Bài 21: PV cựu Bộ trưởng Nguyễn Chân

.Khi nói về ông Nguyễn Đức Phan- người mà ông giới thiệu, đề nghị Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng, ông vui vẻ nói: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy mình chọn đúng!”.

 

Ông Nguyễn Chân -Nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (khóa V), Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than giai đoạn 1981 – 1986:

“CHO ĐẾN BÂY GIỜ TÔI VẪN THẤY MÌNH CHỌN ĐÚNG!”…

Lời Ban Biên soạn:

Nhân dịp Tết Độc lập 2017, chúng tôi tới thăm ông Nguyễn Chân ở Khu tập thể 33 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiếm gặp một vị Bộ trưởng nào ở tuổi suýt soát 90 mà vẫn sinh hoạt trong một căn hộ tập thể kiểu cũ (xây từ hơn nửa thế kỷ trước). Trong căn phòng ông thường ngồi làm việc hàng ngày hơn 10 m2 không có đồ trang trí, chỉ trang trọng treo hai tấm Bằng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và Huân chương Độc lập hạng Nhì. Ông vui vẻ bảo do xơ vữa động mạch nên chân yếu, đi lại khó khăn, hầu hết thời gian ông “làm bạn” với máy vi tính. “Tôi đã dịch hơn ngàn bài thơ chữ Hán sang tiếng Việt; gần đây nhất là Cung oán ngâm khúc 364 câu của Nguyễn Gia Thiều sang tiếng Pháp và tiếng Nga”…

Ông Nguyễn Chân giữ chức Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than vào giai đoạn cuối thời bao cấp, bao khó khăn, thiếu thốn bủa vây. Ông kể lại nhiều chuyện cũ với phong thái nhẹ nhàng, chắt lọc (bao giờ cũng kết thúc bằng câu: “Thế thôi!”, nhất là dấu ấn về một chủ trương lịch sử: Giá – Lương – Tiền. Đặc biệt, nhắc tới anh em bạn bè, cán bộ thuộc cấp, hầu hết ông nhớ tên và vẫn rành rẽ về những công việc đã cùng họ trải qua.

Khi nói về ông Nguyễn Đức Phan- người mà ông giới thiệu, đề nghị Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng, ông vui vẻ nói: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy mình chọn đúng!”.

Xin ghi lại một phần cuộc trò chuyện với ông.

-Nhà báo (N.B): Thưa ông, từng là Bộ trưởng, gắn bó lâu năm với ngành Than, xin ông cho biết đôi nét về những dấu mốc trong công việc chung cũng như quan hệ với Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan?

-Ông Nguyễn Chân (Ô. N.C): Tôi và ông Nguyễn Đức Phan biết và thân nhau từ thời học đại học ở Liên Xô vì học cùng trường nhưng tôi học trước ông Phan hai khóa. Ông Phan về nước khi đó tôi đang công tác ở Viện Thiết kế tổng hợp. Cùng lứa với ông Phan có ông Lạp (sau này là Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than); ông Hường; ông Tường và ông Thơi (đã mất). Ông Phan về mỏ Hà Lầm, sau đó xuống làm Chỉ huy phó Công trường khôi phục mỏ Mông Dương. Khi xảy ra sự cố lò giếng Mông Dương và ông Phan bị liên đới trách nhiệm tôi vẫn ở Viện Thiết kế nên dù quen thân nhau nhưng trong công việc không có quan hệ nhiều. Năm 1979, tôi được Bộ điều động xuống vùng Mỏ và làm Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty than Hòn Gai; lúc này ông Phan đang làm việc ở Cục Kiến thiết Cơ bản, Bộ Điện và Than...

Tôi còn nhớ một vụ việc là xảy ra sự cố cháy ở Mỏ than Thống Nhất. Lúc này ông Phan đã về làm Cục phó Cục Kiến thiết cơ bản Bộ Điện và Than. Hôm đó ông Phan có việc xuống mỏ, thế là anh em tôi cùng “chui” vào lò. Tính ông Phan là thế, rất sát việc và thường đi lò, không nề hà gì. Mọi người cứ hình dung lúc bình thường vào hầm lò đã vất vả, khi mỏ có sự cố thì mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Tôi là dân thiết kế, còn ông Phan là chuyên gia hầm lò lại phụ trách xây dựng cơ bản nên khi vào vùng sự cố mỏ, chúng tôi dễ dàng thống nhất với nhau về giải pháp kỹ thuật. Trong gấp gáp công việc giữa than bụi hầm mỏ, tôi nhận thấy ở ông Phan một cán bộ thành thạo kỹ thuật và biết chia sẻ công việc với anh em.

Thời gian tôi làm ở Hòn Gai sau này còn xảy ra một số vụ việc phức tạp khác, nhất là vụ nổ mìn làm chết 6 người ở Mỏ than Đèo Nai. Khi ấy, Giám đốc mỏ là ông Nhiên, còn Phó Giám đốc là ông Hoàn và ông Thưởng. Sau sự cố ấy, cộng với một số lý do khác nữa mà gần như toàn bộ ban lãnh đạo mỏ Đèo Nai bị khuyết. Bộ định điều tôi xuống làm Giám đốc mỏ Đèo Nai, nhưng Đảng ủy Bộ thấy hoàn cảnh gia đình tôi tất cả vẫn ở xa nên đưa ông Đinh Văn Lạp xuống làm Giám đốc (ông Lạp làm Giám đốc Đèo Nai khoảng 3 năm).

Năm 1981, khi Bộ Điện và Than chia tách thành Bộ Mỏ và Than và Bộ Điện lực, tôi được Thủ tướng bổ nhiệm làm Bộ trưởng; Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than ngoài ông Nguyễn Đức Phan còn có các ông Đinh Văn Lạp và Lê Thức.

-N.B: Khi ông Phan làm Thứ trưởng – cương vị giúp việc cho ông, quan hệ công tác giữa hai ông như thế nào?

-Ô.N.C: Như tôi đã nói, trước đó, tôi ở Hà Nội, xuống Hòn Gai rồi lại về Hà Nội, còn ông Phan về nước là xuống Hà Lầm, Mông Dương, sau đó mới về Bộ. Dù quen biết từ trước và thân nhau nhưng mỗi người mỗi việc. Khi tôi về làm lãnh đạo Bộ, phía Liên Xô có mời tôi sang thăm và làm việc, cùng đoàn với tôi có ông Phan (khi ấy là Cục phó), sau chuyến đi ấy chúng tôi càng có điều kiện gần gũi nhau và mới thực sự làm việc với nhau hàng ngày. Kể cả khi ông Phan đã trở thành Thứ trưởng chúng tôi vẫn làm việc với nhau ăn ý, không chỉ vì thân quen mà điều cơ bản là chúng tôi hiểu nhau, biết trình độ năng lực làm việc của nhau nên rất dễ làm việc với nhau. Trong công việc tôi tin tưởng ông Phan, chúng tôi rất dễ thống nhất ý kiến với nhau.

-N.B: Ông có thể nói rõ hơn?

Ông Phan là Thứ trưởng phụ trách công tác xây dựng cơ bản, khối lượng công việc rất lớn, liên quan nhiều đến các mảng khác cũng như các ngành, các địa phương. Đến khi Bộ Mỏ và Than sáp nhập với Bộ Điện lực thành Bộ Năng lượng, phần việc xây dựng cơ bản càng rộng. Ông Phan có trình độ tốt, là con người của công việc nên giải quyết công việc trơn tru, không bao giờ phát sinh trục trặc gì. Về sự tin tưởng, tôi nói thế này: Công việc của Bộ được triển khai theo kế hoạch, chương trình, ai chịu trách nhiệm phần người nấy. Tuy nhiên, với các Thứ trưởng khác, tôi thường sử dụng trách nhiệm Bộ trưởng của mình để kiểm tra, đôn đốc. Nhưng riêng đối với Thứ trưởng Phan, tôi không cần dùng đến trách nhiệm này, chỉ thông qua giao ban, báo cáo là đủ. Giữa tôi và ông Phan, công việc luôn trôi chảy, không bao giờ vướng mắc gì, tin cậy vì hiểu rõ công việc và tôn trọng nhau.Thế thôi.

-N.B: Được biết, khi củng cố bộ máy tổ chức của Bộ, danh sách đề cử bổ nhiệm Thứ trưởng có một số người, lý do nào để ông chọn ông Phan?

-Ô.N.C: Ý kiến đề nghị đề bạt ông Phan làmThứ trưởng có bị một số người phản đối. Lý do cơ bản vẫn là nói về trách nhiệm của ông Phan đối với sự cố chết người ở Mông Dương nhiều năm trước. Về điều này, quan điểm của tôi là khi ấy ông Phan là Phó chỉ huy Công trường phụ trách kỹ thuật chứ không trực tiếp chỉ đạo thi công. Khi xảy ra sự cố ông Phan đang đi họp trên Công ty Xây dựng mỏ than ở Uông Bí nên trách nhiệm không thuộc về ông Phan. Ngay cả khi Tòa xét xử, tôi cũng đã can thiệp, lý giải như vậy với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh (lúc đó Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Lê Đại, Chủ tịch UBND Tỉnh là đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm). Có thể nói, việc xét xử vụ việc đó còn do nhiều lý do khác, ngay cả những người trong cuộc cũng phải chấp nhận kiểu “cực chẳng đã”. Và thực tế, ông Phan “vào trại” nhưng vẫn ở nơi riêng, lại làm chuyên gia chỉ đạo thi công xây dựng trại. Thế thôi.

Lý do tôi chọn ông Nguyễn Đức Phan là vì Bộ cần một Thứ trưởng phụ trách mảng xây dựng cơ bản – phần công việc cực kỳ quan trọng, mà việc này, qua thực tế tôi biết ông Phan rất giỏi, có nhiều kinh nghiệm.

Một điểm nổi bật khác của ông Phan là ông ấy rất giỏi tiếng Nga, trong giao tiếp cũng như dịch thuật. Thời kỳ này ngành Than và ngành Điện do các chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ ta xây dựng, vận hành nhiều công trình; phải có một cán bộ lãnh đạo  cao cấp của Bộ giỏi chuyên môn, làm việc trực tiếp với các chuyên gia Liên Xô mà không cần thông qua phiên dịch; nắm ý đồ của chuyên gia qua công tác thiết kế quy hoạch và xây dựng công trình; công tác làm đơn hàng, quản lí và phân phối hàng, thiết bị toàn bộ do đàm phán với phía Liên Xô lúc bấy giờ. Mặt khác, quen biết nhau một thời gian dài, tôi hiểu rõ con người và tâm tính cũng như sở trường, cách làm việc của ông Phan, tôi quý ông Phan. Nếu không phải ông Phan thì cũng sẽ có Thứ trưởng là người khác nhưng sẽ không sâu về về ngành mỏ bằng ông Phan, vậy nên tôi chọn ông Phan. Thế thôi.

-N.B: Vậy sau này ông đánh giá như thế nào về quyết định đó của mình?

-Ô.N.C: Trong suốt quá trình làm việc với ông Phan và cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy quyết định chọn ông Phan để Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng là quá đúng! Không chỉ trong thời gian tôi làm Bộ trưởng, mà cả sau này, với vai trò Thứ trưởng, ông Nguyễn Đức Phan đã có công lớn chỉ đạo đầu tư hàng loạt công trình mỏ hầm lò, mỏ lộ thiên, các nhà máy cơ khí, nhà máy tuyển than, các công trình đường sắt, đường điện, cầu cống v.v. vào hoạt động, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển của ngành Than sau này. Tiêu biểu là các công trình mở rộng nâng công suất các mỏ than vùng Uông Bí như Mạo Khê, Vàng Danh, …; Đầu tư xây dựng hàng mỏ mới như Cao Sơn, Núi Béo, Khe Chàm, Khe Tam v.v.; đầu tư xây dựng Nhà máy Cơ khí ô tô Cẩm Phả, Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả; đầu tư mở rộng nâng cấp Nhà máy Tuyển than Cửa Ông, Nam Cầu Trắng v.v.; Đầu tư xây dựng Nhà máy nước Diễn Vọng và hàng loạt công trình mỏ, công trình điện, công trình kết cấu hạ tầng các đơn vị nằm sâu trong nội địa.

-N.B: Xin ông chia sẻ một vài kỷ niệm về ông Phan?

-Ô.N.C: Ông Phan học đại học sau tôi hai năm. Chúng tôi học cùng trường Đại học Kỹ thuật mỏ Matxcova. Khác khoa nhưng cùng ký túc xá, cùng sinh hoạt Đoàn lưu học sinh. Đặc biệt, tôi, ông Phan và ông Cư cùng ở chung với nhau một phòng, chung nhau một cái bếp nấu ăn chung. Ông Cư nhanh nhẹn, tháo vát chịu trách nhiệm đi chợ, mua các thứ; tôi trực tiếp lo phần nấu nướng còn ông Phan, tuy trẻ tuổi nhất nhưng được giao khâu dọn dẹp…Sinh viên trẻ, sống xa xứ, chúng tôi tựa vào nhau như vậy, sống cùng nhau vô tư, thoải mái. Thế thôi.

Ông Phan rất giỏi tiếng Nga, tính tình lại vui vẻ, nói chuyện rất có duyên. Trong chuyến đi Liên Xô theo lời mời của nước bạn, bay cùng chuyến nhưng tôi và ông Trần Quỳnh (khi đó là Phó Thủ tướng) ngồi ghế hạng víp, còn ông Phan và ông Hùng khi ấy vẫn là cán bộ cấp Cục nên ngồi ghế hành khách. Lượt về, máy bay chậm giờ mất hơn tiếng. Lúc đầu tôi không rõ lý do, không để tâm, cứ ngồi chờ. Đến khi, cô tiếp viên hàng không đến hỏi: “Ở đây ai biết tiếng Nga?”. Ông Phan lên tiếng và tình nguyện làm phiên dịch giúp. Thì ra, khi lên máy bay, ông Trần Quỳnh có cái ca táp nhỏ, người ta không đưa lên chỗ ngồi cho ông mà đưa nhầm vào chỗ hành lý ký gửi. Ngôn ngữ bất đồng nên cuộc trao đổi, giải thích trở nên bế tắc, kéo dài và cả hai bên đều lâm vào trạng thái khó chịu. Tình thế được giải quyết khi nhà “phiên dịch” bất đắc dĩ Nguyễn Đức Phan vào cuộc. Máy bay lại cất cánh. Thế thôi.

-N.B: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Thái Hà (thực hiện)