Thổ công – Hà bá

Đấy là một buổi sáng không bình thường của làng Trường Đình. Từ sáng sớm, một đoàn máy xúc, máy ủi đã tề tựu tập kết trước đầu làng. Dân lấn đất sáng nay cũng hình dung được sự không bình thường này vì qua bao lần cảnh cáo, giáo dục họ vẫn đua nhau làm. Các nhà quanh con hồ đóng cửa im ỉm và lặng lẽ theo dõi, đàn ngan và đàn vịt nhà Tuất vẫn nhởn nhơ bơi lội, thỉnh thoảng lại động cỡn, đồng loạt vỗ cánh và kêu “như vịt”. Lúc này họ mới ngó cẩn thận vào tờ giấy ra hạn của pháp luật! Không xong rồi! Đất có Thổ công, sông có Hà Bá…Mà xe cộ, công an, cảnh sát, đội đặc nhiệm mũ sắt dùi cui đứng đầy quanh hồ. Lệnh đọc oang oang. Cái loa gọi cả họ và tên cúng cơm từng hộ…Thôi ! dại thì phải chịu…Chỉ tại con mụ Ngàn đầu têu, chỉ tại thằng Cu Tuất xui dại.

Chỉ khổ cái đám dân “ theo voi hít bã mía” 

Thấy con mẹ Ngàn lấn đất cũng theo đuôi, ấy vậy cho nên sinh ra cảnh vừa bi, vừa hài. Đầu đuôi câu chuyện là như thế này: 

Lối vào làng tôi có con hồ rộng chừng độ hơn ba hecta, đây là di tích còn lại của một con sông có quai võng yếu, năm lần bảy lượt, cứ mùa lụt lã vỡ. Khi có con đê bao chặn lại, nó thành con hồ nông, mồ mả vô chủ quanh hồ vô thiên lủng do chết lụt vỡ đê vón lại, do chết tai nạn giao thông tứ xứ cũng đem đến liệm xấp chôn nghiêng. Người ta bảo ở đây đất “nghịch” lắm, oan hồn bà cô ông mãnh cứ vào đêm gió bấc, mưa phùn là kéo lên khóc như ri. Rồi những oan hồn bị tàu, bị ô- tô cán ở đoạn này tính ra cũng khá nhiều. Lại có người cam đoan rằng: mấy con ma áo trắng, cứ xoã tóc ngồi trên đường tàu khóc ty tỷ về tầm sao mai gần khuất. Rồi ma rủ người, bưng tai bịt mắt người thấy tàu hoả lao qua không nhìn thấy, cứ thế mà lao đầu vào. Đồn là vậy, chứ tôi là con “ma mò” ở đoạn này nhiều năm chẳng gặp bao giờ. Đi thả ống lươn, đi đặt câu ngày còn bé, tôi còn thấy cả một lũ “ma chơi”. Cứ hôm nào lặng gió hoặc mưa phùn mùa xuân là bay ra mấy cục sáng loè, lượn lờ quanh hồ rồi biến mất. Không phải ma đâu! Là khí Phốt pho đấy, nó ở xương người và xương động vật chôn dưới đất tích lại và khi quá áp xuất là tự bay lên phát sáng. .. Con mẹ làm nghề “thày cúng đểu” bên kia nhà tôi còn bảo : Tao thấy trước cửa nhà mày ( tôi có cửa hàng sát đường tàu ) có một con ma áo trắng, là đàn bà dong dỏng cao, tóc dài, cứ vào một hay hai giờ sáng lại xoã tóc mà ngồi…Tôi chọc mụ: 
- Thế chắc là loại người mẫu “chân dài đến nách”, của này các xếp, các đại gia thích lắm, nó yêu tao hay đánh đàn ghi ta nên đến nghe! Tiếc thật! Lúc ấy tao ngủ khì từ tám hoánh còn “đàn địch” nữa đâu! Tao nhờ mày lúc nào em ấy ghé thăm, cứ điện tao ra mở cửa dắt em ma vào! Khổ thân quá! Khát đàn ông ấy mà. Em “chiêu đãi ái tình miễn phí” mà mình làm khách thì còn đếch gì là con đực mang tiếng đĩ thoã như tao…Có “kiết” ra tao cũng thù lao mày nửa triệu…Từ ấy nó không phỉnh phờ được nữa. Thày cúng như dạng nó ở các làng vùng tôi nổi lên như mối vỡ tổ, chuyên phán láo, doạ đểu. 
Thưở trước, khu đất này không ai dám ở, nó vẫn vào loại đất “chó ỉa” hoang hoá và lạnh lẽo đến ghê . 
Người mỗi ngày một đông mà đất lại không đẻ như người nên có đôi ba hộ liều mạng đến đây sinh cơ lập nghiệp trong đó Cu Tuất là người đến đầu tiên. Người cứ lấn dần ma, người tiến thì ma lùi, lâu dần thấy êm êm, các hộ khác cũng theo nhau đến dựng nhà, thời ấy có ai cấm đoán đâu, mạnh ai nấy ở, thuế má cũng không phải nộp cho chính quyền, người ta còn khuyến khích là “khai hoang, phục hoá” nữa là đằng khác.
Khoảng mấy năm gần đây, nhất là khi Thị xã nâng cấp lên Thành phố, khu này là “miếng gan miếng tiết” bởi đất nằm cạnh đại lộ 1A, là chỗ người ta dựng cửa hàng buôn bán, kinh doanh, khu ấy là cửa ngõ vào tỉnh lỵ, người ở chặt quá nên ma mất chỗ, di tản đi đâu không biết. Mà quả thực, không ai nghĩ đến ma nữa vì người bây giờ còn mạnh hơn ma, họ còn ma hơn cả ma, nghĩ cũng nực cười, khắp mọi nhà đều mời thầy đuổi ma thì ma dạt đi đâu, dưới âm phủ Diêm Vương không có khu tái định cư cho ma, chắc ma vất vưởng lắm…Thế mới biết, ma âm phủ “chẳng là cái đinh” gì, chỉ ngửi thấy khói hương, nghe lời mấy lão thày cúng mắt toét dọa, yểm mấy lá bùa xanh đỏ là chạy mất dép. 
Làm vương bá khu này là Cu Tuất, một thằng đọc báo ngược, có nghĩa là nó chẳng cần hiểu quái gì sự đời, có biết chữ đâu mà đọc hiến pháp với pháp luật nước nhà. Đã thế tai nó lại ngễnh ngãng, đài đóm là của thiên hạ chứ có lọt được vào lỗ nhĩ nó đâu. Hình như nó điếc lác theo giờ hay sao ấy, có việc nói khẽ nó cũng ừ, có việc gào lên nó chỉ “hở” với “hả”. Cứ thế nó dựng nhà và tiến lên xây nhà và đắp bờ thả cá, nuôi ngan, nuôi vịt, nuôi ba ba…Vụ được, vụ mất nhưng cũng nhôi nhai đủ sống. Ai chớm động vào hồ của nó, nó vác con dao nan dài nửa thước hoa lên trông ghê cả người. Quả thực, nó vác dao nhiều lần nhưng chẳng ai phải mất cái lông chân, nó khôn lắm, biết cương, biết nhu để bảo mạng. Hoàn cảnh nó nghĩ cũng thương, cô vợ bé như nắm chắt, đội nón đứng giữa giời khó mà phân biệt đâu là mặt tiền, đâu là mặt hậu của đàn bà, nó vóng vót như thước kẻ dựng ngược. Trời mưa đi lùa vịt trượt chân, lần thứ nhất gãy tay trái, bó bột gần lành lại ngã tiếp, gãy tay phải, rồi dò tuỷ, rồi viêm xương mãn, rồi ung thư giai đoạn đầu, tiếp hoá chất mấy lần rụng sạch cả tóc trông như sư trốn chùa phá giới. Mấy chục triệu đền bù ruộng đất đổ vào bệnh hết veo, mấy đứa con trứng gà trứng vịt, học hành buổi đi, buổi bỏ. Quả thật , bố nó làm sao thì chúng chỉ có nước đi ăn mày. ..Chém người “ trượt da ba quan, chảy máu sáu quan” để đi chăn kiến, đi bóc lịch ai nuôi con, nó chỉ doạ thằng nào gan thỏ đế.
Việc nó bám lấy cái hồ cũng vì kế sinh nhai cho một gia đình đông con ở cái làng ngoại ô chớm mưa là lụt, nó khôn như rận váy, lợi lộc hoa màu, cá mú đâu không biết, riêng khoản ăn vạ cũng ối tiền: thằng ôtô mất phanh đâm xuống ư! năm triệụ Ai bảo mày lao xuống, xăng dầu loang ra chết ngạt hết cá ao tao, thằng hút cát bắc ống, bắc vòi qua ư : một triệu…Ôi thôi nhiều lộc lắm. Vịt nó thả, ngan nó bơi kín cả mặt hồ, rau muống ngọn bò xanh rêu rểu, nó cứ vác dao nan sắc như dao cạo râu dài nửa thước, đi vòng quanh con hồ mà nghĩ kế kiếm tiền. Thằng nào con nào cơi nới đất thổ cư, phạm một ly một lai, tốt nhất là vác xác vào nộp phạt rồi hãy làm, cán bộ xã đến thu thuế thì nó chửi. Đàn ông đàn ang mà nó ngoa vắt nóc, nó véo von chửi có lớp, có hồi, có chương có đoạn để kể tội các ông các bà cán bộ, có việc nó chửi đúng nhưng phần lớn là phịa ra vu vạ cho các vị kiềng mặt…Nó đe con cái các vị đi học qua là nó cho con nó“ làm việc”. Nó như con trâu lấm với cái đuôi vẩy tứ tung, vậy sinh ra cảnh : Vua thua thằng liều, mà nhà quê bây giờ vô khối thằng liều, có thằng liều kiếm được cơm, có thằng liều phải ở tù…”Voi đú chó cũng đú”, mấy lão nhà quê, hàng xóm láng giềng vẫn chửi lén sau lưng Cu Tuất. 
Từ dạo hè năm ngoái, con mẹ Ngàn mua đất cạnh hồ. Mụ lẳng lặng đổ vật liệu, không thèm đếm xỉa đến cái thằng Chí Phèo đời mới, nó chẳng là cái thá gì mà chấp nê, tiền mụ như lá đa, cửa nào mụ cũng rắc, đồng tiền nó mỏng tang nhưng nó có keo mà bưng lấy cái miệng nào cần bưng . ..Thiên hạ nhân, thiên hạ tài, dùng tiền đỡ nhọc hơn dùng miệng, "có của lấy của che thân, không của lấy thân che của" . 
Ra đường mụ Ngàn vẫn đổng trác bâng quơ:“Cúng hổ thích hơn cúng chó”…
*
Tất cả cũng chỉ tại lòng tham thằng người, con mẹ Ngàn lắm tiền, lắm mưu nên mua một, lấn mười. Đúng lúc ấy Nhà nước mở đại lộ, các loại đất thải hai bên hành lang, máy xúc, máy ủi múc đi, lái xe cứ thế vận chuyển mà bán cho mụ với giá rẻ, lấp sông cũng đủ chứ chưa nói lấp hồ, nhân đà này mụ ra sức tận dụng cơ hội có một không hai. Những chiếc xe tải với sức chở 15 – 20 khối như đàn kiến khổng lồ thi nhau mà đổ vật liệu san lấp. Diện tích lấn chiếm đã ra gần nửa con hồ. Chính quyền xã Lam Đình huy động lực lượng ngăn chặn nhưng như nước đổ lá khoai. Cấm ngày thì mụ làm đêm, chỉ mụ làm đêm chứ công bộc ban đêm họ đi ngủ…Ngày qua tháng đoạn, mọi biện pháp hành chính cứ như đấm bị bong, mức độ vi phạm đã “quá ngưỡng” đã “vượt khung” cấp xã, cấp xã phải nhờ cấp Thành Phố vào cuộc.
Con mẹ Ngàn vẫn phớt lờ và cố nhiên Cu Tuất ức trào máu họng, đúng lúc ấy, mụ Ngàn dừng san lấp vì con lộ ngang qua đã hoàn thành việc cải tạo mặt bằng, cơ quan pháp luật đã gọi mụ ký biên bản vi phạm mấy lần nên mụ cũng chờn, đây là thời cơ Cu Tuất tranh thủ nghĩ phương kế kiếm tiền. Tuất lân la các hộ quanh hồ gọi là chỗ “tối lửa tắt đèn, mất điện vay nến” bắn tin: Mụ Ngàn làm được ta cũng làm được, đất bây giờ là bạc là vàng, 5-6 triệu một mét vuông bán đâu chẳng được. Ai muốn lấn hồ, cứ đền hoa lợi cho hắn rồi thoả sức lấn, nhà đông con lấn nhiều. ít con lấn ít, lấn xong hợp pháp hoá sau.
Nghe bùi tai, một vài hộ theo nhau thuê tàu hút cát bắc vòi từ sông thổi vào, cứ chập tối là khởi sự, gần sáng thu dọn chiến trường. Họ ngả tre pheo cắm cọc đánh dấu chủ quyền vừa hùng cứ và thế là như một téc dầu vỡ loang ra, các hộ khác sợ mất phần cũng tưng bừng theo đuôi. Không khí như có lửa sôi, một cuộc chia chác, tranh giành quyết liệt diễn ra không còn thầm vụng ban đêm mà công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Đúng là cuộc nội chiến của những con ma sống tranh lãnh địa cư trú.
Cu Tuất kể cũng cao thủ, không biết chữ nhưng còn khôn hơn chán vạn thằng chữ nghĩa đầy đầu, hắn nheo mắt nhẩm tính: cho chúng mày lấn, hồ còn rộng chán, vịt vẫn còn chỗ bơi, cá vẫn còn chỗ thả, rau vẫn còn chỗ trồng, mà suy cho cùng, đất của quốc gia công thổ chứ có phải đất nhà mình quái đâu, việc thằng nào lấn đất nhà nước bắt phạt thì thằng ấy chịu, liên can gì mình, tao bắt đền hoa lợi chứ có phải bán đất quốc gia đâu, cứ lấn đi, lấn tợn vào, đục nước béo cò, sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi. 
Chỉ khổ mấy ông quan cấp xã, trên ép xuống, dưới kiện lên. Ông chủ tịch chẳng khác nào cá trạch nằm trong giỏ cua, cứ hoắng lên mà đốc thúc binh mã, binh mã ra quân cũng loay hoay như gà mắc tóc bởi đương sự toàn “phi nội tắc ngoại”, chém tre cần nể đầu mặt chứ… Ung thư di căn mất rồi, hết thuốc rồi…Nhìn mà hãi! mấy hôm lại có tắc xi lôi người đi viện cấp cứu.
* * *
Đấy là một buổi sáng không bình thường của làng Trường Đình. Từ sáng sớm, một đoàn máy xúc, máy ủi đã tề tựu tập kết trước đầu làng. Dân lấn đất sáng nay cũng hình dung được sự không bình thường này vì qua bao lần cảnh cáo, giáo dục họ vẫn đua nhau làm. Các nhà quanh con hồ đóng cửa im ỉm và lặng lẽ theo dõi, đàn ngan và đàn vịt nhà Tuất vẫn nhởn nhơ bơi lội, thỉnh thoảng lại động cỡn, đồng loạt vỗ cánh và kêu “như vịt”. Lúc này họ mới ngó cẩn thận vào tờ giấy ra hạn của pháp luật! Không xong rồi! Đất có Thổ công, sông có Hà Bá…Mà xe cộ, công an, cảnh sát, đội đặc nhiệm mũ sắt dùi cui đứng đầy quanh hồ. Lệnh đọc oang oang. Cái loa gọi cả họ và tên cúng cơm từng hộ…Thôi ! dại thì phải chịu…Chỉ tại con mụ Ngàn đầu têu, chỉ tại thằng Cu Tuất xui dại.

Một núi đất đá con mụ Ngàn làm mồi cho hơn chục cái xe ủi, chỉ một ngày, cái núi ấy đã bị tãi ra lấp kín con hồ, mặt bằng đi đến đâu, cọc mốc bê tông cắm đến đó. “Đất trả vua, chùa trả bụt”, các cụ đời xưa nói cấm có sai.
Chỉ khổ cho Cu Tuất… Tiền bán mặt nước thì bán bằng mồm chứ đã thu được một đồng một cắc của ai đâu. Dân làng này “rắn” lắm, phải xong họ mới trả, tiền có phải lá đa, lá ổi đâu mà vãi. Cái dễ thấy nhất là hôm nay ngan vịt không còn vũng nước nhỏ mà bơi, cái thứ ngan vịt giống lai chưa đến kỳ bán, thịt còn nhũn nhèo tiêu thụ cho ai, đàn cá dưới hồ chưa kịp đánh bắt, làm mồi cho đám trẻ trâu chạy theo máy ủi mà nhặt bỏ vào bao xác rắn. Bao năm sinh sống bình yên giờ tay trắng, con mụ Ngàn nó giàu có, nó còn cơ phục lại, mình khốn khổ khốn nạn thế này thì sống sao được hở giời?…Và hắn khóc! khóc ông ổng, khóc hưng hức, khóc ty tỷ. khóc như chưa bao giờ được khóc, có lẽ từ cha sinh mẹ đẻ hắn tích nước mắt để bây giờ mới có dịp tháo ra. Tuất nằm bò nhoài trên cái phản gỗ cập kênh và vô tình tay hắn chạm vào chuôi con dao nan, vật bất ly thân bấy lâu đã làm bạn, lúc đi ngủ vẫn thủ dưới cái gối đã ngả màu cháo lòng. Tuất nhỏm dậy, nhìn trân trân vào con dao và lẳng lặng đi ra sân, liệng con dao vào vạt rau muống. Chiếc máy ủi đang tiến về vạt rau, hai cặp bánh xích nghiến lạo xạo trên nền đất mới tãi và đè lên lên con dao của hắn… 
Bãi bể đã thành nương dâu, bây giờ con hồ ấy tự nhiên thành cái chợ ngoại ô nhộn nhịp, tiện thuyền tiện bến. Phiên chợ Tết con trâu vừa rồi. Người ta thấy hắn cùng mấy đứa con gái loạy nhoạy biên biên chép chép. Tuất lại xoay nghề mới: Nghề coi xe và bốc hàng thuê. Vợ Tuất đã mọc lại tóc và nhanh nhẹn chào mời khách vào uống nước chè xanh. Hình như Tuất mặc cảm với mọi người, hắn lặng lẽ và chu đáo với công việc, ít nói và hay dàn hoà những vụ cãi nhau trong cái chợ quê lắm hàng tôm hàng cá...