Bài 22: Bài của ông Phạm Ngọc Can

Thời làm chuyên viên ở Vụ Xây dựng Cơ bản - Bộ Điện và Than, sau đó là Bộ Mỏ và Than – cơ quan tham mưu của Bộ thuộc lĩnh vực do anh Nguyễn Đức Phan phụ trách nên nhiều năm tôi được làm việc với anh Phan; được đi cơ sở và nhiều lần đi công tác nước ngoài với anh. Trong thời gian ấy, anh Phan đã để lại trong anh em khối xây dựng cơ bản chúng tôi hình ảnh một Tư lệnh tài giỏi; một người anh mẫu mực, một người bạn lớn.


Ông Phạm Ngọc Can (ngoài cùng bên trái)

“TƯ LỆNH” CỦA CHÚNG TÔI

Phạm Ngọc Can

(Nguyên Chuyên viên Bộ Điện và Than; nguyên Ủy viên HĐQT Tập đoàn TKV).

 

 

Thời làm chuyên viên ở Vụ Xây dựng Cơ bản - Bộ Điện và Than, sau đó là Bộ Mỏ và Than – cơ quan tham mưu của Bộ thuộc lĩnh vực do anh Nguyễn Đức Phan phụ trách nên nhiều năm tôi được làm việc với anh Phan; được đi cơ sở và nhiều lần đi công tác nước ngoài với anh. Trong thời gian ấy, anh Phan đã để lại trong anh em khối xây dựng cơ bản chúng tôi hình ảnh một Tư lệnh tài giỏi; một người anh mẫu mực, một người bạn lớn.

Kiên quyết bắt vỉa 13 lộ diện

Câu chuyện bắt đầu từ những trục trặc trong việc cải tạo, khôi phục giếng chính Mông Dương do người Pháp để lại và xây dựng mỏ mới Mông Dương. Chuyện rằng, sau khi bơm nước, khôi phục giếng chính, đào giếng phụ và cải tạo, xây dựng sân ga bến giếng và các công trình phụ khác xong, việc cuối cùng để đi đến khai thác than ở mỏ này là đào lò dọc vỉa để tìm vỉa than. Điều bất ngờ, làm đau đầu các anh lãnh đạo mỏ thời ấy là đào mãi mà chẳng thấy vỉa than đâu. Một số lãnh đạo trong ngành có ý kiến đề nghị Bộ chuyển hướng sang đầu tư mạnh cho mỏ than Khe Chàm đồng thời giãn tiến độ xây dựng mỏ than Mông Dương. Anh Nguyễn Đức Phan lúc đó là Vụ trưởng Vụ Xây dựng Cơ bản Bộ Điện và Than cùng với các chuyên viên ở Bộ và chuyên gia Liên Xô lại nghĩ khác. Nhà nước đã đầu tư phục hồi, xây dựng mỏ than Mông Dương trong nhiều năm, tốn rất nhiều công sức và tiền của, chẳng lẽ đến nay phải bỏ! Báo cáo địa chất đã khẳng định có 47 triệu tấn than ở khu vực này, tại sao lại không thể tìm được vỉa? Còn mỏ Khe Chàm, đương nhiên vẫn phải mở rộng để tăng nguồn cung cấp than cho đất nước. Quyết tâm “bắt” mỏ Mông Dương phải ra than vẫn được anh Phan cùng anh em trong Vụ Xây dựng Cơ bản và chuyên gia Liên Xô giữ vững. Thời gian đó, phía Liên Xô cung cấp cho ta một bộ máy khoan thăm dò đường lò. Anh Phan đã yêu cầu cho bộ máy khoan này vào hoạt động ngay, phục vụ cho công việc thăm dò vỉa than ở mỏ Mông Dương. Vào một buổi chiều đông cuối thập niên 70, anh Phan và tôi đang ngồi ở Phòng Đối ngoại của Bộ thì đồng chí Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô giúp ta thiết kế xây dựng Mỏ than Mông Dương đến và thông báo với anh Phan một tin nóng sốt: Đã tìm thấy vỉa than ở Mông Dương! Chúng tôi quá đỗi vui mừng, nhưng có lẽ người vui mừng hơn cả là anh Phan. Anh là một trong những người đầu tiên chỉ đạo khôi phục, xây dựng Mỏ than Mông Dương. Chính nơi này anh đã cùng thợ mỏ chịu đựng gian khổ; bị vấp ngã và đã vươn lên trở thành Vụ trưởng rồi Thứ trưởng. Trong sự mừng vui không xiết, mọi người hò nhau tìm thứ gì đó ăn mừng. Thế là, dù vẫn đang giờ làm việc nhưng cả ba chúng tôi đã cùng nhau cạn một ly rượu mừng. Sau này anh em địa chất xác định vỉa than này là vỉa 13 và cũng là vỉa đưa vào khai thác đầu tiên, ra than vào tháng 12 năm 1982.

Không dùng thư ký, không xem bằng cấp, chỉ nhìn công việc

Có lẽ anh Phan là Thứ trưởng khác thường so với các thứ trưởng, bộ trưởng mà chúng tôi được biết, đó là anh không bao giờ dùng thư ký riêng. Đi đâu cần giải quyết vấn đề gì anh Phan đều gọi các chuyên viên phụ trách đi cùng và khi kết thúc chuyến công tác, các chuyên viên này dự thảo luôn các văn bản cần thiết để anh ký duyệt, ban hành. Nhiều người đều biết, dù tiêu chuẩn Thứ trưởng được bố trí xe vào loại “tươm” nhưng đi đâu anh Phan cũng chỉ dùng xe UAZ. Lý do rõ nhất ở thói quen này là khi đi công tác cơ sở, bao giờ anh Phan cũng “triệu” cán bộ các Vụ liên quan đi cùng. Trong qua trình đi thực tế, anh Phan thường giao cho các chuyên viên các Vụ trong Bộ chủ động nắm bắt thực tế và đề xuất hướng giải quyết công việc cần thiết. Anh Phan trực tiếp duyệt các giải pháp do họ đề xuất, do đó giải quyết rất nhanh các vấn đề phát sinh từ cơ sở. Được đi công tác với anh Phan bằng xe UAZ còn có nhiều điều thú vị, được nghe anh kể chuyện vui và hóm; thỉnh thoảng chúng tôi còn được qua các mỏ hầm lò, xin nhặt các đầu mẩu gỗ do thợ lò gia công vì chống bỏ lại mang về về đun, anh Phan cũng nhặt. Đây là “món quà” quý chúng tôi mang từ vùng Mỏ về “tặng” vợ và các mỏ đỡ mất công vệ sinh môi trường. Trong việc giao dịch với các tổ chức của Liên Xô (cũ) anh Phan giao cho tôi trực tiếp làm việc với bạn. đi cùng các đoàn chuyên gia Liên Xô sang để thu thập tài liệu cơ sở cho việc thiết kế các công trình, thỏa thuận nhiệm vụ thiết kế, xét duyệt các bản thiết kế kỹ thuật, phân giao thiết bị hàng năm, lập chương trình hợp tác hàng năm. Tôi chưa từng học ở Nga, nhưng khi chọn thư ký thường trực cho Phân ban Việt Nam để làm việc với Phân ban Liên Xô về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp than, anh Phan đã chọn tôi để Bộ trưởng quyết định, mặc dù ở Bộ có nhiều tiến sĩ đã từng học ở Nga 7-8 năm… Có lẽ anh Phan biết tôi có thể tự nói, dịch, soạn thảo văn bản bằng tiếng Nga mà không bị sai sót.

Lắng nghe, ủng hộ cái mới…

Có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn thi công nhưng khi nhận công tác ở Bộ, lúc đầu là phó phòng, rồi trưởng phòng, vụ phó, vụ trưởng rồi sau đó là Thứ trưởng, anh Phan luôn lắng nghe ý kiến của các chuyên viên và ủng hộ cái mới; khi thành chủ trương thì tích cực chỉ đạo thực hiện. Anh ủng hộ việc mở khu mỏ mới Khe Tam (nay là Than Dương Huy), kể cả tuynen nối Khe Tam với ga đường sắt Tây Khe Sim đi Cửa Ông nhằm rút ngắn cự ly vận chuyển than; ủng hộ các dự án xây dựng tuyến đường sắt Mông Dương – Cao Sơn; Mai Pha – Na Dương; Núi Hồng – Quán Triều. Hàng tháng, anh đều tổ chức điều độ tại công trường. Trời nắng thì anh cởi trần trùng trục đi kiểm tra thực địa, cán bộ cơ sở vất vả lắm mới theo kịp anh. Nặng trên 80 kg, anh em đều gọi thân mật bằng cái tên “anh Phan Phệ”. Gặp suối mát bên đường, anh chẳng ngại cùng anh em…tắm tiên. Gặp bữa ăn công nghiệp trên công trường, anh chẳng ngần ngại ngồi ăn cùng công nhân xây dựng. Vì vậy, khắp nơi từ Nam chí Bắc, ở đâu có công trình xây dựng là ở đó có dấu chân anh Phan. Có một kỷ niệm vui khi xây dựng tuyến băng tải chở than từ Bàng Nâu sang Máng ga Cao Sơn (Quảng Ninh). Anh Phan và chúng tôi khẳng định 3 tháng sẽ xong. Chuyên gia Liên Xô không thể tin một công trình với khối lượng công việc lớn như vậy mà chỉ thi công trong 3 tháng. Tôi với đồng chí chuyên gia này cược một chai Vodka. Nếu xong thì tôi được, còn không xong thì tôi thua. Anh Thái – Trợ lý của cố vấn trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô cũng đặt thêm một chai. Cuối cùng, sau 3 tháng, tuyến băng hoàn thành. Tôi thắng cuộc. Vậy là mấy đồng chí chuyên gia Liên Xô, anh Phan, tôi và anh Thái được uống chầu rượu cược vui đáo để. Các chuyên gia Liên Xô khen lấy khen để trình độ thi công của công nhân ta trong đó có sự chỉ đạo của anh Phan. …

...Và thấu hiểu

Việc anh Phan hay “lôi” chuyên viên trong Bộ đi công tác cơ sở là việc bình thường và đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhưng có dạo tôi để ý có anh Th., kỹ sư giao thông, luôn được Phan “kéo” đi công tác. Dường như, chuyến công tác nào anh Phan “kéo” anh Th. đi. Một số người thắc mắc về sự lạ này. Sau, chúng tôi mới biết, thời ấy (cuối thời bao cấp), cả nước thiếu thốn; cán bộ công nhân ngành Than đã có nơi, có lúc đứt bữa do việc cung cấp gạo và thực phẩm không kịp kế hoạch. Hoàn cảnh gia đình anh Th. quá khó khăn. Trong cái khó khăn chung của ngành, nhiều lúc gia đình anh Th. phải ăn bí xanh thay cơm. Dù vậy, khi đoàn công tác cấp trên đến các đơn vị làm việc, nhất là đoàn công tác do anh Phan, Thứ trưởng dẫn đầu nên thường được đơn vị bố trí ăn uống đầy đủ hơn ở cơ quan. Vì thế, mọi chuyến đi công tác ở cơ sở, anh Phan thường “kéo” anh Th. đi để ít nhất anh Th. được ăn uống no đủ hơn, bù lại những lúc anh Th. Phai ăn uống kham khổ khi ở nhà. Khi mới về Bộ, anh Phan sinh hoạt Đảng ở Chi bộ Vụ Xây dựng cơ bản. Thấy Chi bộ của một vụ quan trọng trong Bộ nhưng đảng viên chỉ toàn văn thư, lái xe, bộ đội chuyển ngành và lãnh đạo. Còn đa số các chuyên viên giỏi thì ở ngoài Đảng. Anh Phan nhận xét: Chi bộ cơ quan tham mưu cho Bộ mà chuyên viên giỏi lại ở ngoài Đảng thì Chi bộ mạnh thế nào được! Từ đó, anh lưu ý Chi bộ kết nạp những chuyên viên giỏi về chuyên môn bổ sung cho Chi bộ. Tất nhiên, hoàn cảnh sinh ra mỗi người có một đặc điểm về lịch sử nhưng với sự nỗ lực không ngại khó của các đảng viên, lần lượt các chuyên viên giỏi đã được kết nạp Đảng, làm cho Chi bộ Vụ Xây dựng cơ bản trở thành một cơ sở Đảng thực sự vững mạnh.

Gắn bó, chan hòa với anh em

Anh Phan gần gũi và chan hòa với tất cả mọi người, sẵn sàng giúp đỡ anh em, bạn bè khi cần. Quê anh có mấy thứ đặc sản nổi tiếng: Rượu, giò chả, bánh phu thê. Ai nhờ mua, anh cũng sẵn sàng mua hộ. Tôi là người luôn nhờ anh mua những thứ đó, ngay cả khi đã nghỉ hưu và anh luôn vui lòng giúp. Năm 2003, trong chuyến thăm Ngã ba Đồng Lộc, anh Phan đã cùng anh Đoàn Văn Kiển và tôi xem xét tổ chức cuộc gặp hàng năm cho cán bộ xây dựng cơ bản ngành Than để tạo điều kiện cho người đã nghỉ hưu gặp nhau, giao lưu, chia sẻ giúp đỡ nhau. Năm 2004, chúng tôi đã tổ chức cuộc gặp đầu tiên với 50 người tham gia. Anh Phan đã thực hiện việc này cùng với tôi đến năm 2013 thì trao cho anh Kiển. Từ đó, Câu lạc bộ xây dựng cơ bản ngành Than ngày càng phát triển. Anh Phan còn tham gia nhiều câu lạc bộ khác như Câu lạc bộ những người xây dựng mỏ Mông Dương; Câu lạc bộ cán bộ hưu trí ngành Than ở Hà Nội. Câu lạc bộ này do anh làm Chủ nhiệm. Sau khi anh lâm bệnh, anh Phùng Mạnh Đắc thay anh làm Chủ nhiệm. Thậm chí, anh Phan còn tham gia nhiều nhóm bạn là cán bộ ngành Than đã nghỉ hưu. Các nhóm này thường tụ tập giao lưu hoặc đi tham quan du lịch…Dường như, kể cả khi đang làm việc với trí công tác cao ở Bộ cũng như khi nghỉ hưu, anh Phan đều gắn bó chan hòa với anh em, anh không thể thiếu vắng anh em. Vì vậy, anh luôn được anh em kính trọng, thương yêu. Anh ra đi, để lại một khoảng trống vắng khó lấp đầy trong chúng tôi.

7/9/2017