Nghe bà ru cháu sáng Xuân

Mặt trời lên, làn sương tan dần nhưng những giọt sương trên mắt tôi thì không tan được. Thầm hỏi niềm vui và hạnh phúc đích thực của con người bắt nguồn từ đâu... Tiếng ru vẫn đều đều cất lên bên kia hàng rào nhà tôi: Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru

NGHE TIẾNG BÀ RU CHÁU SÁNG XUÂN

Qua một ngày tả tơi vì tết nhất, tối qua tôi vùi vào giấc ngủ không mộng mị. Tang tang sáng thì thức giấc và định thần lại: Hôm nay Mồng Hai tết Đinh Dậu.
ngoài trời ngún ngán sương. Làn sương đặc phủ lên đất trời một màu bàng bạc lạnh lẽo. Không gian mê mệt trước lúc bừng tỉnh. Trời lặng gió. Những cây lá trong vườn thiêm thiếp dưới sương. Đất trời vào năm mới xuân sang đang nghẫm ngợi điều gì đó như tôi cũng đang u hoài ngẫm ngợi.
Chợt mơ hồ có tiếng ru cháu cất lên. Đã lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại âm thanh ấy. Tiếng ru của bà ngồi trước hiên nhà ru cháu.
Bà là hàng xóm kề bên nhà tôi. Chồng bà, ông Ngô Văn Ký hơn tôi vài tuổi. Hai vợ chồng họ và đàn con hiện nay có mặt ở rất nhiều báo mạng khi ta gõ khóa " Làng chân dài" trên google. Ông bà cao nhưng không to béo nên ngều ngào khi đi đứng. Trước nhà họ có mảnh vườn khá rộng. Khi họ cuốc đất và cùng đội nón. Lúc chống cuốc đướng nghỉ. Khó nhận ra đâu là đàn ông hay đàn bà. Họ như cái thức mét thợ xây dựng ngược giữa trời. Cũng như tôi, tất cả đều nghèo đói trong thời điểm bao cấp những năm 80, 90 của thế kỉ trước. Họ có 4 con trai và không có con gái. Bốn thằng như ngỗng như ngan. Tôi nhớ một năm giáp hạt. Các cháu đi hái rau lang về luộc chấm với nước mẻ chua cho qua bữa. Ông Ký đùa: 5 thằng đàn ông và một con đàn bà ăn hết một rổ rau khoai lang. Ngày tết may ra được ăn no vài bữa. Bốn đứa con trai lộc ngộc rất hay bị ăn đòn. Ông Ký bà Cà đánh con như két. Chiếc roi bằng nhành ổi to như ngón chân cái lúc nào cũng dựng ở trái nhà và ngày nào cái doi ấy cũng có việc làm.
Ông Ký mất. Bà và 3 đứa đi Nha Trang sinh cơ lập nghiệp. Cháu Công, Cảnh, Kiều, ba anh em làm đủ mọi nghề...Rồi Ngô Văn Công, Ngô Văn Kiều làm cầu thủ bóng chuyền. Các cháu có bác ruột là ông Ngô Văn Kiếm, cán bộ tỉnh Khánh Hòa cưu mang đùm bọc.
Ngô Văn Kiều là cầu thủ bóng chuyền thì cả nước biết tên.
Tết này mấy anh em nó xum họp. Chúng uống rượu và hát ca suốt ngày. Lại một mâm đàn ông ràn rạt nâng chén. Chúng vô tư nói, vô tư cười. Chén đầu thì một thằng nói, 5 thằng nghe, mấy chén sau thì tất cả cùng nói, không có thằng nào nghe thằng nào. Một gia đình đã dầy đủ vợ chồng con cái theo mẹ về lại ngôi nhà xưa ăn tết. Thế mới biết: Con người với quê hương sâu nặng đến mức nào. Nhìn họ tôi nao nao buồn: Có nhữngđứa trẻ lớn lên từ đói khổ tận cùng nhưng vào đời cố gắng thành Người và thành Nghề. Có những đứa lớn lên bằng thịt cá no đủ nhưng vẫn thành ma. Nhiều đứa trốn nợ nhiều năm nay không dám về quê ăn tết. Ngày tết cha mẹ không nhận được thẻ hương để cắm lên ban thờ ông bà.
Tất cả là Con Người với cái Tâm và cách hành xử. Khi người ta chỉ 18 hay đôi mươi họ đã biết làm người nhưng có kẻ đến già vẫn không thành người.
Bên kia hàng rào tôi thấy bà Cà nựng cháu. Tôi chụp ảnh trộm bên này hàng rào và đứng lặng. Tiếng bà trầm đục cất lên: Công Cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. 
Mặt trời lên, làn sương tan dần nhưng những giọt sương trên mắt tôi thì không tan được. Thầm hỏi niềm vui và hạnh phúc đích thực của con người bắt nguồn từ đâu...
Tiếng ru vẫn đều đều cất lên bên kia hàng rào nhà tôi: Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru

Sớm Mồng 2 Tết Đinh Dậu