năm qua…

Hết một tuần hương bà đem đốt vàng mã, “hóa” những chiếc mũ năm ngoái, rồi bưng cái chậu có đựng chú cá chép ra tận bờ sông. Bà tôi thả chú cá xuống dòng sông Tích đang chầm chậm chảy quanh làng như một vòng tay mềm mại. Chỉ một cái quẫy đuôi chú cả nhỏ đã hòa vào dòng sông. Tôi hết nhìn ngược lại nhìn xuôi, khắp mặt sông chỉ còn lại một làn sương mỏng mơ hồ. Phía thượng nguồn chợt mù mịt như có một làn khói vừa xuất hiện, có lẽ chú cá chép và Vua Bếp nhà tôi đang vùn vụt lên chín tầng trời vời vợi. Bà tôi nhìn trời, nhìn nước rồi khe khẽ đọc một câu ca dao cổ:

Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như Vua Bếp hai ông một bà…

Bà quay về nhà nhắc những cỗ Đầu Rau năm ngoái để sát vào chân tường trong vườn, bên những khóm gừng tía đang xuống củ, mẹ con nhà gừng chùm rúm công kênh nhau lồ lộ trên mặt đất. Củ nào củ nấy cứ đen bóng lên như những củ tam thất Tàu của mấy ông lang thuốc Bắc. Bà thay vào bếp những cỗ Đầu rau mới. Nhìn nhứng cỗ Đầu Rau chụm đầu trong ánh lửa bập bùng mà thấy cháy ngời lên một tình cảm thắm thiết về một mối tình “tay ba” trong cổ tích! Cho dù có thảm xót bi thương song vẫn là lời nhắc nhở tha thiết nhất cho mỗi nếp nhà.

Chẳng biết có phải vì thế hay không mà bà tôi âm thầm nuôi ngọn lửa! Năm nào cũng thế, những cỗ Đàu Rau mới thay thế những cỗ Đầu Rau cũ… Rồi cho đến một ngày bà đi, căn nhà hoang hoảng vắng mất một thời gian dài mỗi khi xuân về Têt đến… Ngày Hăm ba tháng Chạp năm bà đi nhà tôi không còn nghi lễ mà bà vẫn thường làm khi có mặt trên đời. Tôi ngơ ngần buồn, ra vườn nhìn dọc theo chân tường nơi hằng năm bà vẫn để những cỗ Đầu Rau cũ... Mưa nắng dãi dầu, chỉ còn lại một vệt mơ hồ trên mặt đất. Duy nhất còn lại là những khóm gừng vẫn đẻ đàn đẻ lũ, con cháu xum xuê. Nhớ lời bà lúc sinh thời: Đất Đầu Rau rất hợp với gừng! Tôi nhấm vị gừng cay thơm nơi đầu lưỡi mà thấy lòng mình lắng đọng nỗi niềm “gừng cay, muối mặn”.

Làng tôi đã lâu rồi chẳng ai còn giữ tục năm thay Đầu Rau vào ngày Hăm ba tháng Chạp nữa, nhưng mẹ tôi vẫn thường bảo: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp” . Mẹ giữ gìn ba gian bếp nhỏ rất cẩn thận, ấn tượng còn lại sâu đậm nhất của tôi trong những năm tháng tuổi thơ là những bữa cơm chiều mà ngoài trời mịt mù mưa phùn gió bấc… Tháng chạp năm ấy trời rét lắm, khỏe đến như cá rô đồng cũng vì buốt óc mà nổi lềnh phềnh trên mặt nước, nhìn chúng vàng ệch như những chiếc lá đầy các mặt đầm, mặt giộc… Vậy mà cũng chẳng có ai dám mò xuống mà hớt! Cây mạ chiêm mới được cấy xuống đứng như đóng cọc xuống mặt bùn. Nhìn mùa màng, mẹ tôi thở dài, nỗi lo bắc cầu sang tháng Ba năm sau. Một năm hai vụ bốn mùa, đời mẹ biết đến bao giờ vợi bớt những nỗi lo mỗi khi vào kỳ giáp hạt?

Những năm rét như thế rau cần tốt lắm, đã trắng lại giòn. Nhiều nhà ngại rét thường để rau quá lứa. Riêng nhà tôi sáng nào cũng vậy, khi ngoài trời còn mờ mịt tối thi đã nghe tiếng mẹ gọi: Dậy đi các con, lửa bếp mẹ đã nhóm rồi! Chúng tôi vùng dậy, hơ qua chân tay rồi lội ào xuống ao rau… Mỗi lứa cần như thế có khi tiền thu được đong gạo đủ ăn cả một tháng trời. Gia đình tôi vượt qua những tháng ngày gian khó bằng những lứa rau cần trong tiết đại hàn…

Năm tháng qua đi, chúng tôi lớn lên bằng chính những nhọc nhằn trên đồng ruộng. Cho đến tận bây giờ, gập ghềnh trên mỗi bước đường mưu sinh, bươn bả ngược xuôi giữa nhập nhoạng ánh đèn phố thị, người nối người, bánh xe trằn lên những bánh xe… Tôi cứ như bị trôi đi trong cảm giác khát khao quay về với ba gian bếp nhỏ ngày xưa… Nơi ấy, mẹ tôi, bà tôi và biết bao thế hệ đã nhóm lên ngọn lửa. Phải chăng, đó chính là ngọn lửa mà Tạo Hóa đã ban phát cho mỗi ngôi nhà!