Một thủa vàng rơm
Bất chợt, ta lại nhớ về những kỉ niệm xưa cũ của thủa thiếu thời với những buổi chiều đi mót rơm nhổ rạ. Ngày ấy nhà ta không có ruộng, cứ chiều chiều, ta lại cắp chiếc xảo và cầm chiếc chổi tre đi vơ, đi quét lại những cọng rơm vàng của mọi nhà dọn còn để sót lại. Cần mẫn như con ong xây tổ, nhiều buổi chiều như thế ta cũng giúp mẹ được một cây rơm đỡ đần thay củi.
MỘT THỦA VÀNG RƠM
PHAN ANH
Phòng GD&ĐT Hoài Đức, Hà Nội
Mấy hôm nay, cơn nắng tháng sáu bắt đầu hầm hập như thể muốn thiêu cháy mọi thứ trên mặt đất, ấy cũng là mùa thua hoạch lúa bắt đầu. Bây giờ khắp mọi nơi trên đồng ruộng người ta nghe thấy ầm ầm tiếng máy gặt liên hoàn hay tiếng máy tuốt lúa. Và trên nhưng thửa ruộng hay thấp thoáng trên những con đường bê tông là những thân lúa bị vò nát, chất đống, nằm ngổn ngang. Những thân lúa ấy, sau khi lấy hết thóc, bây giờ bị bỏ mặc để nắng, mưa vùi dập cho đến kì mục nát hoặc đợi khô rồi đốt bỏ. Đã không ít lần cái nóng nực của mùa hè cùng với những khói, bụi bay mù mịt từ những đống rơm tàn mục nát của ai đó vô ý khi đốt để dọn ruộng, dọn đường đã làm cho không ít người phải bực mình, khó chịu. Thế là hết, còn đâu nữa cái hình ảnh những cây rơm như những cây nấm khổng lồ; còn đâu nữa những con đường phủ đầy rơm vàng óng ả? Bâng khuâng trên đồng chiều chơi vơi với những chân rạ nhấp nhô trên mấy đám khô ruộng, những kí ức một thời về những con đường rơm chợt hiện về làm sống dậy cả một thời thơ ấu mà khóe mắt không khỏi thấy cay cay.
Ngày ấy, cánh đồng quê mẹ thẳng cánh cò bay, mỗi khi vào vụ, lúa chín vàng rưc. Một màu vàng óng ả như thể trải ra mênh mông trên khắp mọi đất trời. Muôn ngàn thân lúa bông vàng chắc mẩy uốn câu rung rinh trong gió thoảng tựa như trăm ngàn con sóng nhỏ nhấp nhô giữa đại dương bao la. Bây giờ cái cánh đồng thanh bình yên ả đẹp như tranh vẽ ấy còn đâu nữa. Nó đã bị băm chặt thành từng khúc và che khuất bởi những dãy nhà cao tầng chọc trời đang làm dở dang nham nhở. Trên cánh đồng phì nhiêu ấy, không ít chỗ, nơi bồ xôi ruộng mật một thủa đã những chiếc xe khổng lồ ngày đêm đổ cát xuống, nhìn vào như thể sa mạc rồi bỏ đấy cho cỏ dại và hoa lau mọc lên một cách hoang dại.
Bây giờ nhớ lại, kí ức chợt hiện về với bao nỗi nhớ đầy vơi một thủa. Ngày đó, mỗi khi mùa lúa chín thì cả làng tất bật. Bác thợ rèn thường ngày chẳng thấy đâu nhưng mỗi khi mùa đến lại tìm về con dốc ở đầu làng, nơi có những bụi tre um tùm râm mát để đánh chấu liềm. Bác làm cả ngày mà không hết việc, bởi cả những người ở các làng xung quanh cũng tìm đến để sửa liềm chuẩn bị cho vụ gặt. Cánh đồng mùa gặt hồi đó thật xôi động, người người đi gặt đứng lên cúi xuống nhấp nhô trên sóng vàng như những thuyền câu mực trở về xôn xao trên biển bình minh. Cánh đồng vụ gặt thật vui, để tránh cái nắng gắt gỏng vỡ đầu của tháng sáu người ta thường đi làm từ sớm. Từ sáng tinh mơ, tiếng người ra đồng gọi nhau í ới, đến khi nắng lên thì cũng là lúc người gánh, người thồ những bó lúa vàng ươm óng ả đi kín cả đường đồng về làng kĩu kịt. Lúa về làng được chất thành những cầu lúa trong sân nhà hoặc sân kho, sân đình … Chờ đến chiều mát (hoặc đêm trăng), nhà nhà bắt đầu đập lúa, chủ yếu là nam nữ thanh niên của làng ra đập. Người ta lật úp và kê nghiêng những cối đá to để đập lúa, dụng cụ đập lúa là chiếc néo được làm bằng hai tay che, đường kính khoảng 3 phân, dài khoảng nửa mét, dùi hai lỗ ở hai đầu tre (không đều nhau, một cái cách đầu khoảng 5 phân một cái cách đầu khoảng 20 đến 25 phân) rồi dùng một đoạn dây dù (hoặc chạc đay) nối hai tay tre với nhau. Khi đập lúa người ta lấy néo ngoặc lượm lúa lại và vung lên đập xuống cho hạt thóc bay ra kì hết thì thôi. Khi đập xong người ta mở néo ném lượm lúa vừa đập về một chỗ (phía sau cầu lúa hoặc hai bên của cầu lúa) để chờ đem phơi. Nhìn lượm lúa bay vun vút từ những tay néo bung ra trông rất điệu nghệ. Trên sân kho ngày ấy, tiếng đập lúa kêu vang chình chịch xen lẫn tiếng cười tiếng đùa vang vọng, vui vẻ … Lúa đập xong, thóc vàng chất đống như núi còn rơm được đem phơi. Rơm ngày ấy vốn được người nhà quê rất chuộng. Những lượm rơm nếp được tuốt rũ phơi từng đụn dựng đứng để lợp nhà, vặn chổi. Còn những lượm rơm tẻ được rũ rối đem phơi. Rơm hồi ấy phơi ngập đường làng ngõ xóm. Hàng ngàn hàng vạn sợi rơm như thể đang ưỡn mình trên sân trên đường để đón lấy cái nắng cái gió hong thơm thân thể. Cứ như thế, nhìn những con đường rơm được nắng vàng ươm hong sấy như thể những đám mây vàng đang xà xuống bồng bềnh trên mặt đất. Đi trên con đường rơm, ta như thế cất bước qua những áng mây thơ mộng. Từng bước chân ta quấn quện, xoắn xuýt bởi những cọng rơm khô trong cái màu óng ả, mềm mại đang bốc lên cái mùi thơm nồng ngái ngái. Những con đường rơm vàng bất tận ngày ấy cũng đã từng nâng bước ta, giúp cho đôi chân trần của ta khỏi bị bỏng rát bởi cái nắng nóng trên dưới 40 độ trong những ngày cao điểm của mùa hạ. Thời ấy, cuộc sống không được dư dả những đồ dùng tiện nghi như bây giờ nên sợi rơm vàng với người nhà quê cũng rất quí. Rơm phơi khô mang về được đánh đống, chất thành cây. Trong vườn, bên cạnh bếp nhà nào chẳng có cây rơm. Cây rơm được dùng làm chất đốt cho cả năm; được dùng làm thức ăn cho trâu bò trong ngày gió rét, mưa dầm. Những cọng rơm vàng khô hiền lành ấy cũng tỏ ra khá đa dụng và hữu ích với người nhà quê. Nó được băm ra trộn với bùn để đắp vách nhà, được bện thành đệm nằm cho đỡ rét khi mỗi mùa đông về. Không những thế, rơm còn được sử dụng trong những công việc tâm linh. Những nhà có người mất, người ta bện rơm làm mũ tang; trải rơm trước linh sàng, bên chiếc quan tài; tro rơm nếp cũng là thứ được nhiều người để vào trong những bát hương đặt trên bàn thờ. Thế đấy, đã từng có một thời gian rất dài (hàng ngàn năm) rơm vàng gắn bó với người. Thời ấy người ta cũng quí rơm như quí thóc. Thời ấy khi đi dở thóc (đảo thóc cho nhanh khô) là người ta cũng đi gẩy rơm (dùng gậy lật rơm từ dưới lên trên, rơm từ trên xuống dưới cho nhanh khô). Thời ấy mỗi khi chạy thóc khỏi mưa là người ta cũng tất bật chạy rơm cho khỏi ướt. Thời ấy bây giờ đâu còn nữa? Bếp điện, bếp ga, nhà gạch, … đã thế chân rơm. Bây giờ rơm phải chịu phận bên lề trong cảnh ghẻ lạnh của người đời. Lấy xong hạt thóc vàng, người ta dửng dưng với rơm, bỏ mặc rơm dãi nắng dầm mưa, ẩm mốc, bốc mùi hôi hám trong những đống những mô nơi góc đường, chân ruộng một cách không luyến tiếc.
Bây giờ, trên cánh đồng hoàng kim một thủa ngày xưa ấy, từng cuộn khói mù mịt, khó chịu, nồng nặc đến ngạt thở đang bốc từ những đống rơm nhàu nát, thâm đen khiến ta không khỏi chạnh lòng. Bất chợt, ta lại nhớ về những kỉ niệm xưa cũ của thủa thiếu thời với những buổi chiều đi mót rơm nhổ rạ. Ngày ấy nhà ta không có ruộng, cứ chiều chiều, ta lại cắp chiếc xảo và cầm chiếc chổi tre đi vơ, đi quét lại những cọng rơm vàng của mọi nhà dọn còn để sót lại. Cần mẫn như con ong xây tổ, nhiều buổi chiều như thế ta cũng giúp mẹ được một cây rơm đỡ đần thay củi. Bây giờ, khói rơm phủ đen đồng, ai đó đã vô ý đốt rơm khiến người qua đường mắt mờ chảy nước, ho sặc ho sụa. Sao cái khói bây giờ ác thế. Nó chẳng giống như ngọn khói khi xưa ta từng đốt trên đồng để nướng khoai, nướng cá. Ngày ấy ta cũng đã từng đi vơ rơm, vơ rạ đem đốt, khói trắng bốc lên từng làn bảng lảng, nhẹ nhàng vươn lên từ mặt đất, theo gió thơ mộng hòa vào cái mênh mông của trời cao xanh ngắt đem theo cái vị nồng thơm khó tả. Khoai, cá vùi trong đống rơm rạ cứ thế mà chín. Mùi vị của khoai, của cá ngấm với mùi thơm nồng của khói rơm, khói rạ ăn sao mà ngon đến vậy. Bâng khuâng nhớ lại, cái màu, cái vị của khói đồng, của khoai, của cá ngày xưa cũ ấy bây giờ đâu rồi nhỉ? Bất chợt sao ta thấy nhớ và thèm da diết đến thế!
Ngậm ngùi buồn thay cho rơm vàng một thủa. Mới đây nghe nói có một ai đó đã đổi vạ cho rơm. Người ta bảo, nông dân vùng ngoại thành đốt rơm đốt rạ nên nhiệt độ ở Hà Nội bị nóng lên; khói rơm, khói rạ tạo nên sương mù che mất phố mất phường, làm ngột làm ngạt không khí trong nội thành ... Thế đấy, khói nhà máy cuồn cuộn xả lên trời cao; khói xe, bụi đường bốc lên mù mịt thì chẳng bị làm sao. Khói rơm, khói rạ do ai đó vô ý, vô tâm đốt chứ còn rơm, rạ thì làm gì nên tội. Nghĩ mà thương cho những cọng rơm chất phác, hiền lành. Đời thật vô tình, bạc bẽo; có vàng rồi người ta phụ thau. Bây giờ khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì phận rơm ngày càng trở lên thừa thãi, vô dụng? Rơm, rạ càng phải cam chịu phận bên lề. Thôi, chẳng giúp được nhiều cho đời, rơm lại tiếp tục hóa kiếp vào những mồi lửa để về với đất, tái sinh cho đất mẹ những hạt “phù sa” hòng dâng cho đời những mùa vàng năm tới. Rơm là thế đấy, sống hết mình và cháy cũng hết mình, Biết có ai tường ai tỏ? Bây giờ, xem ra cái câu hát “lúa gặt rồi để lại rơm thơm” của Nguyễn Trọng Tạo cũng đã lỗi thời rồi đấy nhỉ? Nghĩ, sao mà thương rơm đến thế!