Bài 20: Bài của ông Trần Điền

“Nói về ông Phan, dù lãnh đạo ở cấp nào, ông Phan đều được mọi người quý mến và nể trọng. Với tôi cũng vậy. Tôi ngưỡng mộ và kính nể ông Phan không chỉ ở trình độ chuyên môn cao, một nhà quản lí sâu sát, tầm nhìn xa…mà tôi còn ở lòng đại lượng, bao dung…”


Ông Trần Văn Điền

 

 

 

“ÔNG PHAN LÀ NGƯỜI ĐỨC ĐỘ, BAO DUNG”…

Trần Văn Điền

Nguyên Phó Giám đốc Công ty Than Cẩm Phả

Lời Ban Biên soạn:

Nhận lời ngay qua điện thoại, ông Trần Văn Điền nhiệt thành tiếp chuyện chúng tôi như những người đã thân quen từ lâu, tại nhà riêng trong một con ngõ ở phố Chùa Bộc (Hà Nội). Ông là kĩ sư xây dựng, từng gắn bó với ông Phan từ những ngày đầu xây dựng Mỏ than Mông Dương; từng “đứng trước vành móng ngựa” cùng ông Phan trong vụ án xét xử 4 bị bị cáo thiếu tinh thần trách nhiệm gây tai nạn lao động xảy ra tại công trình đào giếng Mông Dương ngày 19/8/1971.Ông từng nhiều năm làm Phó Giám đốc Công ty Xây lắp Cẩm Phả, Giám đốc Xí nghiệp Cơ giới Cầu đường (thuộc Công ty Xây lắp Cẩm Phả)- đơn vị đã thi công rất nhiều công trình xây dựng mỏ, dân dụng và công nghiệp – lĩnh vực mà ông Phan tham gia chỉ đạo trong vai trò Cục trưởng rồi Thứ trưởng phụ trách xây dựng cơ bản của Bộ. Ông khẳng định với chúng tôi: “Nói về ông Phan, dù lãnh đạo ở cấp nào, ông Phan đều được mọi người quý mến và nể trọng. Với tôi cũng vậy. Tôi ngưỡng mộ và kính nể ông Phan không chỉ ở trình độ chuyên môn cao, một nhà quản lí sâu sát, tầm nhìn xa…mà tôi còn ở lòng đại lượng, bao dung…”

 

 

“Tôi lo phần hầm lò, cậu chịu trách nhiệm mặt bằng…”

Tôi biết ông Nguyễn Đức Phan khá sớm, ngay khi ông Phan đi học Liên Xô về và xuống làm việc ở Mỏ than Hà Lầm. Mặc dù về tuổi đời tôi hơn ông Phan một tuổi, còn ông Phan là cấp trên, nhưng quan hệ giữa chúng tôi rất thoải mái, không có khoảng cách, có lẽ do tính ông Phan dễ gần, thân thiện. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người gần gũi với ông Phan, ông đều chan hòa như vậy.

Tôi học Trường  Kinh tế Tài chính Trung ương từ năm 1956 (sau này là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Đây lớp đầu tiên - không có số, khi trường này chưa có tên chính thức; Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Hiệu trưởng danh dự). Năm 1957, tôi về mỏ Than Hòn Gai, làm cán bộ kiểm kê và sau đó làm việc ở Xí nghiệp Xây dựng mỏ. Tôi có người anh rể làm Giám đốc mỏ than Hà Lầm (ông Trương Văn Thuận, Giám đốc Mỏ than Hà Lầm từ 1965-1968) nên thường vào Mỏ chơi và có gặp gỡ với ông Phan ở đó. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ biết nhau. Chỉ khi về cùng làm ở Công trường xây dựng mỏ Mông Dương thì mối quan hệ giữa tôi với ông Phan mới gắn bó và mang sắc thái khá thú vị.

Giai đoạn 1962 – 1967, tôi theo học ngành xây dựng ở Đại học Bách khoa và sau đó được giao chức Trưởng phòng Kế hoạch Xí nghiệp Xây dựng mỏ. Năm 1968, Công ty xây dựng Công nghiệp hình thành (ông Chu Đỗ làm Giám đốc), Bộ điều Xí nghiệp Xây dựng mỏ sang làm nòng cốt cho Công ty này. Có một kỷ niệm nhỏ mà sau này khiến cho tôi có điều kiện cùng làm việc với ông Phan ở một công trường. Số là Giám đốc Chu Đỗ là người nghiêm khắc và rất khắt khe trong công việc chuyên môn (lúc đó chỉ làm xây dựng về mỏ), ông rất muốn đào tạo cán bộ kỹ thuật xây dựng ngành mỏ phải có năng lực tổng hợp như các nhà “thầu khoán”, có nghĩa nhìn vào thiết kế công trình mỏ phải biết dự toán và nhận thầu xây dựng được ngay. Giám đốc Chu Đỗ yêu cầu tôi (lúc đó là Trưởng phòng Kế hoạch) trình bày về công việc chuyên môn. Buổi báo cáo công việc ấy trở thành buổi “thuyết trình” có nội dung khá tổng hợp, kéo dài từ sáng đến…10 giờ đêm. Khi kết thúc buổi làm việc, ông Trương Công Minh (sau này là Chỉ huy trưởng Công trường xây dựng mỏ Mông Dương; ông Phan làm phó Chỉ huy trưởng còn tôi là Trưởng Phòng Kĩ thuật. Cả 3 chúng tôi cùng anh Đẩui đều bị khởi tố trong vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra ngày 19/8/1971. Ông Phan và ông Trương Công Minh bị án tù còn tôi và anh Đẩu được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự) vui vẻ vỗ vai tôi và bảo: “Ông Chu Đỗ nóng tính như vậy mà cậu chịu được đến giờ này là giỏi!”.

Có lẽ qua chi tiết này mà ông Trương Công Minh muốn xin tôi về Công trường Xây dựng mỏ Mông Dương. Sau này tôi mới biết, khi ấy nghe ông Minh nhắc đến tôi và nói muốn tôi về làm việc cùng, ông Phan nói ngay với ông Minh: “Tôi biết cậu này, được”! và ông Phan kể lại với ông Minh về những lần gặp tôi ở mỏ Hà Lầm với ấn tượng tốt về tôi.

Khi về Công trường xây dựng mỏ Mông Dương làm việc, tôi là kỹ sư xây dựng, làm Trưởng phòng Kĩ  kỹ thuật, ông Phan – là Phó Chỉ huy Công trường, bỗ bã, nói thẳng với tôi: “Cậu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mặt bằng, còn phần hầm lò, tôi sẽ lo…”. Thầm cảm ơn vì được ông Phan tin cậy nên tôi luôn cố gắng cao nhất, không để vướng mắc gì xảy ra trong công việc. Giữ đúng “cam kết”, ông Phan đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc, nhất là phần về hầm mỏ mà tôi là kẻ ngoại đạo. Cũng chính được trải qua công việc, tôi ngày càng nể phục về trình độ chuyên môn hầm lò tuyệt vời của ông Phan.

“Tội gà, vạ vịt” và sự bao dung của ông Phan

Là dân làm kỹ thuật, gắn liền với công trường xây dựng, tôi biết rõ dù thiết kế không có sai sót thì những bất trắc trong thi công là rất khó nói trước. Vụ tai nạn gây chết người khi đổ bê tông cổ giếng lò đứng mỏ Mông Dương là một ví dụ điển hình. Nhắc đến nguyên nhân kỹ thuật, mọi người đều nói chung là “sập giàn giáo”, nhưng cụ thể hơn là sập giàn công tác khung thép – giàn đỡ toàn bộ thao tác nâng hạ vật liệu cho quá trình thi công cổ giếng lò ở phía dưới. Tôi là người lập thiết kế thi công phần đỡ bê tông cổ giếng phụ (phần thiết kế giếng do chuyên gia Liên Xô), ông Phan là người phê duyệt. Trong quá trình thi công đổ bê tông, chuyên gia bạn yêu cầu nhả mối hàn để nới rộng khoảng hở chứa tay đòn nâng hạ cho thao tác hạ vữa bê tông xuống dưới được dễ dàng hơn. Và tai nạn đã xảy ra khi giàn thép đỡ này bị xê dịch, mất trọng tâm do va chạm. Sau này, với tư duy kỹ thuật, tôi còn nghĩ tới một yếu tố “bồi thêm” cho sự xê dịch này chính là do thời gian thi công kéo dài, có khoảng nghỉ ăn ca nên mẻ vữa bê tông đã bị hao mất nước, khi “rót” xuống, xung động lớn hơn bình thường…

Vụ tai nạn này xảy ra đã rất lâu, nhiều người (kể cả trong cuốn sách này) cũng đã nói nhiều, tôi không kể lại để biện hộ cho người trong cuộc mà chỉ muốn đề cập tới một khía cạnh khác mà qua đó toát lên nhân cách của ông Phan – người bị vạ “nặng” nhất trong vụ đó. Một số người bị khởi tố trong đó có tôi, nhưng ra tòa và nhận án chỉ có ông Trương Công Minh và ông Nguyễn Đức Phan. Như mọi người đã biết, mọi lý lẽ chuyên môn, thậm chí cả đơn kiến nghị tập thể khẳng định tai nạn xảy ra không thuộc trách nhiệm ông Phan đều được gửi đến cơ quan thụ lý vụ án, nhưng cuối cùng ông Phan vẫn chịu mức phạt tù 18 tháng tù giam. Ông Phan ra tòa và thụ án với thái độ bình tĩnh, nghiêm ngắn. Phiên xét xử sơ thẩm hôm ấy tổ chức ở gần Đèo Bụt (Quang Hanh, Cẩm Phả) xe đưa chúng tôi cách nơi xét xử mấy cây số thì mưa bão, sạt lở gây tắc đường, mấy anh em bỏ xe lội bộ đi ngay cho kịp giờ. Thực tế, có chi tiết rất quan trọng là vị Trưởng đoàn chuyên gia nước bạn đã đến Ty Lao động tỉnh Quảng Ninh thừa nhận trách nhiệm trước vụ tai nạn, nhưng do quan điểm nhà nước ta về quan hệ ngoại giao lúc đó, phía ta chỉ xem xét trách nhiệm của cán bộ Việt Nam. Còn một chi tiết nữa mà Tòa viện dẫn khi xét xử là có một “cán bộ có trách nhiệm” đã “tố” ông Phan đại để là thường làm việc đại khái, có khi chỉ đạo bằng cách dùng chân vẽ xuống đất (?). Trước tòa, tôi đã phản bác: “Người có trách nhiệm và nói thế là vô trách nhiệm”. Nhưng chủ tọa phiên tòa  khẳng định đã hỏi ý kiến của một nhà khoa học rất nổi tiếng lúc đó và vị giáo sư khả kính này đã nói: “Làm kỹ thuật như thế thì đáng bỏ tù!” (tất nhiên ai cũng hiểu rằng câu trả lời ấy chỉ nói chung về cách làm việc chứ không trả lời cụ thể về vụ tai nạn này). Những ai đã làm việc cùng với ông Phan đều biết ông giỏi chuyên môn, sâu sát và rất tâm huyết với công việc, không hề “đại khái” trong làm việc mà chỉ xuề xòa, thân mật khi chuyện trò với anh em, bạn bè. Cũng không ít người không biết vị “cán bộ có trách nhiệm” nói trên thường kèn cựa, so bì, đố kỵ nên muốn “mượn gió bẻ măng”, nhân khi ông Phan gặp tai vạ mà tìm cách bới lông tìm vết…

Sau khi ông Phan mãn hạn tù, chúng tôi thịt một con chó ăn mừng. Tôi hỏi ông Phan có nên mời “vị cán bộ có trách nhiệm” không?  Ông Phan bảo, nên mời nhưng tuyệt đối trong bữa ăn không ai nhắc vụ việc đã qua.  Điều đáng nói là suốt quãng thời gian sau này, kể cả khi trở thành cấp trên của vị “cán bộ có trách nhiệm” nọ, ông Phan không bao giờ nói lại về chuyện đó, cũng không tỏ thái độ gì mà vẫn giữ quan hệ bình thường, khoan dung. Thậm chí khi vị này phạm sai lầm, chính Thứ trưởng Phan là người trực tiếp gặp gỡ khuyên giải, tìm cách gỡ tội cho ông ta. Đủ thấy rằng ông Phan là người vị tha độ lượng, không chấp nhặt – một nhân cách đáng nể.

Đến nay, nhắc tới phiên tòa xét xử chúng tôi, ai cũng cho rằng, ngày ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo án điểm, xử mạnh tay. Nhưng khi tổ chức tham khảo ý kiến của tỉnh để làm thủ tục bổ nhiệm ông Phan làm Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than thì chính các ông lãnh đạo tỉnh lại có nhận xét rất tốt về ông Phan. Và sau đó, ông Phan đã tới Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh để cảm ơn các ông lãnh đạo tỉnh đã có nhận xét tốt về mình.

Oasinhton D.C và chiếc ô

Hết thời gian chấp hành cái “vạ vịt”, ông Phan lại trở lại Mông Dương với công việc kỹ thuật. Thời đó, nói đến tù tội là chuyện ghê gớm lắm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông Phan về Bộ và rồi được đề bạt Thứ trưởng, chứng tỏ, ông Phan là người thực tài và làm việc hết mình. Hình như sự mặc cảm về cái án trách nhiệm đã không làm giảm đi tâm sức cống hiến của ông. Khi đã trở thành Thứ trưởng, ông Phan vẫn phụ trách xây dựng cơ bản nên chúng tôi vẫn liên tục làm việc với nhau.

Năm 1995, tôi được Tập đoàn cử đi dự một Hội nghị quốc tế về năng lượng tại Mỹ. Tình cờ, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Nguyễn Đức Phan cũng tham dự hội nghị đó. Một buổi chiều hai anh em cùng dạo chơi thăm thú Oasinhton D.C, ngắm nhìn cảnh vật ở thủ đô một cường quốc tư bản, những hào nhoáng xung quanh còn khá xa lạ với Việt Nam lúc đó, ông Phan nói với tôi mà như nói với chính mình, đại  ý: “Tớ và cậu, nhiều năm lấm lem bụi than, không ngờ lại có ngày bên nhau trên đất Mỹ, nhỉ?”.

Tâm sự của ông Phan làm tôi nhớ lại một thời, hàng ngày, cứ ăn tối rồi nghe xong bản tin thời sự qua radio (nói nhỏ: Là nghe đài BBC ấy - cười) là ông Phan xỏ ủng, rủ tôi và mọi người đi lò; sớm nhất là 9 giờ tối mới về. Đầu kỳ lương thì có bát mỳ sợi nấu cà chua rồi đi ngủ. Hồi đó cái gì cũng thiếu, tôi về Mông Dương cả nửa năm mà vẫn không có chiếc giường nằm, còn ông Phan vẫn ở trong căn phòng 6 m2…

Có lẽ cùng tâm trạng giống nhau, lúc đó chúng tôi cùng nghĩ về những ngày còn lăn lộn với vùng Than, chịu đựng sự thiếu thốn đủ thứ mà vẫn vui vẻ, hồn nhiên sống và làm việc, chẳng mảy may tính toán thiệt hơn, tất cả chỉ hy vọng một ngày nào đó cuộc sống sẽ khá hơn. Và kỳ cuộc trên đất Mỹ lần ấy có lẽ là một sự khởi đầu hiện thực của cái “khá hơn” đó chăng?

Tôi cũng không dám nghĩ gì thêm nữa, chỉ để tâm tìm mua quà về nhà. Biết tin tôi được “đi Mỹ”, một người bạn mặc cả quà khi về là một chiếc ô. Tôi lùng mua bằng được chiếc ô ưng ý, mang về tặng bạn. Khổ nỗi khi mở ra, chiếc ô ghi rõ xuất xứ: Made in China!

Hà Nội, mùa Vu lan 2017

T.V. Đ