Đứa cháu ngoại
Hằng có cảm giác như đất dưới chân mình đang lở, trời trên đầu mình đang sập, toàn thân run rẩy, chao đảo muốn té. Hằng cắn môi không khóc. Phải thật lâu Hằng mới định thần được. Hằng vụt nhớ đến lời dặn dò tâm huyết trước đám môn sinh của thầy ngày khai giảng: -“Nếu vấp phải một trở ngại hoặc một thất bại bất ngờ nào đó trong học tập, trong trường đời, với tinh thần một võ sĩ, bằng mọi cách, các con hãy mạnh dạn đứng thẳng lên và chạy tới”. Và Hằng đã đứng thẳng lên và chạy tới.
Hồ Thanh Hằng trong phòng tập.
ĐỨA CHÁU NGOẠI
(Trìu mến tặng cháu ngoại Hồ Thanh Hằng)
Hằng là con một, được cưng như trứng mỏng. Dù gia đình thiếu trước hụt sau, Hằng vẫn được cha mẹ cho đi học.
Hằng học không giỏi, dạng trung bình, năm nào cũng lên lớp. Chữ Hằng viết nói như cua bò là quá đáng, nhưng ai cũng chê, khó đọc. Đến năm lớp sáu, phòng Thông tin văn hóa huyện mở lớp dạy võ thuật, Hằng đăng kí học. Nghe Hằng báo tôi rất vui mừng. Học võ, ngoài việc rèn luyện thân thể cho khỏe khoắn, tráng kiện, có sức chống chọi bệnh tật, là gái, còn tự bảo vệ cho bản thân cũng vô cùng cần thiết. Sợ Hằng lơ là học văn hóa, tôi thường động viên Hằng phải luôn luôn “văn ôn võ luyện” mới mong thành đạt.
Đến năm lớp 10, trường Năng khiếu thể dục thể thao Bến Tre tuyển sinh, Hằng xin cha mẹ cho đi thi. Tất nhiên cha mẹ Hằng cũng như phần đông các bậc làm cha mẹ khác, không đồng ý, nói rằng con gái mà học võ cái nỗi gì, nào họ đánh cho mặt mày chảy máu be bét ra, sưng chù vù bằng cái mâm, về báo cha báo mẹ, nào phơi nắng phơi mưa, thức khuya dậy sớm, nhan sắc xấu như Chung Vô Diệm. Có nhiều đứa, là con trai đấy, năm rồi thi đậu, học được một thời gian thì bị trả về nhà... đuổi gà, lỡ thầy lỡ tớ. Lệnh của cha mẹ Hằng rất nghiêm, nói ra là phải thi hành răm rắp, không có “on đơ troa cát” gì hết. Hằng biết không thể lay chuyển ý của cha mẹ được nên âm thầm, to nhỏ cầu cứu tôi, ngoại nó.
Tôi đã theo dõi từ lúc Hằng mới học võ, mặc dù nhiều đêm trời mưa, Hằng cũng đội áo đi học, không bỏ bất cứ một cữ nào. Hôm sau gọi cha mẹ Hằng qua gặp, tôi nói:
-Con Hằng học chữ không có giỏi, tao là thầy giáo, lật tập ra là tao biết liền. Giả dụ sau nầy, chó ngáp phải ruồi, nó tốt nghiệp cấp ba, cũng không đi tới đâu, không làm thầy ký, thầy thông gì được, làm thuê, làm mướn nặng nhọc khổ thân nó. Chi bằng tụi bây nghe lời tao, cho nó thi vào trường năng khiếu đi. Tao bảo đảm nó sẽ đậu và sau nầy nó làm nên sự nghiệp cho coi. Thiếu gì nữ vận động viên nằm trong đội tuyển quốc gia, ra nước ngoài “đấm đá ào ào” lên như diều gặp gió, tiếng nổi như cồn, tiền thưởng nhốc nhốc. Mà nếu không được như người ta, tương lai cũng không tệ đâu.
Sau khi tôi phân tích thiệt hơn, cha mẹ Hằng bằng lòng, nhưng xem ra không được vui. Cả hai cùng bảo:
-Thôi thì cha tính vậy cũng được, nếu có gì cha đừng trách tụi con à nghen.
Và, bước đầu y như tôi nói, Hằng thi đậu. Hằng chọn môn Vovinam. Vừa học chuyên môn ban ngày, vừa học văn hóa ban đêm, không tốn tiền gì hết, còn được lãnh lương nữa mới oách. Cha mẹ Hằng không chi đồng lớn, đồng nhỏ nào. So với hồi học phổ thông “ngon tàng” hơn nhiều.
Nhà trường “quần” học viên muốn lên sịnh, “em” nào cũng mệt đừ ra, cốt cho các em giỏi sức chịu đựng, thân thể dẻo dai, bền bỉ. Có một số ít, sức khỏe không đáp ứng được yêu cầu, chịu không kham, đành âm thầm cuốn gói chuồn về xứ.
Tập được một thời gian dài, để thử sức, để rút kinh nghiệm, nhà trường cho đem “chuông” đi đánh ở một số giải được tổ chức gồm các lò hoặc các câu lạc bộ võ thuật trong nước tham dự. Tổng kết cuối năm, Hằng được:
*Huy chương Đồng. Nội dung đối kháng, hạng cân 48 ký nữ. Giải Vovinam Quân đội mở rộng năm 2008.
*Huy chương Bạc, hạng cân 48 ký nữ. Giải Vovinam Đồng bằng sông Cửu Long năm 2008.
Đã được Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre tặng bằng khen.
Kết quả như thế là quá tốt. Thầy của Hằng rất tự hào về đứa học trò cưng của mình. Trong một lần tập sau nầy, hứng thú quá, thầy bật mí, chỉ còn nửa tháng nữa, con sẽ được vô biên chế, chánh thức làm vận động viên của đoàn thể dục thể thao tỉnh.
Không gì tuyệt vời hơn, hạnh phúc hơn. Hằng thấy đường tương lai của mình rộng thênh thang, vừa thẳng thớm, vừa không có ổ voi, ổ trâu, thậm chí ổ gà, không có nắng Hạ mưa Đông, chỉ có không khí trong lành, nắng ấm của buổi ban mai. Hằng có cảm giác như mình vừa trút được một gánh nặng, người nhẹ nhàng, thơ thới và muốn bay bổng như cánh chim. Từ dưới quê lên mà, thân cô thế cô, không quen thân, không chạy chọt, tự ên mình lo liệu, chỉ một năm khổ luyện, qua hai lần thi đấu, Hằng đạt được thành quả như thế cũng đáng được trân trọng. Không uổng công một năm “dãi nắng dầm mưa, sôi kinh nấu sử”. Hằng lập tức điện thoại báo tin vui nầy về cho tôi và cha mẹ nó.
Đúng như nhiều người thường nói “Đời người có không ít điều bất ngờ, nhưng hên xui khi xảy ra mới biết chắc được”. Hằng cũng đang gặp điều bất ngờ đó. Mười ngày sau sư phụ Hằng gặp riêng Hằng, suy nghĩ giây lâu thầy mới nói:
-Con không có “thế” và thầy cũng không có “thế”. Thầy trò mình đã bị “trói tay”. Con bị loại rồi Hằng ạ!
Nói xong, mặt thầy buồn xo, không an ủi, không động viên, bỏ đi một nước, không hề ngoái lại. Thầy không muốn đệ tử mình nhìn thấy nỗi uẩn khúc đang cuồn cuộn tràn về chiếm ngập lòng thầy. Trong khi đó. Hằng có cảm giác như đất dưới chân mình đang lở, trời trên đầu mình đang sập, toàn thân run rẩy, chao đảo muốn té. Hằng cắn môi không khóc. Phải thật lâu Hằng mới định thần được. Hằng vụt nhớ đến lời dặn dò tâm huyết trước đám môn sinh của thầy ngày khai giảng:
-“Nếu vấp phải một trở ngại hoặc một thất bại bất ngờ nào đó trong học tập, trong trường đời, với tinh thần một võ sĩ, bằng mọi cách, các con hãy mạnh dạn đứng thẳng lên và chạy tới”. Và Hằng đã đứng thẳng lên và chạy tới.
***
Ngày tiễn Hằng lên thành phố “tìm sư học đạo”, nhỏ Kiều Giang, nữ tuyển thủ Bến Tre đã chân thành khuyên Hằng nên chọn Boxing vì qua nhiều trận thư hùng với nhau, Kiều Giang phát hiện đòn tay của Hằng rất nhanh nhẹn và vô cùng uy lực. Chỉ hai mươi ngày tập thử, Hằng được thầy Vương Đức Vinh, trưởng bộ môn Boxing, Sở Thể dục thể thao Tp.HCM, nhận làm thành viên của Câu lạc bộ.
Mọi diễn biến về sự nghiệp, tốt xấu Hằng đều thường xuyên báo cho tôi biết. Còn mẹ Hằng bị đau tim nặng nên Hằng chỉ nói với mẹ rằng “Con vẫn còn phục vụ cho tỉnh nhà, công tác tiến bộ, mẹ an tâm tịnh dưỡng, đừng lo gì cho con”.
Trong gần sáu năm khổ luyện, Hằng đã tham gia nhiều trận đánh ở nhiều nơi như Đà Nẵng, Đắc Lắk, đến Hải Phòng, Lào Cai... thậm chí qua nước bạn Thái Lan để tu nghiệp. Hằng được nhiều huy chương, giấy khen, bằng khen và được công nhận Kiện tướng Quốc gia. Trong cái đà “thừa thắng xông lên” ấy, lần đầu tiên thi Đại học, Hằng đậu ngay vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM ngành Giáo dục thể chất. Với thành quả ấy, tưởng chừng như đôi mắt Hằng sẽ ánh lên niềm hy vọng của một tương lai xán lạn, tưởng chừng như nụ cười chiến thắng trên đôi môi không bao giờ tắt của một nữ kiện tướng tuổi đời, tuổi nghề còn quá trẻ. Nào ngờ... đôi mắt ấy đã từ hai năm nay lúc nào cũng đượm buồn. Hằng thường ngồi một mình nhìn về nơi xa xôi vô định nào đó, đôi khi người ta bắt gặp Hằng lặng lẽ khóc!
Mẹ Hằng đã âm thầm về cõi vĩnh hằng vào ngày 12 tháng 9 năm Canh Dần nhằm ngày 19/10/2010 trong một cơn bạo bệnh bất ngờ ập đến!
Phận làm con, Hằng vô cùng thấm thía khi đọc lời kinh Phật: “Đi khắp thế gian không ai sánh bằng mẹ!”.
Tội nghiệp đứa cháu ngoại của tôi biết nhường nào!
Tin cùng chuyên mục
Nhớ ngoại
16/06/2017
Một thủa vàng rơm
15/06/2017
Con người máy
31/05/2017
Cuộc cờ
07/05/2017
Sự tích những ngày đẹp trời
01/05/2017