Đâu rồi, võng đay?

Quê ngoại tôi nằm bên dòng sông Đáy. Con sông xanh biếc, hiền hoà, bãi sông trù phú, mùa nào cũng mướt xanh. Trước kia, loại cây được trồng nhiều nhất là đay, để cung cấp nguyên liệu cho làng có nghề làm võng. Nghề làm võng đay đã có thời mang lại no ấm cho cả làng. Con gái quê tôi đến tuổi lấy chồng, thường được cha mẹ cho se võng bán lấy tiền làm vốn riêng. Cô nào chăm chỉ, khéo tay thì hay có võng bán, được tiền, lại được tiếng đảm đang, càng đắt chồng.

 

 

ĐÂU RỒI, VÕNG ĐAY?

Tản văn của Chử Thu Hằng
Quê ngoại tôi nằm bên dòng sông Đáy. Con sông xanh biếc, hiền hoà, bãi sông trù phú, mùa nào cũng mướt xanh. Trước kia, loại cây được trồng nhiều nhất là đay, để cung cấp nguyên liệu cho làng có nghề làm võng. Nghề làm võng đay đã có thời mang lại no ấm cho cả làng. Con gái quê tôi đến tuổi lấy chồng, thường được cha mẹ cho se võng bán lấy tiền làm vốn riêng. Cô nào chăm chỉ, khéo tay thì hay có võng bán, được tiền, lại được tiếng đảm đang, càng đắt chồng.
Cây đay thân tròn màu xanh, nhỉnh hơn ngón tay cái, mọc thẳng đều tăm tắp ở bãi sông. Khi cây cao quá đầu người, chặt về, ngâm xuống ao khoảng bảy ngày thì vớt lên, cạo lớp vỏ mỏng màu xanh bên ngoài, dùng tay tước ra nhiều lớp. Lớp ngoài cùng cứng, còn sần lên chút mấu, chỉ để bện thừng hay bán cân làm dây buộc. Các lớp trong màu vàng nhạt, nõn nà, dài cả sải tay đem phơi khô, gấp thành từng sấp vài cân, chợ phiên nào cũng bày bán cả dãy. Lõi cây đay còn lại dùng để đun, cháy rất đượm.
Mỗi lần nhớ về quê ngoại, trong tôi chợt ngân lên da diết mấy câu thơ của Nguyễn Bính:
Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều
Để tôi mơ mãi mơ nhiều
Tước đay se võng nhuộm điều ta đi…
Để sợi võng mềm nuột, phải đập đay rất kỹ. Chiều chiều, làng trên xóm dưới vang lên tiếng đập đay thì thụp. Người đập đay thường ngồi bệt, để đòn kê là một miếng gỗ to, dày như bắp vế giữa hai chân, một tay xoay trở bó đay nõn buộc lơi, tay kia cầm cái vồ bằng gỗ có chuôi, đập nhát nào ăn nhát ấy. Có người hai tay hai vồ, tay thuận tiếng đập chắc, tay trái điểm nhẹ hơn; tiếng đục, tiếng thanh gối nhau nhịp nhàng, rất vui tai. Bọn trẻ lại thích đập đay chung, cứ hai đứa hai vồ ngồi dãi thẻ hai bên đòn kê, bó đay đập mịn tơi vẫn chưa hết chuyện. Nhà bác tôi có tảng đá xanh chôn trước cổng, người trong xóm hay mang đay ra đập nhờ, chỉ nghe tiếng vồ là bác biết nhà nào, người nào đang đập đay. Qua biết bao năm tháng, tảng đá xanh đã nhẵn lỳ, những đòn kê bằng gỗ bị mòn võng xuống, các cái vồ cũng ngấm mồ hôi, lên nước bóng loáng.
Người quê ngoại tôi chăm lắm, đi làm thì thôi, về đến nhà là lập tức ngồi vào se võng, vào nhà ai cũng thấy vài cái võng làm dở móc trên cột. Thường mỗi người làm một võng để các sợi võng, mắt võng được đều tay, võng mới đẹp. Chỉ khi làm quại võng, cổ võng mới nhờ những người khoẻ tay làm giúp.
Hồi đó chưa có điện. Xong bữa cơm chiều ở ngoài sân, thắp đèn dầu lên, cả nhà quây quần làm võng. Cái đèn dầu hỏa nhỏ bé, thô sơ mà có cái tên đến khiếp: Đèn Hoa Kỳ! Các cô gái hay hẹn nhau mang võng của mình đến một nhà, móc chung vào cột, vừa làm, vừa chuyện râm ran tới khuya. Những ngón tay mềm như múa, những cái bóng rung rinh trên vách trong ánh sáng mờ mờ của đèn dầu. Con gái quê tôi ngón tay chẳng nuột nà vì phải đập đay, se đay. Dùng ngón trỏ và ngón cái se riêng hai nhúm đay theo chiều kim đồng hồ, rồi bện hai nhúm đó với nhau ngược chiều kim đồng hồ, mới được một li của sợi võng. Mấy sợi võng dài độ ngón tay lại tết thành một hoa thị. Cứ thế, một chiếc võng đay, với hàng trăm ô mắt cáo đều tăm tắp, sợi võng mịn màng, không nhìn thấy mối nối nào đã được kết nên bởi những bàn tay khéo léo, nhẫn nại, chịu thương chịu khó của người quê tôi.
Phiên chợ, người quanh vùng đổ về. Bên cạnh các sản phẩm cây trái, rau quả, lợn gà là võng và đay. Người làng mang những chiếc võng của mình làm ra, bẽn lẽn đón nhận khen chê của thiên hạ, nhận chút tiền công, còn vốn lại mua đay, quay vòng chờ phiên chợ khác.
Bây giờ, chợ họp mỗi ngày, nhưng tìm một chiếc võng đay cũng khó, chỉ thấy võng dù, võng nilon, võng xếp. Quê ngoại tôi nay thuộc thành phố Hà Nội, rất nhiều dự án lớn đang được triển khai trên những cánh bãi trồng đay ngày xưa. Tảng đá xanh để đập đay giờ cũng chìm vào lòng đất. Cả làng hầu như chẳng ai dùng võng đay nữa. Ngôi nhà cổ của ông bà ngoại tôi, với luỹ tre xanh mát sau nhà, với những cột gỗ lim đen bóng giờ nhường chỗ cho ngôi nhà lớn ba tầng hiện đại, đẹp mà sao vẫn thiêu thiếu một cái gì… Nhớ ngày xưa, ông tôi nằm võng đọc Kiều sang sảng, cuốn sách in bằng chữ Nôm trên giấy bản. Nhớ những trưa hè, mấy chị em ngủ chen chúc trên võng, tiếng võng đưa kẽo cà kẽo kẹt, tiếng bà ru như thật, như mơ:
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về…
Khi đó tôi thầm hỏi: Đâu rồi, võng đay quê tôi?...