Tết Cùng

"...Ở làng quê này, ngoài đón Tết Nguyên Đán còn có thêm một cái Tết vào ngày ba mươi tháng giêng (âm lịch), gọi là “ăn Tết Cùng”. Nhưng điều bất ngờ nhất với Huynh là nét độc đáo làm nên cái tết khác lạ ở đây mà có lẽ không ở nơi nào có được chính là tục ăn thịt chó đầu xuân."


 

 

TẾT CÙNG

Truyện ngắn của Thái Hà

Cuối giêng, thời tiết đẹp lạ. Đang nắng nóng như sắp vào hè bỗng trời trở rét lại. Đã qua Nguyên Đán cả tháng, bánh chưng thịt mỡ  và những ào ã tết nhất đã nhạt, trong cái se se dễ chịu, gió hây hẩy, một chút nắng tươi tươi, không gian lại như xúi bẩy người ta xê dịch, tụ bạ.

Mở cửa ra ngó trời ngó đất một lúc, Huynh vào nhà pha ấm trà, ngồi uống một mình, vừa hút thuốc vừa ngâm ngợi. Tết rồi Huynh ít khách, nghỉ hưu rồi nên không có khái niệm nghỉ tết dài, ngắn; không lo hết tết lại đến cơ quan như trước nữa, thong dong nhưng cứ tẻ tẻ…Trước tết, mấy ông bạn thân thân kháo nhau tết này tỷ phú thời gian rồi nên tha hồ tung tẩy, người về quê ăn tết, người theo con vào đón xuân phương Nam, người thì chọn khám phá xứ người, thành thử chỉ có Huynh trơ khấc, chẳng đi đâu được. Mùng Hai Tết, mấy cặp vợ chồng con cái chúng nó kéo nhau về nhà ngoại, vợ Huynh thì sang chăm đứa con gái mới sinh, Huynh đành uống rượu một mình. Chẳng thiếu thức gì, thứ gì cũng nhiều bởi vợ Huynh có nết ham trữ đồ ăn, tủ lạnh lúc nào cũng đầy inh ích, lắm lúc ăn không được, bỏ không xong, chỉ khổ Huynh. Ngày tết càng khổ, thì quanh quẩn cũng đều giò, đông, măng, miến quen thuộc cả, đến độ, chẳng thấy mùi thơm nữa…

Đang nghĩ vơ vẩn thì ông bạn mới quen ở tổ hưu cùng khu lọ mọ gõ cửa. Huynh mừng quýnh, rót nước. Ông bạn xua tay:

-Thôi, tôi vừa tàn ấm ở nhà rồi, trời đang đẹp, ông đi chơi với tôi không?

-Đi chơi? Ở đâu?

-Ra ngoại thành, ăn tết!

Đang một mình, nói đến đi chơi Huynh thích ngay, nhưng tết gì nhỉ, Huynh cứ băn khoăn mãi. Ông bạn cười bí hiểm:

-Tết Cùng! Cứ đi khắc biết.

Sau hành trình hơn hai chục cây số đường quốc lộ, xe rẽ vào một con đường bê tông nhỏ qua mấy đám ruộng trồng hoa, dừng ở đầu làng, ông bạn Huynh lên tiếng:

-Đến rồi! Ta đi bộ vào làng.

Tiếng là làng nhưng chẳng còn bờ tre, cây rơm, mái ngói ta như xưa nữa. Thay vào đó là nhiều kiểu kiến trúc hỗn hợp, nhà tầng, nhà gỗ đủ cả, đường ngõ đổ bê tông, sạch sẽ. Duy không khí sinh hoạt thì vẫn thế, í ới, mùi cỗ bàn, cờ phướn, tiếng trống, tiếng loa cứ lan lan trong gió. Tết thật.

Chủ nhà rất hiếu khách, tíu tít đón nhóm Huynh và tận cái sập ở gian giữa. hai gian bên và rạp ngoài sân, mấy mâm rượu đã vào cuộc, râm ran.

Quan sát ngôi nhà và cách bày trí, nhất là cái án thờ ở giữa, Huynh đoán chủ nhà thuộc diện “ăn nên, làm ra”. Ngôi nhà khá mới, ba gian kiểu cổ, toàn bằng gỗ đinh hương. Trước nay nghe mọi người nói đến nhà gỗ cổ các kiểu nào là cửa bức bàn, cột kèo, thượng lương, huỳnh chái chạm trổ rồng phượng, vách liệt bản; án thờ gỗ mít lõi trên toàn đồ thờ quý, cuốn thư, hoành phi câu đối dát vàng ròng…Huynh chỉ lào phào phương phưởng. Hôm nay ngồi trong ngôi nhà này Huynh thấy choáng ngợp bởi hình như tất cả những thứ đó đều có ở đây: Bề thế, tinh vi, cầu kỳ. Ông bạn ghé tai Huynh, bảo:

-Riêng tiền nhập gỗ và công chạm trổ đã ngoài đôi tỷ rồi đấy!.

Bên cạnh, kết nối kiểu chữ L với ngôi nhà gỗ là một đơn nguyên nhà ba tầng hiện đại chung khoảng sân rộng lát gạch Giếng Đáy đỏ sậm. Phía ngoài giáp tường hoa là vườn hoa, tiểu cảnh, có mấy cây bưởi Diễn và hàng cau Liên phòng đã trổ hoa, mùi hương quê nao nao.

Chủ nhà đã bê mâm cỗ lên đặt giữa sập, hoan hỉ:

-Quý hóa quá, chẳng mấy khi mời được các bác về chơi. Quê em đây có tục ăn tết lại, mong các bác không chê.

Theo lời chủ nhà thì từ hàng trăm năm nay, ở làng quê này, ngoài đón Tết Nguyên Đán còn có thêm một cái Tết vào ngày ba mươi tháng giêng (âm lịch), gọi là “ăn Tết Cùng”. Nhưng điều bất ngờ nhất với Huynh là nét độc đáo làm nên cái tết khác lạ ở đây mà có lẽ không ở nơi nào có được chính là tục ăn thịt chó đầu xuân. Thông thường, thịt chó là món nhiều người kiêng ăn vào những ngày đầu tháng, đầu năm để tránh sự đen đủi cho những ngày còn lại trong tháng, những tháng còn lại trong năm. Ấy vậy mà ở miền quê này, ăn thịt chó lại trở thành “tục lệ” không thể thiếu của những ngày đầu xuân năm mới.

Sau chén rượu tăm thơm và cay nồng, Huynh gợi chuyện về cơ ngơi, ông Bền – chủ nhà, vui vẻ, nhún nhường:

-Chả giấu gì các bác. Mấy năm trước em làm ăn cũng gặp nên tích cóp được chút ít, nhờ anh em giúp nên dúm được chỗ này, gọi là học đòi, làm nơi thờ cúng ông bà, bạn bè tụ hội có chỗ ngồi tươm tươm một tý.

Chuyện đi, chuyện lại, Huynh biết thêm rằng chủ nhà nhập ngũ vào thời điểm Huynh đi học nước ngoài. Sau giải phóng miền Nam, giải ngũ về với thương tích đầy người, bố mẹ già, các em đông, người cựu chiến binh này đã phải trải qua một thời gian dài khốn khó cáng đáng việc nhà. Khi nhà nước có chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, ông Bền bắt được cơ hội, bàn với các em chuyển đổi đất ruộng, đấu thầu đất lầy trũng của hợp tác xã lập trang trại nuôi trồng đa canh đầu tiên của cả vùng. Cũng mấy đận mưa bão, dịch bệnh, mất trắng, nợ ngân hàng chồng chất nhưng mấy anh em ông vẫn tựa lưng vào nhau, gồng lên làm lại từ đầu. Trời chẳng phụ công vất vả của mấy anh em, sản phẩm cá, vịt, hoa, quả đặc sản từ trang trại của ông Bền đã mang lại cho anh em ông mỗi người một dinh cơ và cuộc sống đàng hoàng. Riêng ông Bền, không huy động các em, một mình đầu tư ngôi nhà gỗ này làm nơi thờ tự của cả chi tộc.

-Ở nhà quê, mình ăn gì hàng xóm biết cả, tiêu pha, giàu có ở đâu chưa ai khen chứ cái cái cách hành xử, việc tạo dựng nơi thờ phụng, chỗ để anh em, họ mạc quây quần ngày lễ ngày tết, dù là tùng tiệm cũng là cái để họ xét cái đức, cái nghĩa ăn ở của mình. Vậy nên em phải cố tý, các bác mừng cho…

Nghe chuyện của vị chủ nhà, hớp rượu như đắng lại trong cổ Huynh. Nghĩ về chuyện mình mấy bữa trước, Huynh lại chộn rộn, thảng thốt, không yên bụng…

…Hôm ấy là hăm ba Tết, đà đận mãi rồi Huynh cũng phải về quê. Mưa nhấm nhẳng đã mấy ngày, tuy không lạnh mấy nhưng đường sá, cảnh vật mọi chỗ lấm bẩn đến sợ, nhất là đoạn qua Chợ đê. Thịt cá, gà vịt, măng miến, hoa quả, đồ thờ, đồ may mặc, tạp hóa được dịp chen vai thích cánh giữa lối đi lép nhép bùn đất, hơn 11 giờ trưa, Huynh mới về đến ngõ.

Quái! Thằng Lanh đi đâu nhỉ? Đã hẹn rồi mà giờ này vẫn không thấy nó mở khóa cổng vào nhà. Cái gọi là nhà ở đây không phải nhà Huynh mà là 3 gian nhà ngói hẹp, tạm bợ của thằng cháu họ nhưng dựng trên thửa đất mà ông nội rồi thầy Huynh để lại. Căn nhà được thằng Lanh dựng khi nó mới lấy vợ, nay con nó đã vào đại học nên đã xập xệ lắm rồi. Tuy vậy, vai trò của nó vẫn còn rất lớn vì bát hương thờ cúng ông bà tổ tiên của Huynh (cũng là của bà nội nó) vẫn đặt ở căn nhà này, mặc nhiên khi giỗ tết, có công việc anh em Huynh về quê, thằng cháu chỉ làm chủ cái chìa khóa cổng còn vai trò chính là đầu sai bếp núc, cơm rượu…

Hết hai điếu thuốc rồi mà vẫn chưa thấy tăm hơi thằng cháu đâu, điện thoại nó thì cứ tò te tý suốt, Huynh cáu ra mặt. Đang phân vân chưa biết xử trí thế nào thì Huynh nghe thấy tiếng gọi ới vừa khan vừa ho từ bờ dậu phía trước sân nhà:

-Anh Huynh về đấy à? Sang chú uống nước!

Người vừa gọi là chú Sâm, ông chú trong nội tộc. Huynh nhớ láng máng là về vai vế trong họ thì ông nội chú Sâm với cụ nội Huynh là hai anh em ruột.

Ồ, phiền thật. Khi lên kế hoạch về quê, Huynh chủ định về muộn, không định vào thăm ai trong họ ngoài làng nên không mang theo quà cáp gì vừa phiền phức vừa mất thời gian, nhất là ngày Ông Táo, nhà ai cũng bày vẽ cúng bái, ăn uống, là khách về quê rất khó chối từ, vả lại vốn kỹ tính ăn uống, lại có điều kiện kha khá nên Huynh rất dị ứng với các món cỗ quê băm to kho mặn và Huynh nghĩ là không mấy sạch sẽ.

Lúng túng mãi mà Huynh vẫn chưa có phản ứng gì, chú Sâm lại gọi nhắc:

-Cứ sang đây uống nước đã, đừng đứng đó, rét lắm! Chắc thằng Lanh bận dở mấy xe hàng nên về muộn.

Cực chẳng đã, Huynh đành quay xe sang bên nhà ông chú. Đang ngượng ngùng chào thăm ông chú, bà thím, trình bày cái lý do lâu không về quê thì cô con dâu trưởng của ông chú đã nhanh nhẹn bê mâm rượu đặt lên cái sập ở gian giữa và đon đả:

-Chẳng mấy khi bác về chơi, hôm nay tiện Tết Ông Táo, có chén rượu lễ, bác xơi tạm với ông bà em.

Thằng Sình, con trai trưởng của chú Sâm cũng vừa rót rượu ra chén vừa bảo:

-Thằng cu Lanh hôm nay sẽ về muộn đấy, bác cứ xơi rượu đi, lát hẵng về bên nhà.

Trước tình thế oái oăm khó đỡ, Huynh đành cởi giày ngồi lên sập. Vợ thằng Sình là giáo viên, con nhà trên phố huyện nên nấu nướng khá ổn. Đĩa thịt gà ta vàng ươm rắc lá chanh bắt mắt, món thịt bò xào nóng hổi và đặc biệt là món thịt lợn áp chảo đặc trưng của quê Huynh được làm rất khéo. Tất cả đều sạch sẽ, nóng sốt và ngon khó cưỡng. Nhưng, vẫn như mọi bận về quê khi có đám thứ, Huynh chỉ ngồi cho đủ lệ, nâng lên đặt xuống chén rượu còn không đụng vào bất cứ thức gì. Bữa rượu ngoài dự kiến hôm nay càng khiến Huynh khó xử, mặc cho vợ chồng thằng Sình thi nhau gắp thức ăn vào bát và giục giã, Huynh chỉ đốt thuốc lá liên tục.

Sau hớp rượu khai vị, chú Sâm rủ rỉ bảo:

-Năm nay chú thấy sức khỏe kém đi nhiều, gần tám mươi rồi còn gì, chú lo lắm…

-Ôi! con thấy chú thím còn dẻo lắm, còn sống lâu, lo gì! Các em đây cũng trưởng thành hết rồi.

Chú Sâm cười:

-Ầy, anh nhầm rồi, chú có sợ chết đâu!

Thằng Sình nãy giờ ngồi im nghe bố và Huynh nói chuyện, bỗng xen vào:

-Bác Huynh còn bao lâu nữa thì được nghỉ hưu nhỉ?

Sao tự nhiên hôm nay ông chú và thằng em lại nói những chuyện chẳng đâu vào đâu thế này? Cách nói chuyện cũng nhũng nhẵng không đầu không cuối, khiến Huynh thực sự bối rối.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, thầy Huynh không đưa vợ con về quê mà định cư tại một vùng quê nghèo trung du – nơi đóng quân trước của ông, nhưng sẵn đất trồng sắn, trồng chè khả dĩ cung cấp lương thực cho đoàn tàu há mồm là tám anh em Huynh. Phải dăm năm sau, chú Sâm giải ngũ, lặm lội đi tìm, thầy Huynh mới đưa cả nhà theo chú Sâm về quê ra mắt họ hàng, cũng đúng vào ngày Tết Ông Táo giống hôm nay. Lúc đó Huynh còn bé không mấy để ý đến xung quanh, chỉ biết tết ấy rất vui, nhiều loại bánh trái và rất …oai, vì đám trẻ ở quê lớn lộc ngộc hơn Huynh nhiều nhưng đều một điều anh Huynh, hai điều anh Huynh. Sau này Huynh thắc mắc thì thầy giải thích: -Chúng nó là em mày vì tao là anh bố chúng nó!

Sau tết ấy, anh em Huynh còn được thầy đưa về quê ăn một cái tết nữa. Căn nhà tranh tre ông bà nội để lại cho thầy Huynh đã quá cũ, sau tết đầu tiên về quê ăn tết ở nhà chú Sâm, thầy bầm Huynh dồn dịch, vay mượn được hơn trăm bạc, chú Sâm cùng mấy anh em trong họ tìm mua được căn nhà gỗ cũ nhưng còn tốt về dựng lại trên nền cũ và cả nhà Huynh có một cái tết quay quần nữa dưới mái nhà riêng của thầy giữa quê hương, họ mạc. Tiếp theo là quãng thời gian dài cách trở bởi chiến tranh phá hoại, anh em Huynh lớn lên, còn thầy bầm thì già đi, mối liên hệ với quê cứ vậy mà thưa dần…Đến khi bố thằng Lanh- người được thầy giao trông nom căn nhà ở quê ốm nặng, trước khi về với các cụ đã cưới vợ gấp cho thằng Lanh và giao cho thằng Lanh dựng căn nhà nhỏ bên cạnh để trông nom ngôi nhà cũ nát của thầy Huynh một cách “nguyên trạng”. Rất nhiều dịp giỗ tết, nhất là sau khi thầy Huynh mất cách đây mấy năm, anh em nội tộc đều có ý giục giã Huynh sớm khôi phục lại căn nhà và đưa di cốt thầy và anh cả Huynh về quê thờ cúng. Đây cũng là mong muốn của Huynh nhưng ngặt nỗi, Huynh còn nhiều lấn bấn, chưa thể giải quyết ngay được. Khi thầy Huynh mất, mấy anh em buộc phải để ông nằm lại cạnh bầm trên vùng quê trung du đã gần như gắn bó với hai ông bà cả đời; anh cả Huynh thì nằm ở một nghĩa trang liệt sỹ tận Tây Nam bộ; chú em út thì bấy, hỏi cái gì cũng ậm ừ không biết; năm cô em gái Huynh thì đều lấy chồng thiên hạ, thành thử mọi việc đều trông vào cả Huynh.

Thời mới học xong đại học ở Liên Xô về nước, làm việc ở một viện nghiên cứu ở Hà Nội, thuận tiện nên Huynh cũng hay về quê, có tết Huynh còn đón thầy xuống ăn tết ở nhà Huynh, mồng một tết, Huynh đưa thầy về quê chúc tết. Những lần ấy thầy và chú Sâm thường khóc với nhau trong bữa rượu xuân…

Sau này, Huynh được cất nhắc có tý chức vị, ỷ vào công việc nhà nước, Huynh thưa về quê, kể cả có việc phải về thì cũng chốc lát kiếm cớ đi chóng vánh. Ngán nhất là theo vai vế, thầy mất đi, Huynh mặc nhiên đứng vai trưởng chi tộc, mọi công việc to nhỏ, đám em, lũ cháu ở quê đều “xin ý kiến” bác cả. Công sức, thời gian thì Huynh cố được nhưng tiền bạc thì vợ Huynh tay hòm chìa khóa chặt lắm. Càng sắp nghỉ hưu, bổng lộc càng khá, chính Huynh cũng nhiễm căn bệnh “vô tư” của vợ. Trước mỗi công việc, mỗi dịp về quê, Huynh đều lên kế hoạch thời gian và chi tiêu thật hoàn hảo, cố gắng tránh những phát sinh ngoài dự kiến. Huynh không biết rằng đám con cháu họ hàng ở quê, bề ngoài vẫn thưa gửi dạ vâng nhưng bên trong chúng chẳng mấy quý hóa bác.

Bữa rượu bị gián đoạn bởi hai vợ chồng Thục, con gái út của chú Sâm, ở huyện bên đưa con về chơi. Thằng bé cháu lạ lẫm lý nhí chào, Huynh vội lảng chuyện:

-Năm nay cô chú làm ăn khá không?

Chợt chú Sâm quay sang hỏi Thục:

-Thêm được bao nhiêu nữa hả con?

-Non vạn nữa thầy ạ, vị chi là hơn ba vạn, đủ không thầy? Bác Huynh…

Có vẻ như Thục định nói gì với Huynh nhưng chú Sâm đằng hắng ý nhị nên Thục nhanh nhảu chuyển làn:

-Kìa, bác Huynh xơi thêm chút nữa ạ, rau sạch vườn nhà đấy ạ, chiều bác chịu khó xách một ít về cho bác gái nấu…

Lúc bên bàn trà, chỉ còn hai chú cháu, chú Sâm mới hỏi thẳng:

-Thế cái việc khôi phục nhà ở quê và di thầy anh về, anh định thế nào?

-Thưa chú, cháu cũng muốn lắm nhưng hiện giờ cháu đang kẹt mấy việc thành thử…

Nghe Huynh lý nhí vẽ lý do lý trấu, chú Sâm sẵng giọng:

-Tôi hỏi thật, khó hay anh không muốn làm? Anh thiếu tiền hay anh sợ hơn thiệt với anh em?

Thiếu chút nữa thì Huynh sặc ngụm nước. Ông chú đã chỉ đúng tim đen, cái lý do khó nói nhất của Huynh. Trong thâm tâm, Huynh luôn xác định sớm muộn cũng phải dựng lại ngôi nhà chung trên mảnh đất của ông bà để lại, vừa là nơi thờ cúng, vừa lấy chỗ đi về bởi mấy anh em đều không sống ở làng. Được học hành tử tế hơn cả, lại may mắn có chút chức quyền nên khi nghỉ hưu Huynh cũng dành dụm được kha khá. Ba đứa con đều đã tự lo được, Huynh chẳng phải bù chì cho ai, việc tu tạo nhà thờ, di thầy bầm về nơi họ mạc hoàn toàn trong tầm tay của Huynh. Cái sự lần lữa của Huynh chính là do lâu nay Huynh luôn cho rằng thằng em út và năm cô em gái kém cỏi, chẳng chịu phấn đấu để có bằng cấp, chức vị và tiền của như Huynh, không xứng với tầm của Huynh, nên Huynh chẳng gần gũi với các em, Huynh chẳng đến nhà đứa nào và cũng chẳng bao giờ quan tâm xem các em, các cháu sinh sống thế nào. Cảnh giác với việc bị các em dựa dẫm, trong hành xử Huynh làm mặt nghiêm, các em cần gì đều phải nói trực tiếp với Huynh nhưng mọi truyền đạt của Huynh thì lại thông qua vợ Huynh, chẳng biết đâu là kết luận, đâu là suy diễn…

Rồi Huynh cũng nhận thấy mấy đứa em cứ dần lảng tránh Huynh. Đứa nào cũng kêu bận quá, cả năm chẳng tới nhà, chẳng gọi điện hỏi han như trước. Giỗ chạp, cưới xin, công phe việc giáp chúng về quê nhưng đều xong việc là đi ngay, ít khi trò chuyện cùng vợ chồng Huynh, có chào hỏi thì cũng giao đãi, chiếu lệ chứ chẳng mặn mà. Sẵn đố kỵ, Huynh mặc. Hừ! chúng mày có cần tao thì cần chứ tao cần gì chúng mày! Để xem không có tao chúng mày làm được gì? Cho đến khi công việc tất yếu ở quê đặt ra Huynh mới thấy rõ tình thế lạnh lưng hở sườn của mình. Việc không thể không làm, mà làm thì…huy động thế nào đây? Gay! Hôm trước vợ Huynh đã đỏ mặt, cao giọng:

-Phân bổ đều hết! Đây là việc chung. Bố mẹ của riêng, quê của riêng ông chắc?

-Đừng nghĩ to tát quá mà bỏ quên những điều nhỏ nhặt. Cái việc thờ cúng, hiếu nghĩa không cứ đồng tiền nhiều ít mà là ở lòng người. Hãy biết phận mình, biết sống giữa mọi người mới là cao thấp cháu ạ!

Giọng chú Sâm rành rẽ bao nhiêu thì tâm trí Huynh càng như thấm rượu bấy nhiêu. Về đến nhà thằng Lanh đã ba giờ chiều, trời đã khô, hoe vàng, toàn bộ khoảng sân chật kín những kiêu gạch hồng cao ngất. Thằng Lanh lễ mễ bê mâm cỗ cúng đặt lên bàn thờ và giục Huynh vào làm lễ nhưng Huynh hấp tấp hỏi dồn:

-Gạch nào đây? Của ai? Làm gì?

-Ô hay, thế cụ Sâm không nói gì với ông à?

-…?

-Tháng trước, bên quê chồng cô Thục giải tỏa các lò gạch thủ công, cô chú Thục được ưu tiên mua mẻ gạch cuối cùng đồng thời xin thêm tiêu chuẩn của người khác được hơn ba vạn viên. Cụ Sâm bảo cháu thông báo và các ông, các bà nhà mình đã gửi tiền về, cháu được giao chở về xếp ở đây, chờ khi nào ông khởi công việc ở quê thì sẵn gạch dùng. Gạch đẹp quá, những có mỗi mình cháu chạy xe, mãi quá trưa nay mới xong…

…Chia tay cái Tết Cùng của nhà ông Bền, lòng Huynh ngổn ngang như có bão. Ông  bạn định rủ đi vãng cảnh chùa Trăm Gian nhưng Huynh níu lại, giục:

-Về thôi, không đi chơi tiếp nữa, tôi có việc rồi!