Thái độ trịch thượng gia trưởng, loại luôn tranh công đổ lỗi, cả vú lấp miệng trẻ coi thằng em chẳng ra gì, Vượng nói một thì Dô gằn nói ba bốn, mồm to lấn lướt. Vượng buồn, đôi lúc rất muốn tìm cách gần gũi để chia sẻ cùng anh con bác cả, cho đỡ nguôi ngoai… Tất cả không! Bởi lẽ Dô gằn luôn rắp tâm đố kỵ, hằn học riêng với Vượng, thói đời vậy mà.
Hắn là Dô còn gọi là “Dô gằn” vì tính khí thất thường của hắn. Năm nay 48 tuổi, đương kim Hiệu phó của một trường đại học Kỹ thuật lớn, tại thành phố X. Nằm chắc trong quy hoạch số một, nên Dô rất tích cực phấn đấu, mong cái chức Hiệu trưởng sẽ vào tay hắn cuối năm nay. Những bài học liên quan đến chính trị kinh tế, Dô lên lớp cho các sinh viên nghe, em nào cũng há hốc mồm ra, bởi chất giọng chắc khỏe đằm thắm của ông ta kèm những dẫn chứng sống động xen lẫn hài hước, đó cũng đang là mốt của nhiều tay giảng đứng giờ ngày nay. Có một điều Dô gằn cũng mắc dính “khoản ấy”, giấu kín đến mấy, rồi cái kim lâu ngày cũng lộ. Hôm nọ lên bài về phụ nữ chúng ta, trong thời đại mới, thầy Dô đứng trên bục hội trường lớn uy dáng khua chân múa tay, miệng trề ra tràn trề thông điệp tinh thần. Ông ngạo nghễ:
- Chúng ta phải đi trước đón đầu thời đại chứ..?. Tới đây chúng ta sẽ xây dựng trường tiến lên hơn bao giờ hết, không lẽ cứ ỳ ạch mãi sao? Vì chung, như Bác từng dạy “Cần kiệm liêm chính chí công vô tư”, những mục đích thấp hèn cá nhân cơ hội, trước sau cũng bị đánh đổ. Công dung ngôn hạnh, phụ nữ thời nào mà chẳng cần, có phải không các bạn?
Đột nhiên thầy Dô dừng lại hỏi bất ngờ, mấy ai trả lời kịp. Góc bàn phía dưới bên trái hội trường, mấy chị cười khúc khích, một cô bảo: “Miệng nói khéo tay véo l…”, đa số cười đắc chí, cũng có người lấm lét ngại ngùng. Dô gằn càng thoải mái cao đạo vì rất kỳ vọng ở mình, bởi lại mới được đi bồi dưỡng thêm ở trưởng Đảng cao cấp đầu năm. Đến bộ phận giáo viên, sinh viên nào, Dô gằn cũng luôn tay chém gió, nở câu cửa miệng “Thường vụ, Ban giám hiệu chúng tôi đang bàn… Tôi hứa rồi sẽ được”. Gần đây khá đông thầy cô lui tới chỗ thầy Dô hơn, chắc họ đoán được nên muốn mang sổ tới xí chỗ đặt điểm trước. Họ đang tỏ ý và ngầm chỉnh lại kim đồng hồ. Thầy Dô càng tự tin hơn bao giờ hết, những trận liên hoan ở đâu đó, ông đều vui mút chỉ, uống tới bến. Có lần say gục, tè cả ra quần, mấy thầy phải khiêng vào phòng nghỉ cho rã rượu. Nhiều khi các em cũng thẹn bởi thầy. Ông cũng rất gương mẫu, chuyện là ở phòng Giáo vụ hành chính, có mấy suất nhà thuộc căn hộ chung cư do nhà trường góp vốn xây, đang lên kế hoạch phân cho các thầy cô, giáo viên lâu năm và theo chức danh hiện tai. Phòng gợi ý là dành cho ông trước tiên, vì tổng điểm thầy Dô cao nhất, ông chối đây đẩy:
- Nhường cho thầy cô khác, nhà mình ở hiện nay tuy chật nhưng một số thầy một số cô khác còn chật chội, khó khăn hơn.
Đành chịu, vì phó Hiệu trưởng số một đã chính kiến vậy. Phòng Giáo vụ lấy làm cảm kích và nể phục Hiệu phó Dô quá chừng, họ còn nêu trường hợp điển hình này ra làm gương cho các thầy cô noi theo. Bất ngờ tháng 12 cuối năm, thầy Hiệu trưởng được điều lên Bộ và Bộ đã bổ nhiệm một thầy khác về làm Hiệu trưởng. Ông Dô châng hẩng ngớ người ra, mất ăn mất ngủ, mọi hy vọng tan biến, tuổi này rồi không lên được, ông chẳng còn cơ nào. Ở cũng ngại lẫn xấu hổ, bởi đôi lần ông vội để lộ “Rằng khi lên Hiệu trưởng ông sẽ quyết tất, sẽ giúp thầy này, ưu ái cô kia” bây giờ tuột sạch. Ông còn phê phán khéo, bới móc một số yếu điểm của thầy Hiệu trưởng đương chức nhằm tạo thế cho mình, ngấm ngầm tiếp giáo tạo vây cánh, tẩy chay Hiệu trưởng càng nhanh càng tốt. Không ngờ… mấy hôm sau, chắc lẽ không kìm chế được, ông rượu cho ngà ngà say, sau đó ra chỗ tiền sảnh tầng 2 nhà của Ban giám hiệu, nơi các cán bộ cấp phòng làm việc tập trung gần đó khá đông. Mặt phừng phừng, không còn chút tự trọng, ông mắng vọng:
- Tiên sư chúng nó! Ông học hành cơ bản thế này, được đào tạo cơ bản thế này mà chúng lấy đứa khác về làm Hiệu trưởng à..?
Nhiều người thấy lạ ra nghe, không ai muốn can hoặc góp ý, vì lúc này ông đang nóng bất mãn quá độ, dễ vạ lây. Thầy Hiệu trưởng mới về còn kém ông 3 tuổi, càng không dám. Một số người đứng xa nghe, người nói người không cũng có, rồi tụt vào phòng đóng cửa lại. Cũng có người thông cảm vì cú sốc bất ngờ làm ông quỵ ngã tinh thần, ông chuẩn bị cả rồi mà trên lại gạt ông đi. May mà đang giờ lên lớp sinh viên chưa ra, không ai qua khu tiền sảnh, thật hú vía. Lát sau ông mở cửa bước vào phòng tân Hiệu trưởng, mặt hầm hầm đưa ngang tờ giấy, đặt lên bàn Hiệu trưởng với giọng uất ức ngang phè:
- Tôi có hai đề nghị:
1- Xin tiêu chuẩn căn hộ cấp cho Hiệu phó, mà hôm trước Phòng giáo vụ có gợi ý trao đổi sớm với tôi.
2- Xin về hưu sớm.
- Khoan đã anh, việc gì rồi cũng có cách giải quyết.
- Không cần.
Ông trả lời cộc lốc với tân Hiệu trưởng, quay ngoắt ra ngoài, thái độ uất ức vội vã suýt mặt va vào khung cửa…
* *
Nghỉ được hơn một năm, ông Dô bán cái căn hộ được phân, thực tế ông chưa ở ngày nào. Vợ chồng ông cầm cục tiền về quê ở với ông bà già. Nhà ông ngọai thành, cách trường đại học chưa đầy 20 km. Nhà cũ ông để cho hai cô con gái vừa ở vừa đang theo học liên thông, cũng coi như đó là của hồi môn. Ông là con cả của ông bác, đầu họ Lê Văn, đương nhiên cháu đích tôn, nên Dô gằn vẫn là người chủ trì mọi việc của họ thay bố mẹ. Ông hớt hả tham gia các tổ chức hiếu hỷ trong xóm trong làng, quản lý dẫn chương trình, khi có ai mời. Ông văn vẻ ở mức thường thôi nhưng vì có mác Hiệu phó, thành thử dân làng vẫn nể. Lê Văn Vượng con ông chú ruột của Dô gằn, hiện Trưởng phòng giáo dục huyện nhà. Vượng có kiến thức văn hóa cao hơn Dô nhiều, văn giỏi thơ hay được cả làng xóm công nhận. Trong con mắt bất nể của Dô gằn thì Vượng chẳng là cái đinh rỉ gì. Dô vừa lắm tiền hơn, lại nối nghiệp đích tôn trong họ, vì thế những gì Vượng nêu ra đều bị Dô gằn ém nhẹm sổ toẹt. Cố nhiên mỗi lần họp họ, hoặc có vấn đề gì lớn trong làng, bài của Vượng viết ra thì Dô luôn mỉa mai phê phán, còn mớm lời mọi người chê theo: “Nào là văn mót, thơ nhạt như nước ốc… viễn vông huyễn hoặc, không sát với hiện thực của làng xóm bà con…”. Có những bài thơ mà Vượng được nhận giải A của tỉnh, đăng báo đàng hoàng, ai đó đưa cho Dô gằn xem làm chứng, thì hắn ta xua tay:
- Giải gì, bây giờ thời buổi thị trường thân quen chạy chọt là có giải ngay ấy mà… Họ chia nhau phần thưởng. Họ định lịch khen năm nay tôi, sang năm bạn và rồi ai cũng có… Đến những người được xếp nguồn số 1 cơ bản, còn bị gạt đi bổ nhiệm kẻ khác ở đâu về (Dô ám chỉ chính mình). Chưa đủ trải nghiệm, xem kỹ văn thơ của Vượng là ở mức phong trào, khẩu hiệu, non, độ sâu nội tâm mỏng.V.vv…
Thái độ trịch thượng gia trưởng, loại luôn tranh công đổ lỗi, cả vú lấp miệng trẻ coi thằng em chẳng ra gì, Vượng nói một thì Dô gằn nói ba bốn, mồm to lấn lướt. Vượng buồn, đôi lúc rất muốn tìm cách gần gũi để chia sẻ cùng anh con bác cả, cho đỡ nguôi ngoai… Tất cả không! Bởi lẽ Dô gằn luôn rắp tâm đố kỵ, hằn học riêng với Vượng, thói đời vậy mà. Chạp họ lần này tròn 30 năm, họ Lê Văn kỷ niệm ngày họ được nhóm họp, có buổi họp họ đầu tiên và ngày đầu xây dựng lại khu mộ ở bãi tha ma Rợn Cồn. Mấy người chủ chốt trong họ họp bàn trù bị, năm kỷ niệm này phải thật sang trọng hoành tráng, ngoài ăn uống ra cần một bài “đít cua” kiểu diễn văn và một bài thơ nói lên công lớn đức dày của họ Lê Văn, để dân làng này, họ khác phải phục lác mắt. Có người đề xuất nhờ Vượng viết bài, lập tức Dô gằn gạt ngay, ngay trước mặt Vượng. Bởi lẽ Vượng không đủ tầm để viết, năm kỷ niệm không phải chuyện nhỏ. Lại có ý kiến nêu: “Hay nhờ Giáo sư tiến sỹ (GSTS) Nguyễn Minh Lý ở thành phố viết bài cho. Tuy không cùng họ nhưng cùng làng. Chắc chắn bài viết sẽ tầm cỡ vì giáo sư này cũng rất có tiếng tăm trong tỉnh”. Chúng ta nên khẩn trương giao người liên hệ giáo sư để viết bài. Nghe chừng đa phần đồng ý, Dô gằn lập tức cử ngay Văn Vượng đi liên hệ nhờ vả bài viết. Vượng tức lắm, biết ông Dô chơi khăm mình, đành chịu. Giáo sư Minh Lý là chuyên sâu về hóa nông, chứ không phải là nghề văn thơ, họ đâu hiểu hết, mặc dù tâm tính ông ấy tốt. Đọc được ý nghĩ của Vượng, Dô khẽ khàng hạ nhục tiếp. Hắn rút kinh nghiệm cú thất sủng chức Hiệu trưởng ở nhà trường, nên ra lời ngọt mỏng hơn:
- Thôi thì anh em mình loại văn thơ ăn đong, đành phải đi vay mượn chứ sao…
Y hạ uy của Vượng hết chỗ, cũng là nhằm thâu tóm khâu oai, quyền uống trong họ trong làng vào mình, cố kiếm chác tý ty khi còn có thể. Dô gằn quá xấu bụng. Ngày mai 25 tháng chạp đúng ngày chạp họ, hôm nay Vượng mới mang bài viết của Giáo sư Minh Lý từ thành phố về, vẫn trong phong bì nghiêm chỉnh. Vượng nói với Dô gằn:
- GSTS đã giúp họ ta viết xong bài, đánh máy cần thận trong có địa chỉ và điện thoại của ông hẳn hoi. Giáo sư dặn vào lúc bà con toàn họ quần tụ đông đủ ở Trung đường (nhà thờ họ) hãy mở ra đọc cả bài văn và bài thơ. Làm nghiêm vậy thì họ mới thiêng và tin, từ năm nay họ Lê Văn nhất định càng phát lộc phát tài.
Dô gằn đón nhận cái phong bì, trong gồm các bài viết đó từ tay Vượng, với sự trân trọng kính cẩn lạ thường vừa mừng vừa sướng. Mừng vì ý đồ của y luôn thực hiện được, sướng vì nhân ngày trọng đại của toàn họ, lại có những bài viết mang tầm GSTS thì còn gì để mà nói, còn gì tự hào hơn?… Quãng 11 giờ toàn họ tập trung đông đủ chừng 68 người toàn các đinh đi đại diện, chứng tỏ họ Lê Văn lớn thật. Dô gằn mới đưa phong bì ra giới thiệu đôi nét và bóc mở phong bì ra đọc. Phải nói bài đánh máy rất cẩn thận chữ nghĩa dễ đọc vô cùng. Bài văn lâm ly thống thiết kể khá nhiều về sử sánh họ Lê Văn trong bao năm lập nghiệp ở cái làng này. Mọi người cúi ráp bái phục và cứ tự phát ra: Hay quá súc tích cô động quá. Rồi sau đó đọc tiếp bài thơ, ôi cha bài Đường luật càng hay, ý tứ câu chữ niêm luật đối đáp thật trau chuốt sắc sảo, đủ các phần: Mở- Thực- Luận- Kết. Những gì lớn đặc trưng nhất của họ Lê Văn, cũng đều gửi ghi hết vào trong bài thơ 56 chữ này, thiết nghĩ không thể thay thế từ nào được. Mọi người hào hứng phấn chấn rồi lặng đi trước những câu từ đắt giá, như ăn vào huyệt vào tủy của mình lặn vào huyết mạch họ mình, càng thăng hoa vẻ cao sang ngây ngất. Tất cả bái phục, kính trọng Giáo sư… Phần chú thích Giáo sư đề: “Có gì gọi điện cho tôi ngay”. Dừng một lát, theo kiến nghị của cả họ:
- Đề nghị bác Dô gọi ngay cho giáo sư, mở phần loa để mọi người cùng nghe, cùng được chia sẻ, thể hiện phần tôn kính và cảm ơn giáo sư Minh Lý.
Dô gằn phấn chấn bấm di động, mở loa, loại máy đắt tiền tiếng nghe càng to rõ. Dô trịnh trọng thay mặt họ cảm ơn GSTS đã có bài viết rất hay hàm súc sâu lắng cho họ mình, giá như họ Lê Văn chúng tôi có được người văn phong, thi pháp bút pháp tài năng được như Giáo sư thì tự hào biết mấy… hai bên vâng dạ cởi mở. Thế rồi bỗng Giáo sư trầm lặng chậm rãi, giọng khiêm nghị hẳn, vẫn phát ra từ máy:
- Qua đây phần nào tôi hiểu thêm họ Lê Văn của ta hơn, xin chúc mừng cả họ, nhưng tôi cũng thành thật xin lỗi họ là bài văn và bài thơ mà họ ta vừa nghe, chính là của anh Lê Văn Vượng, Trưởng phòng giáo dục, họ Lê Văn ta đó…
Chưa hết lời, Dô gằn hỏi ngay:
- Sao cơ, Giáo sư nói như vậy, nghĩa là?
- Đúng vậy, Tôi là GSTS hóa nông nghiệp, chuyên nghiên cứu về các loại bò sữa, chứ văn thơ chỉ biết qua quyết thôi, không thấm gì so với anh Vượng. Sở dĩ phải làm vậy vì nếu cứ từ anh Vượng viết ra, để trình đọc cho bà con cả họ nghe, chắc chắn sẽ bị anh gạt đi, không bao giờ được thể hiện… Mong cả họ thông cảm, thứ lỗi cho tôi.
Rồi giáo sư gập máy luôn, tất cả mọi người đều nghe rất rõ và: Ớ..ớ… xì xào bàn tán. Buổi chạp họ hôm nay năm kỷ niệm này, ai nấy cứ nâng chén ra chúc mừng anh Vượng người con đủ đức tài của dòng họ mình, mặt mày ai cũng tâng tẩng vui. Để ý có đôi ba người cũng nâng cốc ra chỗ Dô, họ đưa lên có người không nói, có người nói thì chỉ nghe:
- Xin…
Không hiểu ý họ, các từ tiếp theo là “chúc mừng” hay “xin thật đáng đời”. Vâng! Thế đấy, cuộc vui chạp họ hôm nay hân hoan đáo để, duy nhất chỉ một người châng hẩng, mặt mũi thâm sì…